Những người làm công tác chính sách mãi mãi biết ơn đồng chí
Nhưng việc quy định phải có hộ khẩu thành phố thì mới được cấp nhà, cấp đất dẫn tới những bức xúc trong cán bộ, sĩ quan. Rất nhiều sĩ quan đã từng lăn lộn chiến trường, nơi biên ải, có lúc họ phải đổ máu nhưng đến lúc về chẳng giúp gì được cho gia đình. Rất nhiều đồng chí xung quanh tôi công tác hàng chục năm ở Bộ tổng Tham mưu - cơ quan Bộ Quốc phòng, nhưng vợ con vẫn ở quê nhà dù chiến tranh lúc đó đã lùi xa. Rõ ràng việc quy định “Phải có hộ khẩu thành phố mới được cấp đất cấp nhà” đã làm cho một thời gian dài các đơn vị không giải quyết được chính sách về nhà ở cho gia đình cán bộ. Điều này chính Đại tướng Lê Đức Anh cũng rất quan tâm.
Khi tôi được quyết định làm Cục trưởng Cục Quản lý hành chính, nhiều lần được Bộ trưởng nhắc nhở tìm ra giải pháp tháo gỡ vấn đề trên. Là người đã từng lăn lộn qua các chiến trường, Đại tướng rất trăn trở làm sao giải quyết được nhà ở cho gia đình sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng để họ yên tâm công tác cũng như giải quyết bớt khó khăn cho cán bộ, sau khi ra quân.
Sau nhiều lần họp bàn giữa các cơ quan hữu quan của Bộ tổng Tham mưu và Bộ Quốc phòng, Chỉ thị số 48 ngày 16-2-1990 do Đại tướng Bộ trưởng Lê Đức Anh ký đã ra đời. Chương 6 của Chỉ thị với tiêu đề: “Về chăm sóc sĩ quan và hậu phương gia đình sĩ quan”, thực sự là hành lang pháp lý cho chúng tôi, Hội đồng Chính sách - Đời sống, thực hiện việc lo đất nhà cho cán bộ quân đội.
Tôi nhớ như in các điều quy định trong đó: “... Đơn vị ở cấp trung đoàn độc lập, sư đoàn và tương đương trở lên, đóng địa phương nào có trách nhiệm bàn bạc với chính quyền địa phương về quy hoạch xây dựng khu gia đình quân nhân, xin đất làm nhà, làm kinh tế gia đình và giúp đỡ cho sĩ quan đưa gia đình đến địa bàn gần đơn vị đóng quân hoặc địa bàn phù hợp với hoàn cảnh của sĩ quan, tạo việc làm cho người lao động và học hành cho con cái, bảo đảm quyền công dân của sĩ quan cư trú tại địa phương theo luật pháp quy định”. " Đối với cán bộ xa gia đình quá lâu, hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn thì tổ chức cần tạo điều kiện chuyển vùng công tác để có điều kiện chăm sóc hậu phương, nuôi dạy con cái... ”.
Từ Chỉ thị 48, chúng tôi đã vận dụng giải quyết chính sách cho cán bộ. Ban quy hoạch xây dựng và nhà đất tiến hành xây dựng các khu nhà mới, sửa chữa các nhà cũ quy hoạch đất đai không thuộc phạm vi doanh trại để cấp cho cán bộ. Ở Thành phố Hồ Chí Minh lúc đó, đường Cộng Hoà cắt sân bay quân sự trả lại cho thành phố, còn phần đất hai bên đường trước là doanh trại nguy nay không sử dụng đến, chúng tôi xin thành phố quy hoạch cho các cán bộ tiền phương Bộ Tổng Tham mưu, các đơn vị đóng trong khu vực sân bay và đặc biệt khu Hoàng Hoa Thám giải quyết cho lực lượng sĩ quan ở chiến trường K về. Thành phố hoàn toàn ủng hộ và còn tạo điều kiện cho các gia đình được cấp đất nhập khẩu.
Việc xét cấp đất nhà trong cơ quan Bộ Tổng Tham mưu làm tích cực, gần 2.000 hộ gia đình được cấp nhà đất. Trong Bộ Tổng Tham mưu thành lập Hội đồng Chính sách - Đời sống, căn cứ vào điểm số để phân đất, cấp nhà cho các đối tượng. Cách thức cho điểm thì dựa trên quân hàm, chức vị, thâm niên, mức độ cống hiến ở chiến trường, thương binh, gia đình liệt sĩ và anh hùng quân đội... Tất cả đều công khai dân chủ.
Nhớ một hôm, tôi cùng Trung tướng Nguyễn Thế Bôn vào thăm Thượng tướng Vũ Lập - Tư lệnh Quân khu 2. Anh mắc bệnh hiểm nghèo, khó qua được, chị và các cháu thì ở Yên Bái. Anh chị có nguyện vọng xin một căn nhà ở Hà Nội để tạo điều kiện cho các cháu ăn học. Chúng tôi về bàn bạc và báo cáo với Đại tướng Lê Đức Anh. Ngay sau đó tôi cầm quyết định cấp nhà đến bệnh viện trao cho anh Vũ Lập, anh cầm tay nắm chặt rơm rớm nước mắt cảm ơn Đảng và quân đội. Hai ngày sau anh đi xa ...
Đồng chí Nguyễn Nhâm, Đại tá Cục trưởng Cục Khoa học quân sự, người từng lăn lộn chiến trường, bị nhiễm chất độc màu da cam phải về, sống với vợ con ở Đông Anh. Gia đình anh rất nghèo khó, vì lo chữa bệnh cho anh phải bán cả nhà đi để lấy tiền chăm sóc. Lúc này anh đã nghỉ hưu, hưởng chế độ theo Nghị quyết 47, nhưng lãnh đạo Cục Khoa học quân sự có đề nghị với Hội đồng Chính sách - Đời sống xem xét. Về lý thì đơn vị đã giải quyết chính sách cho đồng chí Nhâm rồi, nhưng về tình cảnh đồng chí Nhâm quả thật rất cần sự giúp đỡ của đồng đội. Chúng tôi đã họp bàn và đề nghị trên tạo điều kiện cho đồng chí một miếng đất khu sân bay Bạch Mai. Cầm quyết định trong tay, đồng chí Nhâm đã khóc và nói: “Cám ơn Bộ Quốc phòng đã cứu vợ con tôi!...”.
Ở Bộ Tổng Tham mưu có một số đồng chí nữ tuổi đã cao, phục vụ trong quân đội nhiều năm, không chồng mà có con, hoặc tuổi cao mà quê hương không còn nơi nương tựa... khi bàn bạc giải quyết cấp nhà cho các đối tượng này, rất nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng chúng tôi cho rằng họ là những người đã chịu sự thiệt thòi vì không có gia đình đàng hoàng như bao gia đình khác, tuổi xuân cống hiến cho quân đội nay có điều kiện thì cũng nên tạo cho họ một mái nhà. Từ quan điểm ấy, được trên nhất trí, chúng tôi đã có quyết định cấp nhà, cấp đất cho một số đồng chí ở phía Bắc và phía Nam...
Chính sách nhà đất cho cán bộ quân đội không chỉ là vấn đề của quá khứ mà còn là vấn đề của hiện tại và tương lai. Việc chăm sóc cho cán bộ , quân nhân chuyên nghiệp và viên chức quốc phòng về hậu phương gia đình là nhiệm vụ hết sức cần thiết, bảo đảm cho cán bộ yên tâm gắn bó với cơ quan, đơn vị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Có thể khẳng định: ý tưởng tốt đẹp và đúng đắn này đã được thực hiện trong phạm vi toàn quân, trên địa bàn toàn quốc một cách cơ bản trong suốt nhiều năm qua mà xuất phát từ suy nghĩ, quan điểm và quyết định mang đậm tính nhân văn của đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, Uỷ viên Bộ Chính Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc quốc phòng.
Thiếu tướng Nguyễn Thế Kỷ
Sách Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước