Quay lại

Lòng dân miền Trung - Tây Nguyên tiếc thương nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

QĐND - Sáng 23-4, đến nhà Đại tá Đặng Quang Quý, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Đảng ủy Vùng 3 Hải quân, chúng tôi cảm nhận được nỗi đau buồn lớn trong lòng người cựu chiến binh hải quân.

Ông Quý nghẹn ngào: “Đại tướng Lê Đức Anh về cõi vĩnh hằng khiến chúng tôi tiếc thương vô hạn, bởi bác là một cán bộ lão thành cách mạng kinh qua nhiều gian truân trong các cuộc kháng chiến vệ quốc. Dù ở trên cương vị công tác nào, bác Lê Đức Anh cũng đều thể hiện sự kiên quyết, kiên trung và kiên định, góp phần đáng kể vào thành công của cách mạng”. 

Đại tá Đặng Quang Quý kể: “Tôi nhớ năm 1992, Đại tướng Lê Đức Anh trên cương vị Chủ tịch nước đến thăm Vùng 3 Hải quân. Hôm ấy, Chủ tịch nước xuống tận tàu thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ và căn dặn: “Các đồng chí phải thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ra sức luyện giỏi, rèn nghiêm, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc!”. Chủ tịch nước Lê Đức Anh thân mật nói chuyện với cán bộ tàu, chụp hình chung với chiến sĩ trẻ... Những lời huấn thị, những tình cảm của Chủ tịch nước Lê Đức Anh hôm ấy khiến những người lính biển chúng tôi cảm động không nói nên lời"...

Trên tay cầm tờ báo cũ có in hình Đại tướng Lê Đức Anh, bà Hồ Thị Hương, nguyên chiến sĩ thanh niên xung phong ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng không giấu nổi xúc động: “Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, biết tin Đại tướng Lê Đức Anh từ trần tối 22-4, chúng tôi vô cùng thương tiếc. Cái tâm, cái tầm của bác ấy khiến đồng bào cả nước đều ngưỡng mộ. Tấm lòng của Đại tướng Lê Đức Anh nhân hậu, suốt cả cuộc đời vì dân, vì nước. Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh mãi đi xa là một tổn thất vô cùng to lớn đối với dân tộc ta và nhân dân ta".

Trên dải đất miền Trung-Tây Nguyên, tất cả những người chúng tôi gặp đều tỏ lòng tiếc thương nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Em Phan Thị Hồng Hạnh, học sinh lớp 11/25 Trường THPT Phan Châu Trinh (TP Đà Nẵng), nói với chúng tôi: “Thế hệ chúng cháu được cắp sách đến trường là nhờ công lao và sự hy sinh của bao thế hệ cha anh đi trước, trong đó có công lao của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Qua lời giảng của thầy cô, qua những trang sách lịch sử, cháu rất hâm mộ tài năng, đức độ của ông đối với đất nước; ông là một vị tướng tài giỏi của dân tộc. Noi gương ông, cháu sẽ cố gắng học tập thật tốt để mai này góp phần dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp”…

Mấy chục năm đã trôi qua, nhưng nhiều bà con ở Tây Nguyên còn nhớ mãi công ơn của đồng chí Lê Đức Anh dành cho đồng bào, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Già làng Y Riu Drơng ở buôn Knia, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar (Đắc Lắc) chia sẻ với chúng tôi: “Đại tướng Lê Đức Anh là một chiến sĩ cách mạng trung kiên, trải qua nhiều cương vị công tác và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Khi trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí luôn dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt đến Tây Nguyên; luôn chỉ đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong khu vực chăm lo xây dựng Tây Nguyên ngày càng no ấm, xứng đáng là địa bàn có vị trí chiến lược... Công ơn của Bác Hồ và các vị lãnh đạo đất nước đối với đồng bào ta nhiều lắm! Lòng dân Tây Nguyên mãi khắc ghi!”.

Nghe tin Đại tướng Lê Đức Anh từ trần, anh Ksor Lúy ở làng Kom Yô (xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) bày tỏ niềm tiếc thương và tâm sự: “Tôi được biết, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh rất gần gũi với người nông dân và các tầng lớp lao động nghèo. Tôi lớn lên cũng được biết nhiều chính sách ưu tiên trong phát triển nông nghiệp, văn hóa, xã hội vùng Tây Nguyên từ chỉ đạo của bác Lê Đức Anh. Tây Nguyên ngày càng đổi mới, phát triển bền vững là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ và những nhà lãnh đạo tâm huyết, hết lòng vì nhân dân như bác Lê Đức Anh”.

Những lời chia sẻ, bày tỏ lòng tôn kính, niềm tiếc thương vô hạn của các tầng lớp nhân dân trước sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh, khiến chúng tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động, nhất là trong những ngày cả nước ta đang hướng tới kỷ niệm 44 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 44 năm trước, có sự đóng góp không nhỏ của đồng chí Lê Đức Anh.

TIẾN DŨNG - BÌNH ĐỊNH