Quay lại

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh: Cả cuộc đời dành cho sự nghiệp cách mạng

Nguyên Chủ tịch nước – Đại tướng Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cho sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cả cuộc đời dành cho sự nghiệp cách mạng

Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đã từ trần vào hồi 20h10, ngày 22/4 tại nhà công vụ (số 5A, phố Hoàng Diệu, Hà Nội).

Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1/2/1920, bí danh Sáu Nam. Ông quê ở xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1937 trong Mặt trận Dân chủ huyện Phú Vang và Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế, sau đó, từ năm 1945, ông tham gia quân đội, giữ các chức vụ từ Trung đội trưởng đến Chính trị viên Tiểu đoàn và Trung đoàn.

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh đón đoàn Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng do Đại tướng Ngô Xuân Lịch - bộ trưởng Bộ Quốc phòng - làm trưởng đoàn đến thăm, chúc mừng sinh nhật lần thứ 96 của Đại tướng Lê Đức Anh ngày 1/12/2016 - Ảnh: TTXVN

Từ 10/1948-1950, ông Lê Đức Anh là Tham mưu trưởng các Quân khu 7, Quân khu 8 và đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Giai đoạn 5 năm sau đó, ông giữ cương vị Tham mưu phó, quyền Tham mưu Trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ.

Từ 1955-1963, ông Lê Đức Anh giữ chức Cục phó Cục Tác chiến; Cục Trưởng Cục Quân lực thuộc Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam. Từ 8/1963-2/1964, ông là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, sau đó trở thành Phó Tư lệnh, kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Miền Nam, Tư lệnh Quân khu 9 (năm 1969).

Tháng 6/1974, ông được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng, giữ cương vị Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Lê Đức Anh là một trong hai trường hợp đặc biệt được thăng hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.

Từ 1976-1980, ông Lê Đức Anh trở thành Tư lệnh Quân khu 9, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, kiêm chỉ huy trưởng Cơ quan tiền phương của Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam. Ông được thăng quân hàm Thượng tướng năm 1980 và 4 năm sau đó được thăng quân hàm Đại tướng.

Từ 1981-1986, ông giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Đến tháng 2/1987, ông là Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Giai đoạn từ năm 1992-9/1997, ông giữ cương vị Chủ tịch nước và là Ủy viên cố vấn Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ 12/1997-4/2001. Sau đó, ông chính thức nghỉ hưu.

Trong sự nghiệp của mình, Đại tướng Lê Đức Anh đã nhận được phần thưởng cao quý như Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.

Đại tướng Lê Đức Anh là đại biểu quốc hội 4 khóa (từ khóa VI đến khóa IX); là Uỷ viên Trung ương Đảng 5 khóa (từ khóa IV đến khóa VIII), và là Uỷ viên Bộ Chính trị các khóa V, VI, VII và VIII.

Năm 2008, ông được Đảng Cộng sản Việt Nam tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Năm 2013, ông được Đảng Cộng sản Việt Nam tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Năm 2018, ông được Đảng Cộng sản Việt Nam tăng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.
 

Vị tướng trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước

Là một trong số ít người đã trải qua các cuộc chiến tranh từ năm 1945 - 1989, đại tướng Lê Đức Anh có mặt ở những điểm nóng nhất và luôn trở về trong chiến thắng.

Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn với các chiến trường từ Bắc vào Nam, cụ thể: Tham gia 9 năm kháng chiến chống Pháp, đi chiến trường miền Nam 11 năm (1964 - 1975), chỉ huy chiến trường Campuchia 7 năm (1979 - 1986), ổn định tình hình biên giới phía Bắc (1986 - 1989), đồng thời có mặt tại Trường Sa trong những ngày căng thẳng nhất.

Đáng chú ý, Đại tướng Lê Đức Anh cũng là người trực tiếp tham gia những trận đánh, những sự kiện mang tính bước ngoặt của chiến tranh như Mậu Thân 1968, chống lấn chiếm 1973, Phước Long 1974, chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), chiến dịch giải phóng Campuchia (1979); chấm dứt xung đột biên giới với Trung Quốc (1979-1989); bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc (1979-1988).

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Trong cuốn hồi ký Tổ quốc trên hết, Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từng chia sẻ nhiều kỷ niệm sâu sắc tưởng chừng không thể quên trong cuộc đời hoạt động cách mạng, trực tiếp tham gia chiến đấu. Chiến tranh là thử thách cao nhất, nghiệt ngã nhất đối với con người. Nhiều lúc bom đạn ác liệt quá, ông vẫn từng nói vui với anh em: “Bom đạn đầy trời thế này, chết là chuyện thường, còn sống thì mới kỳ!”.

Đại tướng Lê Đức Anh chính là người đề xuất việc phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày 29/12/1994, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hàng trăm Mẹ Việt Nam anh hùng ở tuổi ngoài 70 đã cùng duyệt hàng quân danh dự với người đứng đầu Nhà nước - Chủ tịch nước Lê Đức Anh, trong khuôn viên Phủ Chủ tịch.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một cán bộ đã từng kinh qua nhiều cương vị công tác, được tôi luyện, trưởng thành qua các cuộc kháng chiến, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng và sự trưởng thành của Quân đội.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của mình, dù ở cương vị công tác nào, đồng chí Lê Đức Anh cũng hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, luôn giữ vững khí tiết, phẩm chất của người cộng sản, luôn tận tâm, tận lực vì nước, vì dân, vì bạn bè quốc tế. Đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cho sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
 

Hải Ninh