Quay lại

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một vị Anh hùng

Từng giữ trọng trách là Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của "đất nước Chùa Tháp". Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Ka Mathul, Trưởng khoa Luật quốc tế và Ngoại giao thuộc Học viện Quan hệ quốc tế, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia về hoạt động của nguyên Chủ tịch nước trong công cuộc giải phóng nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng.

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Giáo sư Ka Mathul trả lời phỏng vấn của Báo Nhân Dân.

PV: Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã có thời kỳ lãnh đạo quân tình nguyện Việt Nam sát cánh với quân đội cách mạng Campuchia đánh đổ và ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ diệt chủng Pol Pot. Giáo sư đánh giá thế nào về vai trò của Đại tướng Lê Đức Anh trong giai đoạn đó?

Giáo sư Ka Mathul: Là người nghiên cứu về quan hệ giữa Campuchia và Việt Nam, tôi thấy Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã cống hiến gần như cả cuộc đời mình trong quân ngũ. Ông tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp từ rất sớm, sau đó là cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975. Có thể nói, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một vị Anh hùng, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.

Sự đóng góp quan trọng của Đại tướng Lê Đức Anh trong sự nghiệp giúp cách mạng Campuchia được thể hiện trong giai đoạn quân đội và nhân dân Việt Nam giúp người dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng từ năm 1978. Khi ấy, Đại tướng đã tích cực giúp cách mạng Campuchia xây dựng lực lượng, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống lại chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Khi thời cơ chín muồi, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia (được thành lập ngày 2-12-1978) tiến hành đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot với chiến thắng lịch sử 7-1-1979.

Tuy nhiên, sau ngày 7-1-1979, bộ máy của Khmer Đỏ vẫn chưa tan rã hoàn toàn. Bộ đội tình nguyện Việt Nam, dưới sự chỉ huy của Đại tướng Lê Đức Anh, đã ở lại để bảo vệ Chính phủ còn non trẻ và tính mạng của nhân dân Campuchia. Việc quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục ở lại Campuchia để giúp ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ diệt chủng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Cùng với đó, bộ đội Việt Nam đã tích cực giúp nhân dân Campuchia xây dựng lại đất nước bị chiến tranh và nạn diệt chủng tàn phá.

PV: Các nhà lãnh đạo Campuchia luôn đánh giá cao và có tình cảm tốt đẹp với Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh vì những đóng góp của ông cho sự nghiệp giải phóng nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng. Xin Giáo sư cho biết thêm về khía cạnh này?

Giáo sư Ka Mathul: Các nhà lãnh đạo Campuchia và Việt Nam có quan hệ rất tốt đẹp. Riêng Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen và nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có quan hệ khăng khít với nhau từ thời kỳ đấu tranh chống Khmer Đỏ. Thủ tướng Hun Sen luôn đề cao vai trò của các nhà lãnh đạo đã có công giải phóng dân tộc và đất nước Campuchia. Trong những chuyến thăm Việt Nam hay về thăm lại căn cứ địa cách mạng trên con đường cứu nước, người đứng đầu Chính phủ Hoàng gia Campuchia và phu nhân thường đến thăm hoặc gửi lời hỏi thăm sức khỏe nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Bên cạnh đó, Đại tướng Lê Đức Anh cũng là một người thường chia sẻ kinh nghiệm chỉ huy quân đội với Thủ tướng Hun Sen. Những kỷ niệm đó luôn được Thủ tướng Hun Sen trân trọng trong suốt sự nghiệp chiến đấu đánh đổ chế độ diệt chủng cũng như trong quá trình lãnh đạo nhân dân Campuchia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư!

 

NGUYỄN HIỆP - SƠN XINH
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Campuchia