Quay lại

Công tác chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang và nâng cao chất lượng huấn luyện bộ đội của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh (1986-1991)

Đại tướng Lê Đức Anh là một nhà chính trị xuất sắc, nhà quân sự tài ba; là người có tầm nhìn và tư duy chiến lược, đã trải qua chiến đấu gian khổ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, gần 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, trên bất kỳ cương vị công tác nào, dù thuận lợi hay khó khăn, đồng chí Lê Đức Anh đều nỗ lực vượt qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với tinh thần cách mạng trong sáng. Ngày 18/02/1987, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã ký quyết định bổ nhiệm đồng chí giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trên cương vị Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí đã cùng tập thể Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) chỉ đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng tập trung nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị những chủ trương, giải pháp lớn về xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh và chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện bộ đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, được thể hiện trên một số nội dung chính sau:

Nghiên cứu đề xuất nhiều chủ trương với Bộ Chính trị về điều chỉnh tổ chức biên chế; điều chỉnh thế bố trí chiến lược, xây dựng thế trận phòng thủ quốc gia, các khu vực phòng thủ từ tỉnh, thành phố đến cơ sở xã, phường phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của đất nước và của từng địa phương; góp phần giữ vững ổn định chính trị trên các địa bàn trọng điểm; phát huy thế trận chiến tranh nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đáp ứng với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống chiến tranh. Đây là cống hiến to lớn của đồng chí trong công cuộc đổi mới xây dựng quân đội, xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân; kết hợp chặt chẽ quốc phòng với an ninh, giữa công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc; là sự vận dụng linh hoạt tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh về “Chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, lâu dài, tự lực, tự chủ và đoàn kết quốc tế” vào hoàn cảnh mới của đất nước.

Về chỉ đạo điều chỉnh tổ chức biên chế: Giảm quân số thường trực từ 1,5 triệu người xuống còn 45 vạn người (từ 9 quân đoàn xuống còn 4 quân đoàn) nhằm giảm ngân sách quốc phòng, nâng cao đời sống của bộ đội với tư tưởng xuyên suốt (quân thường trực ít nhưng tinh nhuệ, hiện đại, cơ động linh hoạt); điều chỉnh cơ cấu, tổ chức biên chế, chức năng, nhiệm vụ của các học viện, nhà trường trong toàn quân để nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn; quan tâm đầu tư vũ khí, trang bị phương tiện cho quân đội và chăm lo cải thiện đời sống của lực lượng vũ trang.

Về điều chỉnh thế bố trí chiến lược phòng thủ đất nước: Chỉ đạo điều chỉnh phù hợp giữa các đơn vị chủ lực cơ động của Bộ, quân khu, lực lượng phòng không quốc gia, lực lượng không quân, hải quân nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trên các hướng phòng thủ và địa bàn chiến lược quan trọng; chú trọng phòng thủ bờ biển, hải đảo và thềm lục địa. Chỉ đạo chuyển Quân đoàn 3 từ miền Bắc vào Tây Nguyên; tăng cường lực lượng ở Cam Ranh và vùng biển đảo. Cuối năm 1987 đầu năm 1988, chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị tổ chức hội nghị giao nhiệm vụ cho các quân chủng: Hải quân, Phòng không, Không quân về kế hoạch hiệp đồng tác chiến bảo vệ quần đảo Trường Sa và cảng Cam Ranh. Chỉ đạo quân chủng Hải quân xây dựng các nhà giàn và bố trí lực lượng trên tất cả các đảo nổi, đảo chìm ở quần đảo Trường Sa và thềm lục địa.

Trên tuyến biên giới phía Bắc năm 1986, sau khi đi thị sát 6 tỉnh biên giới phía Bắc, Đại tướng Lê Đức Anh đã chỉ đạo điều chỉnh đưa một số đơn vị chủ lực về tuyến 2; đưa dân quân tự vệ, bộ đội địa phương và bộ đội biên phòng lên tuyến 1, nhằm rèn luyện toàn diện cho chỉ huy, cơ quan, đơn vị các cấp, đồng thời cũng để các đơn vị đang phòng ngự về phía sau củng cố lực lượng và tổ chức huấn luyện; đây là sự điều chỉnh đúng đắn, phù hợp với quy luật của khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Để chỉ đạo toàn quân nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, năm 1987, Đảng ủy Quân sự Trung ương ra Nghị quyết về nhiệm vụ quân sự quốc phòng; Bộ Quốc phòng ra chỉ thị về nhiệm vụ huấn luyện, quyết tâm nâng cao chất lượng tổng hợp của các đơn vị, đồng thời xác định rèn luyện cho các trung đoàn trở thành các đơn vị huấn luyện, chiến đấu, công tác giỏi, khắc phục tình trạng huấn luyện hình thức, dập khuôn máy móc, nội dung không thiết thực.

Chỉ đạo Cục Huấn luyện chiến đấu (nay là Cục Quân huấn) giúp đỡ đơn vị xây dựng nền nếp công tác tham mưu huấn luyện, từ nghiên cứu soạn thảo chỉ lệnh, mệnh lệnh, chỉ thị và kế hoạch huấn luyện; tổ chức hội nghị quán triệt nhiệm vụ; giúp Bộ phê duyệt kế hoạch huấn luyện hằng năm của các đơn vị; thực hiện nghiêm chế độ đăng ký thống kê, báo cáo kết quả; kiểm tra, sơ kết, tổng kết huấn luyện ở các cấp; đồng thời chỉnh lý, biên soạn tài liệu bảo đảm cho huấn luyện. Về huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh phát triển từ 3 môn lên 5 môn, đồng thời bổ sung thêm các nội dung đánh xe tăng bằng lựu đạn, thủ pháo, bắn máy bay bay thấp bằng súng bộ binh; về huấn luyện thể lực đã chỉ đạo đổi mới nội dung, chỉ tiêu rèn luyện thể lực cho bộ đội, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ và đã đưa bãi tập vượt vật cản K91 vào huấn luyện trong toàn quân; chỉ đạo biên soạn tài liệu điều lệnh từ 3 tài liệu (Điều lệnh nội vụ, kỷ luật, đóng quân và canh phòng) thành “Điều lệnh Quản lý bộ đội” và được ban hành thực hiện từ tháng 02/1991.

Trong huấn luyện: Tập trung chỉ đạo đổi mới cả về chương trình, nội dung, tổ chức và phương pháp huấn luyện cho các lực lượng theo hướng sát thực tế chiến đấu, sát với yêu cầu nhiệm vụ, địa bàn của từng đơn vị theo tổ chức, biên chế hiện có; phù hợp với đối tượng tác chiến và cách đánh truyền thống của Việt Nam; gắn huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị rèn luyện nâng cao bản lĩnh, ý chí chiến đấu, năng lực hoạt động, ý thức tổ chức kỷ luật; huấn luyện từ từng người đến cấp đại đội, tiểu đoàn có trình độ kỹ thuật, chiến thuật vững chắc, có sức khỏe bền bỉ dẻo dai, thành thạo hành động chiến đấu cá nhân và hiệp đồng trong phân đội; nắm vững và sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị được biên chế. Trong đó, về cá nhân chú trọng huấn luyện cho bộ đội thuần thục động tác kỹ thuật, chiến thuật, biết vận dụng linh hoạt vào điều kiện thực tế; cấp chiến thuật chú trọng vào hành động chiến đấu hiệp đồng của bộ đội; cấp chiến dịch lấy quy mô tác chiến cấp trung đoàn, sư đoàn có hiệp đồng quân, binh chủng; các đơn vị quân, binh chủng cũng được xác định rõ yêu cầu đạt được trong huấn luyện. Đặc biệt, năm 1987-1988 đã chỉ đạo huấn luyện chiến thuật tiến công với các hình thức vây lấn, lấn dũi; chuyển từ phát triển chiến đấu theo đội hình hàng ngang theo từng lớp sang đội hình tiến công theo từng mũi, hướng, thực hiện đột kích, đột kích liên tục; trong phòng ngự chuyển từ đội hình phòng ngự hình vòng, phòng ngự theo tuyến sang đội hình “phòng ngự bàn tay xòe”, công sự được “cấu trúc hình râu tôm” phù hợp với cách đánh truyền thống của ta.

Từ năm 1987 đến năm 1990, toàn quân đã tổ chức hơn 13.000 cuộc diễn tập các cấp cho các lực lượng, thông qua các cuộc diễn tập đã hình thành phương châm huấn luyện “Cơ bản, toàn diện, hệ thống, thống nhất” được phổ biến thực hiện trong toàn quân. Sau đợt chấn chỉnh tổ chức biên chế và đổi mới công tác huấn luyện; kỷ luật của các đơn vị được tăng cường, sức chiến đấu và khả năng cơ động của các đơn vị được nâng lên, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong tình hình mới, mục tiêu bảo vệ Tổ quốc không ngừng được mở rộng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cũng có những phát triển mới cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Để phù hợp với tính chất của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chiến lược phòng thủ đất nước trong thời kỳ mới, nhiệm vụ huấn luyện của các đơn vị toàn quân chuyển từ phương châm “Cơ bản, toàn diện, hệ thống, thống nhất” sang phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát đối tượng tác chiến, sát yêu cầu nhiệm vụ và địa bàn hoạt động của các lực lượng.

Cùng với sự nghiệp đổi mới của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, để xây dựng quân đội theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; nhằm nâng cao sức mạnh toàn diện của lực lượng vũ trang, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu ban hành Chỉ thị số 116/CT-TM ngày 13/12/1988 về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Năm 1989, Bộ chỉ đạo lấy Trung đoàn 165 - Sư đoàn 312 - Quân đoàn 1 và Trung đoàn 95 - Sư đoàn 325 - Quân đoàn 2 làm điểm để rút kinh nghiệm làm cơ sở triển khai thực hiện trong toàn quân.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng Lê Đức Anh đã trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử; với bản lĩnh, ý chí của một người cộng sản, cả cuộc đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng, vì lợi ích của nhân dân và cả dân tộc; đồng chí đã nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị những chủ trương, giải pháp lớn về xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh và chỉ đạo đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện cho bộ đội, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

Những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, song tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có diễn biến phức tạp. Xung đột cục bộ có thể diễn ra gay gắt hơn dưới nhiều hình thức; đối tượng tác chiến của quân đội ta có những bước phát triển mới cả về hình thức, phương thức, thủ đoạn và vũ khí trang bị. Các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp hơn; chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan, cường quyền nước lớn trỗi dậy, chi phối quan hệ quốc tế. Biển Đông vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột, đe dọa sự ổn định, phát triển của khu vực và an ninh thế giới. Trong nước, tình hình biến đổi khí hậu, thảm họa môi trường, dịch bệnh và các yếu tố an ninh phi truyền thống tiếp tục diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo chống phá vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo. Quân đội được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục điều chỉnh tổ chức, biên chế, xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng. Để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chúng ta tiếp tục quán triệt và phát triển quan điểm của Đại tướng Lê Đức Anh, vận dụng linh hoạt vào điều kiện thực tiễn hiện nay; cần tập trung đổi mới xây dựng lực lượng vũ trang, nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, cần thực hiện tốt một số nội dung chính sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Nghị quyết số 765 và Kết luận số 60 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 765 của Quân ủy Trung ương, Chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng của Tổng Tham mưu trưởng hằng năm; cụ thể hóa bằng chủ trương, giải pháp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả. Chú trọng làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức về nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo; đột phá đổi mới huấn luyện theo tinh thần của Nghị quyết số 765 và Kết luận số 60 của Quân ủy Trung ương đi vào thực chất, hiệu quả, vững chắc. Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho bộ đội, cảnh giác trước âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Hai là, tích cực nghiên cứu phát triển lý luận nghệ thuật quân sự Việt Nam phù hợp với điều kiện thực tiễn; nắm chắc tổ chức biên chế, âm mưu thủ đoạn của đối tượng tác chiến; tích cực nghiên cứu cách đánh phù hợp với sự phát triển của đối tượng tác chiến; gắn diễn tập chiến dịch, chiến lược với diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật các cấp. Tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong xây dựng khu vực phòng thủ; nhất là công tác chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập hiệp đồng tác chiến giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và các lực lượng trong khu vực phòng thủ. Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ba là, phát huy tốt vai trò tham mưu, đề xuất của chỉ huy, cơ quan các cấp; hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành huấn luyện theo hướng “Tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo”, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ huấn luyện đồng bộ, thống nhất từ cơ quan đến đơn vị; vận dụng tốt 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp trong huấn luyện; thực hiện các nội dung đổi mới trong huấn luyện phải có tính khoa học, thiết thực, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn của các lực lượng, đơn vị. Kiên quyết đấu tranh, khắc phục biểu hiện phô trương, hình thức, chạy theo thành tích.

Bốn là, chỉ đạo huấn luyện theo đúng phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu cho các lực lượng; chú trọng huấn luyện cho bộ đội thực sự làm chủ vũ khí trang bị, kỹ thuật có trong biên chế, nhất là vũ khí trang bị, kỹ thuật mới; tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động, huấn luyện theo nhiệm vụ, tình huống nâng cao; giỏi tác chiến hiệp đồng quân binh chủng trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao (lấy lục quân làm trung tâm, tác chiến trên bộ là nòng cốt; lấy mục tiêu tiêu diệt, tiêu hao địch trên biển, trên không, đánh thắng chiến tranh trên bộ để huấn luyện bộ đội, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ là then chốt). Kết hợp tốt giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, giữa giáo dục đào tạo với huấn luyện chiến đấu; tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ vào quản lý, chỉ huy, điều hành để nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo.

Năm là, tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chỉ huy và tổ chức, phương pháp huấn luyện cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp huấn luyện, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ; kết hợp giữa huấn luyện với rèn luyện nâng cao thể lực cho bộ đội; đáp ứng yêu cầu chiến tranh công nghệ cao và ứng phó kịp thời, hiệu quả với những thách thức an ninh phi truyền thống.

Sáu là, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, hội thi, hội thao các cấp đạt hiệu quả thiết thực; tích cực đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp kiểm tra, phúc tra (kiểm tra theo phân cấp, tăng cường kiểm tra đột xuất...); thực hiện kiểm tra chỉ huy và cơ quan trước khi kiểm tra phân đội; nhằm đánh giá thực chất kết quả huấn luyện của từng đơn vị; kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị khắc phục những mặt còn hạn chế; thực hiện nghiêm các quy định, quy tắc bảo đảm an toàn trong huấn luyện và kiểm tra; khắc phục dứt điểm những biểu hiện chủ quan, khoán trắng cho cấp dưới; bớt xén thời gian, nội dung, hạ thấp chỉ tiêu, yêu cầu trong huấn luyện.

Bảy là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo (theo hướng kịp thời, toàn diện, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm); đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, xây dựng hệ thống trường bắn, thao trường huấn luyện bảo đảm cho huấn luyện của toàn quân. Tiếp tục bổ sung, chỉnh lý, biên soạn mới hệ thống tài liệu, giáo trình huấn luyện, đào tạo, nhất là tài liệu về vũ khí trang bị, kỹ thuật mới, phù hợp với điều kiện tác chiến và chiến tranh tương lai. Tích cực nghiên cứu cải tiến và sản xuất vật chất, mô hình, trang thiết bị huấn luyện, bảo đảm tốt cho nhiệm vụ huấn luyện theo hướng tập trung, thống nhất.

Tám là, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản, chỉ thị về xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật; gắn xây dựng chính quy, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” với xây dựng tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; đẩy mạnh các phong trào thi đua “Cán bộ mẫu mực trong thực hiện chức trách nhiệm vụ, chế độ công tác”, “Mọi quân nhân gương mẫu chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, bảo đảm an toàn”. Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các tổ chức quần chúng, gắn hoạt động huấn luyện với các phong trào thi đua quyết thắng, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
 

Thiếu tướng THÁI VĂN MINH