Quay lại

Hai kỷ niệm với Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Tin buồn nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần đã loang khắp. Bần thần chợt nhớ, đời làm báo của mình từng có 2 chuyện nhỏ liên quan.
 


Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh với Thủ tướng Hun Sen tại tư gia. Ảnh: Xuân Ba
 

Chuyện thứ nhất

Năm 1994, tờ báo tôi tòng sự bị Viện kiểm sát TPHCM khởi tố bởi một bài báo Ổng đã biến xe công thành xe tư như thế nào? mà tôi là tác giả.

Cơ quan chức năng thành phố ra lệnh triệu tập tôi vào nhà giam Chí Hòa. Lại cử cả cán bộ ra Hà Nội dẫn giải tác giả bài báo.

Mắc nạn oan phải kêu, có bệnh phải vái tứ phương. Những lá đơn của tôi, của cơ quan tòa báo tới tấp gửi đi cầu cứu… Và có lẽ những đơn thư ấy đã đến được những nơi cần đến: Văn phòng Chủ tịch nước.

Mấy ngày sau, có một cuộc họp gồm nhiều nhà chức việc của nhiều ngành có trách nhiệm do chính Chủ tịch nước Lê Đức Anh chủ trì... Thành phần dự cũng có báo Tiền Phong.

Nội dung cuộc họp kể thì dài… Có một chi tiết những người dự có nói lại là Chủ tịch nước Lê Đức Anh vẻ bao dung, khoan thai mỉm cười hỏi một đồng chí lãnh đạo thành phố khởi tố để làm gì? Dạ thưa anh Sáu Nam (tên gọi thân mật của Chủ tịch nước Lê Đức Anh) để tìm ra người cung cấp tài liệu cho báo ạ...

Kết luận cuối cùng của cuộc họp hôm đó là các cơ quan có trách nhiệm phối hợp với nhau để rút lệnh khởi tố báo Tiền Phong. Riêng tác giả cần rút kinh nghiệm về mặt ngôn từ!

***

Môi trường đầu tư của nước ngoài vào nước mình có lẽ chỉ thực sự trở nên thông thoáng và hiệu quả một khi đối tác nước ngoài nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật của nước sở tại. Và nữa, các cơ quan có trách nhiệm của ta về vấn đề này phải sắc sảo về nghiệp vụ lẫn công tâm với các đối tác… Không để người bịp lẫn bịp người! Khó vậy thay, vậy nên mới có chuyện.

Chuyện này được thể hiện trên bài báo Mớ bùng nhùng quanh mỏ dầu Đại Hùng đăng trên Tiền Phong số 43 (tháng 5/1996) tác giả là ... tôi!

Báo ra được một ngày, ngay ngày hôm sau, một cuộc họp do Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ khi ấy là ông Lê Xuân Trinh chủ trì gồm các Tổng Biên tập của các báo ở Hà Nội.

 Ông chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dõng dạc thông báo rằng, bài báo Mớ bùng nhùng quanh mỏ dầu Đại Hùng, Báo Tiền Phong đã tiết lộ bí mật quốc gia!

... Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Hồ Đức Việt, với tư cách là cơ quan chủ quản của báo khi ấy cũng được mời dự trước vẻ mặt tái dại của tôi và vẻ lúng túng của ông Tổng Biên tập Dương Xuân Nam. Ông Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn khi tan họp đã bước lại gần chỗ hai chúng tôi phải thật bình tĩnh sáng suốt để bảo vệ sự thật nếu mình đúng. Nếu sai thì phải dũng cảm trung thực mà nhận. Lần gặp nạn này không giống lần trước đâu đấy nhé...

Ngó vẻ thẫn thờ và động tác gần như bỏ bữa cơm trưa của Tổng Biên tập, tôi có cảm giác mình là người có lỗi? Ông đang những ngày yên ả bình lặng trong việc điều hành của một tờ báo lâu nay sau cái nạn khởi tố hai năm trước.

Bây giờ đùng cái, lại nạn! Mà nạn này nói như sếp Hồ Đức Việt là vĩ mô chứ chẳng phải vi mô như xe công thành xe tư?!

Cũng như qui trình gỡ nạn lần trước, khổ cho sếp Lương Ngọc Bộ (Phó Tổng Biên tập khi đó) của tôi lại phải cùng thuộc cấp tỉ mẩn đối chiếu so sánh tài liệu tôi có với bài báo...

Rồi phải ôn lại hàng loạt hàng chồng những văn bản giấy tờ có liên quan hay qui định đến việc sử dụng tài liệu có các cấp độ tối mật, tuyệt mật, mật!

Chúng tôi cùng bừng ra cái việc, tất tật các tài liệu tôi sử dụng để thực hiện bài báo mớ bùng nhùng quanh mỏ dầu Đại Hùng đều không hề liên quan đến một cấp độ Mật nào hết!

Rồi lại dằng dặc những tường trình của tôi, của Ban Biên tập gửi đến những cơ quan này hay ông khác với nội dung, bài báo được thực hiện nhằm biểu dương những cố gắng vượt bậc của một bộ phận Tổng công ty Dầu khí Việt Nam Vietnam Petro đã kịp thời phát hiện ra những mập mờ lắt léo của một đối tác nước ngoài trong vấn đề hợp đồng ăn chia sản phẩm. Rằng tất cả những tài liệu phóng viên sử dụng không qui định một độ Mật nào!

Thêm một chút hy vọng phập phồng rằng việc của mình biết đâu sẽ gặp... may sẽ được cứu xét như lần trước? Cơ quan còn thuê mấy luật sư có kinh nghiệm về vấn đề này cùng xem xét điều tra tỉ mỉ.

Nhưng diễn tiến của sự việc đã khiến chúng tôi choáng!

Ngày 8/7/1996. Cục An ninh điều tra có lệnh khởi tố số 501/87 về việc cố ý làm lộ bí mật Nhà nước xảy ra tại Tổng công ty Dầu khí và hai báo Tiền Phong và báo Kinh doanh pháp luật.

Đầu tiên là Giấy triệu tập được gửi đến Tổng Biên tập. Quen cái lệ trước nay mình chỉ nhận được những giấy tờ văn bản đơn thư có cụm từ  những kính gửi, thân gửi đồng chí... thì bây giờ uỵch cái từ cộc lốc yêu cầu ông... đúng... giờ... ngày có mặt tại... để làm việc về bài báo đăng trên Tiền Phong...có lẽ ông chắc khó tránh được cảm giác hơi bị khó chịu?

Rồi ông phó Tổng Biên tập Lương Ngọc Bộ cũng nhận được giấy triệu tập cùng một nội dung. Nhưng những ba lần. Nội dung tôi không được biết tỉ mỉ nhưng tinh thần cũng như cuộc làm việc với Tổng Biên tập là động cơ viết bài báo là gì? Anh có biết ai đã cung cấp tài liệu cho phóng viên viết bài báo không?

Ông phó vỗ vỗ vào lưng tôi với lời nói vui động viên có lẽ chú mày sẽ được chăm sóc kỹ hơn chúng tớ đấy!

Phấp phỏng lo lắng. Trong lúc đợi cũng chạy đôn đáo nơi này chỗ kia để đưa đơn, thư... Một địa chỉ mà tôi tìm đến nhưng chủ nhân vắng nhà: Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Ấn tượng của lần gặp nạn hai năm trước vẫn hằn đậm trong chúng tôi những cảm giác ấm áp,  tin cậy!

Rồi tôi cũng biết được, Chủ tịch nước cùng phu nhân đang đi nghỉ ở một cơ sở điều dưỡng ở miền Trung mà tôi có người bạn cùng làng lại đang phụ trách khu điều dưỡng ấy.

Tôi bay đi Đà Nẵng.

May quá, tới đó tôi gặp được người cần gặp. Tôi thực tình trình bày với đồng chí trợ lý của Chủ tịch nước đầu đuôi sự việc.

Rồi tôi được hướng dẫn, ngày hôm sau, lựa lúc Chủ tịch nước rảnh tôi đã có một cuộc gặp ngắn...

Sau khi đưa đơn, tôi đã nói được những điều chính cần nói... Khi mới gặp, một cảm giác hơi day dứt, xen lẫn với hơi hoảng khi vị lão tướng hướng cái nhìn nghiêm và buồn về phía tôi việc của nhà báo, tôi đã nghe nói qua...

Tôi biết mình đang làm bận, quấy phiền đến nhiều người? Nhất nữa là khoảng thời gian nghỉ ngơi quý báu của vị Chủ tịch nước...

Nhưng biết làm sao?

Tiếp nữa là những ngày lê thê làm mất thời gian của các điều tra viên của cơ quan chức năng được cử chuyên trách vụ việc của mình. Thầm tiếc, nếu như mình chẳng vướng vào những thứ lẩm cẩm như thế này, được tiếp xúc chuyện trò với họ theo kiểu công vụ thì có lẽ khối tư liệu để viết về những cuộc đấu trí ngoạn mục phanh phui ra những âm mưu của thế lực thù địch và những vụ tham nhũng lớn bởi tôi có loáng thoáng biết đây toàn là những cán bộ có cỡ của cơ quan điều tra!

Dằng dặc những ngày tâm trạng bất an buồn nản làm việc với cơ quan điều tra theo giấy triệu tập. Tôi luôn khư khư, khăng khăng rằng trong tập tài liệu ấy không có tờ nào ghi chữ mật, tối mật, tuyệt mật cả. Và độ chuẩn xác của tài liệu ấy là tuyệt đối vì thế bài báo Mớ bùng nhùng... là hợp pháp là không lộ bí mật.

Đôi lúc cũng tạm tĩnh trí, ấm lòng với sự hỏi han động viên của đồng nghiệp, bạn bè… Và cũng chút phập phồng nghĩ tới bút phê của Chủ tịch Lê Đức Anh trong lá đơn của tôi cùng công văn Tòa soạn gửi ông Bộ trưởng Bộ Công an khi đó là ông Lê Minh Hương khẩn trương coi xét thật khách quan vụ việc này.

May rồi chuyện buồn của tôi cũng dần qua.

Còn nhớ buổi các sếp cơ quan nhân thời điểm tai qua nạn khỏi đã rút kinh nghiệm cho anh em phóng viên về những tai nạn, về những trường hợp na ná như tôi đã nói thế này: chỉ có động cơ không vụ lợi, vì cái chung, vì công lý và sự thật và chỉ có sự thật mới bảo vệ được người viết lẫn uy tín của cơ quan.

Thời gian đã lùi nhiều năm, nhưng vẫn vẹn nguyên trong tôi cảm giác biết ơn, ấm áp ngày nào khi có được cơ hội hiếm hoi được giãi bày cùng Chủ tịch Lê Đức Anh.

Ánh nhìn ấm ấp của vị lãnh đạo ấy như đang truyền đi thông điệp cho những người làm nghề truyền thông luôn phải nghiêm cẩn hơn trong nghề nghiệp của mình.

Đại tướng Lê Đức Anh – vị tướng tài ba

Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước đã từ trần vào hồi 20h10’, ngày 22/4/2019 tại nhà Công vụ, số 5A, phố Hoàng Diệu, Thành phố Hà Nội.

Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1/12/1920 ở Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ông tham gia cách mạng từ nhỏ. Năm 1938, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong quá trình hoạt động ông đã từng giữ các chức vụ Tham mưu trưởng Quân khu 7, Quân khu 8 và đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Phó Tư lệnh, kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam, Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh…

Từ 1981-1986, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Camphuchia; được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa V bầu vào Bộ Chính trị (năm 1982); được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984; được giao giữ chức Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam năm 1986. Sau đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Từ 1992-9/1997, ông là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.

Từ 12/1997-4/2001, ông là Ủy viên Ban cố vấn BCH T.Ư ĐCS Việt Nam.

Đến năm 2011 ông nghỉ hưu.

Văn Kiên

 

XUÂN BA