Quay lại

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đi Mỹ và việc khiến mật vụ Mỹ lo lắng

Lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam đến nước Mỹ, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh khiến mật vụ Mỹ lo lắng khi muốn trực tiếp đi bộ thăm cuộc sống của người dân lao động.
 

Không chỉ gắn với hình ảnh tướng lĩnh xông pha nơi trận mạc, giữ vai trò chỉ huy trên những chiến trường ác liệt nhất, đại tướng Lê Đức Anh còn được biết đến là một nhà lãnh đạo nổi bật trên cương vị Chủ tịch nước (1992-1997).

Chia sẻ với Zing.vn, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho biết trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh đã có đóng góp quan trọng trong thực hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Dấu ấn của ông là cầu nối hòa bình trong việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Bởi khi đó, Việt Nam và Mỹ là 2 quốc gia hoàn toàn khác biệt về cả thể chế chính trị, và là 2 cựu thù trong chiến tranh, việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao không hề dễ dàng.
 

Đột phá lớn trong quan hệ ngoại giao

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta khi đó là đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, cùng có lợi; đưa Việt Nam mở rộng quan hệ với nước ngoài, bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Thời kỳ ông Lê Đức Anh giữ cương vị Chủ tịch nước, Việt Nam đã có những bước tiến về chất lượng đổi mới. Khi đó, Đảng ta đưa ra chính sách “Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước và các quốc gia trên thế giới” - đột phá trong quan hệ với các nước, đặc biệt trong quan hệ với cả Mỹ, Trung Quốc và ASEAN.

Kể về kỷ niệm ấn tượng nhất, ông Vinh nhắc tới lần tháp tùng Chủ tịch nước Lê Đức Anh đi Mỹ dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 1995.

“Còn nhớ, năm 1912 Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu đặt chân đến Boston của Hoa Kỳ. Và từ đó, đến tận năm 1995, tức là sau hơn 80 năm mới lại có một lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam đặt chân đến Mỹ”, ông Vinh nói và đánh giá đây là sự kiện vô cùng trọng đại, để lại những dấu ấn lớn lao.

Trong câu chuyện “khởi động”, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, chủ trương được Chủ tịch nước Lê Đức Anh đưa ra đầu tiên là xử lý nỗi đau chiến tranh, hàn gắn vết thương chiến tranh.

Khi đó, ông có nói với thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain rằng Việt Nam sẵn sàng cho Mỹ thấy sự minh bạch, nhân đạo của Việt Nam trong tìm kiếm binh lính mất tích. Bởi lúc ấy dư luận còn nhiều đồn đại rằng chúng ta còn giấu người này, người kia.

Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh. Ảnh: Liêu Lãm.

Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Chủ tịch nước Lê Đức Anh tiếp nghị sĩ John McCain, thành viên cấp cao Đảng Cộng hòa (Mỹ), ngày 11/4/1995, tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN.

“Quyết sách này, đương nhiên của tập thể lãnh đạo cấp cao Việt Nam, nhưng Chủ tịch nước Lê Đức Anh là người có ảnh hưởng và đóng góp trực tiếp trong câu chuyện đó”, ông Vinh kể.

Cũng tại chuyến đi dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm ấy, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã chia sẻ ý kiến của mình và lãnh đạo Việt Nam về mong muốn hàn gắn vết thương chiến tranh và bình thường hóa quan hệ với Mỹ, trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng và cùng có lợi.
 

Dấu ấn riêng trong quyết sách chung của tập thể

“Lúc đó tôi là Vụ phó Vụ Tổ chức Quốc tế ở Việt Nam đi tháp tùng, anh Ngô Quang Xuân là đại sứ của Việt Nam ở Liên Hợp Quốc có tâm sự là xúc động đến phát khóc”, ông Vinh kể.

Trong chuyến đi năm đó, ngoài gặp gỡ bạn bè và cả những cựu binh Mỹ, những người phản đối chiến tranh và mong muốn lập lại quan hệ với Việt Nam, Chủ tịch nước Lê Đức Anh còn đích thân đi xem người dân lao động ở Mỹ sống thế nào.

Cựu đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết, đây là việc “nằm ngoài kế hoạch”, hoàn toàn bất ngờ với lực lượng an ninh và mật vụ của Mỹ. Khi ấy, mật vụ Mỹ rất lo lắng bởi không biết rằng có đảm bảo được an toàn, an ninh không.

Nhưng Chủ tịch nước của chúng ta vẫn quyết đi. Thậm chí, ông còn trực tiếp đi bộ để tận mắt nhìn thấy khung cảnh đô thị và khu vực người lao động điển hình của New York.

"Ông đặc biệt kiệm lời nhưng lại rất dễ gần và giản dị, trong các cuộc họp luôn lắng nghe ý kiến trình bày của cấp dưới. Đặc biệt, Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn về lợi ích quốc gia, về vị thế của đất nước", Đại sứ Phạm Quang Vinh nói.

Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Chiều 25/10/1995, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Chủ tịch nước Lê Đức Anh trao tặng phiên bản trống đồng Ngọc Lũ cho Tổng thư ký Liên hợp quốc Boutros B. Ghali, nhân dịp tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Liên hợp quốc (1945-1995). Ảnh: TTXVN

Dấu ấn sâu đậm nhất về Chủ tịch nước, đó là ông có tư tưởng dám vượt qua nỗi đau chiến tranh. Khi ấy ông vừa giữ được nguyên tắc phải nhân đạo và khắc phục hậu của chiến tranh của cả hai phía Việt - Mỹ, vừa tạo ra sự hiểu biết giữa hai bên để đi vào khôi phục quan hệ. Đó là bước đi rất lớn.

Theo cựu đại sứ Phạm Quang Vinh, nhìn lại lịch sử hơn 40 năm trước sẽ thấy Việt Nam và Mỹ có sự khác biệt rất lớn khi 2 thể chế chính trị hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, việc bình thường hóa quan hệ và lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam đặt chân đến Mỹ là một dấu mốc khó phai.

Quyết sách của Chủ tịch nước Lê Đức Anh khi đó là Việt Nam sẵn sàng cho phép Mỹ đến thăm những địa điểm khác nhau để thấy Việt Nam minh bạch và nhân đạo trong việc phối hợp với Mỹ.

Bởi vậy, Mỹ đánh giá rất cao việc này và họ đủ niềm tin về một Việt Nam thực sự nhân đạo. Nội bộ nước Mỹ khi ấy cũng đã vượt qua ám ảnh của cuộc chiến, vượt qua sự khác biệt về chế độ để cùng Việt Nam tiến tới quyết định bình thường hóa.

“Thời kỳ ấy, trong các quyết định chung của tập thể lãnh đạo thì Chủ tịch nước Lê Đức Anh luôn có những dấu ấn riêng trong những quyết sách thúc đẩy quan hệ ngoại giao”, ông Vinh nói.