Quay lại

Ký ức của người Campuchia về Đại tướng Lê Đức Anh

Trong vòng 10 năm (1979 -1989), Quân Tình nguyên Việt Nam đã nỗ lực vượt qua vô vàn khó khăn để giúp quân và dân Campuchia đánh tan 200.000 quân Pôn Pốt, chặn đứng âm mưu quay trở lại chính trường của chúng, giữ vững và phát triển thành quả cách mạng. Nghĩa cử cao cả đó đã được Quốc vương, nhiều chính khách và Nhân dân Campuchia trân trọng, đánh giá rất cao.
 

Trong sự kiện lịch sử đó, có công lao to lớn của Đại tướng Lê Đức Anh, Tư lệnh Quân Tình nguyện, Trưởng ban Lãnh đạo Đoàn Chuyên gia Việt Nam tại Campuchia. Nhân dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Lê Đức Anh, Tạp chí Lịch sử quần sự trân trọng giới thiệu ký ức của hai nhân chứng lịch sử qua cuộc phỏng vấn bằng tiếng Khơme tại Vương quốc Campuchia, được thực hiện bởi nữ đạo diễn, nhà báo Lê Phong Lan.
 

Dư luận thế giới đã lên án gay gắt, trong thời gian dài nạn diệt chủng của tập đoàn phản động Pôn Pốt - lêng Xary. Nhưng mãi đến tháng 12/2011, trong phiên tòa quốc tế, những tên cầm đầu mới bị đưa ra xét xử với các tội danh: Diệt chủng, tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh. Những tội ác đó đã nói lên sự thật về chế độ diệt chủng Pôn Pốt - lêng Xaiy trong gần bốn năm cầm quyền. Đồng thời, khẳng định việc Quân Tình nguyện Việt Nam phải chiến đấu nhiều năm trên chiến trường Campuchia là cần thiết, là sống còn để giúp Nhân dân Campuchia bảo vệ thành quả cách mạng của mình; tính chính nghĩa cũng như ý nghĩa to lớn của chiến thắng ngày 7/1/1979 đối với hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.
 

Đại tướng Bu Thoong: Đồng chí Lê Đức Anh - “Kiến trúc sư” của thời đại mới Campuchia.

Những ký ức về Đại tướng Lê Đức Anh - người đồng chí, người bạn chung chiến hào năm xưa được Đại tướng Bu Thoong tái hiện tại ngôi nhà riêng bằng gỗ ấm áp của mình tại phường Beongkonseng, thành phố Banlung, tỉnh Ratanakiri. Rất rõ ràng, mạch lạc, Đại tướng Bu Thoong kể:

Tôi không thể nào quên quá khứ, bởi vì quá khứ đã để lại quá đỗi khổ đau. Cho dù là 30 năm, 50 năm hay 100 năm chăng nữa, Nhân dân Campuchia vẫn không thể nào quên quãng thời gian phải sống dưới chế độ diệt chủng. Trong những năm tháng đó, cá nhân tôi luôn khắc ghi hình ảnh Đại tướng Lê Đức Anh và các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ Quân Tình nguyện, cán bộ chuyên gia Việt Nam đã giúp chúng tôi giải phóng, bảo vệ, xây dựng Campuchia được như ngày nay. Chúng tôi luôn coi Đại tướng Lê Đức Anh là “kiến trúc sư” của thời đại mới Campuchia.

Những ngày đầu sau khi Phnom Penh giải phóng, đất nước Campuchia chưa có bộ máy quản lý xã hội (dù chỉ ở mức cần thiết tối thiểu). Tình hình xã hội hỗn loạn, mọi người đều cảm thấy bất an, lo sợ. Tàn quân Pôn Pốt vẫn ẩn náu trong từng phum, sóc, phân tán ở vùng rừng núi hẻo lánh, ép người dân đi theo để làm bia đỡ đạn và chờ thời cơ chống phá cách mạng. Chúng còn được một số nước lớn cung cấp vũ khí trang bị, lấy khu vực biên giới Thái Lan làm chỗ đứng chân để tiến hành các hoạt động quân sự. Song, đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh đã đánh giá chính xác tình hình ở địa bàn, với tinh thần quốc tế vô sản cao cả, sự cố gắng tích cực cao nhất để đề ra phương châm, quyết sách, biện pháp tiến hành hoạt động và đấu tranh phù hợp. Đặc biệt, đồng chí đã chỉ đạo quyết liệt cho Quân Tình nguyện Việt Nam phải trực tiếp tham gia quản lý trật tự xã hội và vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện trên các chiến trường. Với sự cố gắng của đồng chí Lê Đức Anh và cán bộ, chiến sĩ Quân Tình nguyện, chỉ một thời gian ngắn, tình hình Campuchia đi vào ổn định, một cơ sở xã hội hoàn toàn mới, an toàn hơn được định hình trên nền tro tàn dưới thời diệt chủng.

Đồng chí Lê Đức Anh - Tư lệnh Mặt trận luôn là người đi đầu, gương mẫu để bộ đội noi theo. Đồng chí là chỉ huy nghiêm khắc với chính mình và cấp dưới. Mọi cơ sở, các chiến sĩ Campuchia và Việt Nam trên mọi địa bàn đều là thế trận của đồng chí Lê Đức Anh. Tôi không thể quên khi có cơ hội gần nhau, tôi được đồng chí Lê Đức Anh mời ăn cơm, cùng nghe báo cáo tình hình từ các chuyên gia, các mặt trận. Đồng chí Lê Đức Anh là cán bộ có tác phong giản dị, gần gũi, chan hòa trong cuộc sống, sinh hoạt; nhưng những lời nói của đồng chí Lê Đức Anh là lời của bài học, tư duy chiến lược của một vị tướng. Lúc đó, tôi không nghĩ mình sẽ làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhưng được sự động viên của đồng chí Lê Đức Anh, của các đồng chí tướng lĩnh, Ban Lãnh đạo Đoàn Chuyên gia Việt Nam, của chuyên gia, tôi đã tin tưởng và mạnh dạn đảm nhiệm trọng trách lớn lao ấy. Quan điểm “Không ai có thể làm thay cuộc hồi sinh Campuchia, bảo vệ thành quả cách mạng Campuchia bằng người Campuchia...” và sự cương quyết, giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của Đại tướng Lê Đức Anh cùng Ban Lãnh đạo Đoàn Chuyên gia đã khiến chúng tôi tự tin và nỗ lực hơn rất nhiều. Cán bộ, chuyên gia Việt Nam đã hỗ trợ chính quyền cách mạng non trẻ Campuchia xây dựng, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ trung thành, có phẩm chất, từng bước trưởng thành về năng lực lãnh đạo, chỉ huy, dần dần tự đảm đương nhiệm vụ và trở thành những cán bộ lãnh đạo cốt cán của Chính phủ Campuchia cho đến bây giờ.

Trước ngày rút quân về nước, các đơn vị Quân Tình nguyện Việt Nam vẫn tiếp tục đến các phum, sóc giúp người dân tạo dựng nơi ăn chốn ở, đào kênh mương canh tác, làm đường đi lại, khám chữa bệnh, cấp thuốc men, lương thực, dạy các cháu nhỏ học... như với đồng bào, người thân của mình. Quân Tình nguyện Việt Nam trở về nước, để lại phía sau họ là những đường phố, làng mạc đang hồi sinh, yên bình và tràn đầy sức sống, hình ảnh hoàn toàn đối lập với những đường phố, làng mạc từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” hay “cánh đồng chết” 10 năm trước, dưới bàn tay cai tộ bạo tàn của Pôn Pốt - lêng Xary trong 3 năm 8 tháng 20 ngày. Những ngày tháng sau đó, trên mặt trận ngoại giao, hình ảnh ngọn cờ độc lập dân tộc, trung lập, không liên kết và hòa bình của Chính phủ Campuchia nhanh chóng phát huy vị thế trên trường quốc tế, đánh dấu bước khởi đầu của kỷ nguyên phát triển mới trên đất nước Chùa Tháp chúng tôi...

Hình ảnh, dấu ấn và sự cống hiến của đồng chí Lê Đức Anh, các nhà lãnh đạo Việt Nam, cũng như các đồng chí lãnh đạo Campuchia: Samdek Hengsamrin, Samdek Cheasim, Samdek Hunsen... vẫn luôn trường tồn với sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam và Campuchia. Thời gian qua đi, nhưng tình hữu nghị của hai nước chúng ta (Việt Nam và Campuchia) sẽ mãi trường tồn, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi nước.
 

Đức Đại Tăng thống Samdek Tep Vong: “Tà Sáu” - Người dẫn đầu “Đội quân nhà Phật” sang cứu giúp đất nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Một phỏng vấn khác được thực hiện tại chùa Unalom, Thủ đô Phnom Penh, với nhân vật có ảnh hưởng rất lớn, đại diện cho Giáo hội Phật giáo Campuchia - Samdek Tep Vong. Trong cuộc phỏng vấn, vị Đức Đại Tăng thống Vương quốc Camphuchia bày tỏ sự cảm kích, nghẹn ngào khi nhắc tới Việt Nam và Đại tướng Lê Đức Anh...

Tôi là người trực tiếp chứng kiến sự khổ đau xảy ra trên đất nước Campuchia dưới chế độ Pôn Pốt, khi mà cái ác gieo rắc sự đói khát, bệnh tật, chết chóc không từ một ai, từ nam phụ đến lão ấu, từ trí thức đến dân thường, sư sãi... Tín ngưỡng, tôn giáo bị băng hoại, chùa chiền, trường học thành đống hoang tàn. Đó là sự khổ đau tột cùng trong lịch sử dân tộc Campuchia, kéo theo cả sự khổ đau của Nhân dân Việt Nam. Trên thế giới này không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu, nhưng khi người Campuchia kêu cứu, chỉ duy nhất có người bạn láng giềng Việt Nam xả thân đến giúp. Khi Quân Tình nguyện Việt Nam xuất hiện, chúng tôi cảm nhận sâu sắc trong đầu rằng, đó chính là Đội quân nhà Phật. Tà Sáu là người đã dẫn đầu “Đội quân nhà Phật” sang cứu giúp đất nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Chỉ có Việt Nam mới làm được việc đó. Kinh Phật dạy rằng: Giúp người khác cũng là giúp chính mình; cứu một mạng người, hơn xây mười tòa tháp. Chính phủ và Nhân dân Việt Nam thật nhân ái, cao cả và nghĩa khí.

Quân Tình nguyện Việt Nam được dẫn dắt bởi ngài Đại tướng Lê Đức Anh, đã luôn có ý chí mãnh liệt để cứu giúp Nhân dân Campuchia đứng lên từ tột cùng đau khổ, nhưng nhiều cán bộ, chiến sĩ đã không thể trở về với đất mẹ Việt Nam! Sự hy sinh cao cả của bộ đội Việt Nam mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Tôi và các chư tăng, phật tử vô cùng yêu thương, quý trọng ngài Đại tướng, coi ngài như một vị thánh đến độ thế để chúng tôi tiếp tục được sống. Ngài Đại tướng là người đã “sinh ra vua sư TepVong lần thứ hai”. Ngài như người anh ruột, người thầy, người cha làm cho vua sư TepVong được trân quý, đất nước Campuchia có được vị thế trên trường quốc tế như hiện nay. Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có Tà Sáu đã giúp Nhân dân, Chính phủ, Quân đội Campuchia thật sự vững mạnh, có thể tự đảm nhiệm sứ mệnh dân tộc của mình.

Đó là lương duyên, phúc lộc của vua sư TepVong, của đất nước Chùa Tháp. Có Việt Nam, có Tà Sáu, người Campuchia chúng tôi giữ vững được thành quả cách mạng để tập trung xây dựng hệ thống chính trị, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống Nhân dân, thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc.

Bằng những từ bi hỉ xả của nhà Phật, chúng ta hãy cầu chúc cho những cán bộ, chiến sĩ Quân đội của hai nước Việt Nam và Campuchia, những người đã xả thân minh vì việc nghĩa, được siêu thoát nơi niết bàn... Năm tháng trôi qua, Việt Nam và Campuchia chúng ta vẫn luôn coi nhau như anh em một nhà, tôn trọng, đùm bọc, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển thịnh vượng trên mọi lĩnh vực. Tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam - Campuchia sẽ mãi mãi trường tồn...

Những ký ức của người Campuchia về Đại tướng Lê Đức Anh, người dẫn đầu “Đội quân nhà Phật” sang cứu giúp dân tộc Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng là những tư liệu quý giá. Qua đó, giúp cho chúng ta có cái nhìn toàn diện về Đại tướng Lê Đức Anh, một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhân cách đức độ, giản dị, gần gũi của Quân đội nhân dân Việt Nam, một chiến sĩ cộng sản chân chính đã để lại những dấu ấn quan trọng và tình cảm tốt đẹp với các quốc gia, cộng đồng quốc tế. Hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh tại đất nước Chùa Tháp đã góp phần tích cực vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia, đưa mối quan hệ giữa hai nước bước sang thời kỳ mới, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, trên cơ sở luật pháp quốc tế và lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc, đồng thời góp phần tạo điều kiện để giữ vững hòa binh, ổn định, mối quan hệ bình đẳng, hữu nghị giữa các nước trong khu vực và trên thế giới.

ĐỖ CÁC ĐÔNG

Thượng tá, Viện Lịch sử quân sự Việt nam (Biên dịch từ tiếng Khơme)