Quay lại

Những dấu ấn sâu đậm về Anh

Đầu năm 1964, tôi làm Tham mưu trưởng Khu 6 (Cực Nam Trung Bộ), được Bộ Tư lệnh Miền và Quân khu cho ra Bắc chữa bệnh, kết hợp báo cáo tình hình và xin bổ sung lực lượng, vũ khí trang bị.
 

Sau đó tôi làm việc với anh Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng. Anh đã giải quyết các yêu cầu cho Khu 6, đồng thời cho phép tôi trở về miền Nam theo Đường Hồ Chí Minh trên biển, trên con tàu Không số chở vũ khí chi viện cho đồng bào và chiến sĩ miền Nam.

Sau những ngày lênh đênh trên sóng nước, tàu cập bến huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre, chúng tôi theo đường giao tỉnh Mỹ Tho, qua cánh đồng "Chó ngáp" đến trạm liên lạc của Miền (B2). Nghe tin tôi đến trạm giao liên, anh Lê Đức Anh (anh Sáu Nam) cử người ra đón tôi vào thẳng chỗ anh làm việc, đồng thời cũng là nơi ăn ở của anh. Lúc này, anh Lê Đức Anh là Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Miền. Tuy chưa hề quen biết nhau nhưng anh tiếp tôi với thái độ thân tình, niềm nở, tạo không khí hoà nhập ngay từ đầu. Anh bảo, hãy tranh thủ nghỉ ngơi cho lại sức rồi ta sẽ làm việc; rồi anh quay sang đồng chí cần vụ và bảo: "Bố trí anh Xuyên nghỉ chung cùng lán với tôi và hàng ngày cùng ăn cơm với tôi để tranh thủ trao đổi công việc". Tôi rất xúc động về sự chăm sóc ân cần của đồng chí Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Miền với tôi là một Tham mưu trưởng của Quân khu. Anh bố trí để tôi báo cáo tình hình khi nhận nhiệm vụ ở miền Bắc. Anh nghe rất chăm chú, nhất là những ý kiến của đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ đối với Khu 6 trong thời gian sắp tới. Về nhiều nội dung anh rất tâm đắc, anh hỏi rất cặn kẽ như để hiểu cho rõ, nắm cho chắc. Cách làm việc của anh thật nhẹ nhàng, thoải mái. Đó là cách làm việc không phải bằng các cuộc họp hành mà chính là bằng các cuộc trao đổi tâm tình thân thiết như anh em xa nhau lâu ngày mới gặp lại. Những cuộc trao đổi như vậy diễn ra trong mọi lúc, mọi nơi, kể cả trong các bữa ăn. Anh còn hỏi thăm sức khoẻ của tôi và thời gian điều trị ở miền Bắc. Khi tôi nói về gia cảnh vợ và hai con tôi hiện đang sống ở miền Nam trong sự o ép đủ bề của bè lũ Mỹ - ngụy, con thứ hai của tôi từ khi sinh ra đến giờ vẫn chưa thấy mặt cha, vợ tôi thì bị bắt đi tù vì hoạt động cách mạng và có chồng đi tập kết, nghe đến đây, với giọng đầy thương cảm và xúc động  anh an ủi và động viên là tôi còn may mắn, còn liên lạc được với gia đình và có người vợ kiên gan và thủy chung như vậy.

Những ngày ở Bộ Tham mưu Miền, tôi đều được anh cho đi dự các buổi giao ban và các buổi làm việc của cơ quan, giúp tôi hiểu thêm tình hình và những kinh nghiệm thực tiễn phong phú và sinh động của các mặt trận trong toàn miền. Tôi nhớ mãi trong một cuộc họp có đồng chí cán bộ đề xuất là ta cần phải tập trung sức lo cho phong trào đồng bằng và đô thị. Nghe vậy, anh đã có ý kiến chấn chỉnh; anh nhắc nhở mọi người là cần phải nắm vững phương châm "ba vùng", không được xem nhẹ vùng rừng núi, xây dựng các mặt ở vùng rừng núi vững mạnh, có “làm chủ núi rừng” mới tạo thành bàn đạp cho các cuộc tấn công cũng như bảo vệ hành lang Nam - Bắc. Nghe anh nói, tôi cảm nhận sâu sắc là anh đã nắm vững, kiên định và quyết tâm thực hiện cho bằng được phương châm, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, kịp thời uốn nắn những nhận thức chưa hoàn chỉnh, bồi dưỡng những vấn đề cơ bản cho cấp dưới ngay trong hoạt động thực tiễn sinh động. Thời gian ở Bộ Tham mưu không lâu, nhưng tôi đã học tập được ở anh nhiều điều bổ ích. Và qua đó, tôi thấy anh là một cấp lãnh đạo có phương pháp bồi dưỡng cán bộ rất thực tế, nhẹ nhàng mà thấm thía.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, với tinh thần chiến đấu kiên cường và dũng cảm vô song của quân và dân hai miền, ngày càng thu được những thắng lợi to lớn, dồn đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ngày càng lâm vào thế bị động, thế thua, buộc chúng phải ngồi vào bàn hội nghị, phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam. Theo Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam: Đây là thắng lợi to lớn, thắng lợi vĩ đại, thắng lợi lịch sử, thắng lợi chưa từng có truyền khắp trong nước và thế giới.

Trong lúc ấy, đã diễn ra một cuộc họp ở Miền rút kinh nghiệm của một số nơi về thi hành Hiệp định. Anh Lê Đức Anh, lúc đó là Phó tư lệnh Miền kiêm Tư lệnh Quân khu 9, đã phát triển đại ý: "Kinh nghiệm ở Quân khu 9, có Hiệp định đó là cơ sở pháp lý tốt , ta phải tận dụng cho hết giá trị của nó để tiến hành các mặt đấu tranh buộc địch phải thi hành Hiệp định. Nhưng không được mơ hồ ảo tưởng, tin vào thiện chí của kẻ thù, ta có kinh nghiệm xương máu trong đấu tranh thi hành Hiệp định Giơnevơ 1954. Phải thấy cho hết những âm mưu và thủ đoạn thâm độc, ngoan cố và lật lọng của đế quốc Mỹ và tay sai. Do đó, cuộc đấu tranh này còn rất gay go quyết liệt trên các mặt, kể cả đấu tranh vũ trang. Chính vì vậy, không được chống súng ngồi chờ kẻ thù tự giác thi hành Hiệp định, mà phải kiên quyết đấu tranh bằng tất cả mọi phương thức, với mọi phương tiện, tạo thành sức mạnh tổng hợp mới có thể buộc địch phải thi hành Hiệp định. Phải tranh thủ chớp thời cơ, tận dụng thời gian, chủ động tấn công tiêu diệt đồn bốt địch, phá ấp chiến lược, giành dân, giải phóng đất đai, tạo thế mới, lực mới cho cách mạng. Nhờ làm được như vậy nên chiến trường Quân khu 9 không những vẫn giữ vững được vùng giải phóng mà còn tấn công tiêu diệt địch, mở rộng thêm vùng giải phóng, tạo được thế mới lực mới cho cuộc tấn công tiếp theo. "Anh nói ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, dứt khoát, đầy tự tin, có sức thuyết phục và truyền cảm mạnh mẽ đối với chúng tôi là những người ngồi nghe. Điều đó càng làm cho mọi người cảm nhận sâu sắc rằng anh Lê Đức Anh là một nhà lãnh đạo, chỉ huy có tầm nhìn chiến lược, nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng, quán triệt đường lối, phương châm và phương pháp đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Ở anh thể hiện khá rõ tính kiên định cách mạng, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, từ đó anh mới có được sự nhạy bén, linh hoạt và sáng tạo trong việc đấu tranh buộc quân địch thi hành Hiệp định, đưa đến những thành côngnhư vậy. Trong khi đó có nơi do còn lưỡng lự nên để kẻ địch lấn chiếm, còn ta thì lâm vào bị động. Bài học kinh nghiệm thực tiễn của  Quân khu 9 đã giúp cho Khu 6 chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi mạnh dạn hơn, tự tin hơn và kiên quyết đánh trả, đập tan những cuộc hành quân của địch, giữ vững vùng giải phóng. Trên địa bàn Khu 6, chúng tôi cũng mạnh mẽ và kiên quyết tấn công tiêu diệt địch, phá ấp chiến lược, giành dân, mở rộng vùng giải phóng, tạo được thế mới và lực mới, nhờ đó đã phối hợp với bộ đội chủ lực của Bộ và của Miền thực hiện giải phóng Khu 6 vào đầu năm 1975.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Quân và dân Việt Nam đã thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ vĩ đại “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Đất nước ta đã sạch bóng quân xâm lược. Tổ quốc được thống nhất, giang sơn liền một dải. Chính trong hoà bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tôi mới may mắn có điều kiện công tác dưới sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của anh Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Lúc này tôi làm Tư lệnh Quân khu 3. Anh rất quan tâm đến tình hình chiến sự ở biên giới. Tôi nhớ mãi trong chuyến anh xuống kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu của Quân khu 3. Tôi đưa anh đi kiểm tra một số đơn vị và báo cáo tình hình Quân khu, nhất là tuyến biên giới Quảng Ninh. Anh đã nghiên cứu cách bố trí lực lượng, khả năng và sức chiến đấu của bộ đội trên toàn tuyến.

Khi về làm việc với Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân khu, anh chỉ thị về chấp hành chủ trương mới của Bộ Chính trị. Với cách nói ngắn gọn, rõ ràng và dứt khoát, anh ra lệnh phải nhanh chóng chuẩn bị các vị trí để đưa các sư đoàn bộ binh và các lữ đoàn binh chủng đang bố trí sát biên giới về phía sau, các binh chủng hỏa lực cũng chỉ để lại một số đơn vị trực chiến, còn đại bộ phận cũng lui về phía sau. Trên mỗi huyện biên giới, trước mắt để lại một trung đoàn, đây chỉ là "liều thuốc an thần", chứ sau này trên mỗi huyện chỉ để lại một tiểu đoàn là đủ. Phải chăm lo xây dựng dân quân du kích và tự vệ trên toàn tuyến biên giới cho thật mạnh. Các đơn vị về phía sau cần phải tranh thủ huấn luyện, bồi dưỡng các mặt, bảo đảm sức chiến đấu và sẵn sàng cơ động. Anh truyền thụ lòng tin vững chắc cho cấp dưới trong thi hành. Chủ trương rút phần lớn lực lượng trên tuyến biên giới về phía sau là chính xác, đã giảm bớt cho ta biết bao khó khăn trong việc giải quyết đời sống, bảo đảm sức khoẻ cho bộ đội, góp phần quan trọng cải thiện thế chiến lược trong toàn quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, cải thiện thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Năm 1988, tôi được điều về làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, đến năm 1993 được giao Thứ trưởng thường trực.

Cho đến thời điểm này, cuộc sống của bộ đội, nhất là bộ đội ở các tuyến đảo và biên giới còn muôn vàn khó khăn. Anh chỉ đạo việc tổ chức các đơn vị sản xuất ở các cấp; quân đội phải tự lo một phần về bảo đảm vật chất, không được chỉ ngồi chờ cấp trên phát xuống. Anh chỉ thị cho tôi, bằng mọi biện pháp bảo đảm cải thiện đời sống của bộ đội ở Trường Sa, trước mắt bảo đảm rau xanh và thịt, cá tươi. Đây là vấn đề rất khó vì rau vận chuyển từ đất liền ra bằng tàu thủy thì bị nhiễm mùi hôi của xăng dầu không thể nào ăn được, còn ở các đảo thì toàn là đá và cát sỏi. Chấp hành chỉ thị của anh, tôi đã bàn với cơ quan Tổng cục Hậu cần làm hàng trăm cái khay bằng gỗ và đưa đất từ Khánh Hoà ra để trồng rau tại đảo, giải quyết thành công vấn đề rau xanh. Cho đến nay, bộ đội ở cả đảo nổi và đảo chìm, mùa nào loại rau đó, có rau ăn hàng ngày và rau ăn cả năm. Nhưng còn một việc anh giao mà chúng tôi chưa làm được, đó là nuôi cá lồng ở các đảo, vì lúc đó chưa khắc phục được một số vấn đề về kỹ thuật.

Quân đội ta kể từ khi mới thành lập đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong điều kiện khó khăn ác liệt. Do vậy, công tác bảo đảm hậu cần vẫn theo phương thức cấp phát bằng hiện vật, Tổng cục Hậu cần nhận từ các nguồn của Nhà nước rồi đem về cấp phát cho các đơn vị trong toàn quân. Phương thức này thuận lợi trong điều kiện chiến tranh, còn trong hoà bình xây dựng theo cơ chế thị trường thì rõ ràng có hạn chế. Tôi báo cáo với anh Lê Đức Anh và đề xuất xin bảo đảm hậu cần theo phương thức mới, tức là được nhận thẳng ngân sách của Nhà nước. Anh nghe tôi báo cáo rất chăm chú, hỏi một số điều, tôi đã báo cáo kỹ trở lại. Sau khi suy nghĩ cân nhắc, anh nhất trí cho làm sau khi đã báo cáo và được Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Kể từ đó, quân đội ta đã thực hiện tiền tệ hoá công tác bảo đảm hậu cần, nghĩa là Nhà nước chỉ cấp tiền, còn việc mua sắm vật chất thì do Tổng cục Hậu cần và Cục Tài chính chịu trách nhiệm quản lý thực hiện. Từ khi thực hiện phương thức mới này, công tác bảo đảm hậu cần được chủ động hơn, chất lượng vật chất tốt hơn, mà vẫn bảo đảm đủ tiêu chuẩn chế độ cho bộ đội và có dự trữ cho sẵn sàng chiến đấu. Qua việc này, tôi học được ở anh Lê Đức Anh tính nhạy bén với cái mới do thực tiễn đặt ra, đồng thời cũng rất cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.

Để thực hiện Nghị quyết 47 của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương về chủ trương giảm quân số, có nhiều vấn đề phải giải quyết, nhất là những vấn đề nhạy cảm xung quanh việc chăm lo đời sống và hậu phương quân đội, vấn đề nhà ở cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và công nhân quốc phòng. Nhờ có Nghị quyết 47 nên hàng vạn gia đình cán bộ đã có chỗ ở đoàn tụ, ổn định cuộc sống gia đình, bước vào cuộc sống đời thường, giảm quân số đúng theo kế hoạch mà không xảy ra sai sót lớn. Anh chị em đều nói lên lòng biết ơn của mình đối với Đảng và Quân đội, trong đó ghi nhận vai trò của đồng chí Bộ trưởng Lê Đức Anh.

Với bài viết này, tôi muốn nói lên những điều học tập ở anh và những dấu ấn sâu đậm về anh Lê Đức Anh - anh Sáu Nam kính mến!

 

Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên
Sách Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước