Quay lại

Những chiến sĩ “không số”

Từng người... Từng người nghiêng mình thắp nén nhang, thả từng bông hồng, vòng hoa xuống biển viếng, tưởng niệm anh hồn các liệt sĩ Đoàn tàu Không số đã anh dũng hy sinh... Xúc động và tự hào. Người còn người mất. Những người lính của Đoàn tàu Không số năm xưa tóc xanh quên mình vì nước nay đầu đã điểm bạc ôm chầm lấy nhau, ôn lại những kỷ niệm sau hàng chục năm xa cách...

Họ lại nghẹn ngào nhớ về những đồng đội đã anh dũng hy sinh. Đôi bạn chiến đấu Trần Văn Hữu (62 tuổi, quê ở Văn Hải, Kim Sơn, Ninh Bình) và Vũ Đăng Khoa (62 tuổi, trú tại Hạ Long, Quảng Ninh) nhớ mãi chuyến vận chuyển 100 tấn vũ khí từ cửa biển Hải Phòng vào Bến Tre tháng 10 năm 1964. Trên tàu có 21 cán bộ, chiến sĩ giả làm thuyền đánh cá, khi tàu đến hải phận quốc tế thì bị Hạm đội 7 Thái Bình Dương của Mỹ phát hiện. Hai tàu chiến của Mỹ kẹp chặt tàu của ta ở giữa để theo dõi. Nhằm đánh lạc hướng địch, cứ đến gần hải phận của quốc gia nào thì lại treo cờ của nước đó, tàu của ta cứ chạy lòng vòng trên biển suốt gần một tháng để tìm kế thoái khỏi sự bao vây, theo dõi của tàu chiến Mỹ. "May mắn" gặp ngay cơn bão, tàu của địch mải tránh bão, tàu của ta nhằm thẳng bờ biển Bến Tre. Tàu vào đến khu vực Cồn Lợi (Bến Tre) thì mắc cạn. Khi đó là nửa đêm. Nhằm giữ bí mật con đường vận chuyển vũ khí trên biển, tất cả được lệnh bơi vào bờ ẩn nấp, riêng chiến sĩ Vũ Đăng Khoa được cử ở lại tàu để ấn nút cho bộc phá nổ tàu nếu bị địch phát hiện. Sáng sớm, phát hiện có con tàu lạ mắc cạn, năm máy bay của Mỹ ngụy quần thảo soi, Đồng chí Khoa đốt lửa, giả vờ vá lưới... Sau vài tiếng đồng hồ quần thảo, đám máy bay bỏ đi. Tưởng thoát hiểm, thì đến 5 giờ chiều, ba tàu chiến của địch bao vây xung quanh và tìm cách tiếp cận tàu của ta nhưng không vào được liền thả xuồng cao su cùng tám tên lính lăm lăm súng rẽ sóng thẳng đến tàu của ta. Biết không còn con đường nào khác khi xuồng địch cập tàu, chiến sĩ Vũ Đăng Khoa đã sẵn sàng hy sinh để ấn nút nổ phá tàu. Đến sát tàu của ta, xuồng của địch loay hoay tìm cách cập mạn nhưng không được và bắt đầu trời tối. Vả lại, tàu của ta ngụy trang khá tốt nên bọn chúng tưởng là tàu đánh cá quan sát một lúc rồi bỏ đi... Đó chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện cảm động mà các chiến sĩ Đoàn tàu Không số năm xưa kể lại.

Bất ngờ và cảm động là cuộc gặp lại giữa một chiến sĩ của con tàu không số với vị khách đặc biệt trên chuyến vượt biển từ đảo Hoàng Sa về Hải Nam (Trung Quốc) cách đây 31 năm. Vị khách đặc biệt đó chính là Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, và người chiến sĩ của con tàu không số đó là doanh nhân Đào Hồng Tuyển. Anh Tuyển vẫn nhớ vào cuối năm 1973, tàu của anh đang vận chuyển vũ khí thì được lệnh ghé vào Hoàng Sa để đón mấy đồng chí của ta ra Bắc. Và, mọi người cộng khổ trên suốt chuyến đi gian nan đầy hiểm nguy đó... Đại tướng Lê Đức Anh tâm sự: Hồi đó, hai lần vào Nam ra Bắc, tôi đều đi trên con tàu không số. Đó là lần vào Nam tháng 12-1963 nhận nhiệm vụ và vào tháng 11-1973 lại trở ra Bắc. Khi bước lên tàu không số, không riêng gì tôi mà tất cả anh em đều xác định sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc khi bị địch phát hiện. Suốt chuyến vượt biển dài ngày đó, tất cả mọi người không chỉ phải chịu gian khổ mà luôn sống trên hàng chục tấn vũ khí và 2 tấn thuốc nổ TNT... Đồng chí Lê Đức Anh khẳng định, thành công lớn của Đoàn tàu Không số là tinh thần xả thân, cảm tử, sẵn sàng hy sinh thầm lặng vì dân tộc rất cao. Không chỉ vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam, cán bộ chiến sĩ Đoàn tàu Không số còn là tấm gương cổ vũ cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam đánh thắng giặc Mỹ, làm suy sụp tinh thần của địch...

Hàng vạn tấn vũ khí đã được Đoàn tàu Không số vận chuyển an toàn vào chiến trường miền Nam. Trong số đó, không ít chuyến tàu ra đi đã không bao giờ quay về... Trong cuộc chiến khốc liệt đó, khoảng 117 cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số anh dũng hy sinh một cách thầm lặng để giữ bí mật đường Hồ Chí Minh trên biển. Nhiều tấm gương xả thân vì nước như Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu... Trong chuyến vận chuyển vũ khí vào Nam năm 1972, tàu bị địch phát hiện, Thiếu úy, Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đã ấn nút khối thuốc nổ phá hủy tàu và anh dũng hy sinh khi đồng đội đã thoái khỏi tàu. Trong buổi gặp mặt này, bác Nguyễn Tài Lộc lại nhớ về Thuyền phó Dương Văn Lộc đã hy sinh khi phá hủy tàu trong chuyến đi năm 1967 trước sự bao vây cả hàng chục máy bay và tàu chiến Mỹ. Các cựu chiến binh kể về đồng đội Vũ Hữu Suông - Thuyền trưởng của chuyến tàu không số chở 100 tấn vũ khí từ Hải Phòng đi Bến Tre năm 1970 - đã thoát chết trong gang tấc, nhưng 28 cán bộ, chiến sĩ trong số 30 người trên chuyến tàu đó đã hy sinh khi phá hủy tàu...

Sau cuộc chiến, các chiến sĩ của Đoàn tàu Không số trở về cuộc sống gia đình. Mỗi người trên cương vị, nghề nghiệp của mình phát huy tinh thần xả thân năm xưa tiếp tục cống hiến cho đất nước. Không một phút nghỉ ngơi, cựu chiến binh Nguyễn Tài Lộc (60 tuổi, trú tại làng chài Cửa Vạn, Hạ Long, Quảng Ninh) tiếp tục làm Trung đội trưởng, Phó ban an ninh của làng chài. Các cựu chiến binh Phạm Văn Hoà (64 tuổi, trú tại Ngô Quyền, Hải Phòng), Lưu Lanh (62 tuổi) trú tại Vạn Mỹ, Ngô Quyền, Hải Phòng)... tham gia tích cực công tác địa phương. Bác Phạm Thị Vy (66 tuổi, vợ của liệt sĩ, AHLLVT Nguyễn Văn Hiệu) đã thờ chồng nuôi dạy bốn con ăn học, trưởng thành... Một trong những chiến sĩ của Đoàn tàu Không số năm xưa đã vượt qua nhiều gian nan và không ít thất bại ban đầu để thành đạt trên mặt trận kinh tế là cựu chiến binh Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch HĐQT Công ty Âu Lạc. Trả lời câu hỏi: "Là người thành đạt, bỏ tiền xây 500 ngôi nhà cho các gia đình cựu chiến binh gặp khó khăn và gia đình nghèo cũng như dành nhiều tỷ đồng làm từ thiện, tại sao anh không nghỉ ngơi mà vẫn tất tả xuôi ngược kiếm tiền?" Anh Tuyển tâm sự rằng: Bản thân vẫn luôn mong muốn làm hết sức trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước và có điều kiện dành tiền giúp đỡ những đồng đội khó khăn, người nghèo vẫn còn không ít ở nước ta...

Những chiến sĩ Đoàn tàu Không số đã làm nên đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển năm xưa nay tiếp tục góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc phát triển chung của đất nước. Họ vẫn tiếp tục chiến đấu trên mặt trận kinh tế. Và, một kỳ tích mới trên con đường xóa đói giảm nghèo, phát triển đất nước đang tiếp tục chờ đón các anh.
 

Theo Tiền phong