Nhân dân cần gì?
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch nước Lê Đức Anh (1/12/1920- 1/12/2020), Tạp chí Người Làm Báo trân trọng đăng bài viết "Nhân dân cần gì ?" của nhà báo Hồ Quang Lợi – người đã có may mắn được tháp tùng Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong các chuyến công tác trong và ngoài nước.
Câu chuyện trong ngôi nhà bà Tống Khánh Linh
Từng là một người chỉ huy dạn dày trận mạc với phong thái làm việc cương nghị, điềm tĩnh và quyết đoán, Đại tướng Lê Đức Anh được giao nhiệm vụ quan trọng trong quá trình bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc. Sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta thăm chính thức hữu nghị Trung Quốc đầu tháng 11/1993. Tôi được may mắn tham dự chuyến đi lịch sử đó với tư cách là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, cùng với các phóng viên của Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tháp tùng Chủ tịch nước.
Gây ấn tượng sâu đậm với chúng tôi trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Lê Đức Anh là các hoạt động tại thành phố Thượng Hải. Thượng Hải vốn gắn bó với Việt Nam, từ thưở cách mạng Việt Nam còn trong trứng nước. Trong buổi ban lãnh đạo thành phố chào đón, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã nêu rõ rằng tại Thượng Hải nhiều đồng chí lãnh đạo tiền bối của Việt Nam, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được những người cách mạng và nhân dân yêu nước của Trung Quốc giúp đỡ, đùm bọc trong những thời kỳ khó khăn nhất. Trong những thời kỳ đấu tranh giành độc lập của Việt Nam, Thượng Hải đã hỗ trợ Việt Nam cả về tinh thần và vật chất. Tình nghĩa đó, nhân dân Việt Nam mãi mãi không bao giờ quên.
Trước lúc rời Thượng Hải, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã tới thăm nơi ở của bà Tống Khánh Linh, phu nhân của nhà cách mạng Tôn Trung Sơn, Tổng thống đầu tiên của nước Trung Hoa sau cuộc cách mạng Tân Hợi. Tại đây, một nhà ngoại giao Trung Quốc đã kể một câu chuyện xúc động. Đó là, lúc hoạt động cách mạng ở Trung Quốc, Bác Hồ đã lưu lại nhà của bà Tống Khánh Linh và được bà giúp đỡ rất tận tình. Một hôm, nhìn thấy chiếc áo len của Bác Hồ mặc bị rách, bà Tống Khánh Linh đã đề nghị Bác để bà chữa lại và chính tay bà đã mạng lại chiếc áo len bị rách đó của Bác Hồ. Căn nhà gồm 8 phòng nhỏ của bà, nằm trên đường phố Hòa Hải Trung ở trung tâm thành phố Thượng Hải, mái dốc kiểu dân tộc Trung Hoa, thấp thoáng dưới những tán lá xanh. Nắng chiều rực rỡ xuyên qua các vòm lá, một không khí tĩnh lặng êm đềm gợi nhớ lại những tháng năm lịch sử. Bác Hồ kính yêu của chúng ta gặp bà Tống Khánh Linh lần đầu tiên vào năm 1924 khi Bác tới Quảng Châu. Năm 1931, Bác Hồ bị bắt ở Hồng Kông. Năm 1933 ra khỏi nhà ngục, từ Hạ Môn tới Thượng Hải, người đầu tiên mà Bác Hồ tìm gặp là bà Tống Khánh Linh để nhờ bà chuyển thư đến đại diện Đảng Cộng sản Pháp sau một thời gian bị gián đoạn.
Trong phòng khách, Chủ tịch Lê Đức Anh dừng lại hồi lâu xúc động trước bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi nói chuyện với bà Tống Khánh Linh. Đó là bức ảnh chụp vào năm 1955 lúc Bác Hồ sang thăm Trung Quốc. Trên bức tường đối diện với cửa vào phòng khách là bức ảnh bà Tống Khánh Linh cỡ lớn. Có thể nói bà gần như giống hệt với người nữ diễn viên đóng vai Tống Khánh Linh trong bộ phim “Bà Tống Khánh Linh và các chị em gái” được chiếu trên Truyền hình Việt Nam mà khán giả rất yêu thích. Trong phòng ăn bên cạnh, nơi bà Tống Khánh Linh đã mời cơm các nhà lãnh đạo nước ngoài như Sukarno, Vorosilov… có một bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Người cán bộ hướng dẫn Trung Quốc nói với Chủ tịch Lê Đức Anh: “Bức ảnh quý này, bà Tống Khánh Linh giữ rất lâu bên mình”.
Nhân dân cần gì ?
Trên cương vị là Bộ trưởng Quốc phòng hay Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đều dành sự quan tâm và tình cảm đối với báo chí, đặc biệt là báo Quân đội nhân dân.
Một buổi tối đầu tháng 12/1995, Ban biên tập và một nhóm phóng viên báo Quân đội nhân dân có dịp được đi theo Chủ tịch Lê Đức Anh trong những chuyến công tác trong nước và nước ngoài, được may mắn đến xin ý kiến và trao đổi với Chủ tịch về công tác báo chí. Chủ tịch Lê Đức Anh ra tận cửa đón chúng tôi, thân mật bắt tay từng người và ân cần mời chúng tôi ngồi. Sau vài câu thăm hỏi, Thiếu tướng Phan Khắc Hải, Tổng biên tập muốn được biết ý kiến của Chủ tịch nước về chất lượng của báo Quân đội nhân dân trong thời gian gần đây. Thế là suốt buổi gặp đó, câu chuyện chỉ tập trung vào chủ đề báo chí.
Chủ tịch Lê Đức Anh nói:
- Báo chí ta, cả báo Quân đội nhân dân “hiếu hỉ” còn nặng lắm. Do nhiều “hiếu hỉ” nên thông tin còn ít. Cái mà dân cần báo chí cung cấp là thông tin. Tin trong nước, tin thế giới, tin văn hóa-thể thao, chuyện lạ đó đây… rất hấp dẫn người đọc. Nên coi trọng tin và bình luận ngắn. Mỗi sự kiện nổi bật xảy ra trong nước hoặc thế giới cần có bình luận kịp thời, ngắn gọn, sắc bén làm rõ vài ba ý để hướng dẫn dư luận. Có người nói thẳng với tôi rằng, đối với nhiều báo của lãnh đạo, họ thường chỉ xem lướt qua cái đầu đề, vì những điều báo đề cập đã được nói rõ ở các nghị quyết. Tin hay bài, điều quan trọng là ở lượng thông tin, không có thông tin mới người ta không đọc.
Tổng Biên tập Phan Khắc Hải thưa với Chủ tịch:
- Việc giảm bớt “hiếu hỉ” là một nội dung lớn đã được anh em trong tòa soạn nêu lên trong các lần bàn bạc để nâng cao chất lượng tờ báo. Thời gian qua, chúng tôi đã giảm được một phần.
- Phải giảm mạnh hơn nữa, Chủ tịch Lê Đức Anh nói, thông tin về hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội là rất quan trọng, nhân dân cần phải biết. Vấn đề là đưa tin như thế nào? Theo tôi, mỗi hoạt động chỉ nên viết về người lãnh đạo vài ba dòng thôi, còn thì phải thông tin cho dân biết nơi các đồng chí lãnh đạo đến làm việc tình hình ra sao, cả mặt tốt và mặt chưa tốt. Dân rất cần biết những điều đó. Báo chí đưa tin hoạt động của lãnh đạo, chứ không phải tuyên truyền cho lãnh đạo.
Một phóng viên nêu ra khó khăn:
- Thưa Chủ tịch, biết “hiếu hỉ” nhiều là không ổn, bạn đọc thiệt thòi, nhưng giảm mạnh quá lại sợ phản ứng của thói quen đã hình thành từ lâu.
Chủ tịch Lê Đức Anh giải đáp ngay:
- Không sợ gì cả, làm việc có ích cho dân, cho nước, không có sai phạm, tại sao lại sợ? Làm báo phải dũng cảm.
Những lấn bấn lâu nay của chúng tôi về cải tiến việc đưa tin hiếu hỉ, lễ tân, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin, trước hết là trên trang nhất, sau ít phút đã được Chủ tịch khai thông. Chủ tịch rất đồng tình với ý kiến của một phóng viên: Cách làm báo của ta phải đạt hai yêu cầu: Được lãnh đạo chấp nhận và nhân dân đồng tình. Thời gian ngắn ngủi còn lại của buổi gặp, Chủ tịch Lê Đức Anh đã nói đến nhiều vấn đề hết sức cập nhật của báo chí như thông tin phải trung thực, đa dạng, nhiều chiều; tính hấp dẫn và thuyết phục; phê phán cái xấu nhưng phải coi trọng xây dựng cái tốt, hướng tới điều tốt đẹp… Chủ tịch nói:
- Báo chí ta thường có nhược điểm là hay nói một chiều. Trước đây, nói đến chủ nghĩa tư bản là chỉ nói đến những điểm xấu. Bây giờ, đi ra nước ngoài, được người ra dẫn đi xem những cái hay, cái đẹp của chủ nghĩa tư bản, thế là về nước viết bài ca ngợi hết lời và phủ định luôn chủ nghĩa xã hội. Viết như thế là đúng điều anh em đã nhìn thấy nhưng lại không đúng bản chất, không đúng với thực trạng tình hình ở các nước đó, vô hình chung là không trung thực vì đó mới là một phần của sự thật. Viết về chủ nghĩa xã hội cũng vậy. Những bài viết hô khẩu hiệu, lên gân không đi vào lòng người được đâu. Các đồng chí phải viết thế nào để trong bài viết không cần có chữ “định hướng”, mà từ chi tiết đến toàn bài lại toát ra định hướng, ngấm vào người đọc một cách tự nhiên. Sức thuyết phục của báo chí chính là chỗ đó… Muốn viết được những bài báo như thế, nhà báo phải làm việc căng thẳng, phải lao tâm khổ tứ, phải mất nhiều tâm sức.
Chủ tịch Lê Đức Anh nói tiếp:
- Báo chí muốn hấp dẫn người đọc thì phải mang đến những thông tin họ quan tâm. Đó cũng chính là những vấn đề các nhà lãnh đạo phải tập trung suy nghĩa giải quyết để đưa đất nước đi lên. Ví như báo chí phải tích cực tham gia phát huy tích cực và chống tiêu cực. Càng đi ra nước ngoài nhiều càng thấy thế giới ngày nay cạnh tranh quyết liệt lắm, làm ăn khó lắm. Đồng vốn vay về quay đi quay lại “bốc hơi” một ít. Sản xuất, kinh doanh kém, thua lỗ, lãi mẹ để lãi con thì thật nguy hiểm. Nếu như vậy thì hậu quả khó tránh là đến đời con, đời cháu chúng ta cũng không trả hết nợ do cha, ông để lại. Thấy vị giám đốc nào đi xe đẹp, xây nhà to mà xí nghiệp, công ty làm ăn thua lỗ, đời sống công nhân khó khăn các đồng chí cứ nêu lên báo để nhân dân phán xét.
Về mối quan hệ giữa “xây và chống”, Chủ tịch Lê Đức Anh lấy ví dụ:
- Mới đây tôi có xem một vở kịch ngắn trên truyền hình, trong đó nói về người nông dân Hà Nam nghèo khó nhưng lại có tấm lòng, có đạo đức, còn mấy kẻ giàu có ở Hà Nội là thân nhân của cháu bé bị lạc lại quá vô lương tâm. Nhưng nếu vì thế mà lại khái quát lên rằng tất cả mọi người dân Hà Nội đều vô lương tâm, chỉ có dân quê nghèo khó mới có đạo đức thì lầm to. Đúng như lời bác thợ cạo trong vở kịch là: “Ở Hà Nội có rất nhiều người tốt. Cái bọn xấu kia chỉ là rác rưởi, phải tìm cách quét nó đi”. Vì thế, bên cạnh việc chống tiếu cực, phê phán cái xấu, phải hết sức chú trọng phát hiện biểu dương những nhân tố mới; những điểm sáng trong sản xuất, kinh doanh; người tốt việc tốt ở các địa phương, các ngành, các đơn vị.
Nhân dân cần gì? Đó là điều sâu sắc nhất mà chúng tôi cảm nhận được trong cuộc đối thoại cởi mở thân tình của Chủ tịch nước Lê Đức Anh với những người làm báo. Giọng nói ấm áp, mộc mạc, như một bạn đọc của Chủ tịch nước đã để lại cho những người làm báo Quân đội nhân dân có mặt hôm ấy một ấn tượng khó quên. Trên đường về, chúng tôi tiếp tục thảo luận sôi nổi những vấn đề Chủ tịch nước vừa nêu trong tâm trạng vừa phấn khởi vừa lo lắng. Phấn khởi vì nỗi nhọc nhằn của người làm báo các đồng chí lãnh đạo rất thấu hiểu. Lo lắng vì cảm thấy trách nhiệm của người cầm bút thật lớn và để làm được những điều Chủ tịch căn dặn thật không đơn giản. Tờ báo giống như một gương mặt, như tấm gương soi. Trên mặt báo, mọi điều, không chỉ có hoạt động xã hội, mà cả lao động báo chí đều được phản ảnh giữa thanh thiên bạch nhật. Sản phẩm của các nhà báo được sự đón đợi của hàng triệu người, như thế cũng có nghĩa rằng công việc của họ chịu sự giám sát nghiêm khắc của quần chúng nhân dân.
25 năm đã trôi qua, nhưng cuộc đối thoại cởi mở và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Lê Đức Anh về chống lối làm báo nặng về hiếu hỉ, lễ tân cũng như trách nhiệm của báo chí trong nêu gương tốt, chống thói hư, tật xấu và tệ nạn trong xã hội, phục vụ quyền lợi thiết thân của người dân thì vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Người làm báo phải khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, vì lợi ích của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Đó là những nguyên tắc hành nghề, những cam kết thiêng liêng đã được nêu rõ trong 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của Người làm báo Việt Nam mà Hội nhà báo Việt Nam đã ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2017. Đó là ngọn lửa trong tim những người làm báo Việt Nam chân chính.
Đối với không ít bạn đọc, công việc cũng như suy tư hàng ngày của các nhà lãnh đạo quốc gia là điều không dễ hình dung. Cuộc chuyện trò tối hôm đó tại nhà ở của Chủ tịch Lê Đức Anh đã cho chúng tôi một nhận thức sâu sắc hơn về mối quan tâm thường nhật của vị Chủ tịch nước. Không có gì bức xúc hơn là những nhu cầu thiết yếu của người dân, chỉ những điều có ý nghĩa đối với cuộc sống của nhân dân thì mới có giá trị đích thực. Đã có lần chúng tôi nhìn thấy Chủ tịch Lê Đức Anh xắn quần lội trong nước lũ ở đồng bằng sông Cửu Long để thăm hỏi, động viên những dân mất nhà mất cửa, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn. Lúc đó, điều quan tâm nóng bỏng nhất của Chủ tịch là cái ăn, cái mặc, chỗ nương thân của người dân. Còn bây giờ, khi gặp cánh nhà báo chúng tôi, Chủ tịch lại quan tâm trên hết đến nhu cầu thông tin, quyền được thông tin của nhân dân. Chúng tôi hiểu đó không chỉ là một tấm lòng, mà còn là một trí tuệ năng cảm luôn trăn trở trước những đòi hỏi chính đáng và ước muốn của người dân lao động.
Đại tướng Lê Đức Anh mãi mãi đi xa vào ngày 22/4/2019. Một cuộc đời lừng lẫy. 99 tuổi đời, 81 năm tuổi Đảng, Đại tướng Lê Đức Anh gánh vác nhiều trọng trách trong các thời kỳ lịch sử. Trải qua các chiến trường với nhiều chiến dịch lớn với các nhiệm vụ chỉ huy: Tham mưu trưởng Khu 7, Khu 8, Khu Sài Gòn Chợ lớn, Tham mưu phó Bộ tư lệnh Nam Bộ, Tư lệnh quân khu 9, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, đập tan chế độ diệt chủng Pôn Pốt, cứu nhân dân Campuchia khỏi hoạ diệt chủng, rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch nước..., cuộc đời chiến đấu của Đại tướng Lê Đức Anh thật oanh liệt và vẻ vang, gắn liền với những thời điểm lịch sử hiểm nghèo và trọng đại của đất nước.
Trong trái tim của đồng bào và chiến sĩ cả nước luôn in đậm hình ảnh gần gũi một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo xuất sắc, suốt đời chiến đấu, cống hiến vì đất nước và nhân dân, mà trong cuộc đời làm báo 40 năm của mình, tôi may mắn có được những kỷ niệm không thể nào quên.
Hồ Quang Lợi
Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam