Quay lại

Dấu ấn của Đại tướng Lê Đức Anh tại chiến trường Nam bộ trong chiến tranh giải phóng

Tóm tắt: Đại tướng Lê Đức Anh là một nhà lãnh đạo, một vị tướng trận mạc, một nhà chỉ huy xuất sắc của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng đã trải qua nhiều chức vụ khác nhau. Dù ở cương vị nào, với tư chất thông minh, tư duy chiến lược sắc bén, biện chứng và hệ thống, lại mẫn cảm về chính trị và quân sự, đồng chí đều nhận thức chính xác tình hình, chủ động đề xuất chủ trương và tổ chức thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ đặc biệt khó khăn. Trong bài viết này, tác giả chỉ khái quát một số hoạt động mang dấu ấn của Đại tướng tại chiến trường Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược .

Sinh ra và lớn lên ở Thừa Thiên Huế, nhưng phần lớn quãng đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Đức Anh là ở chiến trường Nam Bộ. Năm 1942, từ Đà Lạt, đồng chí xin vào làm thuê tại đồn điền cao su Lộc Ninh (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Tại đây, đồng chí tích cực tham gia hoạt động cách mạng, sau đó làm Bí thư Chi bộ Đồn điền, Bí thư Huyện ủy lâm thời Hớn Quản. Sau đó, đồng chí nhập ngũ, lần lượt trải qua các chức vụ: Chính trị viên Chi đội Vệ quốc đoàn Thủ Dầu Một, Tham mưu trưởng Khu 8 , Khu Sài Gòn - Chợ Lớn , Tham mưu trưởng Khu 7, Phó Tham mưu trưởng Nam Bộ, Tham mưu trưởng Phân liên khu miền Đông Nam Bộ - trong đó có thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - trong kháng chiến chống thực dân Pháp là chiến trường sau lưng địch, nơi chúng tập trung bình định, thực hiện chiến lược “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Đồng chí Lê Đức Anh đã cùng cấp ủy đảng và Bộ Tư lệnh Khu, Bộ Tư lệnh Phân liên khu đề ra chủ trương, lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang (LLVT) xây dựng và chiến đấu, công tác phù hợp với đặc điểm và nhiệm vụ chiến lược của chiến trường.


Quyết định điều chỉnh xây dựng đơn vị chủ lực đến cấp tiểu đoàn

Một trong những đóng góp nổi bật của đồng chí Lê Đức Anh ở chiến trường Nam Bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp là xác định chủ trương chỉ đạo xây dựng LLVT tập trung qui mô nhỏ.

Vấn đề xây dựng LLVT luôn là một trong những nội dung cốt lõi trong tiến hành chiến tranh cách mạng. Ở Nam Bộ, LLVT cách mạng chỉ thực sự ra đời sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là những đơn vị tự vệ chiến đấu được thành lập nhằm trấn áp lực lượng phản động, bảo vệ chính quyền nhân dân, do tổ chức Đảng và Ủy ban nhân dẫn cách mạng tổ chức. Kháng chiến bùng nổ, đại bộ phận LLVT cách mạng được kiện toàn tổ chức trong một hệ thống chỉ huy thống nhất và xây dựng thành các chi đội Giải phóng quân (sau gọi là chi đội Vệ quốc đoàn). Toàn Nam Bộ được tổ chức thành 3 khu (7, 8, 9) và 28 chi đội, không kể lực lượng dân quân du kích (DQDK) ở địa phương. Mỗi chi đội có qui mô tương đương một trung đoàn ngày nay. Năm 1948, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nam Bộ lần thứ nhất (16 - 20/12/1947) về “tập trung xây dựng các đơn vị vũ trang mạnh”, bộ tư lệnh các khu ở Nam Bộ quyết định xây dựng các trung đoàn trên cơ sở phát triển nâng cao về chất các chi đội hoặc hợp nhất nhiều chi đội có sẵn. Riêng Bộ đội Bình Xuyên được giải thể, chia lực lượng về các trung đoàn mới được thành lập. Theo đó, toàn Nam Bộ có tổng cộng 22 trung đoàn, đặt dưới sự chỉ huy của Ban Quân sự Nam Bộ, nhưng chủ yếu hoạt động trên địa bàn của từng tỉnh.

Bước sang năm 1949, Trung ương Đảng chủ trương “Trọng tâm công tác trong lúc này là tiếp tục xây dựng các bộ đội chủ lực, tập trung cán bộ, tập trung vũ khí và phương tiện thông tin liên lạc cho những đơn vị có nhiệm vụ đánh vận động chiến”, và các đơn vị chủ lực cấp sư đoàn của Quân đội ta lần lượt ra đời trên chiến trường Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Thực hiện chủ trương trên, ngày 18/11/1949, Bộ Tư lệnh Nam Bộ ra Mệnh lệnh số 137 thành lập các liên trung đoàn trên cơ sở hợp nhất các trung đoàn cũ. Theo đó, toàn Nam Bộ có 8 liên trung đoàn. Tiếp đó, để phối hợp với Chiến dịch Biên Giới, các khu 7, 8, 9 và Sài Gòn - Gia Định mở các chiến dịch Trà Vinh, Bến Cát, Long Châu Hà ... Để có lực lượng chủ lực mạnh tham gia các chiến dịch, thực hiện Huấn lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh “tiến tới thực hiện được trong năm nay việc tập trung một phần lớn các đơn vị phân tán để xây dựng ít nhất được 4 trung đoàn mạnh cho toàn Nam Bộ “chủ lực của ba khu và chủ lực của Bộ Tư lệnh Nam Bộ ”, Bộ Tư lệnh Nam Bộ chỉ đạo giải thể các liên trung đoàn để thành lập các trung đoàn chủ lực. Theo đó, toàn Nam Bộ có 4 trung đoàn chủ lực được thành lập Trung đoàn Đồng Nai (hoạt động trên địa bàn miền Đông Nam Bộ), Trung đoàn Đồng Tháp (hoạt động trên địa bàn các tỉnh Đồng Tháp Mười), Trung đoàn Cửu Long (hoạt động trên địa bàn giữa sông Tiền và sông Hậu), Trung đoàn Tây Đô (hoạt động trên địa bàn Hữu ngạn Hậu Giang). Đây là những đơn vị chủ lực được tổ chức đến mức cao nhất ở chiến trường Nam Bộ.

Do phải tập trung bồi dưỡng đôn số cán bộ, chiến sĩ cũ lên xây dựng các đơn vị trung đoàn, liên trung đoàn, rồi trung đoàn chủ lực, lực lượng DQDK ở cơ sở bị thiếu hụt. Phong trào chiến tranh du kích ở địa phương gặp nhiều khó khăn. Trong lúc đó, hoạt động tác chiến tại các chiến trường ở các khu 7, 8, 9 và Sài Gòn - Chợ Lớn chỉ diễn ra ở qui mô cấp đại đội, tiểu đoàn. Trước tình hình trên, Tham mưu trưởng Lê Đức Anh đã đề nghị Bộ Tư lệnh Nam Bộ, Xứ ủy Nam Bộ và trực tiếp cá nhân Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn về việc chỉ nên xây dựng đến cấp tiểu đoàn chủ lực, còn lại tập trung phát triển LLVT địa phương. Trong dự thảo hồi ký “Cuộc chiến nhìn từ chiến trường”, đồng chí Lê Đức Anh viết: “Ngay cả các chiến dịch Mỹ Tho, Cầu Kè, Bến Cát I, Cao Lãnh, Trà Vinh, Sóc Trăng I, Bến Tre, Bến Cát II, Long Châu Hà I, Long Châu Hà II, Sóc Trăng II, đều chỉ do bộ tư lệnh từng khu thực hiện, lực lượng không quá một trung đoàn, mục tiêu chủ yếu không nhằm tiêu diệt lớn mà chỉ thực hiện nhiệm vụ đánh hao sinh lực địch, phá vỡ hệ thống đồn bót, tháp canh, mở rộng vùng giải phóng, vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng địch. Đề xuất của Tham mưu trưởng Lê Đức Anh đã được Xứ ủy, tiếp đó là Trung ương Cục miền Nam chấp nhận, thể hiện trong nghị quyết về xây dựng LLVT từ tháng 5/1951: mỗi phân liên khu xây dựng 2 - 3 tiểu đoàn chủ lực, mỗi tỉnh xây dựng 1 tiểu đoàn tập trung, mỗi - huyện có 1 đại đội bộ đội địa phương, mỗi xã có 1 trung đội DVDK. Theo đó, toàn Nam Bộ có 8 tiểu đoàn chủ lực phân liên khu, 11 tiểu đoàn tập trung tỉnh.

Thực tiễn cách mạng ở Nam Bộ những năm 1951 - 1954 đã chứng minh quan của Tham mưu trưởng Lê Đức Anh về việc 3 tổ chức LLVT theo hướng nhỏ gọn, giải thể các trung đoàn chủ lực, chỉ tổ chức đến cấp tiểu đoàn là đúng đắn. Trong Mật điện số 294/VF/TTL gửi Bộ Tư lệnh Nam Bộ về “Những điểm chính trong khi đặt kế hoạch 5 công tác Thu Đông 1952 và 6 tháng đầu năm 1953”, Tổng Tư lệnh đánh giá: “ Nói chung, chủ trương nắm vững phương châm du kích chiến là chính, sửa chữa hiện tượng tập trung chủ lực quá sớm và mạnh dạn phân tán một bộ phận chủ lực về địa phương là một chủ trương đúng”.
 

Mỗi cơ quan là một “huyện đội”, “xã đội”

Đầu năm 1964, trở về miền Nam trên một chiếc “tàu không số” sau khi thôi giữ chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí Lê Đức Anh giữ cương vị Tham mưu trưởng, rồi Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (Bộ Tư lệnh Miền). Tại đây, đồng chí đã cùng Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền lãnh đạo, chỉ đạo các LLVT nhân dân B2 xây dựng và chiến đấu, làm nên những sự kiện quân sự lớn, có ý nghĩa làm thay đổi cục diện chiến trường cho đến khi kết thúc cuộc chiến tranh. Sáng kiến đầu tiên của đồng chí là xây dựng các cơ quan kháng chiến trên vùng căn cứ không có dân thành các “huyện đội”, “xã đội”.

Khi quân đội nhà nghề với đầy đủ trang bị vào loại tối tân bậc nhất lúc bấy giờ của Mỹ và 5 nước đồng minh (Hàn quốc, Thái Lan, Australia, Philippines, New Zealand) vào trực tiếp tham chiến tại miền Nam Việt Nam, thực hiện hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965 - 1966, 1966 - 1967) với qui mô lớn chưa từng có, vấn đề đặt ra là chúng ta có dám đánh Mỹ không? đánh được không? và đánh bằng cách nào? Từ thực tiễn chiến trường, triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư (3/1966) của Trung ương Cục miền Nam về “ Đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, xây dựng LLVT lớn mạnh, phát triển phong trào chiến tranh du kích rộng khắp, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực Mỹ và ngụy” và sự chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam về phương châm đánh Mỹ “bám thắt lưng địch mà đánh”, Tham mưu trưởng Miền Lê Đức Anh đã đề xuất với Quân ủy - Bộ Tư lệnh Miền và được giao trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng chiến trường, xây dựng lực lượng đánh địch tại hướng miền Đông Nam Bộ - địa bàn thu hút, tiêu diệt lớn sinh lực địch (miền Tây Nam Bộ là địa bàn tập trung đánh địch bình định).

Để tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, phát huy phong trào chiến tranh du kích theo Nghị quyết Hội nghị chiến tranh du kích toàn miền Nam lần thứ III,
nhằm chống lại có hiệu quả các cuộc hành quân qui mô lớn của quân đội viễn chinh Mỹ, cần có nhân dân trên địa bàn. Trong lúc đó, khu vực đứng chân của các cơ quan đầu não kháng chiến như Trung ương Cục miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam mục tiêu “tìm diệt” chủ yếu của quân đội Mỹ - lại là khu vực rất ít dân hoặc hầu như không có dân. Trước tình hình trên, Tham mưu trưởng Lê Đức Anh đã chỉ đạo tổ chức các khu vực đứng chân của cơ quan và LLVT kháng chiến thành các “huyện đội”. Theo đó địa bàn đứng chân của các cơ quan Trung ương Cục miền Nam được tổ chức thành 6 “huyện đội”; địa bàn đóng quân của Bộ Chỉ huy Miền được tổ chức thành 7 “huyện đội”. Dưới “huyện đội” là các “xã đội”. “Huyện đội”, “xã đội” đều thành lập ban chỉ huy quân sự. Các nhân viên là dân quân, du kích và được trang bị vũ khí (kể cả súng phòng không 12,7mm, súng chống tăng B - 40 , B - 41 đòi hỏi được huấn luyện kỹ thuật sử dụng) . 13 “huyện” đặt dưới sự chỉ huy thống nhất gọi là “Tỉnh đội”, do Tham mưu trưởng Miền Lê Đức Anh làm “Tỉnh đội trưởng”. Hệ thống “quân sự địa phương” nói trên đã tạo thành thế trận chiến tranh nhân dân trên toàn căn cứ địa Bắc Tây Ninh. Chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Anh đã góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi to lớn trong các chiến dịch phản công đánh bại những cuộc hành quân của địch, đặc biệt chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Junction City - cuộc hành quân trên bộ lớn nhất của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
 

Kiên quyết giữ vững tư tưởng tiến công

Mặc dù giành được thắng lợi hết sức to lớn về mặt chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), nhưng sau đó, cách mạng miền Nam gặp nhiều khó khăn, tổn thất. Tại chiến trường Khu 9, vùng căn cứ địa đông dân bị địch bình định lấn chiếm gần hết, lực lượng cách mạng phần lớn bị mất sức chiến đấu và bật ra khỏi địa bàn, quân chủ lực phải rút sang bên kia biên giới. Sau khi cùng Chính ủy Phạm Hùng và Tư lệnh Miền Hoàng Văn Thái ra Hà Nội báo cáo tình hình miền Nam với Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Đức Anh về lại chiến trường B2 và được cử làm Tư lệnh Quân khu 9. Ông đã cùng Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 9 Võ Văn Kiệt kiện toàn lực lượng, củng cố nội bộ, chỉ huy LLVT trở về bám trụ và tiến công địch, từng bước củng cố và chuyển hóa thế trận ở đồng bằng sông Cửu Long theo hướng có lợi cho ta.

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết (27/1/1973), đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, chỉ huy chính quyền và quân đội Sài Gòn (QĐSG) sử dụng bạo lực phản cách mạng tiến hành lấn chiếm và bình định, sẵn sàng gây lại chiến tranh lớn, mưu toan phục hồi vùng chúng kiểm soát trên toàn miền Nam Việt Nam. Sau khi ký Hiệp định, trong năm 1973, Mỹ tiếp tục đưa vào miền Nam Việt Nam một khối lượng lớn vũ khí trang bị và dự trữ vật tư chiến tranh. Nhờ đó, chính quyền Thiệu ra sức phát triển quân đội, đồng thời lợi dụng điều khoản ngừng bắn để ồ ạt mở các cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ”, chiếm lại các căn cứ lõm, nống ra vùng giáp ranh, uy hiếp các hành lang vận chuyển, đẩy chủ lực Quân Giải phóng ra xa vùng chúng kiểm soát, ráo riết thực hiện chương trình “bình định đặc biệt”, củng cố bộ máy kìm kẹp ở cơ sở. Hành động của địch gây cho lực lượng kháng chiến rất
nhiều khó khăn. Đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ lúng túng trong việc thi hành Hiệp định, dẫn đến để mất đất, mất dân.

Riêng tại chiến trường Quân khu 9, Tư lệnh Lê Đức Anh kiên quyết chỉ đạo các LLVT giữ vững thế tiến công địch. Ngay sau ngày Hiệp định Paris được ký kết, đồng chí Lê Đức Anh, Tư lệnh Quân khu cùng Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 9 Võ Văn Kiệt trên cơ sở nhận định địch sẽ không thi hành Hiệp định, tiếp tục gây chiến tranh, đã chỉ đạo các đơn vị vũ trang tiếp tục chiến đấu, giành thắng lợi lớn Long Mỹ, Tam Bình, Trà Ôn, mở rộng hành lang từ Căn cứ U Minh lên Cần Thơ. Ngày 3/2/1973, Khu ủy Khu 9 tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ mở rộng quyết nghị đề nghị lên Trung ương Cục miền Nam: Tiếp tục tiến công địch, kiên quyết đánh trả các hành động lấn chiếm, phối hợp chặt chẽ với mũi đấu tranh chính trị và binh vận. Các trung đoàn chủ lực của Khu và Miền được giữ lại tiếp tục chiến đấu, làm chỗ dựa cho LLVT và Nhân dân địa phương đánh địch bình định lấn chiếm, làm nên chiến thắng Chương Thiện đánh bại cuộc hành quân của 75 lượt tiểu đoàn địch (1973).

Kinh nghiệm trong thành công về hoạt động quân sự ở Tây Nam Bộ được phổ biến rộng rãi thông qua bản thông báo của Bộ Tư lệnh Miền: “Quân khu 9 đã đánh giá đúng âm mưu ngoan cố phá hoại hiệp định, phá hoại hòa bình của địch, dự kiến được những thủ đoạn xảo quyệt của chúng nên đã chỉ đạo các LLVT có biện pháp đối phó thích hợp, kịp thời uốn nắn những tư tưởng lệch lạc, suy nghĩ đơn giản, ảo tưởng hòa bình, thiếu cảnh giác, trông chờ Ủy ban Quốc tế và Ban Liên hiệp quân sự bốn bên đi kiểm tra. Khu ủy đã đánh giá đúng những mặt yếu mới của địch, nhất là tinh thần sa sút, nên đã có kế hoạch tấn công quân sự, kết hợp tấn công chính trị, binh vận ở cơ sở tương đối tốt ”.
 

Xe tăng và pháo binh cơ động chiến đấu trên địa hình đồng bằng sông nước

Sau bước 1 kế hoạch mùa khô 1974 - 1975 với thắng lợi quân sự của LLVT ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, đặc biệt sau Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, cuối tháng 1/1975, Trung ương Cục miền Nam khẳng định: LLVT B2 có đủ khả năng tự giải phóng các địa phương trên địa bàn. Từ khẳng định trên, Trung ương Cục thông qua bước 2 kế hoạch mùa khô 1974 - 1975 do Bộ Tư lệnh Miền đề xuất gồm ba điểm: 1. Giải phóng đại bộ phận nông thôn đồng bằng, mở thông hành lang từ Tây Ninh ở xuống Quân khu 8, Quân khu 9, chia cắt a tuyến Đường số 4 nối Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long; 2. Hoàn thành một bước quan trọng ý định chiến lược chuẩn bị cho đòn quyết chiến chiến lược đánh vào thành phố Sài Gòn; 3. Đánh địch vừa tạo thế trận, vừa nhằm tiêu diệt sinh lực của chúng (đánh quy 2 - 3 sư đoàn chủ lực QĐSG, làm giảm 1/3 quân số bảo an, dân vệ. Để mở hành lang hướng Tây Nam Sài Gòn theo kế hoạch nêu trên, Bộ Tư lệnh Miền quyết định thành lập một đơn vị chủ lực có qui mô cấp quân đoàn. Để giữ bí mật, đơn vị lấy phiên hiệu Đoàn 232, tương tự nhiên hiệu các đoàn hậu cần khu vực được thành lập trước đó trên chiến trường B2. Ngay sau khi thành lập, Đoàn 232 khẩn trương củng cố tổ chức đơn vị, đồng thời triển khai thực hiện nhiệm vụ mở hành lang trên hướng Tây Nam Sài Gòn , đánh địch từ Tây Ninh xuống Kiến Tường, làm chủ vùng phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, tạo thế sẵn sàng tiến công Tân An, chặn cắt Đường số 4 (nay là Đường số 1, nối Thành phố Hồ Chí Minh xuống Tây Nam Bộ).

Sau những thắng lợi liên tiếp từ Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng đến chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, đầu tháng 4/1975, trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ Tư lệnh Miền, Bộ Chính trị Trung ương Đảng hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng Sài Gòn; và ngày 8/4/1975, công bố quyết định thành lập - Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (từ ngày 14/4/1975 mang tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh). Thực hiện kế hoạch trên, Đoàn 232 đổi tên thành Binh đoàn cánh Tây Nam do Trung tướng Lê Đức Anh (Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Miền, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh) làm Tư lệnh. Ngoài Tiểu đoàn pháo binh 28 (có đại đội pháo 105mm), Tiểu đoàn xe tăng 23 (loại PT85) của Sư đoàn 5, Binh đoàn được bổ sung một số đơn vị bộ binh và 1 tiểu đoàn xe tăng T54, 1 tiểu đoàn pháo 130mm, 6 khẩu pháo cao xạ và một số đơn vị binh chủng kỹ thuật khác.

Địa bàn tác chiến của Đoàn 232 chủ yếu là đồng bằng sông nước, sình lầy, sông rạch chằng chịt, không thích hợp với cách đánh sử dụng đội hình lớn, tập trung và đặc biệt khó khăn trong tổ chức hành quân cơ động lực lượng. Tư lệnh Lê Đức Anh chủ trương tổ chức đội hình tiến công gồm cả các đơn vị binh chủng nặng như xe tăng, đại bác. Đồng chí chỉ đạo các đơn vị pháo binh tháo rời các bộ phận của pháo đưa xuống thuyền, xuồng ba lá vượt Đồng Tháp Mười; chỉ đạo đơn vị xe tăng bịt kín các chi tiết hở trên xe để vừa hành quân trên bờ kênh, xuôi theo sông Vàm Cỏ đến vị trí tập kết.

Bằng cách cơ động nói trên, đến ngày 9/4/1975, các đơn vị của Binh đoàn kịp thời nổ súng tiến công Chi khu Mộc Hóa, áp sát Thủ Thừa và Tân An. Sư đoàn 5 tiến công hệ thống đồn bót địch ở phía Bắc Đường số 4, giải phóng một vùng rộng lớn dọc bờ sông Vàm Cỏ Tây và kênh Bo Bo. Sư đoàn 9 và Trung đoàn 16 đưa toàn bộ binh khí kỹ thuật đến đầu cầu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông. Sư đoàn 3 áp sát Đức Hòa - Hậu Nghĩa, hoàn thành nhiệm vụ chia cắt chiến lược, mở bàn đạp sẵn sàng đánh chiếm các mục tiêu được phân công. Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Từ hướng Tây và Tây Nam, Binh đoàn cùng các đơn vị phối thuộc và LLVT địa phương chặn cắt Đường số 4, tiến công thị xã Hậu Nghĩa, Chi khu Đức Hòa, Chi khu Đức Huệ, Thị xã Tân An, Chi khu Thủ Thừa, tiếp đó tiến vào đánh chiếm Biệt khu Thủ đô và các mục tiêu khác trong thành phố Sài Gòn.

Còn rất nhiều những dấu ấn trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước sau này được làm nên bởi trí tuệ, mồ hôi, xương máu của quân và dân ta trong từng thời điểm lịch sử cụ thể. Ở đó, Đại tướng Lê Đức Anh giữ trách nhiệm lãnh đạo chỉ đạo, chỉ huy, vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng LLVT, đấu tranh vũ trang và nghệ thuật tác chiến trong thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Trong bản thảo cuốn hồi ký lịch sử chưa kịp gửi xuất bản, Đại tướng Lê Đức Anh viết: “Cuộc đời giống như một cuộc hành trình dài mà chúng ta không thể biết trước những gì sẽ xảy ra. Hồi nhỏ, chỉ ước rằng mình có thể đặt chân trên con đường sẽ xảy ra ấy. Thế rồi, thật may mắn, tôi đã đi và được can dự vào những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước”. Sự “can dự của ông, cả tư duy và hành động, luôn phản chiếu một tầm nhìn sắc sảo, chiến lược và để lại nhiều dấu ấn khó phai mờ trong lịch sử dân tộc.
 

HỒ SƠN ĐÀI
Đại tá, PGS, TS, nguyên Trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân khu 7, nguyên Thư ký giúp việc của đồng chí Lê Đức Anh