Những “dự cảm đặc biệt” của Đại tướng Lê Đức Anh
GiadinhNet - Ngay khi về làm Tư lệnh Quân khu 9, tướng Lê Đức Anh dường như đã có một sự linh cảm về tình hình Campuchia nên có những bước chuẩn bị nhất định.
Theo chia sẻ của một số tướng lĩnh quân đội ta, Đại tướng Lê Đức Anh là người dám quyết, dám chịu trách nhiệm. Và một trong những quyết định của nguyên Chủ tịch nước khiến nhiều người đặc biệt ấn tượng, đó là sau khi Mỹ ký Hiệp định Paris (năm 1973), nhiều chiến trường ngừng bắn nên bị địch o ép, gây ra tình cảnh khó khăn nhưng ở Quân khu 9, ông Lê Đức Anh vẫn lệnh cho quân đánh địch.
Nhớ về những ngày tham gia cách mạng, Thiếu tướng Lê Xã Hội - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, Tham mưu trưởng Quân khu, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 4 kể: Lúc chiến trường ác liệt nhất, khó khăn nhất, anh Lê Đức Anh được cấp trên giao nhiệm vụ làm Tư lệnh Quân khu 9. Tại đây, anh Lê Đức Anh luôn bám sát chiến trường và có những "dự cảm đặc biệt.
Khi ấy, địch tập trung người và của để chi viện cho toàn chiến trường miền Nam của ngụy Sài Gòn và đế quốc Mỹ. Khi tướng Lê Đức Anh về đây đã góp phần đánh bại chiến lược “trực thăng vận” và “thiết sa vận” của địch sau Mậu Thân. Nổi bật ở đây là trận ở khu 8 và khu 9 gồm trận Ấp Bắc và trận Chà Là, bắn rơi nhiều trực thăng của địch. Tiểu đoàn 306 lên chiến trường Vĩnh Trà, đánh ở Trà Ôn, xã Hòa Bình, diệt 16 trực thăng. Qua đó bẻ gãy toàn bộ các gọng kìm.
Đại tướng Lê Đức Anh, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trong một lần họp mặt với các đảng ủy viên Đảng ủy Quân khu 9. Ảnh: Tư Liệu
Tại trận đánh vào Long Mỹ, xưa gọi là vùng Chương Thiện giờ là Hậu Giang, qua tài thao lược tướng Lê Đức Anh đã lần lượt chỉ đạo kìm chân địch để đánh bại lần lượt chiến thuật đó.
“Không chỉ có tầm nhìn chiến lược và sáng tạo trong cách đánh mà Đại tướng còn có sự phán đoán tình hình trước sự trở mặt của tập đoàn Pol Pot -Ieng Sary. Cụ thể, sau 1975, đồng chí trở lại làm Tư lệnh lần thứ 2, nhận định tình hình ở Campuchia, sự phản động của tập đoàn Pol Pot thì đồng chí Lê Đức Anh là một người đấu tranh, nhận thức, phán đoán biết trước. Cho nên đồng chí chủ trương khôi phục lại các đơn vị và tổ chức giữ lại các đơn vị. Lúc đó có nhiều ý kiến, nhưng đồng chí cương quyết. Khi có lệnh đánh sang thì tập trung đánh nhanh. Về vấn đề này tôi cho rằng, đồng chí rất tài tình”, tướng Lê Xã Hội chia sẻ.
Nói thêm về những chiến thuật, cách đánh mang lại thắng lợi lớn trong thời điểm Đại tướng Lê Đức Anh ở Quân Khu 9, Thiếu tướng Lê Xã Hội kể: Đối với đồng chí Lê Đức Anh, khi đã về chiến trường này thì có 2 việc. Thứ nhất là nhiều đồng chí nói bộ đội chủ lực xuống đây không hoạt động được thì đồng chí Lê Đức Anh lại tăng cường lực lượng xuống. Đồng chí đã điều động Trung đoàn 2 đưa về Miền rồi rút trở lại, tăng cường thêm Trung đoàn 10 và Trung đoàn 20. Từng bước tập trung lực lượng lại và xây dựng nên Sư đoàn 4 là trước tiên nhất để đánh tập trung. Cái hay của Đại tướng là cho đóng phân tán, nhưng khi đánh là tập trung, vững mục tiêu, có tính chất chiến lược, quyết định. Sau Mậu Thân 1968, lực lượng còn lại ít, thì đồng chí chuyển từ bộ binh sang đánh “đặc công hóa” rất hiệu quả. Từ đó, phát triển từ đánh nhỏ lẻ lên đánh lớn, chuyển từ đánh ban đêm sang đánh ban ngày, kết hợp hỏa lực hỗ trợ. Đây là sự uyển chuyển, hiệu quả trên chiến trường, vận dụng các hình thức để phù hợp với chiến trường lúc bấy giờ.
Lực lượng cách mạng giải phóng Phnom Penh. Ảnh: Tư Liệu
Điều ấn tượng, trong cuốn hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, năm 2015 ghi lại: Trong bối cảnh đất nước Campuchia vừa thoát khỏi họa diệt chủng, quân Pol Pot bị đánh tan, nhưng lực lượng của chúng còn đông, lại được sự giúp đỡ và chỉ huy từ bên ngoài nên luôn tìm cách phá hoại cách mạng Campuchia, việc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp bạn đòi hỏi phải nỗ lực rất lớn. Trên cơ sở quan điểm của Đảng là tôn trọng độc lập, chủ quyền, phong tục tập quán của bạn, ta giúp bạn để bạn tự vươn lên làm chủ, giành thắng lợi, tránh tác phong bao biện làm thay.
Quân đội và chuyên gia Việt Nam đã khắc phục khó khăn, không ngại gian khổ đi cứu đói, cứu đau cho dân; dân bị đói dài ngày đi liền với dịch bệnh xuất hiện. Cụm từ “cứu đói, cứu đau” lúc đó được phổ biến đến từng đơn vị. Ta lập các tổ vận chuyển lương thực, tổ y tế đến từng địa phương cứu đói, cứu đau cho dân; đồng thời đưa các bác sĩ, y sĩ, y tá của ta kết hợp với bác sĩ, y sĩ, y tá của bạn thành lập các bệnh viện, bệnh xá để chữa bệnh cho dân; nhanh chóng khôi phục lại đời sống xã hội Campuchia, tạo mọi điều kiện để người dân tha phương, người dân bị o ép trong các trại tập trung mà bọn Pol Pot gọi là công xã trở về quê hương bản quán của mình. Tức là khôi phục lại phum sóc, làng xã, dựng lại nhà cửa, trường học, chùa chiền. Ruộng đất, vườn tược của ai thì được trả lại cho người ấy.
Bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Campuchia năm 1979. Ảnh: Tư Liệu
Những ngày đó, chỗ nào xe đi được thì ta dùng xe để chở lương thực, thực phẩm đến cứu đói cho dân. Nơi nào xe không đi được thì bộ đội gùi, mang vác gạo, muối và thuốc men đến cứu dân. Người dân đói rách lâu ngày, lại không được tắm nên cơ thể vừa tiều tụy vừa toát ra một mùi hôi, khét. Nhưng anh em bộ đội tình nguyện chẳng nề hà, cứu họ như cứu người thân của mình. Người còn đi được thì anh em dìu đi. Người không đi được thì anh em bế, cõng họ về doanh trại, bón cháo, cho uống thuốc, rồi đưa họ đi tắm và giặt quần áo cho họ. Khi họ đã tỉnh lại, có thể đi được thì anh em dìu họ trở về quê. Có thể nói, cứu đói, cứu đau là một thời kỳ đã đi vào lịch sử nước bạn.
Cao Tuân