Quay lại

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh: Một nhà lãnh đạo tài năng

Thời kỳ Đại tướng Lê Đức Anh giữ cương vị Chủ tịch nước (tháng 9-1992), đất nước gặp nhiều khó khăn: Tình hình kinh tế, xã hội diễn biến phức tạp; lạm phát còn ở mức cao; sản xuất nông nghiệp chưa ổn định, hiệu quả thấp; tích lũy của nền kinh tế còn nhỏ; số người không có việc làm nhiều, đời sống của bộ đội và nhân dân lao động khó khăn. Đồng chí Lê Đức Anh đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, toàn quân và toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới...

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Chủ tịch nước Lê Đức Anh với nhân dân xã Phú Ðình, huyện Định Hóa, tỉnh Bắc Thái (tháng 1-1995). Ảnh: TTXVN

Cũng trong giai đoạn này, với sự tan vỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, các hiệp định về hợp tác, hỗ trợ kinh tế giữa Việt Nam và các nước trong khối xã hội chủ nghĩa không còn hiệu lực, gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Mặt khác, cục diện ở Campuchia lúc này đã đặt Việt Nam trước những vấn đề mới. Trong khi đó, Chính phủ Mỹ vẫn duy trì chính sách cấm vận, các thế lực phản động ra sức chống phá cách mạng Việt Nam...

Trước bối cảnh tình hình khó khăn mọi bề đó, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ họp bàn, tìm cách giải quyết; cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta triển khai công cuộc đổi mới một cách toàn diện, trọng tâm là đổi mới nền kinh tế, như hình thành kinh tế nhiều thành phần, đưa kinh tế quốc doanh ra hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tìm cách mở cửa với bên ngoài...

Trong công tác lập pháp, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã cùng Quốc hội xây dựng hệ thống luật pháp, đặc biệt là đã bổ sung, sửa đổi Hiến pháp 1992 phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới của cách mạng, qua đó góp phần đưa đất nước phát triển ổn định, vững chắc.

Nét nổi bật trong giai đoạn này là mặc dù điều kiện đời sống nói chung còn khó khăn, nhưng Trung ương, Bộ Chính trị đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến người có công, nhất là các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống cô đơn, nghèo khó.

Ngày 10-9-1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Lệnh số 36L/CTN, công bố Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người tham gia hoạt động kháng chiến, người có công với cách mạng.

Ngày 1-12-1994, Đảng và Nhà nước long trọng tổ chức lễ phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" đợt 1. Ngày 29-12-1994, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hàng trăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở tuổi ngoài 70 đã cùng Chủ tịch nước Lê Đức Anh duyệt hàng quân danh dự trong khuôn viên của Phủ Chủ tịch.

Về đối ngoại, bước vào những năm đầu đổi mới, đặc biệt trong thập niên 90 thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước Việt Nam đưa ra chủ trương muốn là bạn của tất cả các quốc gia, các dân tộc trên thế giới, cùng phấn đấu vì hòa bình độc lập, hữu nghị và phát triển, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Trên tinh thần đó, Việt Nam và Trung Quốc đã ký hiệp định chính thức quan hệ bình thường (11-1991), đồng thời xúc tiến việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Với sự đóng góp to lớn của Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng sự thiện chí của Việt Nam, ngày 3-2-1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố: Không ngăn cản Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới cho Việt Nam vay tiền để đầu tư phát triển kinh tế và tuyên bố chấm dứt lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam. Đến ngày 12-7-1995, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và mở văn phòng liên lạc tại Washington và Hà Nội.

Đối với Pháp, ngày 8-5-1995, nhận lời mời của Tổng thống Pháp F.Mitterrand, từ ngày 7 đến 12-5-1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang Cộng hòa Pháp dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng phát xít. Tiếp đó, từ ngày 22 đến 24-10-1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh tham dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hợp quốc tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York...

Trong nhiệm kỳ giữ cương vị cao nhất của Nhà nước, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam dự nhiều hội nghị quốc tế quan trọng. Đây là dịp tốt để các nhà lãnh đạo gặp gỡ, trao đổi ý kiến trực tiếp, từ đó hiểu rõ và tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương và đa phương giữa các quốc gia.

Đặc biệt, theo đề nghị của Chính phủ, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký phê chuẩn 1 hiến chương, 26 công ước, 5 hiệp ước và 35 hiệp định, 3 nghị định thư giữa Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế; trình Quốc hội phê chuẩn 1 công ước theo quy định của Hiến pháp (Công ước quốc tế về Luật Biển) và đã ủy quyền đàm phán và ký kết nhiều điều ước quốc tế khác. Từ năm 1998, Đại tướng Lê Đức Anh được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. Với trách nhiệm của mình, Đại tướng Lê Đức Anh đã có nhiều ý kiến đóng góp quý báu đối với quá trình xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ mới, qua đó góp phần đưa Việt Nam từng bước vượt qua khó khăn, có những bước phát triển vững chắc trên con đường đổi mới và hội nhập.

Nhận xét về đồng chí Lê Đức Anh, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhấn mạnh: "Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng, một nhà lãnh đạo tài năng, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cuộc đời của đồng chí Lê Đức Anh gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và quân đội".

Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ra đi, nhưng tên tuổi của ông sẽ còn mãi. Nhiệm vụ của chúng ta là phải học tập tấm gương đạo đức cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh, cùng nhau nỗ lực, cố gắng, phấn đấu xây dựng đất nước mạnh giàu, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!