Quay lại

Những chiến sĩ Hồng quân người Việt trên màn ảnh

Các nhà làm phim Việt Nam đang chuẩn bị quay bộ phim kể về sự tham gia của nhóm chiến sĩ tình nguyện người Việt trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại chống quân Đức Quốc xã.

Bài viết của nhà báo Alexei Syunnerberg trên Sputnik cho biết.

“Không ai bị lãng quên” là tên bộ phim mà các nhà điện ảnh Việt Nam đang chuẩn bị thực hiện. Việc quay phim sẽ diễn ra ở tỉnh Nghệ An, nơi khởi đầu câu chuyện và ở Nga, nơi tiếp nối cuộc sống của  nhóm thanh niên Việt Nam. Vào đầu những năm 1930, theo lời giới thiệu của lãnh tụ cách mạng Việt Nam Hồ Chí Minh, những bạn trẻ này đã đến Moscow học tập. Và khi quân phát-xít Hitler tấn công Liên Xô, các thanh niên Việt Nam tự nguyện khoác lên mình bộ trang phục Hồng quân. Tháng 11 năm 1941, họ đã tham gia cuộc duyệt binh lịch sử trên Quảng trường Đỏ, ngay sau đó tiến thẳng ra mặt trận chỉ cách thủ đô 25 km. Mùa đông 1941-1942, các chiến sĩ người Việt này góp phần bảo vệ Moscow, cùng quân dân Xô-viết đánh bật đội quân phát-xít Đức khỏi cửa ngõ thủ đô.

Lễ diễu binh đang diễn ra tại Quảng trường Đỏ, thủ đô Moscow, Nga ngày 9.5.2019
Lễ diễu binh đang diễn ra tại Quảng trường Đỏ, thủ đô Moscow, Nga ngày 9.5.2019.

Nhờ kết quả nhiều năm tìm kiếm của các nhà sử học và nhà báo Nga ở Ban Việt ngữ hãng thông tấn Sputnik, đã xác minh được danh tính của những chiến sĩ Hồng quân đặc biệt này: Vương Thúc Tình, Lý Nam Thanh, Lý Thúc Chắt, Lý Anh Tạo, Lý Văn Minh, Lý Tự Thông và Lý Phú San. Cho đến ngày Chiến thắng 9 tháng 5 năm 1945, chỉ mình ông Lý Phú San còn sống. Vì lý do sức khỏe, ông được chuyển nơi phục vụ, từ quân y viện đến xí nghiệp đã sơ tán về vùng Siberia. Sáu người còn lại đã ngã xuống, dũng cảm hy sinh trên chiến trường giao tranh ác liệt chống bọn Đức Quốc xã.

Sinh thời cố Đại tướng Lê Đức Anh đã phát biểu trong cuộc phỏng vấn của Đài Tiếng nói Nga về phần đóng góp của những người đồng hương Việt Nam trong trận chiến chống phát-xít: “Tôi tin chắc không một người Việt nào có mặt ở Moscow thời ấy lại có thể đứng bên ngoài cuộc chiến. Bởi với mỗi người trong số họ, đất nước Xô-viết là quê hương thứ hai. Với chiến thắng của Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, những người Việt yêu nước gửi gắm hy vọng và tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, trở thành hiện thực vào năm 1945”.

Ở nước Nga có hàng chục bài báo và tạp chí xuất bản bài viết, khảo cứu về những chiến sĩ Hồng quân người Việt, đã có bộ phim truyền hình dài tập “Những đồng hương từ Nghệ An” dành riêng nói về họ. Các nhà nghiên cứu Nga đã chia sẻ tư liệu thu thập được với những người bạn Việt Nam quan tâm đến chiến công của đồng bào mình. Tư liệu từ Nga cũng được chia sẻ với  đạo diễn Đoàn Tuấn, người ấp ủ ý tưởng làm một bộ phim truyện về những nhân vật lịch sử này.

“Công tác chuẩn bị cho phần quay phim đã hoàn tất, - đạo diễn cho biết trong cuộc phỏng vấn của Sputnik Vietnam trước thềm Ngày Chiến thắng. - Kịch bản đã soạn và hiệu đính xong, được sự phê duyệt từ Ủy ban Giáo dục của Quốc hội. Bộ Văn hóa Việt Nam đang giải quyết câu hỏi về tài chính. Phim sẽ được Xưởng phim truyện I thực hiện, khâu dàn dựng thu hút nhóm các chuyên gia điện ảnh từng được đào tạo ở Liên Xô và Nga tham gia. Đã có thỏa thuận với hãng “Mosfilm” nổi tiếng, doanh nghiệp hàng đầu của ngành công nghiệp điện ảnh Nga, sẵn sàng hỗ trợ đoàn làm phim Việt Nam bằng việc cung cấp một số thiết bị. Tôi cho rằng buổi quay đầu tiên sẽ diễn ra trong mùa đông sắp tới. Trong khi chờ đợi sự ra đời của tác phẩm điện ảnh, tôi quyết định viết cuốn tiểu thuyết về những chiến sĩ Hồng quân người Việt.  Đã có khối lượng tư liệu dồi dào nhờ chuyến đi đến quê hương Nghệ An và sự cộng tác của các  bạn Nga. Vì vậy, mốc phát hành bộ phim và ra mắt cuốn sách sẽ không còn lâu nữa”,  đạo diễn Đoàn Tuấn tâm sự.