Quay lại

Dấu ấn của đồng chí Lê Đức Anh trên chiến trường đồng bằng Sông Cửu Long (1969 - 1974)

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, tuy ở chiến trường đồng bằng sông Cửu Long thời gian không dài (1969 - 1974), nhưng dấu ấn của đồng chí Lê Đức Anh, Tư lệnh Quân khu 9 để lại hết sức sâu đậm. Đó là những năm đồng chí Lê Đức Anh cùng Bộ Tư lệnh Quân khu và Khu ủy Khu 9 lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân đồng bằng sông Cửu Long xây dựng, củng cố lực lượng về mọi mặt, đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, giữ vững nhiều địa bàn chiến lược, tạo đà cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.
 

Trở lại tình hình, từ năm 1969, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, chủ trương rút dần quân viễn chinh về nước, đồng thời phát triển lực lượng quân đội Sài Gòn để gánh vác chiến tranh, thực chất là thực hiện chính sách “dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam”. Biện pháp cơ bản của địch là thỏa hiệp với một số nước lớn xã hội chủ nghĩa nhằm cô lập cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam; tiến công đánh phá tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn; đẩy mạnh chương trình “bình định” nhằm chiếm đất, giành dân với cách mạng, trọng điểm là đồng bằng sông Cửu Long.

Về phía ta, tuy đã giành được thắng lợi hết sức to lớn về chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, nhưng sau đó, cách mạng miền Nam gặp rất nhiều khó khăn. Tại chiến trường đồng bằng sông Cửu Long, vùng căn cứ địa đông dân bị địch bình định lấn chiếm gần hết, lực lượng cách mạng phần lớn bị mất sức chiến đấu và bật ra khỏi địa bàn. Sau khi cùng Chính ủy Phạm Hùng và Tư lệnh Hoàng Văn Thái ra Hà Nội báo cáo về tình hình miền Nam với Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Đức Anh về lại chiến trường B2 và được cử làm Tư lệnh Quân khu 9.

Giữa năm 1969, đồng chí Lê Đức Anh chính thức đảm nhận chức vụ Tư lệnh Quân khu 9. Thời điểm đó, ở đồng bằng sông Cửu Long do chưa nhận thức đầy đủ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, để quân địch phản công lấn tới, còn ta thì mất đất, mất dân. Địch đã bình định lấn chiếm gần hết vùng đông dân trước đây, chỉ còn căn cứ U Minh và Khu giải phóng Cà Mau. Lực lượng vũ trang sức chiến đấu bị giảm sút... Đây là thử thách không nhỏ đối với đồng chí Lê Đức Anh.

Với kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo dạn dày, từng trải qua nhiều cương vị và nhiều chiến trường khác nhau, lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả của đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 - đứng đầu là Tư lệnh Lê Đức Anh - đã tập trung củng cố tổ chức, kiện toàn lực lượng vũ trang, góp phần khôi phục lại lực lượng chính trị, chỉ đạo phương châm tác chiến, phương thức đấu tranh, khôi phục lại thế và lực của toàn Khu 9, tạo sự chuyển biến mới ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhớ về thành công này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Niên, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 6 Pháo binh Quân khu 9 nhấn mạnh: “Một điều rất bình thường nhưng rất có ý nghĩa, khi xuống Khu 9 làm Bí thư Khu ủy, đồng chí Võ Văn Kiệt lấy bí danh là Tám Thuận, còn đồng chí Lê Đức Anh đặt bí danh là Chín Hòa. Cặp song trùng này đã tạo bầu không khí đoàn kết, phấn khởi, gây được niềm tin của quần chúng vào sự lãnh đạo, chỉ huy của các đồng chí - hạt nhân đoàn kết đã nhanh chóng trở thành nòng cốt cho sự đoàn kết thống nhất giữa Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu, giữa Đảng - lực lượng vũ trang - Mặt trận giải phóng và đoàn thể cách mạng cùng nhân dân toàn Khu 9 thành một khối vững chắc, tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược...”.

Năm 1970, tình hình đồng bằng Sông Cửu Long vẫn hết sức khó khăn và ác liệt. Địch tập trung binh, hỏa lực, huy động nhiều phương tiện chiến tranh (xe lội nước, tàu chiến, cả máy bay ném bom chiến lược B52) đánh phá dồn dập, tiến công vào căn cứ U Minh, khu rừng tràm 390 - nơi Sở Chỉ huy Quân khu 9 đứng chân. Trước tình hình đó, trong Khu ủy có ý kiến khuyên Quân khu chuyển cơ quan về phía Nam Cà Mau để bảo đảm an toàn. Sau khi phân tích tình hình, cân nhắc mọi mặt, Tư lệnh Quân khu 9 Lê Đức Anh quyết định bám trụ ở U Minh Thượng, đồng thời triển khai Sở Chỉ huy tiền phương của Quân khu tại Long Mỹ (Cần Thơ), sát đồn Tô Ma của địch. Thời gian này, Tư lệnh Lê Đức Anh thường xuyên có mặt ở đây để chỉ đạo mọi hoạt động của Quân khu. Quyết định quyết đoán và hoạt động đầy bản lĩnh của đồng chí Lê Đức Anh đã cổ vũ, động viên mạnh mẽ tinh thần đối với quân và dân đồng bằng sông Cửu Long.

 Về phía địch, đến giữa năm 1971, về cơ bản chúng đã lấn chiếm được U Minh Thượng và âm mưu mở rộng xuống khu vực phía Nam Cà Mau. Phân tích đúng tình hình và với quyết tâm bẻ gãy ý đồ của địch, Tư lệnh Quân khu 9 Lê Đức Anh quyết định mở đợt phản công lớn vào mùa mưa năm 1971 ở U Minh, tập trung trong vùng bình định trọng điểm của địch, đồng thời phát động phong trào đánh địch rộng khắp trên các chiến trường bằng lực lượng tại chỗ. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Anh, cuộc phản công của quân và dân Quân khu 9 kết thúc thắng lợi, buộc địch phải hủy bỏ kế hoạch “Tô dày, lấp kín U Minh”, rút bỏ một số đồn bốt ở U Minh.

Sau thắng lợi của cuộc phản công này, trên cương vị Tư lệnh Quân khu 9, đồng chí Lê Đức Anh ra lệnh tiếp tục tiến công bẻ gãy kế hoạch bình định của địch. Đến cuối năm 1971, địch không thể thực hiện được kế hoạch vì hầu hết lực lượng quân chủ lực địch bị quân và dân đồng bằng sông Cửu Long đánh thiệt hại nặng, nhất là Sư đoàn 21 quân đội Sài Gòn. Với những thắng lợi này, tình hình của ta trên chiến trường đồng bằng sông Cửu Long được cải thiện rõ rệt, củng cố niềm tin của nhân dân vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.

Sang năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có nhiều chuyển biến mới. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền, Quân khu 9, đứng đầu là Tư lệnh Lê Đức Anh đã tích cực chuẩn bị lực lượng và mở nhiều đợt tiến công địch. Sau nhiều đợt cao điểm tiến công, đến tháng 9/1972, Quân khu 9 giành được thắng lợi lớn, làm thay đổi so sánh lực lượng, góp phần đánh thắng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch.

Sau những thất bại liên tiếp ở miền Nam là thất bại nặng nề trong cuộc tập kích đường không có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử không quân của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương trên miền Bắc, không còn con đường nào khác, đế quốc Mỹ buộc phải quay trở lại bàn đàm phán ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/01/1973. Theo Hiệp định, Mỹ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân đồng minh về nước, chấm dứt sự dính líu quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. “Đây là thắng lợi to lớn của nhân dân ta, tạo cơ sở vững chắc để ta tiến lên đánh cho “ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.

Theo các điều khoản của Hiệp định, đúng 7 giờ ngày 28/01/1973, hai bên tham chiến sẽ ngừng bắn tại chỗ. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, Mỹ vẫn viện trợ kinh tế, quân sự cho chính quyền và quân đội Sài Gòn hòng tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh tại miền Nam Việt Nam. Chúng huy động hầu như toàn bộ lực lượng mở những chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, bình định lấn chiếm vùng giải phóng. Do đó, trên thực tế, vùng đất đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa ngừng bắn, chiến tranh vẫn tiếp diễn, quân đội Sài Gòn tiếp tục tiến công lấn chiếm, nhiều nơi còn diễn ra chiến tranh ác liệt hơn. Thực tế này diễn ra đúng với những nhận định của đồng chí Lê Đức Anh. Bởi ngay khi Hiệp định Pari năm 1973 chuẩn bị ký kết, đồng chí Lê Đức Anh sớm nhận ra bản chất ngoan cố của đế quốc Mỹ, ý đồ phá hoại của chính quyền Sài Gòn. Nhờ chuẩn bị sẵn lực lượng, quân và dân đồng bằng sông Cửu Long đã làm thất bại kế hoạch bình định của địch trên chiến trường đồng bằng sông Cửu Long với đỉnh cao là chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch ở Chương Thiện.

Ngay trong ngày Hiệp định Pari được ký kết (27/01/1973), Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu trực tiếp xuống Cần Thơ triển khai kế hoạch bình định vùng Tây Nam Bộ, mục tiêu đầu tiên là tỉnh Chương Thiện. Như vậy, chính quyền Sài Gòn đã ngang nhiên vi phạm Hiệp định Pari, ráo riết thực hiện kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ”, đẩy mạnh bình định lấn chiếm. Kế hoạch bình định lấn chiếm trong năm 1973 của địch dự kiến chia thành ba bước:

Bước một, từ tháng 3/1973 đến tháng 5/1973, tập trung lấn chiếm, bình định Chương Thiện.

Bước hai, từ tháng 6/1973 đến tháng 9/1973, lấn chiếm, bình định U Minh.

Bước ba, từ tháng 10/1973 đến tháng 11/1973, bình định Cà Mau và củng cố các vùng đã lấn chiếm được.

Mục tiêu lấn chiếm, bình định Chương Thiện của địch nhằm vào ba huyện Long Mỹ, Gò Quao và Giồng Riềng.

Ngay sau khi Hiệp định Pari có hiệu lực, đồng chí Lê Đức Anh trực tiếp phụ trách Sở Chỉ huy tiền phương Quân khu 9 (đồng chí Nguyễn Đệ là Phó Tư lệnh) bám trụ tại xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Đây là chiến trường ác liệt ở đồng bằng sông Cửu Long. Căn cứ thực tế tình hình, Sở Chỉ huy tiền phương Quân khu 9 nhận định: Địch ngoan cố tiếp tục chiến tranh, không thi hành Hiệp định Pari, ta phải trừng trị đích đáng. Đồng thời, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 9 thống nhất đề nghị lên Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền giữ thế tiến công, kiên quyết đánh trả địch lấn chiếm bình định; đồng thời đẩy mạnh đấu tranh chính trị và binh vận phù hợp với nội dung Hiệp định Pari. Đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ đạo các tỉnh và chỉ huy các đơn vị tiếp tục giữ vững vị trí, bám trụ địa bàn, chiến đấu đánh bại ý đồ phản kích của địch. Như vậy, trên thực tế, do địch vi phạm, chiến tranh vẫn tiếp diễn khắp đồng bằng Sông Cửu Long chứ không có chuyện “ngừng bắn tại chỗ” theo quy định của Hiệp định Pari.

Ngày 06/02/1973, Hội nghị quân chính toàn Quân khu 9 phổ biến Nghị quyết của Thường vụ Khu ủy được tổ chức. Hội nghị xác định nhiệm vụ của lực lượng vũ trang là kiên quyết trừng trị địch vi phạm Hiệp định Pari, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, hỗ trợ nhân dân đấu tranh đòi hòa bình dân chủ, thi hành Hiệp định. Tại Hội nghị, đồng chí Lê Đức Anh, Tư lệnh Quân khu quy định: Các trung đoàn chủ lực vẫn giữ đội hình đã bố trí, đánh địch vi phạm lấn chiếm vùng kiểm soát của ta, làm nòng cốt cho các lực lượng khác bám giữ địa bàn, bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng giành được.

Trước tình hình diễn biến khẩn trương, Bộ Chỉ huy Miền ra lệnh cho Quân khu 9 rút hai trong tổng số bốn trung đoàn chủ lực về sau để thay phiên nhau huấn luyện và củng cố lực lượng. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng tình hình thực tế mọi mặt, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, đứng đầu là đồng chí Lê Đức Anh, gửi kiến nghị lên Bộ Chỉ huy Miền đề nghị tiếp tục duy trì thế bố trí hiện tại, vì nếu rút lực lượng thì lập tức quân địch sẽ lấn chiếm. Đây là quyết định đúng đắn của Bộ Tư lệnh Quân khu 9, đồng thời cũng thể hiện tài thao lược của đồng chí Lê Đức Anh, vì chính ông là người đề xuất chủ trương này.

Tháng 7/1973, Hội nghị Trung ương lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã kịp thời khẳng định nhiều vấn đề quan trọng về đường lối cách mạng, chiến tranh cách mạng và chỉ đạo chiến lược, trong đó: Khẳng định con đường của cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực. Bất kể trong tình huống nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công, chỉ đạo linh hoạt đưa cách mạng miền Nam tiến lên... Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là tiếp tục thực hiện chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân... Kẻ thù chính của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới vẫn là đế quốc Mỹ và tập đoàn thống trị, tay sai của Mỹ... Nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là đấu tranh trên cả ba mặt chính trị, quân sự, ngoại giao... Có thể khẳng định, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21 là một trong những văn kiện lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và là văn kiện quan trọng trực tiếp chỉ đạo cách mạng và chiến tranh cách mạng giành thắng lợi trong giai đoạn kết thúc chiến tranh.

Sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21, tháng 9/1973, đồng chí Lê Đức Anh, Tư lệnh Quân khu 9 báo cáo Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền và Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tình hình Quân khu 9 trong thời gian 8 tháng kể từ khi có Hiệp định Pari, nêu rõ: “Ở Quân khu 9 hay đồng bằng sông Cửu Long nói chung và có thể ở cả miền Nam hoàn toàn không phải là xung đột vũ trang từng vụ, từng nơi, mà địch đã thực sự duy trì chiến tranh, thực hiện chương trình bình định trong điều kiện có Hiệp định hòa bình”. Từ đó, đồng chí Lê Đức Anh có những đề nghị và đề xuất với cấp trên nhiều vấn đề quan trọng, có ý nghĩa chiến lược như: Đánh giá tình hình; phương châm hành động hàng ngày; phương hướng tiến công; phương thức tiến công; đối tượng tiến công; công tác binh vận; về lực lượng chính trị; đấu tranh chính trị phối hợp với lực lượng vũ trang để giành và giữ quyền làm chủ; chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang và tiến hành khởi nghĩa vũ trang... Những đề xuất trên đây cũng là nội dung chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đối với lực lượng vũ trang Quân khu. Nhờ chủ trương đúng đắn của Khu ủy, sự chỉ huy nhạy bén và sáng tạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đứng đầu là Tư lệnh Lê Đức Anh, quân và dân đồng bằng sông Cửu Long đã bẻ gãy nhiều cuộc hành quân bình định lấn chiếm của địch, đồng thời tích cực chuẩn bị để chuyển sang kế hoạch tiến công trong mùa khô năm 1973.

 Về phía địch, sau nhiều lần bình định không thành, đầu tháng 11/1973, chúng điều lực lượng tăng cường tại tỉnh Chương Thiện, nâng tổng số quân ở đây lên đến 75 tiểu đoàn. Nhờ có sự chủ động, đồng chí Lê Đức Anh điều các trung đoàn chủ lực kết hợp với lực lượng địa phương, du kích bố trí trận địa, đánh địch theo nhiều hướng. Đến cuối năm 1973, lực lượng Quân khu 9 đã đẩy lùi 75 tiểu đoàn của địch ở tỉnh Chương Thiện cùng với kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ” của chúng. Với chiến thắng Chương Thiện, ta đã giữ vững địa bàn trọng điểm, tạo được thế và lực mới, xây dựng và củng cố lực lượng về mọi mặt, rút ra những bài học kinh nghiệm tốt cho các chiến trường. Đánh giá về công lao của đồng chí Lê Đức Anh, Thiếu tướng Nguyễn Việt Quân trên cương vị Chính ủy Quân khu 9, khẳng định: “Trong giai đoạn chiến đấu đánh bại kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ” - lấn chiếm, bình định của chính quyền và quân đội Sài Gòn sau Hiệp định Pari, thì ông (đồng chí Lê Đức Anh) đã trở thành niềm tự hào của quân và dân Quân khu 9 anh hùng”.

Từ chiến thắng Chương Thiện, đồng chí Lê Đức Anh cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 9 rút ra bài học là phải nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng, quán triệt tư tưởng tiến công, không mơ hồ hữu khuynh, ảo tưởng hòa bình, kịp thời đánh giá đúng âm mưu thủ đoạn, chỗ mạnh, chỗ yếu của địch và của ta, xác định đúng phương châm, phương thức hoạt động chỉ đạo, chỉ huy cụ thể, có sự nhất trí cao giữa Khu ủy và Quân khu, giữa trên và dưới. Các lực lượng chính trị - vũ trang phối hợp hoạt động chặt chẽ, đánh bại kế hoạch lấn chiếm, “tràn ngập lãnh thổ” của địch, giữ vững vùng giải phóng.

Với những thành tích trong chỉ huy chống địch lấn chiếm, phá hoại Hiệp định Pari năm 1973 trên chiến trường đồng bằng sông Cửu Long và những thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1964 - 1974, ngày 16/4/1974, đồng chí Lê Đức Anh được Chủ tịch nước ký quyết định phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Và cũng trong năm này, đồng chí Lê Đức Anh được giao nhiệm vụ làm Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Như vậy, sau hơn bốn năm trên chiến trường đồng bằng sông Cửu Long, với cương vị là Tư lệnh Quân khu 9, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng Bộ Tư lệnh và tập thể Đảng ủy Quân khu đưa phong trào cách mạng vượt lên những ngày tháng đầy thử thách ngặt nghèo, từng bước đưa cuộc đấu tranh của quân và dân đồng bằng sông Cửu Long vươn lên mạnh mẽ, đánh bại âm mưu, kế hoạch bình định, lấn chiếm của địch; khơi dậy tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, tư tưởng cách mạng tiến công, quyết đánh và quyết thắng địch của quân và dân nơi đây. Bằng kinh nghiệm lãnh đạo dạn dày, quyết đoán, bản lĩnh và với tư duy chiến lược sắc bén, đồng chí Lê Đức Anh đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh cách mạng của Đảng vào thực tiễn, là cơ sở quan trọng để Đảng đề ra những quyết sách chiến lược tiến tới kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Năm tháng trôi qua, nhưng những đóng góp của đồng chí Lê Đức Anh đối với chiến trường đồng bằng sông Cửu Long vẫn sẽ còn mãi. Dấu ấn của đồng chí mãi in đậm trong lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung, của đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Đồng chí Lê Đức Anh luôn là niềm tự hào của quân và dân đồng bằng sông Cửu Long, là vị tướng mưu lược, quyết đoán của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tá, ThS. ĐỖ MẠNH CƯỜNG