Quay lại

Chuyện bên lề hai cuộc phỏng vấn Đại tướng Lê Đức Anh

Năm 2015, tôi vinh dự có hai cuộc phỏng vấn Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Khi ấy ông đã 96 tuổi, đi lại, nghe và nói có khó khăn nhưng vẫn ngồi nhiều giờ để trả lời các câu hỏi của tôi. Có nhiều chuyện bên lề hai cuộc phỏng vấn “nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta” (lời nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười về Đại tướng Lê Đức Anh), tôi còn nhớ mãi...  
 

BOM ĐẠN VÀ BỆNH TRỌNG, VẪN TRƯỜNG THỌ

Hai lần tôi phỏng vấn ông đều ở một căn hộ cũ trong khuôn viên Trạm khách 66, Bộ Quốc phòng. Cuộc đầu là vào ngày 23-3-2015, nhân chuẩn bị kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đúng giờ hẹn, Đại tá Quốc Anh, thư ký đưa tôi lên gác hai gặp ông. Ông thân tình, tận tay đưa kẹo, hoa quả mời mọi người. Khi tôi hỏi thăm về sức khỏe, Đại tướng Lê Đức Anh tâm sự thẳng thắn: “Tôi năm nay đã 96 tuổi. Lúc bé thì bị đậu mùa, rồi lại hai lần bị xuất huyết não nên bây giờ chân, tay và họng kém nhiều, đi lại, nghe và nói khó khăn, nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo, tuy có chậm đi nhiều…”.

Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng duyệt đội danh dự tại Phủ Chủ tịch, tháng 12-1994. Ảnh chụp lại

Tôi tò mò hỏi về nguyên nhân ông bị hỏng một bên mắt trái. Ông bảo chính là lần bị dịch đậu mùa hồi nhỏ. Ngày ấy, những trận dịch đậu mùa, rồi dịch tả, bệnh đường ruột… thật khủng khiếp, lấy đi hàng loạt mạng sống của người dân. Chỉ một trận dịch đậu mùa khi ông khoảng 5, 6 tuổi đã cướp đi sinh mạng của ba người anh, chị ruột của ông. Còn ông qua khỏi nhưng bên mắt trái bị mờ thành vảy cá, bên chân trái yếu hẳn đi. Người cha của ông phải chôn bốn cái cột trong nhà và buộc hai sào tre để ông bám vào tập đi từng bước một. Ông đã kiên trì tập luyện nhưng cũng phải mất hơn một năm trời mới đi lại tương đối bình thường.

Ngoài những lần bị bệnh tật đó, ông còn nhớ lần “chết hụt” ngay trước ngày Sài Gòn giải phóng. “Hôm ấy là vào sáng 28-4-1975, chúng tôi đang ở sở chỉ huy ngay bên bờ sông Vàm Cỏ thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Tôi sang chỗ Chính ủy Hai Tưởng để ăn sáng. Vừa ăn xong, tự nhiên anh Tưởng bảo tôi: “Anh hãy nán lại, nằm trên võng của tôi mà nghỉ mươi phút rồi ra đó!”. Tôi nghe anh. Vừa ngả lưng thì ở ngoài chòi của tôi một quả bom từ máy bay địch ném trúng, cái chòi bay mất, cậu cảnh vệ bị thương, cậu lái xe của tôi hy sinh. Nếu sáng hôm đó như những hôm trước, ăn xong tôi ra liền thì hôm nay còn đâu mà ngồi để nghe các đồng chí phỏng vấn nữa… Chiến tranh là vậy mà, sống-chết nhiều khi chỉ trong gang tấc thôi”-ông kể.

Kỳ lạ, bệnh tật và bom đạn là thế mà ông vẫn đi suốt ba cuộc chiến tranh: Chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam. Trong đội ngũ tướng lĩnh của Quân đội ta, ông là người có mặt từ phút đầu đến phút cuối suốt ba cuộc chiến tranh. Kể cả sau này, vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, bị trọng bệnh tưởng không qua khỏi nhưng ông vẫn sống thọ đến nhiều chục năm sau…
 

HAI CHUYẾN “XUẤT NGOẠI” HỌC HỎI

Hơn 4 tháng sau cuộc phỏng vấn đầu tiên, ngày 4-8-2015, tôi lại được diện kiến Đại tướng Lê Đức Anh. Lần này, tôi muốn ông chia sẻ kỷ niệm trong dịp chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Bộ Tổng Tham mưu. Ngoài những chuyện tôi đã viết bài, đăng báo, tôi vẫn nhớ kỷ niệm ông kể về hai chuyến “xuất ngoại” sang Trung Quốc và Liên Xô trong những năm đầu miền Bắc được giải phóng.

Tháng 5-1955, khi đang là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330, ông được điều về làm Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu. Về đây, ông được giao phụ trách xây dựng kế hoạch tác chiến các khu vực phòng thủ biên giới. Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cử ông làm trưởng đoàn cùng một số cán bộ ngành tác chiến, công binh sang Trung Quốc nghiên cứu, học tập để về xây dựng kế hoạch. Đoàn được các đồng chí Trung Quốc đưa đi tham quan và khảo sát các công trình phòng thủ dọc bờ biển, những “khu vực phòng thủ chung” và những “khu vực chống đổ bộ”. Các bạn quân đội Trung Quốc vừa giới thiệu cách làm, vừa tạo điều kiện để đoàn khảo sát toàn diện về chiều sâu, chính diện và cách bố trí hỏa lực, xung lực, hệ thống kho tàng và công tác bảo đảm, các công trình phụ trợ và công trình trọng điểm kiên cố như thế nào.

Trở về nước bắt tay vào việc, công binh trực tiếp làm theo thiết kế của tác chiến, thực hiện đúng như dự án mà ông, với tư cách trưởng đoàn đã trình duyệt cấp trên, triển khai tại địa bàn của quân khu nào thì lực lượng quân khu đó kết hợp với lực lượng công binh của bộ trực tiếp thi công. “Vì đây là công việc rất mới mẻ nên lúc đó cứ vận dụng theo mô hình của bạn. Sau này, khi thấy rõ ưu điểm, nhược điểm thì ta mới có bước thay đổi, điều chỉnh và làm mới theo cách của ta cho phù hợp với điều kiện và địa hình đất nước” - ông nhớ lại.

Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Đại tướng Lê Đức Anh trong lần trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân, tháng 3-2015.  Ảnh: SONG PHÚC

Khi đảm nhiệm cương vị Cục trưởng Cục Quân lực, ông được cử đi học lớp thứ nhất bồi dưỡng tại trường Voroxlop ở Liên Xô. Thời gian học là hai năm, mỗi năm học 6 tháng, về nước làm việc 6 tháng. Nội dung chủ yếu là học về chiến dịch, có học thêm về chiến lược. Có một chuyện làm ông nhớ mãi là vị giáo sư sau khi xem bài tập của ông làm thì tỏ lời khen, nhưng ông bảo: “Học ở đây thì tôi làm như vậy, nhưng đánh theo cách này với quân đội Mỹ thì có lẽ chưa phù hợp nên chưa chắc chắn lắm”. Câu nói này đã làm vị giáo sư giận ông suốt cả khóa học. Mãi đến ngày cuối cùng, vị giáo sư mới bắt tay ông và nói: “Đồng chí cũng tốt, tôi cũng tốt, hai chúng ta bắt tay nhau!”. Sau này nghe chuyện, tướng Vũ Lăng nói với Đại tướng Lê Đức Anh: “Họ không đuổi anh là may đó!”.
 

NHỮNG SUY TƯ

Nhân phỏng vấn về sự kiện ngày 30-4, tôi có hỏi ông thường hay suy tư gì mỗi dịp kỷ niệm của đất nước, quân đội. Ông trầm ngâm rồi chậm rãi nói: Là người đã đi qua chiến tranh, tôi thấu hiểu những mất mát, hy sinh của nhân dân. Dân tộc ta anh hùng nhưng chịu nhiều đau thương. Những mất mát hy sinh để giành được độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta vô cùng to lớn. Riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta có tới 1,1 triệu liệt sĩ, 600.000 thương binh, 2 triệu người bị giết hại, 2 triệu người bị nhiễm chất độc hóa học để lại di chứng cho 50.000 trẻ em bị dị dạng. Tôi chỉ mong sao đời sống dân ta ngày càng đầy đủ, đất nước có hòa bình, ngày càng giàu mạnh, phát triển…

Cũng với suy tư ấy, cả khi đương chức cũng như khi đã nghỉ công tác, Đại tướng Lê Đức Anh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các gia đình chính sách, những người bị thiệt thòi, nghèo khổ do hậu quả và di chứng chiến tranh. Ông chính là người ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng.

Trước đó, trên cương vị là Chủ tịch nước khi đi thăm nhiều nơi, ông phát hiện ra một hiện tượng khá phổ biến là có nhiều bà mẹ có các con đã đi chiến đấu và hy sinh hết, bản thân mẹ thì nghèo đói. Ông hỏi cán bộ địa phương thì họ trả lời vì trên không có chủ trương nên địa phương không biết làm cách nào. Ông đến tận phường, xã hỏi số người nghèo khổ thiếu đói có bao nhiêu. Ông thăm hỏi các bà mẹ của liệt sĩ thì thấy rằng những người mẹ đã cống hiến con mình cho Tổ quốc nhưng lâu nay không ai chăm sóc. Họp Bộ Chính trị, ông nêu tình trạng đáng buồn đó và chỉ đạo Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị và các cơ quan chức năng cần có khảo sát và đề xuất một danh hiệu để tôn vinh, đền đáp sự hy sinh to lớn của các mẹ liệt sĩ trong cả nước. Ngày 10-9-1994, ông đã ký Lệnh số 36L/CTN công bố Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Ngày 19-12-1994, Đảng, Nhà nước ta long trọng tổ chức Lễ phong tặng danh hiệu Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng đợt I tại Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trực tiếp đón và cùng các mẹ duyệt hàng quân danh dự trong khuôn viên Phủ Chủ tịch. Không giấu nổi tình cảm của mình, ông và nhiều người đã xúc động nghẹn ngào, trào dâng nước mắt.

Đã gần 3 năm từ sau hai cuộc phỏng vấn Đại tướng Lê Đức Anh, nhưng tôi vẫn nhớ mãi chuyện ông kể, cả những suy tư, trăn trở và cử chỉ ân cần của vị lãnh đạo lão thành, vị tướng có nhiều công lao với đất nước, nhân dân và quân đội.
 

HOÀNG TIẾN