Quay lại

Người con ưu tú của quê hương xứ Truồi

Sáng 23-4, chúng tôi về xã Lộc An (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế), quê hương của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Trời xứ Huế nắng vàng, mây trắng, mà lòng người trĩu nặng. Cán bộ và nhân dân xã Lộc An mặc dù biết nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tuổi đã cao, lâm bệnh nặng, nhưng ai cũng ngậm ngùi tiếc thương khi người con ưu tú của quê hương xứ Truồi mãi mãi đi xa.

Đã bao đời nay, người dân làng Bàn Môn, xã Lộc An tần tảo một nắng hai sương với đồng ruộng, họ luôn tự hào là một trong những làng quê giàu truyền thống cách mạng và đặc biệt tự hào vì có người con quê hương đã làm rạng danh vùng đất Cố đô Huế là Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Khuôn viên Nhà lưu niệm Đại tướng Lê Đức Anh tại làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Những rặng tre bên con đường bê tông dẫn vào làng Bàn Môn thường ngày tỏa bóng mát, hôm nay như những dòng lệ cùng lòng người tràn đầy nỗi niềm tiếc thương, nhung nhớ khi hay tin nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần lúc 20 giờ 10 phút ngày 22-4-2019. Trong khuôn viên Nhà lưu niệm Đại tướng Lê Đức Anh tại làng Bàn Môn, không khí đượm buồn. Ông Lê Trung Thành (cháu họ Đại tướng Lê Đức Anh), hiện đang trông coi, bảo vệ nhà lưu niệm chia sẻ: “Chú Lê Đức Anh là người liêm khiết, giản dị, gần gũi với nhân dân, bà con làng xóm. Mỗi lần về thăm quê, chú luôn dặn dò con cháu phải tích cực chăm lo sản xuất, chịu khó học hành; bà con trong dòng họ, xóm làng phải đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau”. Trên đường ra bến sông Truồi-nơi gắn bó với tuổi thơ của Đại tướng Lê Đức Anh, chúng tôi gặp bà Hoàng Thị Sen (74 tuổi, ở làng Bàn Môn). Bà Sen bùi ngùi: “Dẫu biết bác Anh bệnh nặng nhưng nghe tin bác mất, tôi thấy hụt hẫng như mất đi người thân ruột thịt. Mỗi lần bác về quê như không có khoảng cách giữa người lãnh đạo đứng đầu Nhà nước với những người nông dân chân lấm tay bùn. Khi biết địa phương có kế hoạch xây dựng khu nhà lưu niệm, Đại tướng Lê Đức Anh nói không nên xây to, xây lớn, sẽ ảnh hưởng đến vườn tược của người dân xung quanh...”.

Không riêng người dân làng Bàn Môn mà tất cả các tầng lớp nhân dân xã Lộc An, từ các em học sinh đến các cụ già, cựu chiến binh, người nông dân, trí thức… khi chúng tôi gặp và trò chuyện, họ đều dành những tình cảm đặc biệt và bày tỏ sự nuối tiếc, xúc động trước sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Em Trần Viết Đức, học sinh Lớp 9/1 (Trường THCS xã Lộc An) bộc bạch: “Hằng tuần, chúng em đều đến Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh để đọc sách, báo. Qua những tư liệu tại đây, chúng em được biết Đại tướng Lê Đức Anh là nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, là người con ưu tú của quê hương xứ Truồi. Chúng em nguyện sẽ học tập thật tốt để xứng đáng với truyền thống quê hương của Đại tướng”.

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Bến sông Truồi-nơi gắn bó với tuổi thơ Đại tướng Lê Đức Anh.

Suốt chặng đường hoạt động cách mạng của mình, cả khi đương chức hay lúc đã nghỉ công tác, Đại tướng Lê Đức Anh luôn quan tâm đến quê hương, nhắc nhở các thế hệ cán bộ địa phương phải chủ động chăm lo cho nhân dân có đời sống no ấm, con cháu được học hành chu đáo. Đồng chí Nguyễn Văn Thiệp, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lộc An nhớ lại: "Khi còn công tác, mỗi lần về thăm quê hương, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đều căn dặn, nhắc nhở lãnh đạo xã: “Đất nước ta còn nghèo, địa phương phải năng động, tự mình phấn đấu vươn lên. Cán bộ phải quan tâm, chăm lo đời sống, tạo công ăn, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân”. Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Hồ Đắc Sự, Chủ tịch UBND xã Lộc An chia sẻ: “Quê hương Lộc An rất tự hào là nơi sinh ra Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Thực hiện lời căn dặn của Đại tướng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lộc An luôn đồng lòng quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Năm 2018, xã Lộc An đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 42,6 triệu đồng/năm”.

Tại trụ sở Huyện ủy, UBND huyện Phú Lộc, chúng tôi nhận thấy không gian làm việc nơi đây cũng lặng lẽ hơn ngày thường. Đồng chí Đặng Ngọc Trân, Bí thư Huyện ủy Phú Lộc bày tỏ: “Sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là mất mát lớn với địa phương, chúng tôi như mất một người thân của mình. Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh luôn dành cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và LLVT huyện Phú Lộc những tình cảm đặc biệt; luôn quan tâm và có những chỉ đạo sáng suốt, tầm nhìn xa trông rộng đối với quê hương; căn dặn, nhắc nhở các thế hệ cán bộ địa phương phải chủ động xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân; đoàn kết xây dựng đội ngũ cán bộ vì dân"…

Được gặp và nghe những lời nói chân thành, những tình cảm ấm áp, những tấm lòng tri ân sâu sắc của cán bộ, nhân dân ở huyện Phú Lộc, chúng tôi thêm hiểu ân đức của cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh dành cho bà con quê nhà.
 

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG