Quay lại

Lai lịch bức ảnh Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Tổng thống Bill Clinton

Bức ảnh chụp “Chủ tịch Lê Đức Anh và phu nhân với Tổng thống Bill Clinton và phu nhân” sau đó được chuyển tới Việt Nam.
 

Trong những ảnh tư liệu quý về hoạt động của Đại tướng Lê Đức Anh khi giữ cương vị Chủ tịch nước, có một bức ảnh chụp ông và phu nhân với vợ chồng Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Bill Clinton. Để có được bức ảnh này, hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã phải trải qua một quãng thời gian dài.

Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Vợ chồng Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh chụp ảnh cùng vợ chồng Tổng thống Mỹ Clinton


Trong nhiệm kỳ của mình, Chủ tịch Lê Đức Anh đã đi thăm hữu nghị chính thức 11 nước và dự hai hội nghị quốc tế quan trọng tại New York  (Hoa Kỳ) và Cartagena (Colombia). Đó là các chuyến thăm tới Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Cộng hoà Indonesia, Cộng hoà Hồi giáo I-ran, Nhà nước Kuwait, Cộng hòa Arab Syria, dự Lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày Chiến thắng phát xít tại Cộng hoà Pháp, thăm Vương quốc Campuchia, thăm Liên bang Brazil, thăm Cộng hoà Cuba, dự Hội nghị cấp cao lần thứ 11 Phong trào Không liên kết tại Cartagena (Colombia)...

Năm 1995 là năm hoạt động đối ngoại của Chủ tịch nước Lê Đức Anh dồn dập nhất. Tháp tùng Chủ tịch nước trong những chuyến đi công tác nước ngoài, chúng tôi ghi nhận và có ấn tượng sâu sắc về tình cảm và sự kính trọng của Nhà nước và nhân dân các nước giành cho Việt Nam. Thời gian qua đi càng lắng đọng trong chúng tôi tầm quan trọng của các chuyến đi này và đóng góp to lớn của Chủ tịch Lê Đức Anh trong hoạt động đối ngoại.

Cộng hoà Arab Syria là nước đã ủng hộ Việt Nam chiến đấu. Đến thăm và cảm ơn Nhà nước và nhân dân Syria đã ủng hộ cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, Chủ tịch nước Lê Đức Anh là vị Chủ tịch nước Việt Nam đầu tiên đến thăm Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung. Các chuyến thăm Iran, Kuwait, Syria của Chủ tịch nước Lê Đức Anh mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông và ngày nay vẫn đang đơm hoa kết quả.

Chúng tôi đã trào nước mắt khi chứng kiến cảnh lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh được Tuỳ viên quân sự Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp hộ tống, diễu qua Khải hoàn môn ở thủ đô Paris sáng 8/5/1995 trong buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 50 chiến thắng phát xít. Lần đầu tiên Cộng hoà Pháp đã công nhận: nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là một “đồng minh chống phát xít” và trân trọng mời Chủ tịch nước Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm.

50 năm, một nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày nước Việt Nam mới ra đời và đứng vững, phát triển bất chấp những mưu toan thù địch hòng bắt nhân dân Việt Nam quay trở lại vòng nô lệ, hòng chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam. Với chiến thắng lịch sử mang tên “Điện Biên Phủ”, đến năm 1995, Việt Nam đã thực sự phá vòng vây thù địch mà các thế lực thực dân đế quốc giăng ra, đĩnh đạc bước vào một thế giới mới đang được đặt tên "thế giới phẳng”.

Nước Pháp đã giành nghi lễ trang trọng nhất tiếp đón Chủ tịch Lê Đức Anh  tham dự buổi lễ và trong những hoạt động khác. Khi Chủ tịch Lê Đức Anh đến thành phố Montreuil thăm “không gian Hồ Chí Minh”, thăm Toulouse “thành phố công nghiệp” với hãng sản xuất máy bay nổi tiếng đã chế tạo chiếc máy bay chở khách siêu âm Concorde. Tại thành phố biển Marseille, toà lâu đài vốn của vua nước Pháp đã mở cửa để đón vị Chủ tịch nước Việt Nam. Marseille là thành phố biển ven bờ Địa Trung Hải, là nơi người thanh niên Văn Ba (Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh) đặt chân đầu tiên trên hành trình 30 năm tìm đường cứu nước. Đông đảo kiều bào ta tại Marseille, những người bạn Pháp có cảm tình với Việt Nam đã ủng hộ Việt Nam suốt bao năm qua, đã nồng nhiệt chào đón Chủ tịch Lê Đức Anh.

Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh trò chuyện cùng PV Việt Nam trên đường sang Mỹ.


Cũng năm 1995, sau 20 năm kết thúc chiến tranh, chiều 22/10/1995 (giờ New York ), khi chiếc máy bay B.767 cắm quốc kỳ Việt Nam do cơ trưởng Nguyễn Thành Trung lái, hạ cánh xuống sân bay, đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc Ngô Quang Xuân cùng những người ra đón đã không cầm được nước mắt. Việt Nam đã phá vỡ vòng vây phong toả, cấm vận nhiều năm liền của Hoa Kỳ và hôm nay, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã trọng thị tiếp đón Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lê Đức Anh tới New York dự lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Liên hợp quốc.

Một đội đặc nhiệm FBI từ Washington xuống bảo vệ Chủ tịch nước Việt Nam trong thời gian Chủ tịch lưu lại trên đất Mỹ.

Nước Mỹ theo luật không cấm các cuộc biểu tình. Nhưng mọi mưu toan của một nhúm người còn thù địch với Việt Nam định tổ chức biểu tình chống Việt Nam đều không gây một sự chú ý nào do cách xử trí của chính quyền thành phố New York. Tin tưởng ở chính nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Lê Đức Anh đã đến Hác-lem (khu da đen, nơi Nguyễn Ái Quốc đã từng sinh sống), một điểm thăm ngoài kế hoạch, hỏi thăm một vài người da đen trên đường…trước sự ngỡ ngàng của đội ngũ nhân viên bảo vệ FBI.

Tại diễn đàn Liên hợp quốc, Chủ tịch Lê Đức Anh đã nói lên khát vọng hoà bình và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam. Tiếp đó, trong trụ sở phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp quốc, khi tiếp những người bạn Mỹ và kiều bào ta tại Mỹ, Chủ tịch Lê Đức Anh đã khẳng định “người Việt Nam không sống bằng hận thù” và một chương mới trong lịch sử Việt Nam – Hoa Kỳ bắt đầu.

Là một vị tướng đã sống gần cả cuộc đời nơi chiến trận, Đại tướng Lê Đức Anh hiểu rõ cái giá phải trả trong cuộc chiến. Cho nên chính ông, khi được Đảng và nhân dân giao trọng trách mới, đã cùng Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đưa nước Việt Nam ra khỏi hai cuộc chiến đấu ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, thực hiện ngoại giao nhân dân tranh thủ những xu hướng muốn bình thường hoá quan hệ với Việt Nam ở nước Mỹ, thực hiện thành công việc bình thường hoá quan hệ với Mỹ.

Chuyến đi Liên Hợp quốc của ông diễn ra ít tháng sau khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bỏ bao vây cấm vận, công nhận nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Mở sâm-panh mừng Nguyên Chủ tịch nước và phu nhân trên chuyên cơ


Và tại trụ sở Liên Hợp quốc, đã diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa Chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh với Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Bill Clinton. Hai vị nguyên thủ nói gì với nhau? Có lẽ nội dung vẫn chưa được “giải mật”. Nhưng cứ nhìn nụ cười rạng rỡ của hai vị nguyên thủ và việc ông Clinton và phu nhân, bà Hillary sau đó đến thăm Việt Nam nhiều lần, có thể đoán chắc rằng mối quan hệ giữa hai nước đang phát triển.

Bức ảnh chụp “Chủ tịch Lê Đức Anh và phu nhân với Tổng thống Bill Clinton và phu nhân” do phóng viên ảnh riêng của ông Bill Clinton chụp. Sau đó, được chuyển tới Việt Nam tặng Chủ tịch Lê Đức Anh với chữ ký trân trọng của Tổng thống Clinton.
 

Nhà báo Trương Cộng Hòa