Một quyết định đúng và kịp thời
Thời gian tôi ở đây không nhiều nhưng lại vào thời điểm có ý nghĩa lịch sử. Lúc đó ta đang chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến lược mới đối với cách mạng cả nước, nhất là với cách mạng miền Nam. Thời điểm có Nghị quyết Trung ương 15, nhiều việc chuẩn bị cho miền Nam được giao cho Cục Tác chiến. Bởi vậy khi anh Lê Đức Anh về cơ quan Bộ tổng Tham mưu ở thời điểm đó là rất quan trọng và anh có sự đóng góp rất to lớn. Thời điểm thứ hai mà anh về là thời kỳ sửa sai cải cách ruộng đất, mà sửa sai sau cải cách ruộng đất bao trùm lên nhiều vấn đề. Lúc đó anh Lê Đức Anh là Cục phó Cục Tác chiến, tham gia các vấn đề chung và về tác chiến của quân đội, đồng thời anh lại phụ trách công tác nội bộ của Cục Tác chiến. Những ý kiến chỉ đạo của anh Lê Đức Anh rất có lý có tình. Tôi phải nói con người anh Lê Đức Anh nhìn bên ngoài thì chưa thể hiện được nội tâm. Về nội tâm, anh là một con người rất dễ gần, tiếp xúc với cán bộ với một tinh thần giản dị, dễ hiểu nên anh em rất mến. Có lẽ vì thế mà thủ trưởng cục giao cho anh làm công tác nội bộ, bên cạnh công tác chung. Sau đó, anh Trần Văn Quang, Cục trưởng và anh Lê Đức Anh, Phó Cục trưởng cử tôi đi học ở Liên Xô.
Tôi đang làm Phó tư lệnh Binh chủng Hoá học thì có quyết định về làm lãnh đạo Trung tâm Nhiệt đới Việt - Xô. Trung tâm này là của Nhà nước nhưng lại giao cho Bộ Quốc phòng làm chủ quản. Bởi vậy Bộ Quốc phòng điều hành Trung tâm với sự đầu tư của Nhà nước chứ không phải lấy ngân sách quốc phòng. Thủ tướng có ủy quyền cho Đại tướng Lê Đức Anh quyết định về tổ chức và nhân sự. Tôi còn nhớ vào tháng 12 -1987, Đại tướng Lê Đức Anh đã ra một quyết định về thành lập Phân ban Việt Nam và các nhân sự của Phân ban Việt Nam gồm có Bộ Quốc phòng, Đảng ủy quân sự Trung ương. Đồng thời cử Thiếu tướng Phan Thu, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kỹ thuật quân sự làm Chủ tịch Phân ban, và đưa một số cán bộ của Bộ Quốc phòng tham gia, trong đó có tôi. Tôi được giao làm Uỷ viên thường trực của Phân ban Việt Nam, mời anh Lê Quý Hai là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học kỹ thuật nhà nước tham gia làm Phó Chủ tịch, Bộ Y tế có Thứ trưởng Hoàng Đình Cầu, anh Quý làm Phó Chủ tịch, giáo sư Nguyễn Văn Cường làm ủy viên. Như vậy, tổ chức theo quyết định của Đảng ủy Quân sự Trung ương mà anh Lê Đức Anh trực tiếp phụ trách. Sau này còn có anh Nguyễn Trần Luận là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, anh Hồ Sĩ Thoảng Phó Giám đốc Viện Khoa học Việt Nam. Nói đúng ra thành viên hầu như tất cả là các thứ trưởng ở các Bộ. Sau này có thể Bộ Thủy sản. Như vậy, quyết định của Đảng ủy quân sự Trung ương mà trực tiếp là Đại tướng Lê Đức Anh ký thể hiện sự tập hợp một lực lượng rất đáng kể cán bộ lãnh đạo và các nhà khoa học của nhiều ngành theo Hiệp định giữa hai bên (được ký ngày 8-7-1987). Người chỉ đạo Trung tâm ký Hiệp định này gồm có các đồng chí: Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó thủ tướng Võ Nguyên Giáp, Phó thủ tướng Đỗ Mười và Đại tướng Lê Đức Anh. Bên Liên Xô có Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học. Khoảng tháng 2-1988, Đại tướng Lê Đức Anh quyết định tôi về làm Tổng Giám đốc, từ đó tôi tiếp nhận được rất nhiều ý kiến chỉ đạo của anh Lê Đức Anh.
Khi tiếp xúc với Đại sứ Liên Xô, tôi thấy có mấy điểm thế này. Lúc đó Việt Nam và Liên Xô là anh em, hợp tác và giúp đỡ nhau trên tinh thần quốc tế vô sản. Liên Xô là một cường quốc về khoa học quân sự quốc phòng, vì vậy về mặt tổ chức, bên bạn là Viện Hàn lâm, nhưng bên ta thì Trung tâm lại là một tổ chức trong biên chế của Bộ Quốc phòng. Bằng quyết định này, mình đã tranh thủ được những mặt mạnh của bạn là cường quốc về khoa học kỹ thuật và cường quốc về quốc phòng. Về mặt khoa học thì mình tranh thủ được Viện Hàn lâm. Về mặt quốc phòng, trang bị kỹ thuật của quân đội ta lúc đó hầu hết là do Liên Xô sản xuất. Vậy thì làm sao tận dụng chất xám của bạn vào việc khai thác sử dụng, bảo quản trang thiết bị của bạn trong điều kiện của mình. Điều này rất quan trọng bởi vì có một phần trang bị chúng ta chưa nắm hết được tính năng kỹ thuật. Có một thực tế là khi chưa có Hiệp định này, ta không được vào những viện nghiên cứu rất bí mật của Nga. Ví dụ, các đồng chí Không quân của ta chưa bao giờ vào được Viện Không quân của Nga. Lần đầu tiên sau khi đã ký Hiệp định, khi chúng tôi đến cùng với anh Trương Khánh Châu lúc đó là Phó tư lệnh Quân chủng Không quân, phía bạn nói là các anh là những người ngoại quốc đầu tiên đến Viện này. Như vậy, từ đó chúng ta đã thiết lập được những quan hệ rất sâu sắc. Chẳng hạn, sau này tôi cùng đồng chí Phó tư lệnh Hoá học của Nga ký một văn bản hợp tác nghiên cứu về công nghệ cao, bạn nói là vũ khí chính xác cao. Có thể thấy ý định tranh thủ khoa học kỹ thuật của bạn thể hiện rất rõ ở Đại tướng Lê Đức Anh.
Hai là, tháng 8-1991, khi Liên Xô tan rã, ý kiến của anh Lê Đức Anh đã giúp cho Trung tâm thoát khỏi cái bước gọi là "thử thách sống còn". Lúc đó tuy Nga đã thay thế Liên Xô, nhưng vì nước Nga đang lâm vào khủng hoảng, rất khó khăn nên từ 200 cán bộ đang làm việc ở Trung tâm phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh) buộc phải rút xuống chỉ còn 13 người, chủ yếu là để giữ cơ sở vật chất kỹ thuật, và chờ đợi quyết định của Chính phủ Nga xem có tiếp tục duy trì không. Điều thứ hai là ở nước ta. Lúc đó có nhiều cơ quan, trong đó có cả cấp tướng của ta nói rằng Liên Xô tan rã, nên họ bảo không còn hợp tác, giải tán cái Trung tâm này đi! Khi anh em chúng tôi làm kế hoạch tài chính để xin kinh phí thì người ta bảo Trung tâm có còn không mà cấp cho anh tiền? Xin đất cũng vậy, họ bảo Trung tâm có còn không để mà cấp đất xây dựng cơ quan?
Trong tình hình đó, Ban Giám đốc Trung tâm chúng tôi trực tiếp được Đại tướng Lê Đức Anh chỉ đạo rất sáng suốt như thế này: Trước sau thì nước Nga vẫn là một cường quốc, hơn nữa nhân dân Nga không dễ xoá đi tình cảm anh em giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây. Vì thế chúng ta kiên quyết phải duy trì Hiệp định này, mặc dù trước mắt chúng ta có khó khăn nhưng phải chờ đợi bạn, chỉ đề nghị bạn thực hiện, chúng ta vẫn tiếp tục hoạt động, duy trì Hiệp định. Trong khi đó, cơ quan chính phủ đã rà soát lại toàn bộ các hiệp định, trong đó có hiệp định về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga rồi điện sang Bộ Quốc phòng hỏi chúng ta có còn giữ hay không? Sau khi có ý kiến của Đại tướng Lê Đức Anh, rồi ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều nói rằng chúng ta phải duy trì, Bộ Quốc phòng đề nghị với Chính phủ là giữ và Chính phủ ta cũng ra quyết định là giữ Hiệp định này, trong khi có khá nhiều hiệp định phải chấm dứt. Ngay sau đó chúng tôi làm việc với bạn để chính thức hóa trách nhiệm của Nga thay thế trách nhiệm của Liên Xô. Trong các cơ sở liên doanh với Nga, nhất là các cơ sở nghiên cứu khoa học thì coi như giải tán gần hết, còn duy nhất Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh sau khi thay Đại tướng Võ Nguyên Giáp phụ trách về khoa học có phát biểu: "Các anh phải rút kinh nghiệm, tại sao cũng trong tình hình như thế mà Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga vẫn tồn tại được trong lúc sóng gió?"
Nguyên nhân mà chúng tôi nhận thức được là: Thứ nhất, Trung tâm đặt tại Bộ Quốc phòng, nếu như đặt tại Bộ khác thì lúc bấy giờ đều chao đảo và bỏ cả. Như vậy là ta đã nhìn thấy nhu cầu hợp tác là vấn đề chiến lược quan trọng giữa ta và Liên bang Nga trong lúc tình hình diễn biến phức tạp. Điều thứ hai, nước Nga và ta có quan hệ truyền thống lâu đời, trong khi đường lối của Đảng ta đã chỉ rõ là kiên trì mục tiêu "Việt Nam muốn là bạn của tất cả các quốc gia và các dân tộc trên thế giới" thì dù thế nào chúng ta vẫn phải giữ quan hệ hữu nghị và hợp tác với Nga. Tôi thấy ý kiến chỉ đạo này rất đúng với tình hình thực tiễn và nhìn trước được sự phát triển hợp tác giữa hai bên. Trong nhiệm kỳ Đại tướng làm Chủ tịch thì ngày Tết, ngày lễ chúng tôi đến thăm, cũng là để báo cáo tình hình và xin những ý kiến chỉ đạo sát sao của Đại tướng.
Bạn Nga nói quyết định của Đại tướng là rất sáng suốt, đúng đắn. Năm 1991, Đại tướng ra quyết định chuyển Trung tâm từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội ngay giữa thời điểm Liên Xô tan rã. Đại tướng đã đến thăm Trung tâm tại chi nhánh phía Bắc. Tôi có nói với Đại tướng là hôm nay Đại tướng đến thăm Trung tâm cơ sở phía Bắc, hôm sau muốn mời Đại tướng đến thăm trụ sở chính của Trung tâm ở phía Nam. Đại tướng nói là: "Không, tôi đến đây là thăm Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga chứ không phải chi nhánh phía Bắc và tôi quyết định là cơ sở chính sẽ chuyển từ phía Nam ra đây!". Quyết định này ngay bạn Nga cũng ngỡ ngàng vì trong lúc "nước sôi lửa bỏng" như thế này, nhiều người còn muốn giải tán, mình lại là cơ quan trực thuộc Nhà nước mà lại nằm trong Thành phố Hồ Chí Minh thì cực khó. Đúng thời điểm này Đại tướng có quyết định và từ đó chúng tôi mới tiếp cận được với các cơ quan các bộ: Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học - Công nghệ - Môi trường, Bộ Tài chính để duy trì hoạt động và phát triển.
Ngày đầu chuyển ra, chúng tôi phải mượn một phần doanh trại của Đoàn 871 bên Gia Lâm làm nơi tạm trú. Sau đó xin Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho khu tập thể, chúng tôi xin được 15 tỷ đồng và được một vài hécta đất. Việc này nếu ở trong Thành phố Hồ Chí Minh là không thể làm được. Vấn đề quan trọng nhất là chúng tôi đề nghị Đảng ủy Quân sự Trung ương ra được nghị quyết về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. Anh Lê Đức Anh có ý kiến, rồi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng có ý kiến là phải có Nghị quyết của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương thì mới xây dựng Trung tâm này được. Trong cuộc họp tôi cũng báo cáo với Thường trực Đảng ủy Quân sự Trung ương là tôi đang chỉ huy một đơn vị trong tình trạng quân vay tướng mượn. Quân vay vì lực lượng của mình mỏng quá. Tướng mượn là nói về chủ các dự án, rất nhiều chủ nhiệm đề tài phải lấy ở các bộ bên ngoài vì quân của mình trong Bộ Quốc phòng không mạnh nên không đủ sức. Nga thì họ toàn là những giáo sư, viện sĩ trong khi đó anh em ta vừa mới vào nghề, nhiều người còn không biết tiếng Nga nữa. Quân vay tướng mượn mà lại phải ở nhờ Đoàn 871, cơ sở ở Nha Trang cũng phải ở nhà đất của Quân khu 5, đến độ quân mình ra vào cổng qua trạm gác cũng gặp khó khăn. Sau đó Đảng ủy Quân sự Trung ương đã ra một nghị quyết rất quan trọng. Thứ nhất là duy trì và phát triển Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. Quyết định thứ hai là tăng cường đầu tư cho Trung tâm phía Việt Nam để có đủ sức làm việc với bạn. Và từ quyết định đó mình mới ký kết lại được với bạn để bạn có công hàm, nói đúng hơn để Bộ chúng ta là thành viên phía Việt Nam báo cho thành viên phía Nga là chúng tôi quyết định chuyển trụ sở chính ra phía Bắc, yêu cầu Liên bang Nga thực hiện quan điểm của mình về Trung tâm này và bên Nga họ cũng hoàn toàn nhất trí. Họ nói là sẽ tiến hành ký lại nghị định thư là nước Nga sẽ thay thế Liên Xô và sau đó họ chủ động tiến hành. Nhưng chúng ta cũng không thể chờ đợi bạn vì bạn đang khó khăn, ta cứ quyết định đầu tư để xây dựng Trung tâm. Như vậy, ý tưởng của Đại tướng Lê Đức Anh, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được chính vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương. Nghị quyết này đã đưa Trung tâm qua được giai đoạn khủng hoảng và ta đã ký được với Nga cùng nhau nghiên cứu khắc phục hậu quả chiến tranh và các đề tài khoa học khác; và như vậy Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga vẫn tồn tại và phát triển.
Thiếu tướng Trần Xuân Thu
Sách Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước