Những ý kiến đóng góp quý báu của đồng chí Lê Đức Anh trong quá trình xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng trong thời kỳ đổi mới
Giai đoạn đầu công cuộc đổi mới, quân đội nói chung và công nghiệp quốc phòng nói riêng phải giảm biên chế nhiều. Ngân sách cho sản xuất quốc phòng cắt giảm lớn, chỉ đủ mua khoảng 1/10 sản lượng trung bình của các nhà máy quốc phòng. Các nguồn vật tư cho sản xuất quốc phòng ngày càng hạn hẹp, nguồn cung cấp trước đây từ các nước xã hội chủ nghĩa bị cắt giảm, không bảo đảm cho nhu cầu sản xuất.
Nền kinh tế thị trường cạnh tranh quyết liệt, trong khi đó các nhà máy quốc phòng thường ở vùng đồi núi, không thuận lợi về giao thông; việc tận dụng năng lực dư thừa của các nhà máy quốc phòng để sản xuất hàng hoá dân sinh gặp nhiều khó khăn vì hiệu quả không cao. Các nhà máy quốc phòng của ta phần lớn đều xây dựng từ những năm 1960, 1970 rất lạc hậu về công nghệ, thiết bị, trong khi nhu cầu về sản phẩm quốc phòng tuy không cao nhưng đa dạng và thay đổi liên tục.
Từ thực tế trên, đồng chí Lê Đức Anh đã có rất nhiều ý kiến chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn:
- Phải gắn sản xuất quốc phòng với sản xuất kinh tế dân sinh, gắn công nghiệp quốc phòng với nền công nghiệp của Nhà nước.
Từ chỗ sản xuất quốc phòng hàng năm chỉ được đặt hàng bằng 1/10 doanh thu, các nhà máy đã tìm kiếm, tận dụng năng lực dư thừa để làm mặt hàng kinh tế chiếm 9/10 kế hoạch; doanh thu hàng năm tạm nuôi sống đội nhân để sản xuất hàng quốc phòng.
- Với tư tưởng chỉ đạo phải nuôi sống các nhà máy quốc phòng, Bộ Quốc phòng được các bộ, trước hết là Bộ Kế hoạch - Đầu tư, ủng hộ các dự án đầu tư chiều sâu để thay đổi về cơ bản các thiết bị chủ yếu, đã cũ hoặc quá lạc hậu bằng các thiết bị mới để duy trì tiềm năng của các nhà máy quốc phòng nhằm tăng năng suất, giảm giá thành, tăng chất lượng các mặt hàng quốc phòng, tăng thêm khả năng sản xuất, kể cả hàng kinh tế dân sinh. Tổng số có 14 nhà máy đã được đầu tư chiều sâu. Việc này đã đem lại một tiềm năng mới, một sức mạnh mới cho các nhà máy quốc phòng và các doanh nghiệp trong toàn quân.
- Song song với việc đẩy mạnh sản xuất hàng kinh tế của ngành công nghiệp quốc phòng, đồng chí Lê Đức Anh luôn luôn nhắc nhở chúng tôi phải duy trì đội ngũ cán bộ, công nhân quốc phòng gắn bó với nhà máy quân đội. Thực hiện điều này, nhiều tổng cục đã đề nghị và Bộ đã duyệt các kế hoạch đào tạo ngành nghề nòng cốt, bảo đảm có đủ trình độ chuyên môn chỉ huy các ngành đặc trưng như thuốc nổ, thuốc phóng, sản xuất vũ khí ... và Bộ cũng trực tiếp giúp chúng tôi giải quyết khó khăn về đời sống của công nhân.
- Trong điều kiện phe xã hội chủ nghĩa không còn nữa, việc đầu tư xây dựng mới các nhà máy quốc phòng gặp rất nhiều khó khăn. Nước ta nằm trong số các quốc gia bị hạn chế nhập thiết bị quân sự, vì thời điểm đó ta còn bị Mỹ bao vây cấm vận - Đồng chí Lê Đức Anh chỉ đạo việc xoá bỏ cơ chế bao cấp cứng nhắc đã lỗi thời, cho phép xúc tiến hợp tác đa phương hoá, đa dạng hoá trong đầu tư quốc phòng; do đó đã tạo điều kiện cho công nghiệp quốc phòng xây dựng được những nhà máy với công nghệ tiên tiến.
- Đồng chí đã quan tâm ưu tiên cho các dự án đầu tư sớm có thể khai thác được. Thí dụ: cho đầu tư vào một khâu cuối cùng của dây chuyền sản xuất để khai thác ngay, còn các khâu khác (ban đầu và trung gian) thì sẽ đầu tư sau để hoàn tất, nếu cứ đi từng bước một, từ A đến Z thì một dây chuyền hoàn chỉnh phải mất hàng chục năm. Như vậy ta sớm khai thác hiệu quả đầu tư và đỡ tốn kém vì phải trải vốn.
Ngày nay, sau khi thực hiện cơ bản Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị, điểm lại tình hình, chúng tôi nhận thấy những ý kiến quý báu của đồng chí Lê Đức Anh như đã nêu trên cần tiếp tục được vận dụng trong thời gian tới để các dự án đầu tư cho công nghiệp quốc phòng có hiệu quả to lớn hơn, góp phần vào sự nghiệp hiện đại hoá và công nghiệp hoá đất nước.
Thiếu tướng Trần Đức Việt
Sách Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước