Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh với xây dựng lực lượng hải quân
1. Tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh xây dựng lực lượng Hải quân trong những năm đầu thành lập
Sau ngày miền Bắc được giải phóng, công tác quản lý vùng biển và bờ biển trở thành nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Ngày 07/5/1955, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh ban hành Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể trực thuộc Bộ có nhiệm vụ: “Giúp Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo bộ đội phòng thủ bờ biển; đào tạo cán bộ, nhân viên, thủy thủ; sản xuất các dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội phòng thủ bờ biển rồi chuyển giao cho các liên khu (sau này gọi là quân khu)”. Triển khai thực hiện Nghị định số 284/NĐ-A của Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh, trên cương vị Cục phó Cục Tác chiến, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng với Thủ trưởng Cục chỉ đạo cơ quan hướng dẫn Cục Phòng thủ bờ bể xây dựng kế hoạch tác chiến trên vùng biển Đông Bắc, Hải Phòng và các phương án tuần tra, tác chiến trên sông biển, góp phần giữ vững trật tự, trị an vùng duyên hải, chống hải phỉ, biệt kích, gián điệp, đặc vụ..., bảo đảm cho các ngành kinh tế của Nhà nước, địa phương và nhân dân hoạt động, làm ăn, sinh sống trên biển an toàn.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 (khóa II) phê chuẩn Kế hoạch xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng 5 năm (1955 - 1959) do Bộ Tổng Tham mưu chủ trì soạn thảo dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Quân uỷ. Quán triệt, triển khai kế hoạch xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, đồng chí Lê Đức Anh với vai trò là Cục phó thứ nhất Cục Quân lực đã tham mưu đề xuất Bộ Tổng Tham mưu đề nghị Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh ra Nghị định số 320/NĐ (ngày 24/01/1959) thành lập Cục Hải quân trên cơ sở Cục Phòng thủ bờ bể trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Nhiệm vụ của Cục Hải quân là: “Giúp Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh nghiên cứu, thực hiện kế hoạch xây dựng, chỉ huy lực lượng hải quân, quản lý các quân cảng, bảo vệ hải phận miền Bắc trong thời bình, phối hợp với các binh chủng và lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu trong thời chiến”. Đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ đạo cơ quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất Bộ Tổng Tham mưu quyết định ban hành tổ chức, biên chế Cục Hải quân gồm 5 cơ quan (Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Công trình, Đo đạc biển) và 5 đơn vị (Trường Huấn luyện Hải quân, Tiểu đoàn 130, Tiểu đoàn 135, Tiểu đoàn công trình 145, Xưởng 46), đồng thời điều một số thủy đội của các tỉnh về Cục Hải quân; chỉ đạo Cục Hải quân lựa chọn một số đồng chí có chất lượng chính trị, sức khỏe và ý chí chiến đấu tốt gửi đi đào tạo cán bộ, thủy thủ tại nước ngoài.
Trong những năm 1961 - 1963, Mỹ - Diệm đẩy mạnh các hoạt động phá hoại miền Bắc bằng cả đường không, đường bộ và đường biển. Xác định rõ tầm quan trọng của biển, đảo và vai trò của lực lượng Hải quân, trên cương vị Cục trưởng Cục Quân lực, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí Lê Đức Anh đã tham mưu đề xuất Bộ Tổng Tham mưu đề nghị Đảng, Nhà nước phát triển lực lượng Hải quân; phát huy nội lực và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa để xây dựng lực lượng, cơ sở vật chất, hiện đại hóa vũ khí trang bị, tàu thuyền, đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật. Trong ba năm (1961 - 1963), lực lượng Hải quân đã có bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Các đơn vị tàu chiến đấu mặt nước đã ra đời; lực lượng pháo binh cơ động bờ biển được triển khai cùng nhiều căn cứ, xưởng trạm bảo đảm; hệ thống đài quan sát với trang bị, khí tài khá hiện đại, đánh dấu sự hình thành các lực lượng chiến đấu mới của Hải quân. Đến ngày 03/01/1964, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 01/QP đổi tên Cục Hải quân thành Bộ Tư lệnh Hải quân, từ đây Hải quân chính thức trở thành một Quân chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam, sẵn sàng tổ chức hiệp đồng tác chiến với các lực lượng vũ trang, nâng cao khả năng bảo vệ bờ biển, vùng biển, đảo của Tổ quốc, góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giành thắng lợi.
2. Tham mưu cho Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh đề xuất với Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương tổ chức tuyến vận tải chiến lược trên biển chi viện chiến trường miền Nam
Trước yêu cầu cấp bách của chiến trường Nam Bộ và để vận chuyển lực lượng, vũ khí trang bị vào chi viện những nơi mà đường trên bộ chưa vươn tới được, ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QĐ thành lập Đoàn vận tải quân sự đường biển 759 có nhiệm vụ mở đường trên biển vận chuyển chi viện cho quân, dân miền Nam. Triển khai quyết định của Bộ Quốc phòng, đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ đạo Cục Quân lực tham mưu đề xuất Bộ Tổng Tham mưu ban hành quyết định tổ chức, biên chế, phối hợp cùng các cơ quan trong và ngoài quân đội khẩn trương ổn định tổ chức, biên chế, chuẩn bị tàu, thuyền, phương tiện, bến bãi cho Đoàn 759 vận chuyển vũ khí trang bị và lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam.
Bằng những phương tiện thô sơ (thuyền gỗ gắn máy) là chủ yếu, cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 759 đã dũng cảm, mưu trí, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, vượt qua sự bao vây của địch, lập nên những chiến công xuất sắc. Đoàn đã tổ chức 28 chuyến tàu, vận chuyển được 1.318 tấn vũ khí chi viện chiến trường, góp phần cùng quân, dân miền Nam tạo nên chiến thắng Ấp Bắc, đánh bại cuộc càn quét “Sóng tình thương”, chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Tháng 8/1963, theo đề xuất của Bộ Tổng Tham mưu, Thường trực Quân ủy Trung ương quyết định chuyển Đoàn 759 từ Bộ Tổng Tham mưu về trực thuộc Cục Hải quân. Thực hiện quyết định trên, ngày 10/10/1963, Bộ Tổng Tham mưu triệu tập cuộc họp để tổ chức triển khai kế hoạch chuyển giao Đoàn 759 do Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Đức Anh chủ trì. Đồng chí Lê Đức Anh kết luận: “Đảng ủy và Thủ trưởng Cục Hải quân có trách nhiệm lãnh đạo và chỉ huy Đoàn 759 toàn diện về mọi mặt, riêng việc chỉ huy hành quân và liên hệ với chiến trường vẫn do Bộ Tổng Tham mưu chịu trách nhiệm; Tổng cục Chính trị chỉ đạo về công tác đảng, công tác chính trị; Tổng cục Hậu cần chỉ đạo bảo đảm về công tác hậu cần. Các mặt công tác đảng, công tác chính trị, huấn luyện, bảo đảm kỹ thuật, các Tổng cục và Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Đoàn 759 thông qua Thường vụ Đảng ủy và Thủ trưởng Cục Hải quân”.
Ngày 29/01/1964, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 30/QĐ đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Nhiệm vụ của Đoàn 125 chủ yếu là chở vũ khí vào các tỉnh Nam Bộ; nghiên cứu mở tiếp các bến ở cực Nam Trung Bộ và Khu 5 khi thời cơ thuận lợi. Phương châm vận chuyển là nhanh, nhiều, táo bạo, thận trọng, bí mật và an toàn. Năm 1969, khi được điều về làm Tư lệnh Quân khu 9, đồng chí Lê Đức Anh thường xuyên chỉ đạo Đoàn 962 và lực lượng bảo vệ các bến, bãi phải luôn chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của địch trên biển, có nhiều phương án dẫn tàu vào bến bảo đảm bí mật, an toàn, bốc dỡ hàng nhanh cho tàu xuất bến; sẵn sàng đánh địch bảo vệ tàu, vũ khí và bí mật của con đường vận chuyển vũ khí cho chiến trường. Với tinh thần mưu trí, dũng cảm, táo bạo, tất cả vì miền Nam ruột thịt, trong 14 năm làm nhiệm vụ trên tuyến đường vận tải quân sự chiến lược trên biển (1961 - 1975), Đoàn 125 Hải quân đã huy động 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển hơn 150 nghìn tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam. Lực lượng và vũ khí chi viện từ miền Bắc theo những con tàu “Không số” đã cùng quân, dân miền Nam chiến đấu hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến và các lực lượng của địch góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
3. Chỉ đạo xây dựng và phát triển lực lượng Hải quân đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới
Năm 1987, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trong chỉ đạo, điều chỉnh thế bố trí chiến lược những năm 1987 - 1989, Đại tướng Lê Đức Anh đặc biệt quan tâm chỉ đạo lực lượng Hải quân tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển, hải đảo và thềm lục địa Tổ quốc. Nắm chắc tình hình trong nước và quốc tế, với tầm nhìn của một vị tướng dạn dày kinh nghiệm, cuối tháng 02/1987, Đại tướng Lê Đức Anh chỉ đạo Quân chủng Hải quân củng cố và tăng cường lực lượng phòng thủ Trường Sa. Cuối tháng 3/1987, Bộ trưởng xuống Hải Phòng làm việc với Bộ Tư lệnh Hải quân và chỉ thị rõ: “Phải thấy hết vị trí chiến lược của Biển Đông. Trước tiên phải lo phòng thủ Trường Sa, nơi có thể xảy ra xung đột. Ta phải hành động kiên quyết để bảo vệ các đảo nổi và đảo chìm. Các đồng chí suy nghĩ mọi cách để xây dựng Hải quân hùng mạnh”. Ngày 10/6/1987, Đại tướng Lê Đức Anh vào Cam Ranh tiếp tục làm việc với Bộ Tư lệnh Hải quân và Vùng 4, Đại tướng chỉ đạo: “Ta phải nỗ lực cao nhất để bảo vệ quần đảo Trường Sa, tăng cường khả năng phòng thủ tại chỗ, giữ vững các đảo, coi trọng việc chi viện từ bờ ra, phải làm cho hết sức, làm cho ngày nay và cho thế hệ mai sau”2.
Ngày 06/11/1987, Bộ Quốc phòng thông qua Kế hoạch đóng giữ các bãi cạn do Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân kiến nghị. Cùng ngày, Đại tướng Lê Đức Anh ký ban hành Mệnh lệnh số 1679/ML-QP giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân: “Đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi đá cạn chưa có người, không chờ xin chỉ thị của cấp trên; trước mắt đưa ngay lực lượng ra đóng giữ Đá Tây, Chữ Thập, Đá Lớn, Tiên Nữ...”.
Chấp hành mệnh lệnh của Đại tướng, ngày 15/11/1987, Bộ Tư lệnh Quân chủng chỉ đạo Vùng 4 Hải quân: Khẩn trương đưa lực lượng ra chốt giữ ngay bãi đá Chữ Thập, Đá Lớn, Tiên Nữ; sử dụng tàu chiến đấu khi cần thiết để tăng cường; yêu cầu các tàu đi làm nhiệm vụ phải được trang bị vũ khí để tự vệ. Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã lệnh cho các tàu chở quân đi khảo sát, đóng giữ các bãi đá Chữ Thập, Đá Lớn, Tiên Nữ... nhưng do ảnh hưởng cơn bão số 6, gió to sóng lớn, kế hoạch đóng giữ chưa thực hiện được.
Trước tình hình nước ngoài cho quân chiếm đóng trái phép bãi đá Chữ Thập và âm mưu chiếm đóng trái phép một số đảo, bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa, chiều 13/02/1988, Đại tướng Lê Đức Anh khi làm việc với Tư lệnh Hải quân đã giao cho Tư lệnh Hải quân kiêm nhiệm Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Ngày 17/02/1988, Bộ Tư lệnh Hải quân di chuyển vào Sở chỉ huy Vùng 4 ở Cam Ranh để trực tiếp chỉ huy các đơn vị. Ngay sau đó Đại tướng báo cáo lên Ban Bí thư, Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Ngoại giao đề nghị giải quyết một số vấn đề cấp bách như tàu vận chuyển hàng ra Trường Sa, cấp kinh phí, vật tư, trang bị cho Hải quân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biển, đảo của Tổ quốc.
Ngày 14/3/1988, khi các tàu vận tải và lực lượng công binh Hải quân Việt Nam đang tổ chức đóng các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thì Trung Quốc điều các tàu chiến đến khu vực này uy hiếp lực lượng của ta, bất ngờ cho quân đổ bộ lên Gạc Ma gây hấn nhổ cờ của Việt Nam, đồng thời, họ đã cho chiến hạm nã pháo vào các tàu vận tải HQ604, HQ605, HQ505 và lực lượng của Hải quân ta đang làm nhiệm vụ xây dựng trên đảo, làm cho cả 3 tàu bị chìm, nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương và hy sinh. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt trong thế tương quan so sánh lực lượng không ngang sức, nhưng cán bộ, chiến sĩ Hải quân ta đã kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, giữ được Cô Lin và Len Đao.
Trước tình hình phức tạp trên khu vực quần đảo Trường Sa, để “thị sát” tình hình và kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ Trường Sa tiếp tục giữ vững ý chí chiến đấu, sẵn sàng hy sinh quên mình bảo vệ chủ quyền, từ ngày 04 đến ngày 09/5/1988, Đại tướng Lê Đức Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có chuyến thăm cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Tại “quần đảo bão tố” này, Đại tướng đã dự Lễ kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (07/5/1955 - 07/5/1988). Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng khẳng định: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thật sự trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế. Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam dù chế độ xã hội khác nhau qua các thời đại, xu hướng chính trị khác nhau, tôn giáo khác nhau, đàn ông cũng như đàn bà, già cũng như trẻ đều một lòng, một dạ kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chúng ta nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước, nhưng chúng ta nhất quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc chúng ta”.
Như thêm một lần nữa khẳng định và nhấn mạnh quần đảo Trường Sa là của Việt Nam bất khả xâm phạm, Đại tướng Lê Đức Anh rưng rưng xúc động nói: “Hôm nay kỷ niệm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo chính của quần đảo Trường Sa, có mặt đông đủ đại diện các tổng cục, các quân chủng, đại diện tỉnh Phú Khánh, chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta; bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.
Sau Lễ kỷ niệm, Đại tướng Lê Đức Anh đã đi thăm từng nơi ăn, ngủ, huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ. Đến đâu, Đại tướng cũng “thị sát” kỹ để xem bộ đội Trường Sa còn khó khăn gì, đời sống ra sao, phòng thủ vững chắc thế nào... Đi tận nơi, nhìn tận mắt và trải nghiệm những khó khăn, gian khổ của các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa, Đại tướng chỉ đạo Quân chủng Hải quân khẩn trương xây dựng lại và xây mới nhà, bố trí lực lượng trên các đảo nổi, đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa; đồng thời chỉ đạo các quân chủng, binh chủng xây dựng kế hoạch, tổ chức diễn tập thực binh chi viện đảo và hoàn chỉnh các phương án phòng thủ biển, đảo.
Sau khi chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc nhiều lần cho tàu xuống thăm dò và có những hành động thể hiện mưu đồ lấn chiếm thềm lục địa phía Nam của nước ta (DK1). Trước tình hình đó Đại tướng đã tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc tổ chức lực lượng bảo vệ khu vực DK1. Chấp hành Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về bảo vệ công trình dầu khí, ngày 20/7/1988, Đại tướng ký ban hành Mệnh lệnh số 225/ML-QP giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Quân khu 7, Tư lệnh các quân chủng Hải quân, Không quân, Phòng không theo chức năng của mình đều có nhiệm vụ bảo vệ công trình dầu khí (cả trên biển và trên đất liền) ở thềm lục địa phía Nam; giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn 171 Hải quân nhanh chóng tổ chức lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khu vực các công trình dầu khí ở thềm lục địa phía Nam.
Đại tướng Lê Đức Anh là vị tướng tài ba, có tầm nhìn chiến lược và chỉ đạo sắc bén. Đại tướng đã tham mưu, đề xuất Đảng ủy Quân sự Trung ương ban hành Nghị quyết số 253/NQ-ĐUQSTW ngày 19/11/1988, về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa, khu vực biển và thềm lục địa phía Nam, trong đó xác định: Nhiệm vụ của toàn quân cũng như của cả nước là kiên quyết và kiên trì bảo vệ quần đảo Trường Sa, giữ thế đứng của ta ở quần đảo Trường Sa và Biển Đông. Lực lượng vũ trang phải coi đây là nhiệm vụ có tầm quan trọng chiến lược trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa,... Lực lượng Hải quân cần tập trung cao độ các lực lượng và phương tiện của mình, chủ trì hiệp đồng với các quân chủng, binh chủng, quân khu, quân đoàn và các ngành, các địa phương, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trọng tâm số 1 là bảo vệ quần đảo Trường Sa, tăng cường sự có mặt và bảo vệ khu vực biển và thềm lục địa phía Nam. Thực hiện chỉ đạo của Đại tướng, đồng chí Phó Đô đốc Giáp Văn Cương - Tư lệnh Hải quân đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn 171 và Vùng 4 Hải quân tập trung toàn bộ trí tuệ và sức lực của cán bộ, chiến sĩ, huy động các lực lượng, phương tiện tàu, thuyền quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đóng giữ, thăm dò, khảo sát, bảo vệ trên khu vực thềm lục địa phía Nam để phục vụ kịp thời cho việc xây dựng cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển và xây dựng đất nước.
Nhờ tầm nhìn chiến lược và sự chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt của Đại tướng Lê Đức Anh, chúng ta đã từng bước mở rộng, củng cố được thế đứng vững chắc ở quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam như ngày nay, tạo lá chắn phòng thủ từ xa phía Đông của Tổ quốc; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia, môi trường hòa bình trên biển để đất nước phát triển. Sau này, trên cương vị Chủ tịch nước, thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và khi đã về nghỉ hưu, Đại tướng Lê Đức Anh vẫn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi sự phát triển, trưởng thành của Quân chủng Hải quân.
Nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay đã bước sang một giai đoạn mới ngày càng khó khăn và phức tạp hơn. Tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, xuất hiện những nhân tố mới dẫn đến nguy cơ gây mất ổn định trên Biển Đông. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo giữa các nước trong khu vực diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nguy cơ xung đột, mất ổn định. Các thế lực thù địch ra sức lợi dụng vấn đề biển, đảo chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ... Do vậy, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân luôn kế thừa, phát huy, vận dụng những kinh nghiệm của các thế hệ lãnh đạo, chỉ huy quân đội đi trước nói chung, của Đại tướng Lê Đức Anh nói riêng trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, xây dựng Hải quân nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm nòng cốt trong bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho Quân chủng Hải quân.
Chuẩn đô đốc TRẦN THANH NGHIÊM