Quay lại

Hồi ký về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh

Tập hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” được xuất bản đúng vào dịp Đại tướng kỷ niệm lần thứ 95 ngày sinh của mình.

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia vừa xuất bản cuốn hồi ký của Đại tướng Lê Đức Anh nhan đề “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” với lời tựa của đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một cuốn sách quý về cuộc đời đi theo cách mạng của một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta.

Cuốn sách in khổ lớn, bìa cứng, trình bày trang nhã với 11 chương và phần kết. Phần phụ lục có nhiều bức ảnh quý (lần đầu được công bố) ghi lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (nhiệm kỳ 1992-1997).

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Bìa cuốn hồi ký "Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng"

Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1/12/1920 ở làng Trường Hà, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên-Huế. Quê gốc ở xứ Truồi làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế), gia đình mấy đời làm ruộng, ông nội là một sĩ phu từng tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp.

Thủa niên thiếu, chàng thiếu niên Lê Đức Anh đã sớm được tiếp xúc với những người yêu nước và cách mạng, đọc báo chí tiến bộ và tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản, về Nguyễn Ái Quốc và tham gia phong trào đấu tranh đòi độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như rải truyền đơn, treo cờ đỏ…đến việc tuyên truyền, vận động trong dân chúng…Dịp kỷ niệm Ngày quốc tế lao động 1/5/1938, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản năm 18 tuổi.

Từ đấy bắt đầu cuộc đời của một người cộng sản mà đặc điểm lớn nhất là sự trung thành với lý tưởng cộng sản, vừa hoạt động vừa học tập, lúc nào cũng vận dụng sáng tạo các nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin, các đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.

Những trang hồi ký của ông về thời kỳ “Tổ chức các nghiệp đoàn ở đồn điền cao su Lộc Ninh và tham gia đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945”, “Vào quân đội tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Đông Nam Bộ”, “Về Bộ Tổng tham mưu, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân tiến từng bước lên chính quy hiện đại”, “Về Bộ chỉ huy miền trực tiếp đánh Mỹ…”, “Chỉ huy xây dựng quân đội ở đồng bằng sông Cửu Long và chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam”, “Làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia”, “Tham gia lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”…là những hồi ức của một người lính luôn đứng vững trên thế tiến công, chủ động tấn công trong suy nghĩ và hành động, lăn lộn với thực tế chiến trường để tìm ra những cách đánh hiệu quả, đỡ tốn xương máu chiến sĩ đồng bào, mà vẫn chiến thắng kẻ thù. 

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Đại tướng Lê Đức Anh tặng tác giả bài viết cuốn hồi ký.

Đồng bào chiến sĩ Quân khu 9 Đồng bằng sông Cửu Long nhớ mãi hình ảnh vị Tư lệnh bao giờ cũng tin vào dân, lấy lòng dân sức dân là thành luỹ để bộ đội chiến đấu và chiến thắng, một vị Tư lệnh bao giờ cũng đặt Sở chỉ huy tiền phương ngay sát đồn địch, có mặt ở những nơi ác liệt nhất, ở vào những thời điểm quan trọng nhất.

Từng là người lãnh đạo cao nhất của Nhà nước và Quân đội ta, nhưng Đại tướng Lê Đức Anh là người luôn luôn biết lắng nghe, nghe dân nói, nghe cấp dưới nói.  Trong cuốn hồi ký này, ông kể nhiều trường hợp lắng nghe ý kiến của dân, của người lính.

Có một trường hợp ông chưa kể. Đó là dịp tháng 11 năm 1997, khi cơn bão Linda bất ngờ quét qua vùng biển Tây Nam Bộ, hàng nghìn ngư dân các tỉnh ven biển Đông, đặc biệt là Cà Mau bị chết và mất tích. Nhóm nhà báo tháp tùng Ông mấy năm, gặp ông đề nghị: Đảng và Nhà nước nên tổ chức truy điệu trọng thể đồng bào ta bị nạn. Ông tán thành ngay và nói sẽ báo cáo Bộ Chính trị.

Vài hôm sau, tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội), một buổi lễ truy điệu xúc động đã được tổ chức. Khi tình hình Tây Nguyên có vấn đề, chủ trương ban đầu là không đưa tin trên báo chí. Cũng nhóm phóng viên tối khuya đến gặp ông, đề nghị nên đưa tin công khai, rộng rãi để đồng bào cả nước hiểu rõ, chủ động tấn công những thế lực thù địch trên mặt trận tuyên truyền. Ông ủng hộ và sau đó, báo chí vào cuộc làm rõ trắng đen, sự thật xảy ra ở Tây Nguyên…Tác phong của ông là vậy. Dám nói và bảo vệ những ý kiến đã được nghiền ngẫm kỹ của mình. Cũng như luôn ủng hộ những lời nói thẳng.

Trong hồi ký của mình, Đại tướng Lê Đức Anh có kể lại việc ông đề nghị và được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương ủng hộ, tiến hành bình thường hoá quan hệ với Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Chúng tôi đã được tháp tùng Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong chuyến thăm lịch sử tới Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (tháng 11/1993) và dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hợp quốc tại thành phố New York - Mỹ (tháng 10/1995).

Mặc thường phục, nhưng với vóc dáng cao lớn, đường bệ, Chủ tịch Lê Đức Anh là “người không thể lẫn” trong đám đông, đặc biệt là khi ông thay mặt nhân dân Việt Nam, Đảng và Nhà nước Việt Nam dõng dạc khẳng định: Người Việt Nam không sống bằng lòng thù hận. Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước.

Là người khiêm tốn, giản dị, là “một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Đại tướng Lê Đức Anh không nói nhiều về những đóng góp của ông trên cương vị Chủ tịch nước, cùng tập thể lãnh đạo của Đảng và Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng trong công tác đối nội, đối ngoại, góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, quốc phòng-an ninh được giữ vững và củng cố.

Trong hồi ký, ông dành nhiều trang nói về đồng chí, đồng bào và nỗi niềm canh cánh của ông về khẩu hiệu “người cày có ruộng”. Khi ở đồng bằng sông Cửu Long trong đồng bào Khơ me nổi lên hiện tượng “cầm”, “cố” (bán) ruộng đất, Ông đi nhiều chuyến công tác vào đấy, đến từng gia đình thôn ấp tìm hiểu và nhắc nhở lãnh đạo Đảng và chính quyền không được để tình trạng này tái diễn.

Người viết bài này rất tiếc khi trong tập hồi ký không đưa được bức ảnh chụp ông xắn quần lội nước đi thăm đồng bào vùng bị lũ lụt Tây Nam Bộ mùa lũ năm 1994, hay bức ảnh ông (bình phục sau đợt xuất huyết não đầu tiên) đi trên cầu khỉ đến thăm một gia đình nông dân ở miệt Hậu Giang (năm 1998).

Tập hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” do Đại tá Nguyễn Trọng Dinh thể hiện, ra đời đúng vào dịp Đại tướng kỷ niệm lần thứ 95 ngày sinh của mình. Trước đó, vào tháng 9/2005, trong Dự án làm sách về những vị tướng tài trong Quân đội ta, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã xuất bản cuốn sách “Đại tướng Lê Đức Anh”. Cả hai cuốn sách bổ sung cho nhau, đều nói về một người lính của Nhân Dân ta, của Đảng và Nhà nước ta, của Quân đội ta. Vị Đại tướng đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta.
                    

Trương Cộng Hòa/VOV