Quay lại

Người anh thân thiết và rất kính trọng của tôi

Năm 1950, tôi làm Huyện đội phó kiêm Đại đội trưởng bộ đội địa phương mang tên "Đại đội Nguyễn Văn Nghĩa". Lúc đó mới chỉ được biết gián tiếp đồng chí Lê Đức Anh trong Ban Chỉ huy chiến dịch Bến Cát qua chữ ký tên đồng chí trong Giấy khen mà đơn vị tôi và cá nhân tôi được tặng thưởng.
 

Đây là chiến dịch tiến công đầu tiên của miền Đông Nam Bộ, trong kháng chiến chống thực dân Pháp kể từ khi chúng thực hiện dã tâm tái xâm lược Việt Nam (23-9-1945). Tại chiến dịch này, đơn vị tôi và tôi lần đầu tiên (của cả chiến trường) diệt được bốn tháp canh trên lộ 4 và lộ 7, mà quân Pháp gọi là "Chiến thuật đồn bốt tháp canh Đờlatua". Cách đánh mà chúng tôi nghĩ ra, cùng với phương pháp làm bay hết hơi người để chống lại bây chó dữ, bí mật đột nhập vào đồn địch của anh Nguyễn Văn Rỡ, chiến sĩ Tiểu đoàn 302 đã được đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ khen ngợi trong buổi lễ tổng kết chiến dịch là đã mở ra một cách đánh mới, một chiến thuật mới, đó là cách đánh đặc công và chiến thuật đặc công.

Ngoài chữ ký trên Giấy khen, đồng chí Lê Đức Anh còn ký tên trong giấy thu nhận một khẩu trung liện và 23 khẩu súng khác là chiến lợi phẩm của chiến dịch, anh đã ký cho phép đơn vị được sử dụng; và ký vào giấy cho chúng tôi được trở về đơn vị, về địa bàn của mình sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu của chiến dịch Bến Cát.

Cuối năm 1952, tôi được là thành viên trong đoàn cán bộ của bộ đội Nam Bộ ra miền Bắc học tập. Chúng tôi hành quân bộ xuyên dãy Trường Sơn; ra đến Trạm 66 Bộ Tổng Tham mưu (lúc đó đóng ở chiến khu Việt Bắc) ngày 31-12 1952. Sáng 3-1-1953, chúng tôi được đồng chí Lê Đức Anh và đồng chí của Ban Cán bộ đến thăm. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc trực tiếp với đồng chí Anh. Đồng chí Lê Đức Anh đã thay mặt đoàn Nam Bộ phân bổ chúng tôi đi học các lớp do cấp trên tổ chức. Thấy anh em đề đạt nguyện vọng muốn đi học bên Trung Quốc, đồng chí Lê Đức Anh đã có những lời phân tích vừa chắc nịch, có sức thuyết phục, vừa tình cảm, tất cả mọi người đều nhất trí và vui vẻ học tập các lớp tại chiến khu. Ngay từ những ngày đầu tiên đó tôi đã thấy kính nể đồng chí cán bộ cấp tham mưu Liên khu miền Đông.

Khi chúng tôi chuẩn bị lên đường trở về miền Nam, tôi được giao làm tổ trưởng trong tổ ba người, gồm tôi, đồng chí Tám Dọn (tức Tám Liên Thanh, quê ở Gia Định, sau này là Trung tướng Phó Tư lệnh bộ đội Biên phòng) và đồng chí Nguyễn Văn Được, quê ở Bà Rịa. Tổ chúng tôi có nhiệm vụ đi bảo vệ đồng chí Lê Đức Anh trên tuyến đường vô Nam. Anh phân công cho mỗi người ngoài gạo ăn đường ra còn mang tài liệu mật, vàng và tiền Đông Dương, mỗi người khoảng 1kg. Tháng 1-1953 thì vào đến huyện Dương Hoà, Thừa Thiên - Huế. Đồng chí Anh đã xin phép tổ cho đi thăm cô em gái (tức o Xoan bây giờ) mà anh xa cách đã 21 năm vì khi cô ra đời thì anh đã phải bí mật di tản vào Nam Bộ theo chỉ thị của tổ chức Đảng. Chính cử chỉ "xin phép" của anh đã giáo dục chúng tôi về nếp sống kỷ luật, dù anh là cấp trên nhưng vẫn tôn trọng tổ chức dù rằng "tổ chức" lúc đó chỉ có bốn người. Đi một tháng nữa thì vào tới Quảng Ngãi. Dọc đường đi anh đã giáo dục chúng tôi một số bài học về quan điểm quần chúng. Vì bữa đó là 28 Tết nên người đi chợ sắm tết rất đông, chúng tôi chờ hoài mà dòng người không dứt. Tôi liền ra đứng chặn đầu cầu để cho anh qua. Tối hôm đó anh đã nhẹ nhàng phê bình tôi: "Lần sau không nên như vậy. Mình có vội gì đâu. Đồng chí lấn người ta rủi bánh kẹo của dân rớt xuống sông thì lấy tiền đâu mà đền. Dù nhường dân đi, mình tới trạm có muộn một chút cũng không sao". Chúng tôi dừng ba ngày ăn tết với Bộ Tư lệnh Liên khu 5. Anh Anh trao cho Liên khu một số tài liệu. Các anh Nguyễn Chánh, Nguyễn Đôn đãi khách món cá trê kho mặn; buổi tối thì liên hoan văn nghệ hát bài chòi. Thấy anh em họ nói "anh em đứng gác" thành "eng en đứng kéo", cả tôi, anh Được và Tám Dọn chạy ra sau bụm miệng cười. Anh Anh liền nhắc nhở: - Không được giễu cợt cách phát âm của họ vì các cụ vẫn dạy "Chửi cha không bằng pha tiếng".

Vào tới Bồng Sơn, Bình Định gặp địch càn nên phải ở lại gần 15 ngày. Tôi đi mua thịt, xương bò và heo về nấu keo làm mắm khô. Về đêm do quá lửa lại ngủ quên nên thịt cháy hết. Thấy chúng tôi xuýt xoa tiếc rẻ, anh chỉnh liền: - Làm cháy cái chảo của dân các anh không nói đến đền bù ra sao mà chỉ lo cháy thịt của mình. Chừ phải kiểm điểm, phải đền bù và xin lỗi chủ nhà cho mượn chảo.

Dọc đường anh phân công cho tôi đọc sách cho mọi người cùng nghe và học những điều có trong sách... Chúng tôi về chiến khu Đ mất chín ngày, rồi qua Bình Long lên Tây Ninh. Sau mấy ngày nghỉ ngơi, anh làm giấy tờ cho từng đồng chí về đơn vị cũ nhận công tác. Tôi thấy anh về ngay căn cứ Phân liên khu Miền Đông mà không ghé thăm người thân ở Bến Cát. Còn chúng tôi sau đó được cử xuống ngay Bến Cát nghiên cứu cách đánh hợp vây của Tiểu đoàn 306 và cách đánh rất hay của du kích xã Thới Hoà do đồng chí Song chỉ huy ... Tháng 11-1962, tôi được cử vào Đảng uỷ Cục Hậu cần Miên, làm Bí thư và Đoàn trưởng Đoàn Hậu cần khu vực 81 tức chiến khu A. Tháng 11-1964 tôi về Miền họp Đảng uỷ Cục Hậu cần, có đồng chí Tư Chi và đồng chí Lê Đức Anh đến dự. Hai đồng chí đã chỉ thị cho tôi: Tổ chức một đại đội 120 người có cả nam và nữ về Miền làm nhiệm vụ vận tải và một đại đội đi phục vụ chiến dịch; về Đoàn Hậu cần 81 chọn rút 700 cán bộ chiến sĩ thành lập Tiểu đoàn 3 đưa về T1 để xây dựng Trung đoàn 4 bộ binh; lựa 50 anh em đặc công quê ở Biên Hoà hoặc vùng phụ cận đưa về thị xã Biên Hoà hoạt động tác chiến. Anh Lê Đức Anh khen tôi đã tổ chức được một lực lượng "chủ lực hậu cần" rất mạnh, vì lúc này "lương thực là tướng", có gạo thì mới điều quân. Hôm sau, tại Cục Tham mưu Miền, anh Anh đã chỉ thị trực tiếp cho tôi: "Anh rành cách đánh đặc công, nay tăng cường anh xuống thị xã Biên Hoà. Ở đó chưa có thị đội. Tháng tới anh phải xuống tới đó lo tổ chức lực lượng đặc công".

Sau khi anh phân tích về địch, về ta, nhiệm vụ của tôi là Thị đội trưởng, là cấp uỷ viên thuộc Thị uỷ, tách ra khỏi U2 Biên Hoà, trực thuộc T1 (Khu 7) và trực thuộc Miền về chỉ đạo mục tiêu. Gồm có bốn nhiệm vụ:

- Đánh sân bay Biên Hoà, có điều kiện thì cùng chủ lực chiếm sân bay, hoặc kết hợp đặc công và pháo binh đánh theo yêu cầu.

- Đánh quy mô nhỏ lẻ vào Quân đoàn 3 của địch , tổ chức cơ sở mật trong lòng địch.

- Nghiên cứu kỹ trước mục tiêu cầu Biên Hoà (Đồng Nai), chuẩn bị lượng thuốc nổ để khi có lệnh là phá được ngay.

- Cùng lực lượng tại chỗ của địa phương đánh phá bình định, diệt ác ôn, tổ chức cơ sở trong nội thành. Tổ chức "lõm" ém quan sát nách địch. Tổ chức du kích mật để kết hợp trong và ngoài cùng tiến công, đánh đòn hiểm vào cơ quan đầu não của địch. Ngày 20-12-1967, theo điện của Miền, tôi đến khu A Rướt. Đồng chí Lê Đức Anh, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Miền triệu tập hội nghị phổ biến kế hoạch tác chiến Mậu Thân) tại Bào Sao. Tham dự có Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5, Tỉnh uỷ U1, Thị uỷ Biên Hoà, các huyện Vĩnh Cửu và Trảng Bom, Đồng chí Anh đã phổ biến kế hoạch tiến công các mục tiêu: Sân bay Biên Hoà, Tổng kho Long Bình, Bộ tư lệnh Dã chiến 2 của Mỹ, Sở chỉ huy Quân đoàn 3 nguy, dinh Tỉnh trưởng, Nha cảnh sát miền Đông, Ty Cảnh sát Biên Hoà, Chi khu Công Thanh, Yếu khu Trảng Bom. Tại các xã, ấp thì cán bộ, du kích cơ sở phát động quần chúng nổi dậy diệt ác phá kềm, giành quyền làm chủ địa phương.

Lực lượng tác chiến trên địa bàn U1 - Biên Hoà gồm có: Sư đoàn 5 thiếu một trung đoàn, được tăng cường một tiểu đoàn DKB của Miền, hai tiểu đoàn đặc công của U1, một đội biệt động của thị xã, hai trung đội bộ đội địa phương huyện Vĩnh Cửu và huyện Trảng Bom. Mỗi xã có một tiểu đội du kích. Ngoài ra còn khoảng 300 cơ sở mật làm nòng cốt ở các ô ấp của thị xã Biên Hoà. So sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch là 1/10, nhưng tinh thần của quân và dân khi được phát động thì sẽ nâng lên gấp bảy lần, dự kiến sẽ là 8/10. Yếu tố bí mật bất ngờ, ta sẽ nhằm vào ngày Tết Nguyên đán để nổ súng tiến công thì sẽ giành thắng lợi.

Phổ biến xong Chỉ thị của Trung ương và kế hoạch sử dụng lực lượng, phân công mục tiêu đánh cho từng đơn vị, địa phương, anh Lê Đức Anh chỉ định Đảng uỷ và Bộ Chỉ huy mặt trận gồm: đồng chí Trần Minh Tâm, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 làm Chỉ huy trưởng, tôi Trần Công An là phó, anh Sáu An tức Lê Xuân Lựu, Chính uỷ Sư đoàn 5 làm Bí thư Đảng uỷ, đồng chí Phan Văn Trang, Bí thư U1 làm Phó Bí thư kiêm Phó Chính uỷ, anh Hai Dũng, Phó Chính uỷ Sư đoàn 5 làm Phó Chính uỷ Mặt trận, hai anh Sáu An và Đặng Ngọc Sỹ, Tham mưu trưởng Sư đoàn 5 được phân công trực tại Sở Chỉ huy cơ bản. Phổ biến chỉ thị xong, anh Sáu chúc các đơn vị giành thắng lợi giòn giã rồi anh chào mọi người trở về Miền.

Kể từ buổi đó, cho đến tận năm 1996, tôi lại mới có dịp gặp lại anh Lê Đức Anh tức Sáu Nam. Hôm đó, anh trên cương vị Chủ tịch nước cùng lãnh đạo, chính quyền và cơ quan tỉnh Đồng Nai tới viếng Tượng đài Chiến thắng tại sân bay Biên Hoà  Viếng xong anh trực tiếp đến nhà tôi thăm tôi và gia đình với hai tư cách: một là tình đồng đội, cán bộ chiến sĩ năm xưa cùng hành quân suốt năm tháng trên dãy Trường Sơn từ miền Bắc trở về quê hương khói lửa miền Nam. Hai anh em vô cùng mừng rỡ đã ôm nhau thắm thiết và xúc động sau bao nhiêu năm xa cách; hai là, anh với cương vị Chủ tịch nước đến thăm gia đình tôi, một gia đình thương binh liệt sĩ. Anh đã ân cần thăm hỏi về sức khoẻ, bệnh tật, đời sống vật chất tinh thần. Hai anh em bồi hồi ôn lại những kỷ niệm chiến đấu thời đánh Pháp và những kỷ niệm của chuyến vượt Trường Sơn. Anh nói với mọi người có mặt hôm đó là đồng chí Trần Công An tức Hai Cà đánh giặc giỏi mà sản xuất cũng giỏi. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ báo cáo với anh rằng Tỉnh đã đề nghị trên xét tuyên dương Anh hùng nhưng chưa thấy hồi âm. Anh Sáu nói: "Tôi nghe có trong danh sách đề nghị đợt 2. Anh Hai Cà thì thừa tiêu chuẩn Anh hùng. Nếu có văn bản tài liệu thì đưa gửi cho tôi, về Hà Nội sẽ cùng các cơ quan xem xét và giải quyết". Và sau đó tôi đã được quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Suốt những năm vừa qua, tôi luôn ghi nhớ những lời dạy của anh và đã thực hiện được những lời đó trong cuộc sống tại địa phương, giữ vững phẩm chất của một anh hùng, phần thưởng vô cùng cao quý mà tôi được Đảng, Nhà nước, nhân dân và đồng đội tôn vinh.

Với tôi, anh Lê Đức Anh mãi mãi là một người anh mà tôi thấy thân thiết, kính trọng như anh em ruột thịt của mình.

 

Trần Công An
Sách Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước