Lê Đức Anh - nhà lãnh đạo tạo nhiều dấu ấn
Hầu hết các hãng truyền thông quốc tế khi đưa tin về sự kiện nguyên Chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh từ trần, đều khẳng định vai trò quan trọng của ông trong thành tựu đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới. Một trong số đó là việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Theo bài viết trên báo Straitstimes của Singapore, trong nhiệm kỳ của Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1995.
Trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, không thể không nhắc tới những tiến bộ trong hợp tác giữa hai bên về vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích và hài cốt lính Mỹ trong chiến tranh (gọi tắt là POW/MIA). Khi đó, Mỹ coi đây là hai vấn đề tiên quyết để xóa bao vây cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Trong cuộc tiếp phái đoàn do Thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry dẫn đầu thăm Việt Nam tháng 11-1992, Chủ tịch nước Lê Đức Anh khẳng định Việt Nam đã và sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ thực hiện các thỏa thuận giữa hai chính phủ và mong hai bên tích cực hợp tác giải quyết sớm vấn đề này. Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã đồng ý đề nghị được đi thăm một số địa điểm ở Việt Nam của Thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry và đích thân dẫn ông đi. Chuyến thăm của Thượng nghị sĩ John Kerry tới Việt Nam đã góp phần đập tan một số thông tin bịa đặt về vấn đề POW/MIA hòng phá hoại tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, góp phần mở ra hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này.
Tiếp theo đó là những tiến triển trong quan hệ hai nước, cụ thể vào năm 1994, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố không ngăn cản Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho Việt Nam vay tiền để đầu tư phát triển kinh tế. Tổng thống Bill Clinton cũng tuyên bố chấm dứt lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam, cùng một loạt bước đi ngoại giao cải thiện quan hệ hai nước sau đó, đã góp phần thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ hai nước đi đến đích thành công.
Đề cập đến những dấu ấn trong lĩnh vực đối ngoại của Chủ tịch nước Lê Đức Anh, báo Straitstimes cũng cho biết, Chủ tịch nước Lê Đức Anh là nguyên thủ đầu tiên của Việt Nam đặt chân lên đất Mỹ sau chiến tranh, khi tham dự Lễ kỷ niệm lần thứ 50 thành lập Liên hợp quốc (LHQ) tại trụ sở của LHQ ở New York (Mỹ) vào năm 1995.
Được biết vào thời điểm đó, Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng chính là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam tham dự một hội nghị đa phương mang tính toàn cầu. Trong hồi ký của mình, Chủ tịch Lê Đức Anh đã bày tỏ vinh dự khi Đoàn Chủ tịch Việt Nam tham dự sự kiện đa phương toàn cầu với một vị thế quốc tế mới được nâng cao của một quốc gia độc lập. Việt Nam cũng đã trở thành thành viên chính thức của ASEAN và vừa ký Hiệp định khung về hợp tác với Liên minh châu Âu (EU). Chủ tịch nước Lê Đức Anh còn có bài diễn văn đọc trước Đại hội đồng LHQ, góp phần thể hiện trước toàn thế giới chính sách nhất quán của Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước, các dân tộc và nỗ lực đóng góp vào các vấn đề chung của LHQ.
Nhân sự kiện này, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam trao tặng LHQ phiên bản trống đồng Đông Sơn, biểu tượng của văn hóa Việt Nam được đặt ở vị trí trang trọng tại trụ sở LHQ. Trong những ghi chép của mình sau này, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã chia sẻ cảm xúc khi đó rằng: “Biết bao mồ hôi, xương máu của đồng bào và chiến sĩ đã đổ ra suốt những năm chiến tranh giải phóng đất nước, vượt qua biết bao gian nan, thử thách ở chặng đường đầu tiên của sự nghiệp đổi mới đất nước vừa qua mới có được ngày hôm nay. Dân tộc Việt Nam từ bùn đen nô lệ, từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới, nay đã sánh ngang hàng với các quốc gia và dân tộc trên thế giới”.
Bài viết trên báo Straitstimes còn nhấn mạnh trong nhiệm kỳ từ 1992 đến 1997, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã bảo vệ tính ưu việt tiếp nối của Đảng Cộng sản khi Việt Nam bắt tay vào cải cách thị trường sâu rộng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vượt trội.
MỸ HẠNH