Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh: Nhà lãnh đạo với nhiều dấu ấn
99 năm tuổi đời, 81 năm tuổi Đảng, cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng.
Như nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết trong lời tựa cuốn hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh – Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng”: “Đồng chí Lê Đức Anh một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”.
Nhà cầm quân đại tài
Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1/12/1920 ở làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từ thuở niên thiếu, ông đã sớm được tiếp xúc với những người yêu nước và cách mạng, đọc báo chí tiến bộ và tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản, về Nguyễn Ái Quốc và tham gia phong trào đấu tranh đòi độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc.
Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh thị sát đảo Trường Sa Lớn trong chuyến công tác tháng 5-1988. Ảnh tư liệu
Hoạt động cách mạng của ông bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như rải truyền đơn, treo cờ đỏ… đến việc tuyên truyền, vận động trong dân chúng, tham gia phong trào bình dân, phụ trách tổ chức các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh.
Năm 1938, tròn 18 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng. Từ đây, ông bắt đầu cuộc đời của một người cộng sản. Trong Cách mạng tháng Tám 1945, ông làm chỉ huy quân đội ở tỉnh Thủ Dầu Một. Sau đó, ông tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Đông Nam Bộ.
Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn với các chiến trường từ Bắc vào Nam, cụ thể: Tham gia 9 năm kháng chiến chống Pháp, đi chiến trường miền Nam 11 năm (1964 - 1975), chỉ huy chiến trường Campuchia 7 năm (1979 - 1986), ổn định tình hình biên giới phía Bắc (1986 - 1989), đồng thời có mặt tại Trường Sa trong những ngày căng thẳng nhất.
Ông là người trực tiếp tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch lớn những sự kiện mang tính bước ngoặt của chiến tranh. Năm 1984, ông được phong quân hàm Đại tướng, sau đó giữ các trọng trách: Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (1986), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (từ tháng 12/1986 đến 1991). Đại tướng Lê Đức Anh được bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 1992 - 1997.
Như các nhà sử học và nghiên cứu quân sự đã khẳng định, Đại tướng Lê Đức Anh thực sự là một nhà cầm quân đại tài. Ông luôn có mặt ở những điểm nóng nhất, cũng luôn trở về trong từng chiến thắng, từng chiến dịch được giao phó và đảm nhiệm. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Lê Đức Anh luôn thể hiện tâm thế của người chiến sĩ đứng vững trên thế tiến công, chủ động tấn công trong suy nghĩ và hành động, lăn lộn với thực tế chiến trường để tìm ra những cách đánh hiệu quả, giảm thiểu hy sinh xương máu của chiến sĩ và đồng bào mà vẫn chiến thắng kẻ thù.
Đồng thời, cũng là một nhà lãnh đạo luôn được đặt vào những thời điểm khó khăn, buộc phải ra quyết định trong những hoàn cảnh gian khổ; song Đại tướng Lê Đức Anh đã thể hiện đầy đủ tầm nhìn sâu rộng trong những vấn đề chiến lược của đất nước.
Nhà lãnh đạo với nhiều dấu ấn
Không chỉ có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh còn có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước và mở rộng quan hệ ngoại giao của Việt Nam. Như các nhà nghiên cứu đã nhận định, ông là một vị lãnh đạo có tầm nhìn xa, trông rộng. Đặc biệt, dấu ấn nổi bật của ông phải kể đến là những đóng góp trong lĩnh vực ngoại giao.
Giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, cùng có lợi, đưa Việt Nam mở rộng quan hệ với nước ngoài, bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đi vào hiện thực, tạo tiền đề cho sự thành công của công cuộc đổi mới những năm tiếp theo. Ông cũng là người đề nghị và được chấp nhận việc phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng để tôn vinh và ghi công sự cống hiến của các mẹ cho độc lập tự do của Tổ quốc và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau.
Như nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão đã chia sẻ, ông đặc biệt ấn tượng về việc nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh - người đưa sáng kiến, thúc đẩy việc cần ra một Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Là tướng lĩnh, trưởng thành từ một chiến sĩ đi lên và trải qua tất cả các cuộc chiến tranh của đất nước nên Đại tướng Lê Đức Anh rất thông hiểu, biết rõ sự hy sinh to lớn của cả dân tộc, đặc biệt, trong đó có các bà mẹ.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh, ngày 17/12/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đợt 1 cho 19.879 bà mẹ thuộc các tỉnh, thành trong cả nước. “Những Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng đầu tiên được chính Chủ tịch nước Lê Đức Anh tiếp ngay tại Phủ Chủ tịch, rất cảm động. Điều này đã nói lên tư tưởng uống nước nhớ nguồn rất rõ ràng trong con người vị tướng này" - ông Vũ Mão chia sẻ thêm.
Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đã từ trần vào hồi 20 giờ 10 phút ngày 22/4 tại nhà công vụ, số 5A, phố Hoàng Diệu, Hà Nội. Ông ra đi, nhưng tấm gương sáng về một vị tướng giỏi, một nhà lãnh đạo có tầm nhìn sâu, một cán bộ mẫu mực, khiêm tốn, không bao giờ tư lợi cho riêng mình vẫn luôn sáng mãi.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là đại biểu Quốc hội khóa: VI, VII, VIII và IX; Ủy viên T.Ư Đảng khóa: IV, V, VI, VII và VIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa: V, VI, VII và VIII.
Ông đã được tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhì; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều Huân chương cao quý của Nhà nước Liên Xô, Cuba, Campuchia, Lào…