Lê Đức Anh - Vị Tướng quyết đoán, giàu tình cảm trong lòng đồng đội
(Chinhphu.vn) - Nhận được tin Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước từ trần, Trung tướng Lê Nam Phong (nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2) đã bày tỏ nỗi niềm xúc động về vị Tướng tài năng cả trong trận mạc lẫn lúc đời thường.
Đại tướng Lê Đức Anh trong một lần gặp mặt đồng đội tại TPHCM (Trung tướng Lê Nam Phong, hàng trên, thứ nhất từ trái sang). Ảnh: QĐND
Biết tin Đại tướng Lê Đức Anh bệnh nặng, chúng tôi, những cán bộ dưới quyền anh thuở trước, đã chuẩn bị tâm thế cho những gì xấu nhất có thể xảy ra. Vậy mà nghe tin anh từ trần, tôi vẫn thấy bàng hoàng, trống trải. “Anh đi thật rồi sao?”. Bao kỷ niệm cũ ùa về trong tôi vẹn nguyên như mới hôm qua…
Trong những năm chiến tranh, tôi nghe danh Thủ trưởng Lê Đức Anh đã nhiều và cũng không ít lần được gặp anh, cả trong trận mạc và giữa đời thường. Một lần, sau chiến thắng Phước Long, Quân đoàn 4 phải xử lý bao nhiệm vụ đặt ra trong cục diện mới, vừa tham gia chiến đấu vừa xây dựng lực lượng để tạo thế trận tiến công Sài Gòn-Gia Định.
Quân đoàn được bố trí chuẩn bị địa bàn tạo thế trận ở phía đông bắc và tây bắc Sài Gòn. Ngày 4/3/1975, quân dân ta trên các chiến trường đồng loạt nổ súng tiến công địch. Ngụy quyền Sài Gòn hoàn toàn bất ngờ trước quy mô, thời điểm và hướng tiến công cùng lực lượng của quân ta. Bấy giờ, Sư đoàn 7 do tôi chỉ huy, phối hợp cùng một bộ phận LLVT Quân khu 7, Quân khu 6, chuẩn bị đánh chiếm chi khu Định Quán (Đồng Nai), sau đó nhanh chóng chuyển sang hướng đông, chuẩn bị tiến công “cánh cửa thép” Xuân Lộc.
Ngày 5/3/1975, đồng chí Lê Đức Anh, Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam trực tiếp giao nhiệm vụ cho Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 7, tại căn cứ Đồng Xoài. Anh yêu cầu Sư đoàn khẩn trương mở mặt trận mới ở đông bắc Sài Gòn: Đánh chiếm Định Quán, giải phóng đường 20 và tỉnh Lâm Đồng. Thời điểm đó, đội hình Sư đoàn 7 đang bố trí tại thị xã Phước Long đến nam Đồng Xoài. Trước khi chính thức giao nhiệm vụ, anh gặp tôi và hỏi: “Tình hình, khả năng cơ động, chiến đấu của Sư đoàn thế nào? Nếu thay đổi mục tiêu có chắc thắng không?”. Tôi quả quyết: “Anh yên tâm, nhất định chúng tôi sẽ chiến thắng, nhưng đề nghị anh bổ sung phương tiện cơ giới cho chúng tôi mới kịp thời gian hành quân tác chiến”. Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam gật đầu: “Được, tôi tin tưởng ở anh”.
Kiến nghị vậy nhưng tôi nghĩ chưa chắc đã được Phó Tư lệnh giải quyết. Vậy mà trong hội nghị quân chính triển khai nhiệm vụ ngay sau đó, đồng chí Nguyễn Can, Chính ủy Trung đoàn 165 nêu thắc mắc là Trung đoàn hiện ở sát thị xã Phước Long, theo bản đồ tỷ lệ 1/100.000, thì từ Phước Long về Định Quán cách nhau 3 gang tay, làm sao cơ động kịp được. Lập tức, đồng chí Lê Đức Anh quyết định cho Sư đoàn 7 nhận thêm 35 xe ô tô để cơ động lực lượng. Tôi mừng thầm vì số lượng xe như vậy là quá đủ để điều chuyển quân theo đúng ý định. Thực ra, tôi đã dự tính, không cần nhiều xe đến vậy chúng tôi vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ, tuy có thể sẽ vất vả hơn. Đúng như nhận định của nhiều đồng đội, Thủ trưởng Lê Đức Anh khá rộng lượng, quan tâm đến cấp dưới.
Lần khác, cuối năm 1983, tôi nhận lệnh của Bộ Quốc phòng điều về Mặt trận 719 (tiền phương Bộ Quốc phòng) ở Campuchia. Trước đây, tôi đã tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam. Sau gần 5 năm kể từ ngày liên quân cách mạng Việt Nam-Campuchia đánh bại bè lũ Pol Pot-Ieng Sary và giải phóng được thủ đô của đất nước Chùa tháp, trong lòng tôi dâng trào nhiều cảm nghĩ và sự xúc động thành kính sâu xa…
Tới Bộ chỉ huy Quân tình nguyện, tôi được gặp đồng chí Lê Đức Anh là Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam và các đồng chí trong Bộ Tư lệnh. Vừa thấy tôi, Tư lệnh Lê Đức Anh đứng dậy, tươi cười: “Cậu trở lại đây thì khác gì về nhà”. Tôi đáp: "Báo cáo anh, mọi thứ ở đây đổi thay nhiều quá, chẳng biết mình có theo kịp không”. Ngồi xuống ghế trò chuyện, Tư lệnh nhắc tôi: “Bây giờ không như thời chống Mỹ, mình làm nhiệm vụ quốc tế cao cả nên phải xử lý rất khéo trong mọi mối quan hệ; xây dựng tình đoàn kết láng giềng bền vững. Tôi tin ở kinh nghiệm và sự năng động của đồng chí. Nhất định chúng ta sẽ lập công nhiều hơn nữa!”. Lời nhắc nhở và niềm tin của anh không những cổ vũ tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn theo suốt đời quân ngũ của mình.
Suốt thời gian cùng anh công tác trên đất bạn, tôi được anh chỉ bảo nhiều điều. Tài thao lược, sự quyết đoán và tình cảm của Thủ trưởng Lê Đức Anh luôn là mẫu hình lý tưởng mà tôi học tập.
Mùa đông năm 1987, tôi được Bộ Quốc phòng điều về giao nhiệm vụ làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2. Trong 3 năm đầu tiên làm Hiệu trưởng, tôi được đón Đại tướng Lê Đức Anh đến thăm Trường. Trong lúc dẫn Bộ trưởng đi thăm khuôn viên, cơ sở vật chất, doanh trại các đơn vị, anh bảo tôi, cậu làm thầy giáo cũng được đấy, nền nếp ra trò! Trong lần gặp mặt đó, Đại tướng Lê Đức Anh ân cần thăm hỏi cán bộ, học viên nhà trường như người thân lâu ngày gặp lại. Hình ảnh vị Bộ trưởng bắt tay thân mật, tươi cười bên những sĩ quan tương lai đã khắc sâu trong tâm trí lớp lớp thế hệ học viên nhà trường đến tận bây giờ…
Kỷ niệm và ký ức vẫn vẹn nguyên còn đó, vậy mà anh đã ra đi. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vẫn hướng về anh với lòng ngưỡng mộ. Dẫu không muốn tin và không dám tin nhưng sự thật xót xa vẫn đang hiện hữu. Chúng tôi đã mất đi người Thủ trưởng, người Anh tài năng, đáng kính.
Một nén tâm nhang, kính cẩn nghiêng mình tiễn Anh về với thế giới người hiền!
Báo QDND