Kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2009) - Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh: Đó là sức mạnh của dân tộc ta, Đảng ta
Nhân kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi may mắn được gặp Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đối với Đại tướng Lê Đức Anh, những kỷ niệm về một thời hào hùng của dân tộc vẫn vẹn nguyên…
Chúng tôi đến thăm ông trong nhà khách Bộ Quốc phòng, ông đang ngồi đọc sách. Căn phòng khá rộng, trang trí giản dị, với hai bộ bàn ghế và dãy tủ sách. Trên tường, ở vị trí trang trọng nhất là bức tranh sơn mài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đại tướng Lê Đức Anh |
Ở một vị trí khác là tấm hình đen trắng, ghi lại kỷ niệm của “anh Sáu Nam” - Đại tướng Lê Đức Anh cùng các đồng chí thuộc Bộ Tư lệnh Miền tại mặt trận Nam bộ, trước thời điểm bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975. Và đặc biệt là một chữ “Tâm” được đặt ngay ngắn ngay phía sau chiếc bàn làm việc của ông.
…Với Đại tướng Lê Đức Anh, hơn 30 năm ở chiến trường miền Nam, ông không thể quên một đêm tối mịt mù và giá rét cuối tháng 12-1963, khi ông bí mật bước lên con tàu không số từ Đồ Sơn (Hải Phòng) để vào chiến trường Nam bộ. Cùng đi với ông có đồng chí Tâm, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc quê ở Long Mỹ (Cần Thơ).
Là người đã quen trận mạc từ kháng chiến chống Pháp, nhưng lần này ông biết nhiệm vụ Đảng và quân đội giao cho ông là rất nặng nề. Chiếc tàu ông đi đêm đông năm đó không chỉ chở vũ khí cho chiến trường miền Nam mà trên tàu còn có 2 tấn thuốc nổ.
Ông nói: chở theo thuốc nổ để nếu bị rơi vào vòng vây địch sẽ cho nổ, cả người và vũ khí đều tan chìm xuống biển, quyết không để lọt vào tay kẻ thù. Quả thực, giữa cái sống và cái chết trong gang tấc, những con người cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh không hề nao núng, không một chút băn khoăn. Đó chính là tiền đề quyết định cho trận chiến đấu, chiến thắng cuối cùng của dân tộc.
Sau nhiều ngày đêm lênh đênh trên biển, con tàu bí mật đưa ông tới Đất Mũi, Cà Mau. Từ đó, ông lội bộ lên biên giới Campuchia, rồi về Tây Ninh, chính thức nhận nhiệm vụ quan trọng: Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Miền.
Cũng từ đó, khi thì ở chiến trường Đông Nam bộ, khi thì về miền Tây với nhiều vị trí chỉ huy quan trọng, ông lăn lộn cùng bộ đội, cùng đồng chí, đồng bào, cho đến 8 giờ 30 phút sáng ngày 30-4-1975 lịch sử, bộ đội cánh quân trên hướng Tây và Tây Nam của ông đã đặt chân lên đường phố Sài Gòn, khi Chiến dịch Hồ Chí Minh sắp đến giờ khắc toàn thắng.
Các đồng chí thuộc Bộ Tư lệnh Miền tại căn cứ Tà Thiết, Lộc Ninh, Sông Bé trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. (Trong ảnh: Đồng chí Lê Đức Anh, người thứ hai từ phải sang). |
Hôm nay, nhớ lại những ngày tháng chiến tranh đã qua từ lâu, nhưng ông vẫn bồi hồi xúc động về những năm tháng trận mạc cam go và oanh liệt. Ông nhớ, sau Hiệp định Paris, khi địch không thi hành hiệp định với chủ trương “tràn ngập lãnh thổ”, ông đã cùng đồng chí, đồng đội của mình kiên quyết giữ từng tấc đất vùng giải phóng, mở rộng địa bàn, tạo thế chiến lược cho cuộc chiến cuối cùng giải phóng toàn bộ miền Nam.
Sự xét đoán ở tầm cao chiến lược của một nhà quân sự quyết đoán, của một vị tướng chiến trường sâu sát trong thời điểm quan trọng đã mở ra thời cơ to lớn cho toàn bộ cục diện. Mùa khô 1974, đó là thời điểm cực kỳ quan trọng đối với chiến trường Nam bộ, khi quân đội ta đã liên tục giành được những thắng lợi quan trọng, trong đó có vai trò then chốt của tướng Sáu Nam - Lê Đức Anh. Tình thế chiến trường thay đổi, thế cân bằng địch ta đã nghiêng về lực lượng cách mạng, Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975 bắt đầu.
Trong chiến dịch lịch sử này, ông là Phó tư lệnh Quân giải phóng, Phó tư lệnh chiến dịch, Tư lệnh cánh quân trên hướng Tây và Tây Nam đánh vào Sài Gòn. Cùng với toàn bộ chiến trường, cánh quân trên hướng Tây và Tây Nam của tướng Lê Đức Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo.
Bởi lẽ khu vực Tây Nam là địa bàn đồng nước, nhiều kênh rạch, sông ngòi chia cắt. Mưa xuống, cả vùng mênh mông nước, sình lầy, việc hành quân chiến đấu là cực kỳ gian nan vất vả. Cánh quân Tây Nam dưới sự chỉ huy sáng suốt của ông cùng một lúc hoàn thành nhiều nhiệm vụ: một mũi quân cắt đường số 4 không cho địch từ Sài Gòn xuống Cần Thơ và cũng không cho địch từ Cần Thơ lên Sài Gòn.
Một mũi quân khác đánh chiếm thị xã Hậu Nghĩa, Chi khu Đức Hòa, tiến vào Biệt khu thủ đô. Mũi thứ 3 từ Cần Đước, Cần Giuộc đánh vào Tổng nha cảnh sát ngụy… “Tất cả nhắm đến mục tiêu tiến vào Sài Gòn, hợp quân ở Dinh Độc Lập”, ông bồi hồi nhớ lại.
– Gắn tổng tấn công và nổi dậy của đồng bào, chiến dịch mới kết thúc toàn thắng. Đại tướng Lê Đức Anh nói. Chúng ta đã kết hợp tốt các lực lượng, giữa quân chính quy, quân địa phương, sự nổi dậy của nhân dân, kể cả sự ủng hộ cách mạng của những người bị bắt buộc đứng trong hàng ngũ địch. Trong chỉ huy chiến trường, các cánh quân vừa thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt địch, vừa chiếm lĩnh mục tiêu, vừa yểm trợ lẫn nhau, để đưa đến chiến thắng.
Khi nói về giai đoạn lịch sử quan trọng này, Đại tướng rất trầm ngâm. Bởi lẽ, trải qua hai cuộc chiến tranh, ông là người biết rõ những khó khăn, thuận lợi khi đánh Pháp và khi đánh Mỹ. Kháng chiến chống Pháp của ta được sự giúp đỡ của phe xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô và sự giúp đỡ trực tiếp toàn diện của Trung Quốc và sự ủng hộ của nhân dân thế giới trong đó có nhân dân Pháp, ta đã giải phóng được nửa đất nước. “Khi ta đánh Mỹ, thế giới ủng hộ ta có mức độ, thậm chí có nước không ủng hộ vì không tin là ta thắng Mỹ”, ông tâm sự.
“Với một kẻ địch mạnh như vậy, thì cái khó càng khó. Khó như vậy mà ta làm được, ta đã được các nước xã hội chủ nghĩa giúp, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc và được nhân dân tiến bộ trên thế giới, trong đó có nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ giúp đỡ ta giải phóng nửa nước còn lại, thống nhất đất nước.
Có được thắng lợi lớn như vậy, mới thấy sức mạnh, trí tuệ của dân tộc ta, của Đảng ta lớn đến chừng nào, ý nghĩa của chiến thắng 30-4 lớn đến chừng nào. Khi huy động được sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại thì sức mạnh đó là vô địch”, Đại tướng Lê Đức Anh nhận xét.
Không chỉ có những nhận xét đánh giá thật chính xác về chiến thắng 30-4, mà trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông còn đưa ra những phân tích và suy nghĩ rất sâu sắc. Đại tướng cho rằng, về ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng 30-4, nói một chiều, nói dễ dãi quá là không được. Phải nghiên cứu cuộc chiến tranh này, nghiên cứu chiến dịch này một cách sâu sắc, kỹ lưỡng, phải rất có trách nhiệm.
Chiến dịch diễn ra trong vài chục ngày, nhưng diễn biến của nó trải dài 21 năm. Trước đó đã có rất nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh, cho đến chiến dịch Tổng công kích Mậu Thân 68 mới tạo ra bước ngoặt căn bản cho toàn bộ cục diện chiến trường, để từ đó Trung ương Đảng đưa ra quyết sách giải phóng toàn bộ miền Nam, thống nhất đất nước…
34 năm đã trôi qua từ cái ngày chiến thắng vang dội đó, giờ đây Đại tướng Lê Đức Anh vẫn chưa hết tâm tư. Ông buồn vì vết thương chiến tranh vẫn còn dai dẳng. “Ta phải làm gì cho những nạn nhân chiến tranh? Bom mìn trên đất nước ta vẫn còn. Không tháng nào, năm nào không có người chết, người bị thương vì bom mìn. Chất độc da cam không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những người tham gia chiến tranh, mà còn di hại đến các thế hệ sau”, ông chia sẻ.
Trước khi chia tay, nói về cuộc sống hòa bình hôm nay, Đại tướng Lê Đức Anh tỏ ra rất phấn khởi. Ông nói:
– Những người kế tục sự nghiệp của lớp người trước phải giỏi. “Con hơn cha là nhà có phúc”, cha ông ta đã dạy như thế. Tôi rất tin tưởng thế hệ lãnh đạo đất nước hôm nay. Có một vài việc chúng ta chưa hài lòng, như vẫn còn tệ tham ô, lãng phí… nhưng không thể phủ nhận thành tựu của thế hệ này làm được cho đất nước. Vinh quang không chỉ có được trong chiến tranh mà vinh quang còn là chiến thắng trong vô vàn khó khăn của thời bình. Vượt qua được những khó khăn đó là rất vinh quang. Chúng ta làm được đến như bây giờ và cần phát huy hơn nữa.
NAM VIỆT – TRUNG KIÊN