Quay lại

Chuyện kể của người cán bộ Bảo tàng về Đại tướng Lê Đức Anh

Hơn 30 năm làm việc tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, tôi tự thấy mình vô cùng may mắn được gặp gặp gỡ, trò chuyện với hơn 700 vị tướng, sưu tập được hàng nghìn kỷ vật chiến tranh… Mỗi vị tướng, mỗi kỉ vật là một câu chuyện, một cuộc đời. Đó là tài sản vô giá mà tôi luôn trân quý và gìn giữ.

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh

Với Đại tướng Lê Đức Anh, tôi đã có nhiều dịp gặp gỡ khi ông đến thăm và tặng Bảo tàng nhiều hiện vật quý.

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lê Đức Anh dự Lễ phát động Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu Những kỷ vật kháng chiến, tối ngày 14/02/2009 tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội.

Năm 2002, nghe tin Bảo tàng Quân đội đã được đổi tên thành Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, ông đã gắng đến thăm dù mới qua cơn bạo bệnh, sức khỏe giảm sút.

Tất cả cán bộ, chiến sỹ Bảo tàng đều quân phục chỉnh tề, xếp hàng ngay ngắn để đón chào Đại tướng. Tôi còn nhớ, hôm đó, đúng vào ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam nên khách đến thăm Bảo tàng rất đông, đặc biệt có rất nhiều các cháu học sinh tiểu học, mẫu giáo. Ông vẫy các cháu đến bên cạnh. Lũ trẻ hồn nhiên vây quanh ông chụp ảnh mà đâu có biết rằng, người đang đứng trước mặt chúng chính là một vị đại tướng, từng là nguyên thủ quốc gia. Với chúng, đó chỉ là một cụ già cao lớn, nhưng ánh mắt rất hiền từ, nụ cười trìu mến.

Chụp ảnh với các cháu xong, Đại tướng mới quay sang bắt tay thân mật, hỏi thăm sức khỏe, công việc của cán bộ chiến sĩ bảo tàng. Tiếp đó là lễ trao tặng hiện vật. Ngoài chiếc áo bu dông, ông mang từ miền Bắc, chiếc khăn rằn được nhân dân tặng đã cùng ông tham gia chỉ đạo nhiều chiến dịch, còn có tấm ảnh ông và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng duyệt đội danh dự tại Phủ Chủ tịch. Tấm ảnh được chụp ngày 29/12/1994, khi Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng đợt đầu tiên.

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Ngày 20/1/1993, Chủ tịch nước Lê Đức Anh tới thăm và chúc Tết làng trẻ em mồ côi SOS Hà Nội nhân dịp đầu xuân Quý Dậu.

Sau này, sức khỏe ngày càng giảm sút, ông không còn đi lại được như trước. Nhưng khi được Tổng cục Chính trị mời dự Lễ phát động Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu "Những kỷ vật kháng chiến", tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, tối ngày 14/02/2009, ông đi xe lăn vào ngồi hàng ghế đầu và dự cho hết buổi lễ. Hôm đó, ông đã trao tặng chiếc ống nhòm cùng ông tham gia nhiều trận chiến.

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Ông thăm hỏi và tặng lẵng hoa cho cán bộ chiến sĩ đồng bào các dân tộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa (Bắc Thái) - nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng sống và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1947-1953).

Mặc dù giọng nói đã yếu, nhưng câu chuyện ông kể về chiếc ống nhòm cùng ông tham gia Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn rất mạch lạc, khúc chiết:

“Tháng 02 năm 1964, tôi là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam được điều vào Nam với bí danh Sáu Nam, giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Miền Nam. Khi đi, Bộ Tổng tham mưu trang bị cho tôi chiếc ống nhòm màu đen, do Liên Xô (cũ) sản xuất, ký hiệu 58x 30, số 6818266.

Để tránh nhầm lẫn, tôi còn viết tên mình trên đó làm dấu. Với công việc của người chỉ huy quân sự, chiếc ống nhòm là vật vô cùng cần thiết vì ống nhòm có độ phóng đại trung bình từ 6-15 lần, có vạch chia để đo góc, đo cự li. Khi tác chiến, khi chuẩn bị chiến trường, người chỉ huy phải dùng ống nhòm quan sát trận địa, các vị trí đóng quân của địch, các vật từ xa để chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc chỉ huy chiến đấu.

Kể từ đó đến sau này là Tổng Tham mưu trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi vẫn dùng ống nhòm này bởi nó gắn với tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Đời tôi đã đi suốt cuộc chiến tranh giải phóng và chỉ huy bộ đội chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Cămpuchia,biết bao kỷ niệm không thể quên… Nhưng được tham gia trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là một trong những dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời binh nghiệp của tôi.

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tôi được chỉ định là Phó Tư lệnh chiến dịch.

Bộ chỉ huy chiến dịch điều động 5 quân đoàn, với trên dưới 15 sư đoàn. Đó là quân đoàn 1,2,3,4 và Đoàn 232 có đủ binh chủng hợp thành, với 5 cánh quân theo 5 hướng (bắc, tây bắc, đông, đông nam và tây-tây nam) cùng  các lực lượng bộ đội địa phương, dân quân và lực lượng nổi dậy của quần chúng. Riêng hướng tây - tây nam, hướng đồng bằng Sông Cửu Long, Bộ Chỉ huy Miền xác định là hướng khó nhất vì phải băng qua rất nhiều cánh đồng sình lầy, sông nước.

Ngày 17/4/1975, tôi xuống Long An chính thức cầm quân, anh Lê Văn Tưởng là Chính uỷ, anh Võ Văn Kiệt là Bí thư Đảng uỷ. Trong đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, tôi được cử  giữ chức Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư lệnh cánh quân Tây - Tây Nam, chỉ huy Đoàn 232 (tương đương cấp quân đoàn) tiến công vào Sài Gòn.

Do tổng tiến công nên phải dùng pháo lớn, xe tăng, vũ khí hạng nặng mà di chuyển trong địa hình sình lầy, kênh rạch, vượt sông Vàm Cỏ Đông rất khó khăn. Với kinh nghiệm từng ở Quân khu 9 nên tôi rất có kinh nghiệm ở địa bàn này. Tuy nhiên, với các loại xe pháo gần 800 chiếc, trong đó 1/3 xe tăng T-54, vấn đề công binh bảo đảm vượt sông cho các đơn vị tiến quân vào nội đô là điều nan giải. Tôi và các đồng chí chỉ huy cánh quân căng ra tứ phía theo sát đơn vị. Ông nhòm là phương tiện quan sát hữu hiệu theo dõi bộ đội vượt sông, hành quân, theo dõi các hoạt động của địch và bước tiến của quân ta.

Cái khó ló cái khôn, để vượt qua khó khăn, ngoài cầu phà công binh hỗ trợ, chúng tôi phải dựa vào lực lượng tại chỗ để vượt sông, vượt sình lầy hoàn toàn thực hiện vào ban đêm, trong vùng kiểm soát của địch. Cán bộ Đoàn 232 cùng cán bộ các địa phương lân cận vận động nhân dân dỡ nhà lấy gỗ quý mang ra chắn bùn lầy cho xe tăng đi, có nơi phải chặt và bó hàng nghìn bó cây, phân tán cất giấu nhiều nơi chống lầy.

Nhiều đoạn phải lội nước ngập đến tận cổ, dân quân không quản ngại giúp bộ đội vượt sông. Đó là kỷ niệm mà cánh quân tây - tây nam đã trải qua nhưng đã hoàn thành đúng yêu cầu, đúng vị trí các mục tiêu, đúng thời gian quy định. Hướng của đoàn 232 cũng là một trong những hướng vào Dinh Độc lập của thời điểm trưa ngày 30/4/1975.”

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm suối Lê-nin ở khu di tích lịch sử Pắc Bó trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Cao Bằng về vấn đề phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh ngày 29-30/5/1995.

Kể đến đây, ông xúc động căn dặn chúng tôi: “Các đồng chí nhớ đối với dân tộc ta, thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử, kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm kháng chiến, cứu nước, giải phóng dân tộc…Với tôi, tôi hiểu rằng kẻ thù đã bị sa lầy và thất bại trong biển cả của chiến tranh nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh…”

Tiếc rằng, vị tướng già đã vĩnh viễn đi xa chỉ ít ngày trước khi đất nước kỉ niệm 44 năm ngày thống nhất. Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt ông - người chỉ huy cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tác giả bài viết là Thượng tá, Thạc sỹ Trần Thanh Hằng. Trong 34 năm công tác tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, chị đã xây dựng nhiều bộ sưu tập hiện vật bảo tàng quý giá. Đặc biệt, chị đã gặp gỡ, trò chuyện với hơn 700 vị tướng và viết rất nhiều cuốn sách, đề tài khoa học về họ... Bộ sưu tập về các vị tướng của chị không chỉ liệt kê tiểu sử, chiến công mà là những câu chuyện gắn với cuộc sống của họ như tình yêu, gia đình…



Trần Thanh Hằng