Quay lại

Một tấm gương đạo đức cách mạng để tuổi trẻ Quân đội học tập, rèn luyện và cống hiến

Đại tướng Lê Đức Anh là một trong những bậc lão thành cách mạng đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa - một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ trong quân đội học tập, noi theo.
 

Chứng kiến tình cảnh quê hương, đất nước mất quyền độc lập, tự do; dân chúng lầm than dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến đã sớm hun đúc lòng yêu nước, ý chí đấu tranh và hối thúc chàng trai Lê Văn Giác vừa học, vừa từng bước tham gia các đoàn thể quần chúng cách mạng ở địa phương. Năm 1938, đồng chí Lê Đức Anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Lê Đức Anh thường xuyên có mặt ở các khu vực chiến trường trọng điểm, khó khăn, ác liệt; đảm trách lần lượt các chức vụ chỉ huy từ cấp đại đội, chi đội, trung đoàn, Tham mưu trưởng các khu 7, 8 và Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Nam Bộ, Cục phó Cục Tác chiến, Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam, Phó Bí thư Khu ủy - Tư lệnh Quân khu 9, Phó Bí thư Quân ủy Miền, Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam. Trên các cương vị được Đảng và quân đội giao, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí cũng tìm mọi cách khắc phục khó khăn, lấy việc xây dựng khối đoàn kết thống nhất nội bộ, dựa vào dân mà chiến đấu là khâu then chốt trong chỉ huy, điều hành tác chiến...

Một trong những dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp cầm quân của đồng chí Lê Đức Anh là thời gian lần lượt đảm trách các chức vụ Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Tư lệnh Quân khu 9, Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam,  đồng chí luôn kiên định tư tưởng giữ vững thế tiến công, chủ động tấn công, tìm ra những cách đánh hiệu quả, góp phần cùng quân và dân ta giành được nhiều thắng lợi bước ngoặt thay đổi cục diện chiến trường, điển hình như: đánh bại cuộc hành quân Gianxơn Xiti trên chiến trường miền Đông Nam Bộ (1967) - đánh bại kế hoạch bình định, lấn chiếm của địch trên địa bàn Quân khu 9 (1973) - tạo ra thế và lực mới cho cách mạng miền Nam; tiến hành Chiến dịch Đường 14 - Phước Long (1974) - đòn thăm dò chiến lược chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ghi nhận những công lao đó đồng chí Lê Đức Anh được Đảng và Nhà nước thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá (1958) lên Trung tướng (1974).

Đất nước vừa thống nhất không được bao lâu, quân Pôn Pốt Iêng Xary lại gây ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Với trọng trách Tư lệnh Quân khu 9, sau đó là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Trưởng Cơ quan Tiền phương Bộ Quốc phòng ở phía Nam, đồng chí Lê Đức Anh lại một lần nữa trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang chiến đấu bảo vệ vững chắc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Tiếp đó, với các cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Trưởng Ban Lãnh đạo Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Campuchia, đồng chí đã quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”; sâu sát chỉ đạo Quân tình nguyện Việt Nam anh dũng chiến đấu cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng; chuẩn bị mọi mặt chu đáo trong các cuộc tiếp xúc với bạn; coi trọng công tác chuyên gia, luôn chỉ đạo bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần và phát huy hiệu quả trình độ, năng lực và kinh nghiệm của đội ngũ này, thường xuyên rèn luyện cho Quân tình nguyện Việt Nam và đội ngũ chuyên gia nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm các mệnh lệnh, nguyên tắc trong hoạt động đối ngoại quân sự với bạn. Có thể nói, bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc chức trách của nhà quân sự, đồng chí Lê Đức Anh còn là một “nhà ngoại giao” có những đóng góp tích cực cho việc tăng cường quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

 Khi được Đảng và Nhà nước bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (1986), rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1987), Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), để chủ động ứng phó hữu hiệu với những biến động phức tạp khó lường của tình hình quốc tế và khu vực, Đại tướng Lê Đức Anh đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước từng bước xây dựng kế sách giữ nước một cách toàn diện: củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân gắn với xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, chủ động hoạch định các chủ trương, giải pháp đúng đắn, kịp thời về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc và biển đảo của Tổ quốc, góp phần giữ vững an ninh chủ quyền đất nước trước mọi tình huống; đồng thời từng bước giảm quân thường trực từ 1,5 triệu xuống còn 45 vạn người, điều chỉnh thế bố trí chiến lược phòng thủ đất nước; mặt khác, khẩn trương phá thế bao vây cấm vận của Mỹ, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và tìm cách gia nhập khối ASEAN.

Rất mềm dẻo, khôn khéo, linh hoạt và kịp thời trong ứng phó chiến lược, nhưng là người hiểu sâu sắc nguyên lý “lợi ích quốc gia, dân tộc là mãi mãi” và thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Rừng vàng, biển bạc là của ta, do nhân dân ta làm chủ”. nên trong chuyến thị sát quần đảo Trường Sa và dự lễ kỷ niệm 33 năm Ngày truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam (07/5/1955 - 07/5/1988) ngay sau khi diễn ra sự kiện quân Trung Quốc nổ súng vào tàu HQ-604 của Việt Nam tại đảo Gạc Ma (14/3/1988) làm 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó có đoạn nhấn mạnh: “... chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”. Đây không chỉ là mệnh lệnh chiến đấu cho quân đội, mà còn là Tuyên bố đanh thép của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam với thế giới rằng: Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam, không thể bàn cãi.

Trong lịch sử chiến tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới thời đại Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Đức Anh là một vị tướng cầm quân trải qua đủ các thời kỳ liệt oanh nhất: kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của chế độ Pôn Pốt Iêng Xari. Với uy tín cao, tài năng xuất chúng và bề dày kinh kinh nghiệm hoạt động cách mạng, nên dù đã ngoài 70 tuổi, Đại tướng Lê Đức Anh vẫn được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1992). Đáp lại sự tin yêu của toàn dân, toàn quân, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng trong công tác đối nội, đối ngoại, góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững và củng cố, vị thế của Việt Nam không ngừng được khẳng định và lan tỏa khắp các châu lục.

Là vị tướng công tác trong quân đội trở thành người đứng đầu Nhà nước, đồng chí Lê Đức Anh luôn đau đáu trong lòng về chính sách đãi ngộ đối với người có công. Nổi bật trong đó là việc đề xuất của đồng chí về xét tặng danh hiệu cao quý “Mẹ Việt Nam Anh hùng” đã được Đảng và Nhà nước chấp thuận và triển khai thực hiện rất thành công, thực sự là dấu ấn rất lớn góp phần xoa dịu nỗi đau thương, mất mát trong chiến tranh, tăng cường lòng tin của dân đối với Đảng và Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân ngày thêm vững mạnh - nhân tố quyết định để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Tận trung với nước, tận hiếu với dân”, từ thực tiễn hoạt động cách mạng, trong hồi ký của mình, Đại tướng Lê Đức Anh viết: “... tôi rút ra được đôi điều tâm huyết là phải luôn luôn rèn luyện, phấn đấu thường xuyên, liên tục, quá trình rèn luyện cần hội tụ đủ ba yếu tố. Thứ nhất là, luôn học tập không ngừng, nâng cao tri thức mọi mặt, đặc biệt là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thứ hai là, thường xuyên rèn luyện bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước cán bộ, chiến sĩ và trước cấp trên. Trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, lập trường cách mạng, cần có sự mềm dẻo, linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể, năng động, sáng tạo để đạt hiệu quả cao nhất trong chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Đảng và mệnh lệnh của cấp trên. Thứ ba là, luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, có tinh thần cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên hết. Mọi suy nghĩ và hành động phải xuất phát từ lợi ích chung của Đảng, của nhân dân, của dân tộc; luôn phấn đấu vì lợi ích của nhân dân và của cả dân tộc, hết lòng thương yêu gắn bó với nhân dân, gắn bó với Tổ quốc thì dù khó khăn, gian khổ ác liệt và nguy hiểm đến mấy chúng ta cũng vượt qua được”.

Tài năng, phẩm chất đạo đức và cống hiến của Đại tướng Lê Đức Anh chưa có công trình nào thể hiện một cách toàn diện và đầy đủ; bởi, theo đánh giá của Tổng Bí thư Đỗ Mười: Lê Đức Anh thật sự “là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng ta, Nhà nước ta, nhân dân ta, của cách mạng Việt Nam”. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh thực sự là tấm gương mẫu mực cho tuổi trẻ quân đội - một trong những bộ phận ưu tú của thế hệ trẻ Việt Nam, đã và đang ngày đêm tiên phong thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và tiếp sau - tự soi lại mình và sửa mình, quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và công tác tốt; sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp nối xứng đáng với những đóng góp to lớn của Đại tướng - Chủ tịch nước đối với Đảng, Nhà nước, quân đội và dân tộc Việt Nam.

Thượng tá NGUYỄN NGỌC TÙNG