Quay lại

Ký ức đại tướng Lê Đức Anh lần đầu công bố: Những ngày đầu vào quân ngũ

Những năm tháng trong quân ngũ trên nhiều chiến trường, từ năm 1953 đến năm 1969, đại tướng Lê Đức Anh nhiều lần được làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Khi đã 90 tuổi, lại vừa trải qua thời gian điều trị bệnh nặng, song khi nghe đề nghị, nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh vẫn vui vẻ nhận lời tiếp nhóm công tác của Bảo tàng Hồ Chí Minh tại nhà công vụ số 5A Hoàng Diệu

Tiểu sử Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh


LTS: Ký ức của đại tướng Lê Đức Anh, những nội dung lần đầu tiên được công bố này do bà Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh, ghi theo lời kể của nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh vào ngày 18.12.2010. Tựa đề bài báo doThanh Niên đặt.

Những năm tháng trong quân ngũ trên nhiều chiến trường, từ năm 1953 đến năm 1969, đại tướng Lê Đức Anh đã có nhiều lần được làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh

Tháng 12.2010, khi đã 90 tuổi, lại vừa trải qua thời gian điều trị bệnh nặng, song khi nghe đề nghị, nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh vẫn vui vẻ nhận lời tiếp nhóm công tác của Bảo tàng Hồ Chí Minh tại nhà công vụ số 5A Hoàng Diệu (TP.Hà Nội).

Thật bất ngờ, suốt hơn 2 giờ làm việc, nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh dù giọng nói đôi chỗ còn cần phải nhờ thư ký phiên âm lại cho rõ, song với trí nhớ mẫn tiệp của mình, ông đã kể cho nhóm công tác của Bảo tàng Hồ Chí Minh nghe những lần ông được gặp và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 

Những ngày đầu tham gia cách mạng, bước vào quân ngũ

Nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh kể: Tôi tham gia cách mạng ở Thừa Thiên - Huế năm 1937, khi đó tôi mới 17 tuổi. Năm 1938, tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm công tác tổ chức và phụ trách các doanh nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh đến năm 1944".

"Cách mạng tháng 8.1945, tôi vào bộ đội làm “Anh lính Cụ Hồ”. Tôi làm Trung đội trưởng, Chính trị viên, Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng 301… Từ tháng 10.1948, tôi lần lượt đảm nhận nhiệm vụ Tham mưu trưởng Quân khu 7, Quân khu 8, Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ năm 1951, tôi là Tham mưu phó, quyền Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh lực lượng vũ trang Nam Bộ.
 

Hành trình 5 tháng ra Việt Bắc, lần đầu tiên gặp Bác Hồ

Đang chỉ huy chiến đấu đánh thực dân Pháp ở miền Nam, bất ngờ gần cuối năm 1952, tôi được cử ra Việt Bắc. Đường đi rất khó khăn. Từ Nam bộ đi ra theo đường dây giao liên đến Việt Bắc phải đi bộ khoảng 5 tháng.

Đoàn chúng tôi ra lúc đó, ngoài cán bộ tham mưu, chính trị, còn có một số các đồng chí đặc công. Nghỉ vài ngày sau khi đến vùng căn cứ địa Việt Bắc, chúng tôi được anh Hoàng Văn Thái đưa lên gặp Bác Hồ. Hôm đó, tại nơi Bác ở còn có anh Nguyễn Văn Tạo, Bộ trưởng Lao động từ Nam bộ ra, và anh Tố Hữu. Bác nói chuyện, hỏi kỹ cuộc sống chiến đấu của bộ đội ta ở miền Nam, nhất là chuyện đánh giặc của bộ đội đặc công.

Mấy anh đặc công trong đoàn hôm đó vừa kể chuyện, vừa diễn tả lại bằng động tác để Bác xem. Bác nhắc anh Hoàng Văn Thái cần chú ý phổ biến rộng rãi cách đánh của bộ đội đặc công Nam bộ trong bộ đội. Bác chỉ thị cho tôi: Các chú phải để lại một tổ 3 người ở lại ngoài này để làm công tác huấn luyện cho bộ đội. Bác dặn đoàn khi trở về cần chú ý phổ biến cách đánh của đặc công cho bộ đội ta ở các tỉnh của khu 4, khu 5, khu 6… Đó là lần đầu tiên tôi được gặp Bác.

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
ĐỒ HỌA: CẨM TIÊN


“Nhìn thấy Bác. Ôi trời! Sướng vô cùng”

Tôi ở Việt Bắc 5 tháng, tham gia lớp tập huấn 3 tháng tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Lúc đó do anh Lê Văn Lương làm Hiệu trưởng, đồng thời là Trưởng ban tổ chức lớp học. Tôi nhớ khóa học đó có một số các anh cũng từ các chiến trường, đơn vị quân đội về, như anh Trần Quý Hai, anh Vương Thừa Vũ, anh Hoàng Sâm, anh Đặng Xuân Thiều... Nữ thì tôi nhớ có chị Hiệp sau này làm việc ở Bộ Lao động - Xã hội. Các học viên đều từ các địa phương đến. Bác đến thăm vào đúng ngày bế mạc khóa học, song thật may mắn là mọi người vẫn còn đầy đủ. Sau bữa cơm tối, các học viên đều được mời lên hội trường. Khi Bác xuất hiện. Nhìn thấy Bác. Ôi trời! Sướng vô cùng!.

Bác hỏi: Các cô chú học xong rồi, bây giờ có ai còn thắc mắc gì không? Mọi người nói: Thưa Bác, học tốt lắm! Ông Lương sướng lắm! Bác nói khoảng 30 phút. Chuyện vui lắm. Lần đầu tiên, một khóa học đông, có nhiều người lần đầu tiên được gặp Bác, ai cũng thích, mỹ mãn, vui vẻ lắm. Tôi hỏi mấy anh em ở khu 5 và các nơi, tất cả đều nói như vậy. Hôm đó, Bác mặc áo dân tộc kiểu cài nút. Bác để râu và đi lại rất nhanh nhẹn.

Tôi chờ ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đợi ngày lên đường trở về Nam bộ thì được Bác cho gọi đến gặp. Bác hỏi kỹ đi vào đến nơi mất bao nhiêu thời gian? Bác dặn: Đi đường cho cẩn thận, gặp chiến sĩ, đồng bào thì nói rằng Bác khỏe, Bác rất nhớ miền Nam và cho Bác gửi lời hỏi thăm tất cả. Lúc chia tay, Bác tặng tôi một chiếc huy hiệu có hình của Bác. Nay tôi vẫn giữ.

Đoàn chúng tôi vẫn đang trên đường đi vào miền Nam, thì nghe tin chiến thắng Điện Biên Phủ, mọi người mừng quá, không thể tả được. Gặp cán bộ, chiến sĩ ở vùng giải phóng cũng như vùng tranh chấp, ai cũng phấn khởi. Ở vùng kháng chiến miền Đông, miền Tây Nam bộ đâu đâu cũng vui mừng, phấn khởi...

(Còn tiếp)
 

N.T.T.H