Quay lại

Kỳ 2 - Đại tướng Lê Đức Anh và cú chết hụt không thể nào quên

Chiến tranh là thử thách cao nhất, nghiệt ngã nhất đối với con người... Cú chết hụt ở giờ phút cuối cùng, khi mà chiến tranh sắp kết thúc tôi không thể nào quên được - Đại tướng Lê Đức Anh viết trong hồi ký.
 

VietNamNet giới thiệu phần tiếp theo của chương 8: Chỉ huy cánh quân hướng Tây - Tây Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh, trích trong Hồi ký Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh:

Phân tích, tổng hợp tình hình từ nhiều nguồn, từ ngày 15 đến 20/4/1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã nắm rõ ý đồ của địch. Chúng tập trung lực lượng còn lại (khoảng trên dưới 5 sư đoàn) lập tuyến cố thủ ngoại vi Sài Gòn - Gia Định, tăng quân bảo vệ lộ 4 và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hiện ở Sài Gòn chỉ có 2 lữ đoàn dù yếu, địch đang lúng túng điều chỉnh binh lực.

 

Trong khi đó, Mỹ đã bắt đầu thực hiện di tản, dự kiến đến ngày 19/4/1975 sẽ di tản phần lớn người Mỹ ra khỏi miền Nam. Quốc hội Mỹ biểu quyết không viện trợ cho Thiệu. Mỹ cũng bỏ rơi Campuchia. Tình hình đó càng làm cho quân đội Sài Gòn thêm hoang mang, lo sợ. Tình hình đang chứa đựng nhiều biến đổi bất ngờ, mau lẹ... Trên cơ sở đó, cùng với những diễn biến cụ thể trên chiến trường và hướng tiến quân của mỗi cánh quân ta, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã kịp thời ra những mệnh lệnh, chỉ thị đốc thúc các cánh quân đánh mạnh, tiến nhanh hơn nữa.

Ở phía đông, ngày 9/4/1975, theo kế hoạch từ trước, Quân đoàn 4 của ta nổ súng đánh Xuân Lộc - Long Khánh - "cánh cửa thép" của địch trên hướng phòng thủ phía đông. Quân đoàn 3 của địch, được chi viện một lữ đoàn dù cùng phi pháo, không quân và đám tàn quân từ các quân khu 1,2 và 3 kéo về, đã chống trả quyết liệt. Trận chiến đấu ở đây diễn ra rất gay go, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 và Quân khu 7 đã anh dũng chiến đấu. Đến ngày 12/4, thế trận vẫn giằng co. Bộ Chỉ huy chiến dịch tăng cường cho Quân đoàn 4, Trung đoàn 95, đồng thời chỉ đạo Bộ Tư lệnh Miền và ban lãnh đạo Quân đoàn 4 thay đổi cách đánh. Theo cách này, Quân đoàn 4 cho một bộ phận đánh cắt quốc lộ 1 tại Dầu Giây, đồng thời bắn phá khống chế sân bay Biên Hòa liên tục ngày đêm.


Trung tướng Lê Đức Anh - Tư lệnh Quân khu 9 thăm và động viên các chiến sĩ của Tiểu đoàn tăng - thiết giáp, Quân khu 9, tháng 5/1976
 

Ngày 19/4/1975, dưới sự chỉ huy của hai anh Trần Văn Trà và Hoàng Cầm, lực lượng vũ trang ta tấn công địch ở Xuân Lộc. Đêm 20/4, toàn bộ lực lượng địch ở đây bỏ chạy tán loạn về Bà Rịa. Xuân Lộc giải phóng, cánh cửa thép phía Đông đã mở, đón Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 của ta vào thế trận mới. Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định điều Sư đoàn 3 của Quân khu 5 tiến về giải phóng Bà Rịa Vũng Tàu, đồng thời lệnh cho Quân đoàn 4 của ta áp sát Trảng Bom chuẩn bị tổng công kích.

Ở phía bắc và tây bắc, địch chỉ còn Sư đoàn 25 và liên đoàn biệt động, bảo an ở Tây Ninh. Toàn bộ hệ thống chính quyền địch đã bỏ chạy về Sài Gòn. Do đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch thống nhất chỉ bao vây Sư đoàn 25, không cho địch chạy về Sài Gòn. Tình hình này tạo điều kiện thuận lợi cho Quân đoàn 1 của ta vào tập kết ở Nam Sông Bé, Quân đoàn 3 vào khu vực Dầu Tiếng.

Bộ Tư lệnh cánh quân hướng tây tây nam chỉ huy các lực lượng đẩy mạnh tiến công trên các hướng Bến Lức, Long An, đánh thông hành lang Tây Ninh Kiến Tường, mở xong các vùng Bến Cầu, Bến Sỏi, Quéo Ba, làm chủ một vùng sông Vàm Cỏ Tây, tiếp tục tiến xuống vùng Tân An, Thủ Thừa, áp sát đánh giao thông lộ 4 và cắt lộ 4 thành nhiều đoạn mà ta làm chủ, bao vây chặt Cần Thơ và pháo kích sân bay Trà Nóc không để chúng chi viện cho Sài Gòn.

Trước ngày 20/4/1975, theo lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, cánh quân hướng tây tây nam đã vào vị trí tập kết. Đoàn 232 đã áp sát tuyến sông Vàm Cỏ Đông và Hậu Nghĩa, Sư đoàn 5 và Sư đoàn 8 đã áp sát lộ 4 từ Tân An đến Cai Lậy, áp sát Mỹ Tho. Hai trung đoàn bộ bình đã tập kết ở Cần Đước và Cần Giuộc sát phía Nam quận 8 Sài Gòn. Cánh quân hướng tây tây nam đã cài thế chuẩn bị sẵn sàng tổng công kích.

Ở phía đông nam, theo lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, Quân đoàn 2 cùng Sư đoàn 3 thuộc Quân khu 5 cũng đã áp sát Long Thành, Vũng Tàu, Nước Trong, Bà Rịa, sẵn sàng đợi lệnh tấn công vào Sài Gòn...

Để thực hiện kết hợp đòn tiến công quân sự với phong trào nổi dậy của quần chúng, Trung ương Cục và Quân ủy Miền đã họp, thông qua các kế hoạch kết hợp tổng tiến công với phong trào nổi dậy của quân chủng toàn B2; nhanh chóng thiết lập chính quyền để quản lý và duy trì trật tự ở những nơi địch tan rã, đẩy mạnh phong trào ở vùng ven và đô thị, tập trung vào phong trào ở Sài Gòn - Gia Định.

Trung ương Cục phân công anh Nguyễn Văn Linh Phó Bí thư Trung ương Cục và anh Võ Văn Kiệt - Ủy viên Trung ương Cục trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn Gia Định chuyên lo vấn đề tổ chức và chỉ đạo kế hoạch nổi dậy của quần chúng phối hợp với các lực lượng quân sự, trong đó có các binh đoàn chủ lực của ta vào thành phố; phân công anh Cao Đăng Chiếm Giám đốc Công an B2 tổ chức mạng liên lạc của các đòng chí trong Chính phủ cách mạng lâm thời với cơ sở trong nội thành.

Từ ngày 18 đến 25/4, Bộ Chỉ huy chiến dịch và Trung ương Cục đã đưa thêm vào thành phố hàng trăm cán bộ. Trong đó có nhiều đồng chí cấp thành ủy và tương đương, có nhiều đồng chí tương đương ủy viên ban cán sự quận, để làm nòng cốt cùng cán bộ tại chỗ tổ chức nhân dân nổi dậy. Đồng thời, Trung ương Cục chỉ đạo các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long tự giải phóng, với phương châm: xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh.

Để đảm bảo vận chuyển 20.000 tấn hàng từ miền Bắc, Tây Nguyên và Khu 5 vào cung cấp đủ cho yêu cầu của chiến dịch, hậu cần chiến dịch và chiến lược đã huy động 10.000 xe vận tải; mở thêm hai tuyến vận tải mới vào Lộc Ninh và Long Khánh, mở sau tuyến vận tải chiến dịch xuống các cánh do hậu cần B2 phụ trách, kéo dài được ống dẫn dầu từ Bù Đốp vào Lộc Ninh, tăng cường khai thác lương thực tại chỗ.

Tối 21/4/1975, đúng lúc Bộ Chỉ huy chiến dịch vừa họp xong để rà soát lại lần cuối công tác chuẩn bị cho chiến dịch thì nhận được tin Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Mỹ đưa Trần Văn Hương lên thay.

Ngày 25/4, mọi công tác chuẩn bị của ta đã hoàn thành.

Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Các đơn vị hướng tây tây nam chúng tôi tiến công. Đến 3 giờ sáng ngày 27, Sư đoàn 5 đã cắt được đoạn từ Bến Lức tới Tân An. Sư đoàn 8 cùng quân và dân Tiền Giang thực hiện đánh cắt lộ 4 từ Mỹ Tho đến bờ sông Tiền. Sư đoàn 3 đánh chiếm khu vực An Ninh Lộc Giang, tổ chức vượt sông Vàm Cỏ, áp sát địch để đảm bảo cho Sư đoàn 9 cùng binh khí kỹ thuật qua sông. Sư đoàn 9 vượt sông Vàm Cỏ Đông vào vị trí tập kết tại Cầu Bông, Mỹ Thạnh, Đức Hòa. Các trung đoàn 24 và 88 bám sát vào nội đô phía Nam Sài Gòn.

Khi xe tăng, thiết giáp của ta vượt sông Vàm Cỏ thì trời đổ mưa, đoạn thuộc huyện Đức Huệ (Long An) sình lầy, xe không đi được. Nhân dân vác những bó cây và dỡ nhà mình ra lót đường cho xe tăng và pháo ta vượt qua. Lúc đó tôi nói một số đồng chí trở lại giúp dân làm lại nhà, dù người dân không hề đòi hỏi. Sau này, anh Nguyễn Minh Châu Tham mưu trưởng Miền đã chỉ huy bộ đội làm lại hầu hết nhà cho dân.

Ngày 28/4/1975, Trần Văn Hương từ chức, Dương Văn Minh lên thay. Thường vụ Trung ương cục gửi điện chỉ thị cho toàn quân và toàn dân thực hiện quyết tâm không gì lay chuyển là đánh bại hoàn toàn Mỹ, ngụy, đánh sụp chế độ ngụy Sài Gòn giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tối 28/4, Bộ Chỉ huy chiến dịch thông báo tình hình và lệnh cho các cánh quân, các hướng tiếp tục pháy triển tiến công để đảm bảo sáng ngày 29/4 toàn mặt trận nhất loạt thực hiện tổng tấn công vào thành phố Sài Gòn theo đúng kế hoạch đã định.

Ngày 29/4, lúc hơn 10 giờ, Sư đoàn 3 vượt sông Vàm Cỏ Đông tiến đánh và làm chủ thị xã Hậu Nghĩa, sau đó tổ chức đánh chiếm Chi khu Đức Hòa và căn cứ Trà Cú. Quân địch ở Hậu Nghĩa chạy về Sài Gòn bị Trung đoàn 1 Gia Định do đồng chí Phan Trung Kiên làm Trung đoàn trưởng, từ Xuân Thới Thượng vận đọng ra bắt hàng trên 1.000 tên. Sư đoàn 3 chiếm thị xã Hậu Nghĩa tạo điều kiện cho Sư đoàn 9 đưa toàn bộ lực lượng vào Mỹ Hạnh, sau đó thọc thẳng vào nội đô. Phía bên trong, lực lượng vùng ven cũng tăng cường hoạt động: Trung đoàn đặc công 429 tiến đánh Tiểu đoàn 8 biệt động địch tại Tân Tạo, Bà Hom, ra Chi khu Phú Lân; đánh chiếm ấp 2 (Bình Trị Đông), ấp Bình Hưng, Ký Thúc On và cầu Nhị Thiên Đường. Trung đoàn đặc công 117 bắn 200 viên ĐKB vào sân bay Tân Sơn Nhất. Bộ đội địa phương Bình Chánh đánh chiếm các phân chi khu Tân Túc, Tân Tạo (quận Tân Bình).

Sáng ngày 30/4, các cánh quân ta cùng nhân dân nổi dậy, đồng loạt tấn công đánh chiếm các mục tiêu đã định. Đến 9h30’, quân địch về cơ bản đã mất sức chiến đấu. Cả Sài Gòn Gia Định trở thành một rừng cờ, biểu ngữ, hoa các loại vẫy chào quân giải phóng. Những nơi chưa có bộ đội quản lý thì nhân dân, chủ yếu là công nhân, sinh viên, học sinh quản lý. Khi bộ đội đến thì họ giao cho bộ đội quản lý. Nhân dân dẫn đường cho các mũi đột kích đánh chiếm các mục tiêu còn lại.

Trước tình hình đó, Dương Văn Minh, tân Tổng thống mới nhậm chức của chính quyền Sài Gòn, tuyên bố xin ngừng bắn để thảo luận bàn giao chính quyền. Lập tức, anh Phạm Hùng phát ngay bức điện hỏa tốc gửi thủ trưởng các đơn vị đang cầm quân trên chiến trường: Địch dao động đang rã. Các cánh quân hãy đánh mạnh, tiến nhanh, chiếm lĩnh các mục tiêu đúng quy định. Hội quân tại dinh Độc Lập ngụy. Địch không còn gì để thương lượng bàn giao. Chúng phải đầu hành vô điều kiện. Tiến lên! Toàn thắng!

Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, các cánh quân của ta tiếp tục tấn công, buộc chính quyền Dương Văn Minh đầu hành vô điều kiện.

Sáng ngày 30/4/1975, Sư đoàn 9 do anh Ba Hồng (tức Võ Văn Dần) làm Sư đoàn trưởng tiến thẳng vào nội đô, chia thành 2 mũi: mũi thứ nhất, Trung đoàn 1 sau khi đánh tan một tiểu đoàn dù địch ở ngã ba Bà Quẹo, đánh chiếm phân chi khu Vĩnh Lộc, tiến thẳng vào ngã tư Bảy Hiền, đạp tan sự kháng cự của địch ở đây và phát triển theo đường Lê Văn Duyệt, đánh chiếm Biệt khu Thủ đô, tướng địch Lâm Quang Phát đầu hàng. Mũi thứ hai, Trung đoàn 3 tấn công tiêu diệt Sở Chỉ huy Liên đoàn 8 và Tiểu đoàn biệt động quân 88 của địch trên tuyến vành đai Đại Hàn; tiếp đó đánh tan Tiểu đoàn bảo an 327 ở nam Vĩnh Lộc, tiến công chốt của Tiểu đoàn bản an 317, diệt Chi khu Bà Hom, đánh chiếm trường đua Phú Thọ và phái một bộ phận sang hợp điểm của dinh Độc Lập.

Lúc 5h30’, mũi tiến công của Trung đoàn 24 phối hợp cùng đơn vị đặc công diệt đồn ngã ba Đình Hưng Đông, sau đó chiếm cầu Nhị Thiên Đường và cầu Chữ Y; 10h10’, đánh chiếm Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia và đưa một bộ phận sang hợp điểm ở dinh Độc Lập.

Trung đoàn 88, từ 5h30’ đến 8h, tiến công diệt đồn và phân chi khu Bà Phước, sau đó phát triển tiến công và làm chủ đồn Ông Thìn, ngã ba An Phú, khu Nhà Bè.

Trung đoàn 16, lúc 6h30’, chiếm ga An Lộc; 10h30’ chiếm cầu Bình Điền, sau đó phát triển vào nội thành.

Sư đoàn 5, từ 5h đến 12h, tiến công và bức hàng toàn bộ Sư đoàn 22 và các liên đoàn biệt động quân, cùng lực lượng tại chỗ đánh chiếm thị xã Tân An, Chi khu Thủ Thừa. Các đơn vị đặc công, 8h chiếm quận Tân Bình, 10h chiếm quận Bình Chánh; 12h chiếm Đặc khu Rừng Sác.

Mũi tiến công do ba đồng chí Tư Thân, Ba Thạnh và Tư Chiểu đánh vào Tổng nha Cảnh sát và Cảnh sát đô thành, địch bỏ chạy hết, không kịp tẩu tán và hủy tài liệu. Khoảng 9h sáng ngày 30/4, bộ đội đã làm chủ và tổ chức gác toàn bộ các vị trí. Anh em rất hăng hái nên dù không được giao mục tiêu, nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ sớm ở Tổng nha Cảnh sát, đã cho một mũi vào dinh Độc Lập, còn một mũi phát triển ra cảng hải quân, đánh căn cứ Tư lệnh Hải quân địch.

Mũi phát triển vào tới dinh Độc Lập thì hợp điểm với mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 ở đó. Ở thời khắc lịch sử trưa ngày 30/4/1975, tại dinh Độc Lập có mặt ba mũi cùng tiến công vào từ hai hướng: hướng đông là mũi của Quân đoàn 2, hướng tây tây nam là một mũi của Sư đoàn 9 và một mũi của đồng chí Tư Thân (Đoàn 232).

Đúng 11h30’ ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Lúc này, ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, quân và dân ta tự lực giải phóng địa bàn, góp phần cùng cả nước chấm dứt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc kéo dài 30 năm.

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta toàn thắng. Nó đã toát lên một điều là đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta đã thấm sâu vào quần chúng, kể cả quần chúng bị bắt buộc vào trong hàng ngũ địch. Đây là thời cơ để bộc lộ tinh thần yêu nước, vì độc lập dân tộc, làm phát lộ chủ nghĩa anh hùng các mạng của quần chúng vô cùng sinh động, mạnh mẽ và hiệu quả hơn bao giờ hết.

Ngày 30/4 và mồng 1/5, chúng tôi ở sở chỉ huy cánh tây tây nam tại một địa điểm phía nam huyện Đức Hòa, Long An. Khi nghe các nơi báo cáo: Xong rồi!, trong cơ thể có một cảm giác nhẹ nhõm, thoải mái biết bao! Và, lúc bấy giờ mới thấy thấm mệt, có thể nói mệt rã rời sau bao ngày đêm toàn bộ cơ thể căng ra như dây đàn. Tối hôm đó, khi anh Phạm Hùng và anh Văn Tiến Dũng cho người xuống gọi tôi lên họp, tôi nói, giờ cho tôi ngủ chút đã, mệt quá! Và tôi đã ngủ một giấc tới 9h sáng. Trên đời này, ai vừa trải qua những thử thách nghiệt ngã, những ngày tháng căng thẳng, thì hẳn sẽ hiểu và cảm thông cho giấc ngủ ngon lành, không gì cưỡng nổi của những người lính chúng tôi ngay khi vừa kết thúc cuộc chiến tranh!

Đời tôi đã đi suốt hai cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Biết bao kỷ niệm sâu sắc tưởng chừng không thể quên. Chiến tranh là thử thách cao nhất, nghiệt ngã nhất đối với con người. Nhiều lúc bom đạn ác liệt quá, tôi từng nói vui với anh em: Bom đạn đầy trời thế này, chết là chuyện thường, còn sống thì mới kỳ lạ! Bởi vậy, cú chết hụt ở giờ phút cuối cùng, khi mà chiến tranh sắp kết thúc thì tôi không thể nào quên được. Sở chỉ huy của cánh quân hướng tây tây nam nằm ngay bên bờ sông Vàm Cỏ thuộc huyện Đức Hòa. Suốt ngày đêm, tôi vẫn trụ trong cái chòi nhỏ sát mép sông. Sáng hôm đó, tôi vào ăn cơm, chỗ ăn là nhà họp của địa phương, làm nửa chìm nửa nổi, Chính ủy Hai Tưởng đặt vị trí ở đây; vừa ăn xong tự nhiên anh Tưởng bảo tôi: Anh hãy nán lại, nằm trên võng của tôi mà thở, nghỉ mươi phút rồi hẵng ra đó!

Tôi nghe anh, vừa ngả lưng, thì ở ngoài chòi của tôi một quả bom từ máy bay địch ném trúng, cái chòi bay mất, cậu lái xe của tôi hy sinh, cậu Thái bảo vệ bị thương. Nếu hôm đó ăn xong, tôi ra liền thì nhất định cái chuyện thường đã xảy ra với tôi và hôm nay, chẳng còn ngồi để mà viết ra những dòng chữ này! Chiến tranh có chừa ai, cái ngẫu nhiên và cái tất nhiên nhiều khi không thể mang tính quy luật ra mà giải thích!

Từ chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975 đến nay đã hơn một phần ba thế kỷ. Thời gian trôi qua cho phép chúng ta có điều kiện nhìn lại mọi sự vật, hiện tượng đã diễn ra ngày càng rõ ràng, đầy đủ, chính xác hơn. Nếu nói tới chiến thắng 30/4/1975 mà chỉ nói về năm cánh quân trên năm hướng tiến công, tức là chỉ nói về các quả đấm chủ lực thì không đủ mà phải thấy đây thực sự là một cuộc tổng tiến công và nổi dậy toàn thắng.

Quả đấm chủ lực những binh đoàn cơ động là lực lượng nòng cốt của đấu tranh quân sự, với những đòn điểm huyệt đã đánh trúng, đánh hiểm ở những trận then chốt và then chốt quyết định. Nhưng để giải quyết đồng loạt, rộng khắp, kịp thời làm cho cả bộ máy chính quyền và đội ngũ quân địch tan rã thì phải thấy rõ vai trò tiến công và nổi dậy của lực lượng tại chỗ, của lực lượng chính trị quần chúng, trong đó có lực lượng của những người bị bắt buộc trong hàng ngũ của địch. Lực lượng tại chỗ tạo điều kiện cho các mũi tiến công của chủ lực cơ động. Ngược lại, quả đấm chủ lực tạo điều kiện cho lực lượng tại chỗ nhất loạt tiến công có hiệu quả...

...Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng chữ thời...

...Có thể nói đến cuối năm 1974, trước cuộc tổng tiến công năm 1975, ở trong nước và cả quốc tế đều thống nhất "đánh cho ngụy nhào". Đây là thời điểm vàng ngọc, thực sự đã tạo ra sức mạnh tổng hợp - sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế. Nếu để chậm một chút thì chưa chắc đã còn sức mạnh như thế. Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã chọn đúng thời cơ và tổ chức thắng lợi, hài hòa và rất hiệu quả cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Chính vì "quả đấm chủ lực" của ta thực hiện đòn mở đầu đánh vào huyệt điểm Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên, đã làm thay đổi nhanh cục diện chiến trường, đẩy quân đội Sài Gòn lâm nhanh vào thế bị động, lúng túng, dẫn đến hoang mang, dao động, vỡ trận, tan rã, sụp đổ trước sức mạnh như nước vỡ bờ của cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trên khắp miền Nam.

Cùng với đó, chúng ta không bao giờ quên, sức mạnh của chúng ta có được còn nhờ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ to lớn của nhân dân Liên Xô, nhân dân Trung Quốc, cách mạng Lào và Campuchia, các nước XHCN, nhân dân và chính phủ các nước yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân và nhiều nghị sĩ tiến bộ Mỹ. Đúng như đồng chí Lê Duẩn nói: Sức mạnh dân tộc đã kết hợp chặt chẽ với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh to lớn chiến thắng quân thù.

Đối với dân tộc ta, đây là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử. Nó kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm kháng chiến, cứu nước, giải phóng miền Nam, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
 

Đại tướng Lê Đức Anh