Những chuyện “ít người biết” về nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh
VOV giới thiệu bài viết của TS Vũ Phạm Quyết Thắng- nguyên Vụ trưởng Văn phòng Chủ tịch nước về nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Có những câu chuyện về ông, có người biết nhưng chắc chắn nhiều người chưa biết... Tôi mạo muội ghi lại đây với lòng thành kính thay những nén hương thơm thắp tưởng nhớ ông.
Tác giả Vũ Phạm Quyết Thắng (bên trái Đại tướng Lê Đức Anh) trong dịp sinh nhật nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh ( tháng 12/2014)
Vào giữa những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, kẻ địch lợi dụng ta đang tập trung giúp bạn thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, đã thọc sâu vào biên giới bắn giết tàn phá nhà cửa của đồng bào, của các cơ quan chính quyền địa phương, các cơ sở kinh tế của ta, gây tang tóc một giải biên cương... Quân dân ta đã đánh trả quyết liệt, nhưng tương quan lực lượng không tương xứng, nhiều chiến sĩ ta hi sinh, nhiều vùng đất của các tỉnh phía Bắc bị địch lấn chiếm...
Khi lên thị sát mặt trận, sau khi tham khảo các sĩ quan tham mưu - với tư cách là Bộ trưởng bộ Quốc Phòng, ông chủ trương giảm thiểu đụng độ quân sự trực diện, sử dụng chiến tranh du kích kết hợp với công tác vận động đồng bào vùng biên quay trở lại bám đất, tận dụng mối quan hệ thân tộc của các bản vùng ven hai bên biên giới làm rõ tính chính nghĩa của cuộc chiến về phía ta và vạch trần bản chất tàn ác phi nghĩa của địch.
Với tư duy như thế, cộng với thực tế dư luận đang diễn ra trên thế giới, ông đã quyết định cho bộ đội rút về tuyến sau, vừa giảm thiểu hi sinh, vừa tạo cơ hội để củng cố lực lượng bộ đội trong phòng ngự khi cuộc chiến kéo dài.
Quyết định rút quân về tuyến sau là một Quyết định táo bạo. Hoàn cảnh lúc đó không phải không nhận được ý kiến trái chiều, nhưng là vị tướng đã qua trận mạc, ông hiểu cái giá máu xương của chiến sĩ, ông hiểu tình thế lúc đó. Quyết định lui quân về tuyến sau, tạo nên một dải biên giới mềm giữa các bản làng dọc theo biên giới hai bên thực sự là quyết định đúng đắn thể hiện tài thao lược chỉ huy và trách nhiệm của người cầm quân với đồng bào chiến sĩ cả nước. Và cũng là thể hiện tinh thần yêu chuộng hoà bình không muốn chiến tranh của nhân dân ta.
Chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 (Ảnh: Tư liệu)
Trong những năm ở cương vị Chủ tịch nước, ông đã có những chuyến thăm lịch sử, để lại dấu ấn không bao giờ nhạt phai.
Năm 1995 có lẽ là năm đặc biệt nhất. Lần đầu tiên Tổng thống Pháp mời Chủ tịch nước Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng phát xít tại Paris. Với vị thế khó khăn trên trường quốc tế của ta khi đó, chuyến đi có ý nghĩa vô cùng quan trọng và vị Đại tướng đã thể hiện thật tốt vai trò người đứng đầu đất nước.
Cũng trong năm 1995, hẳn nhiều cán bộ tháp tùng và kiều bào ta ở New York sẽ luôn ghi nhớ cảm giác tự hào khi chuyến bay đầu tiên của chuyên cơ Việt Nam, với vị Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh lần đầu tiên hạ cánh tại sân bay JFK, New York ngày 22/10/1995. Đại sứ Việt Nam tại phái đoàn Liên Hợp Quốc khi đó là ông Ngô Quang Xuân đã khóc vì vui mừng, tự hào khi máy bay mang cờ hiệu Việt Nam lăn vào sân đỗ. Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên họp đặc biệt kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hợp Quốc.
Tổng thống Mỹ Bill Clinton và phu nhân đón tiếp Chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh và phu nhân tại Mỹ năm 1995. (Ảnh tư liệu)
Ngoài lịch trình họp với bài phát biểu quan trọng mang thông điệp hòa bình và hòa giải, ông đã khiến mọi người bất ngờ khi quyết định đến thăm khu phố nghèo Harlem nơi Bác Hồ đã từng sống. Có đến cả một trung đội mật vụ Mỹ bảo vệ ông với súng ống lên nòng sẵn sàng. Ông không chỉ ngồi trên xe mà còn đi bộ xuống hỏi thăm người dân da đen thuộc thành phần bần cùng của xã hội tại khu phố đó. Đúng là tính khí của một vị tướng chiến trường.
Ít người nhắc đến việc ông là nguyên thủ quốc gia duy nhất của Việt Nam đã thăm đất nước Syria xa xôi, tươi đẹp với tình cảm quý mến dành cho Việt Nam. Lãnh tụ Hafel Al Assad (thân sinh của đương kim Tổng thống Syria hiện nay) đánh giá rất cao chuyến thăm và đã dành những tình cảm đặc biệt cho ông và đoàn cấp cao Việt Nam.
Nhớ lại những năm 90 của thế kỷ trước, khi đất nước ta đang trong thế bị nhiều nước phương Tây phong toả về mọi mặt, là người phụ trách công tác đối ngoại trong Đảng, ông đã thực hiện chủ trương phá thế bao vây cấm vận của Mỹ một cách sáng tạo, đầy nhân văn. Vào thời điểm cam go này không ít ý kiến nêu ra là: phải thành lập các đoàn Chính trị ngoại giao sang thuyết phục Chính phủ Mỹ, có ý kiến nên cử các đoàn doanh nhân Việt Nam sang Mỹ, lại có y kiến cử các đoàn văn hoá- văn nghệ sang Mỹ giao lưu để từng bước phá vỡ thế bao vây cấm vận của Mỹ... cũng có ý kiến muốn trông chờ vào Liên hiệp Quốc, hoặc Thông qua một nước trung gian làm cầu nối hoà giải với Mỹ
Ông chủ trương chủ động, độc lập tiếp xúc với chính phủ Mỹ thông qua ngoại giao nhân dân, thông qua các tổ chức đoàn thể của Mỹ để họ hiểu thêm về Việt nam. Ông tán thành việc cử đoàn y tế sang Mỹ nhưng nước Mỹ không phải là nước lạc hậu về y tế! Cần chọn đoàn y tế thế nào? Vừa giỏi chuyên môn vừa thể hiện sự cảm thông, chia sẻ mang tiếng nói nhân ái vị tha xoá bỏ hận thù, mang bức “Thông điệp hoà bình “ đến với nhân dân Mỹ. Và thế là một đoàn bác sĩ chuyên gia y tế giỏi đã được ông đích thân chỉ đạo.
Điều ngạc nhiên với nhiều người lúc ấy nghĩ, ông sẽ đề nghị các bác sĩ giỏi đầu ngành về tim mạch, về phẫu thật lồng ngực, về tiêu hoá... Nhưng không, ông đã trăn trở và đi đến quyết định cử một đoàn y tế do giáo sư Phan, người có bàn tay vàng về phẫu thuật chỉnh hình cho một số bộ phận trên cơ thể người sang Mỹ. Chuyến đi của Giáo sư Phan như ông nhấn mạnh khi tiễn giáo sư lên đường đi Mỹ: tập trung khám điều trị phẫu thuật chỉnh hình trước hết là cho những binh sĩ Mỹ đã tham gia chiến tranh ở Việt Nam mà bị thương tật ở bộ phận gây cản trở khó khăn trong sinh hoạt, giúp họ tự tin để tái lập cuộc sống gia đình.
Ý kiến chỉ đạo này đã được đoàn y tế của giáo sư Phan quán triệt, trước hết làm cho các binh lính Mỹ bị thương ở Việt Nam lấy lại được sự tự tin, nguồn cảm hứng bước vào cuộc sống gia đình hạnh phúc. Đã có nhiều bé trai, bé gái Mỹ ra đời sau khi cha chúng được giáo sư Phan và cộng sự của ông phẫu thuật.
Kết quả này lan truyền trong hội cựu chiến binh Mỹ đã từng ở Việt Nam và gia đình họ, tạo nên áp lực đối với chính phủ Mỹ và làm sáng tỏ hơn nữa lòng nhân ái, vị tha của dân tộc Việt Nam. Kết quả này cùng nhiều công tác ngoại giao chính trị khác của Đảng và nhà nước ta cũng như dư luận bạn bè trên thế giới đã đưa nước Mỹ đến gần Việt Nam hơn. Và, hàng rào ngăn cách hai quốc gia được tháo gỡ.
Còn nhớ, một lần trong chuyến đi thị sát miền Đông Nam bộ, khi đi ngang ngã ba Vũng Tàu, thấy một vài cơ sở kinh tế nước ngoài chiếm giữ một dải đất rộng cận kề sông Thị Vải, ông nêu thắc mắc và băn khoăn của mình rồi quay ra hỏi cán bộ đi theo làm thế nào vừa giữ vững được lập trường quan điểm mở rộng hợp tác với các nước, không phương hại đến đường lối đối ngoại của Đảng, lại đảm bảo tính chủ động kiểm soát địa bàn chiến lược về quân sự giữ vững được an ninh cửa ngõ của Thành phố Hồ Chí Minh? Sau khi nghe cán bộ đi theo báo cáo và trình bày, ông đặt ra nhiều câu hỏi thảo luận... rồi khi cân nhắc kĩ, ông chấp nhận giải pháp “con ong" mà cán bộ đề xuất nhưng không quên nhắc nhở phải thật thận trọng... Với ý kiến chỉ đạo của ông, một loạt biện pháp đã được triển khai, đảm bảo mối quan hệ hợp kinh tế giữa ta và các đối tác nước ngoài phát triển thuận lợi, đảm bảo được công tác an ninh quốc phòng cho đất nước.
Một lần ông đi công tác ở một tỉnh miền núi, khi nghe các đồng chí lãnh đạo báo cáo đã thực hiện “nghiêm chỉnh” chủ trương của Đảng và nhà nước về công tác xoá mù chữ trong dân, đã đảm bảo 100% người dân ở độ tuổi dưới 60 thoát mù chữ... Ông lắng nghe chăm chú rồi chậm rãi nói “Chủ trương xoá mù chữ trong dân là một chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước ta, nó thể hiện bản chất tốt đẹp và nhân văn của Đảng ta, đồng thời nhấn mạnh vị trí của cuộc cách mạng văn hoá trong quá trình xây dựng kinh tế cho đất nước.
Ông nhắc nhở với các tỉnh miền núi, khi cơ sở kinh tế văn hoá và điều kiện của người dân còn khó khăn, hãy tập trung xoá mù cho tầng lớp dân cư trẻ, tập trung đầu tư các trường dân tộc nội trú nhằm tạo ra một đội ngũ công dân trẻ khỏe có kiến thức văn hoá tốt để làm việc lâu dài thay vì dàn trải kinh phí để mở các lớp kiểu bình dân học vụ xoá mù cho nhiều người đã không có điều kiện học lên, thậm chí không có điều kiện duy trì để khỏi quên cái chữ khi các đợt ra quân xoá mù chữ kết thúc
Trong chuyến đi thăm Tây Nguyên, thấy hiện tượng đồng bào dân tộc bị mất đất phải quay trở lại rừng sâu, phá rừng làm rẫy theo mùa, ông thực sự bức xúc và lo lắng. Ông nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo địa phương và có một buổi làm việc với tất cả các đồng chí thường vụ Tỉnh ủy, thường trực ủy ban của các tỉnh ở Tây Nguyên. Bài nói đó tuy không có ghi âm nhưng được ghi chép tốc ký, phản ánh tư duy chiến lược của ông về Tây Nguyên và những dự báo cho dải đất này về chính trị - kinh tế- văn hoá...
Tác giả Vũ Phạm Quyết Thắng (người đứng giữa, hàng dưới cùng) trong chuyến tháp tùng nguyên CT nước Lê Đức Anh về Đường Lâm thắp hương tại Lăng Ngô Quyền (30/9/2017)
Không ai là thần thánh, không ai là vẹn toàn, nhưng xin kể một vài câu chuyện nhỏ mà những người phục vụ bất chợt được nghe, được biết trong nhiều câu chuyện, nhiều công việc mà ông đã trải qua trong cuộc đời tưởng chừng lặng yên nhưng thực ra cũng đầy sóng gió gian truân.
Thương tiếc ông, một con Người- một đời Người.
TS Vũ Phạm Quyết Thắng - nguyên Vụ trưởng Văn phòng Chủ tịch nước