Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch nước Lê Đức Anh (1.12.1920 - 1.12.2020): Về xứ Truồi, nhớ lời dặn của Đại tướng...
Trong cái nắng hanh vàng đầu đông xứ Huế, những đóa hoa ven đường xứ Truồi, thôn Bàn Môn, xã Lộc An (huyện Phú Lộc) càng rực lên tươi thắm. Con đường đã được nhân dân chăm chút sạch đẹp, tươm tất để chào đón những đoàn khách đến thăm và dâng hương tại Nhà văn hóa Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh tại làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế)
Nhân dân nơi đây luôn ghi nhớ lời dặn dò của người con ưu tú vùng đất cách mạng, vị Đại tướng tài ba của dân tộc, không ngừng nỗ lực lao động, sản xuất để quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Tự hào khi được trông coi các tư liệu về Đại tướng
Những ngày qua, cán bộ văn hóa huyện Phú Lộc và thân nhân Đại tướng đang khẩn trương tiến hành công tác chỉnh trang, nâng cấp khuôn viên Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh. Nhân dân trong làng Bàn Môn, xã Lộc An cũng đến chung tay để công tác chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Lê Đức Anh được chu đáo, trang trọng. Ông Lê Nguyên Thi (43 tuổi, cháu họ Đại tướng Lê Đức Anh) cho biết: “Trong năm 2020, nơi đây đã đón hàng nghìn lượt khách, phần lớn là các đoàn học sinh, sinh viên trên khắp mọi miền đất nước và các đoàn đến dâng hương, tham quan, tìm hiểu về cuộc đời cách mạng của Đại tướng. Đây là niềm tự hào của thân nhân và dòng tộc họ Lê nói riêng, của người dân xứ Truồi nói chung”.
Nhà văn hóa có diện tích khoảng 4.000m2, gồm nhiều hạng mục như: Nhà lưu niệm, thư viện, sân vườn với hệ thống cây xanh và đèn chiếu sáng. Bên trong khuôn viên Nhà văn hóa có biểu tượng cột mốc chủ quyền của Việt Nam được dựng lại giống như cột mốc tại Trường Sa năm 1988. Đặc biệt, thư viện có hơn 3.000 đầu sách đủ thể loại cùng nhiều hình ảnh, tư liệu về vị Đại tướng anh hùng. Nhiều năm qua, nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và lòng yêu nước đối với thế hệ trẻ. Chị Trần Thị Xuân, nhân viên thư viện Nhà văn hóa xúc động bày tỏ niềm tự hào: “Tôi đã tiếp rất nhiều đoàn cán bộ trẻ, các em học sinh, sinh viên đến tham quan. Các em rất say mê đọc và tìm hiểu thông tin về Đại tướng, cũng như không ngừng tiếp thu và học hỏi kiến thức từ các sách báo, tài liệu xã hội tại thư viện, đúng như tâm nguyện khi thành lập Nhà văn hóa mang tên Đại tướng Lê Đức Anh”.
Không gian thư viện tại Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh với hơn 3.000 đầu sách báo, tư liệu phục vụ cho nhiều thế hệ trẻ đến tìm hiểu, học tập
Luôn ghi nhớ lời dạy của Đại tướng
Quê hương xứ Truồi vẫn luôn tự hào và nhớ từng lời dạy, lời dặn dò của cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Mỗi lần về thăm quê, Đại tướng thật gần gũi, ân cần với bà con lối xóm, cùng ngồi trò chuyện bên ấm chè Truồi, ghé thăm bến sông Truồi của tuổi ấu thơ. Xã Lộc An vốn là một vùng quê nghèo của huyện Phú Lộc, trong một lần đến thăm cán bộ đang làm việc tại UBND xã, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã căn dặn: “Quê hương Lộc An còn nghèo, nhân dân còn khó khăn, vì thế cán bộ xã phải nỗ lực trong công việc, đi đầu trong các phong trào, phải biết gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân thì mới hiểu và giúp dân được. Có như thế thì xã nhà mới nhanh chóng thoát nghèo đi lên”.
Ông Trương Thanh Tín, Chủ tịch UBND xã Lộc An cho biết, nhớ lời dạy của Đại tướng, nhiều năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Lộc An nỗ lực thi đua lao động, phát triển kinh tế để đóng góp sức người, sức của xây dựng quê hương. Tính đến năm 2020, thu nhập bình quân của người dân Lộc An đạt 46 triệu đồng/năm. Hiện nay, xã đã quy hoạch nhiều cánh đồng mẫu lớn, đưa vào sản xuất lúa với tổng diện tích 1.466 ha, năng suất bình quân đạt 63 tạ/ha, sản lượng lương thực đạt hơn 9.400 tấn. Ngoài ra, người dân Lộc An còn lợi dụng vị trí địa lý để phát triển 175 ha rừng, 72 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ thế mà xã đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới khi đạt 19/19 tiêu chí từ năm 2018.
“Những người trẻ, con em của xã Lộc An cũng vượt khó vươn lên trong học tập. Chỉ tính trong năm học 2019-2020 vừa qua, toàn xã đã có 47 học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, hàng chục học sinh khác đỗ vào các trường Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp”, Chủ tịch UBND xã Lộc An phấn khởi thông tin và khẳng định rằng, cán bộ địa phương sẽ luôn khắc ghi những lời dạy của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh, nỗ lực thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, để người dân có đời sống ấm no, hạnh phúc; động viên thế hệ trẻ ra sức học tập, góp phần xây dựng quê hương của Đại tướng ngày càng giàu đẹp. n
Ngày 30.11, tại TP Huế, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Ngày 1.12, Lễ kỷ niệm cấp quốc gia và chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Lê Đức Anh sẽ được tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Văn phòng TƯ Đảng, Bộ Quốc phòng và các cơ quan, ban ngành, đơn vị liên quan tổ chức tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thừa Thiên Huế. Trước khi diễn ra Lễ kỷ niệm, BTC sẽ dâng hương tại Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh. Cũng trong dịp này, tại tiền sảnh Trung tâm sẽ triển lãm chuyên đề “Chủ tịch nước Lê Đức Anh - Thân thế và sự nghiệp”.
Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đang chủ trì xây dựng đề án Tôn tạo Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh tại xã Lộc An, nhằm phát huy giá trị của điểm đến văn hóa, “địa chỉ đỏ” giáo dục tinh thần cách mạng, tình yêu quê hương đất nước trong thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
SƠN THÙY