Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh - người con ưu tú, niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế
Thừa Thiên Huế - Kinh đô của Việt Nam thời nhà Nguyễn - là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày về lịch sử và văn hóa, được hình thành, phát triển cùng với tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, người dân Thừa Thiên Huế luôn một lòng đi theo Đảng, bất khuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm, hăng say trong lao động, sản xuất. Nhiều người con ưu tú của quê hương đã trở thành những chiến sĩ cộng sản trung kiên, cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, trong đó có Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế mãi mãi tự hào về nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, của nhân dân, vị tướng tài ba, có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả.
1. Quê hương Thừa Thiên Huế và gia tộc họ Lê làng Bàn Môn tự hào là nơi sinh ra, nuôi dưỡng và hình thành nhân cách đồng chí Lê Đức Anh
Đại tướng Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa, còn gọi là Chín Hòa, Sáu Nam), sinh ngày 01/12/1920 tại làng Trường Hà, huyện Phú Vang, quê quán ở làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc nằm giữa vùng đầm phá và đồi núi, trên con đường thiên lý xưa (là quốc lộ 1 hiện nay) nên thuận lợi về giao thông, giao thương. Đây là một trong 10 làng của xã Lộc An, huyện Phú Lộc và cũng là làng lớn nhất của xã, có lịch sử hình thành từ khá sớm. Với điều kiện kinh tế khá giả, trong làng có nhiều dòng họ giàu có, nên con cháu có điều kiện để ăn học và làm quan dưới các triều đại phong kiến nhà Nguyễn, đóng góp cho đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Bàn Môn là nơi diễn ra nhiều phong trào yêu nước và đấu tranh cách mạng có sức ảnh hưởng trong tỉnh và lan tỏa trong cả nước.
Đại tướng Lê Đức Anh sinh ra trong gia tộc họ Lê - một gia tộc giàu truyền thống hiếu học, yêu nước và đấu tranh cách mạng trên quê hương Thừa Thiên Huế. Trong gia tộc có nhiều tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, cần mẫn, chịu khó nhưng cũng rất khí khái, hiên ngang, như: ngài Lê Văn Hoằng, đời thứ hai, làm quan đến chức Tri phủ từ đời Lê cho đến đời Nguyễn; ngài Lê Văn Thành, đời thứ bảy, làm tri huyện Minh Linh tỉnh Quảng Trị, vào khoảng niên hiệu Gia Long (1802 - 1819), vua nghe tiếng ông giỏi về nghề thuốc liền triệu về kinh, phong chức Y chính ở Thái Y viện… Ông cố của đồng chí Lê Đức Anh là cụ Lê Văn Trinh (1835 - 1915), cũng là một danh y tài giỏi, có tấm lòng nhân ái, hay cứu giúp người, được người dân địa phương làm vè ca ngợi. Ông Lê Quang Túy (1885 - 1969), thân phụ của đồng chí Lê Đức Anh là con trai trưởng, cũng là một thầy thuốc. Ông từng là đội trưởng phụ trách đội thuyền chở vua về trú tại làng Hà Trung trong cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục hội ở miền Trung do Thái Phiên, Trần Cao Vân cầm đầu với sự tham gia của vua Duy Tân. Thân mẫu của đồng chí Lê Đức Anh là bà Lê Thị Thoa (1886 - 1967), người làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, là một người phụ nữ cần cù và chịu thương, chịu khó. Ngày nay, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha ông, con cháu dòng họ Lê không ngừng nỗ lực phấn đấu trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh và lòng mong mỏi của các bậc sinh thành và tiền nhân.
Được sinh ra trong một gia tộc có truyền thống hiếu học và trên quê hương có truyền thống đấu tranh cách mạng, lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than, cơ cực, đồng chí Lê Đức Anh và các anh, chị, em của ông sớm được thừa hưởng truyền thống tốt đẹp của gia đình và quê hương. Chính tính nhẫn nhịn, chịu thương, chịu khó của phụ mẫu và người dân quê hương đã ảnh hưởng nhiều đến tính cách và chí hướng của đồng chí Lê Đức Anh và các anh, chị, em trong gia đình về sau này.
2. Thừa Thiên Huế tự hào là nơi hun đúc ý chí cách mạng và là nơi Đại tướng luôn đau đáu nhớ về
Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng đồng chí Lê Đức Anh đã sớm được gia đình chăm lo và cho đi học. Lên 5 tuổi, đồng chí được học chữ Nho tại nhà. Từ 6 tuổi đến 10 tuổi, đồng chí được học chữ Quốc ngữ ở làng Dưỡng Mong và Trường An Lương Đông của huyện Phú Lộc. Năm lên 11 tuổi, nạn đói kém, thất học hoành hành các làng quê Việt Nam, để không gián đoạn việc học, đồng chí được bố mẹ gửi ra Nghệ An sống với gia đình người chị ruột, học hết bậc tiểu học; sau đó quay trở lại quê nhà ở Trường Hà, Vinh Phú.
Khi đồng chí Lê Đức Anh đến tuổi trưởng thành, bố mẹ nuôi của thân, phụ mẫu cũng lần lượt qua đời. Gia đình đồng chí chuyển về sống tại quê gốc ở làng Bàn Môn. Cũng chính nơi đây, đồng chí Lê Đức Anh đã được nghe những cuộc chuyện trò của các bậc cha chú, những người luôn đau đáu với thời cuộc và bắt đầu hun đúc tinh thần cách mạng. Một trong những người đã định hướng và góp phần vun đắp, bồi dưỡng tinh thần yêu quê hương, đất nước và từng bước hướng đồng chí Lê Đức Anh đến với chủ nghĩa cộng sản là đồng chí Lê Bá Dị (cậu họ của đồng chí Lê Đức Anh), Bí thư Chi bộ ghép Phú Vang - Phú Lộc, một trong những chi bộ cộng sản đầu tiên ở Huế. Đồng chí Lê Đức Anh đã được đọc các loại sách, báo về tình hình trong và ngoài nước do đồng chí Lê Bá Dị sưu tầm, được đồng chí Lê Bá Dị sớm khơi gợi tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng. Cũng nhờ vị tiền bối này, đồng chí Lê Đức Anh đã sớm được tiếp xúc với những người yêu nước và cách mạng, tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản, về đồng chí Nguyễn Ái Quốc... Năm 1938, chính đồng chí Lê Bá Dị đã kết nạp đồng chí Lê Đức Anh vào Đảng Cộng sản Đông Dương, khi tròn 18 tuổi. Từ đây, đồng chí Lê Đức Anh bắt đầu cuộc đời của người cộng sản. Hoạt động cách mạng của đồng chí bắt đầu từ những việc nhỏ như rải truyền đơn, treo cờ đỏ đến việc tuyên truyền, vận động trong dân chúng. Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng trong Mặt trận Dân chủ huyện Phú Vang và Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 1937.
Thoát ly hoạt động cách mạng từ rất sớm, nhưng đồng chí Lê Đức Anh luôn nhớ về quê hương với một tình cảm rất sâu đậm. Một lần về thăm quê hương, đồng chí Lê Đức Anh đã gợi ý cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế xin phép Chính phủ làm cảng Chân Mây, vừa phục vụ kinh tế vừa phục vụ quốc phòng. Từ gợi ý đó, lãnh đạo tỉnh đã cho tiến hành khảo sát và đề xuất lên Chính phủ. Ngày 24/3/1996, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt cùng với các bộ, ngành liên quan về Chân Mây kiểm tra thực địa và sau đó giao các bộ, ngành liên quan cùng tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng quy hoạch khu vực Chân Mây. Những năm 2004 - 2007, trong những lần cùng với các bộ, ban, ngành Trung ương về làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Lê Đức Anh đặc biệt quan tâm tới ba đề án lớn chưa triển khai thực hiện được: Đề án công trình thủy lợi hồ Tả Trạch; Đề án xin nâng cấp thành phố Huế từ đô thị loại 2 lên đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh; Đề án nâng cấp sân bay Phú Bài. Công trình thủy lợi hồ Tả Trạch được đầu tư nhằm chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, giảm lũ chính vụ cho hệ thống sông Hương; tạo nguồn nước tưới ổn định cho đất canh tác, bổ sung nguồn nước ngọt cho hạ lưu sông Hương để đẩy mặn, cải thiện môi trường đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; phục vụ nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, phát điện khi cần thiết. Đề án quy hoạch thành phố Huế từ đô thị loại 2 lên đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh cũng đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển của tỉnh. Đây là vấn đề mới, đầu tiên của cả nước mà từ trước đến nay chưa địa phương nào thực hiện. Đề án nâng cấp sân bay Phú Bài để phát triển kinh tế, nhất là du lịch. Với trách nhiệm, tấm lòng hướng về quê hương, đồng chí Lê Đức Anh đã trực tiếp viết thư gửi Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải để đề xuất nguyện vọng của tỉnh. Sau khi nhận được ý kiến của Đại tướng, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã cùng với các bộ, ngành Trung ương xem xét và ra quyết định phê chuẩn để thực hiện. Đến nay, các công trình mang tính bước ngoặt lớn của tỉnh có công lớn của đồng chí Lê Đức Anh đã và đang phát huy hiệu quả.
Theo lời kể của người dân xã Lộc An, khi còn khỏe, đồng chí rất nhiều lần về thăm quê. Mỗi lần về quê, đồng chí thường đi thăm bà con quanh xóm, ân cần hỏi thăm tình hình cuộc sống, lao động sản xuất của bà con. Nhìn thấy con đường xuống bến sông Truồi bị xuống cấp, đồng chí đã đầu tư kinh phí để bê tông hóa, giúp bà con đi lại được thuận tiện hơn. Năm 2014, trong chuyến về thăm quê, đồng chí Lê Đức Anh ghé vào Ủy ban nhân dân xã Lộc An để thăm các cán bộ đang làm việc; đồng thời nhắn nhủ: “Quê hương Lộc An còn nghèo, nhân dân còn khó khăn. Cán bộ chính quyền phải quan tâm đến đời sống của nhân dân, biết yêu thương dân, phải biết gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân; biết khơi dậy sức mạnh của sự đoàn kết để chung tay, góp sức thay đổi bộ mặt quê nhà, nâng cao đời sống nhân dân”.
3. Thừa Thiên Huế tự hào về đồng chí Lê Đức Anh - người cộng sản kiên cường, người chỉ huy quân sự tài ba, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, dạn dày kinh nghiệm trận mạc, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả; suốt đời cống hiến, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, phải chứng kiến cảnh người dân nô lệ mất nước sống cơ cực dưới chế độ thực dân, phong kiến, đã hun đúc trong đồng chí Lê Đức Anh lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng. Từ khi còn nhỏ, bệnh đậu mùa đã làm một bên mắt bị mờ và một bên chân bị yếu cho đến tận sau này, nhưng ý chí và nghị lực mạnh mẽ đã thôi thúc đồng chí hăng hái tham gia hoạt động cách mạng và đi suốt các cuộc chiến tranh của dân tộc. Những năm đầu hoạt động cách mạng sôi nổi với bao khó khăn, thử thách đã tôi rèn đồng chí Lê Đức Anh trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên cường, để suốt đời chiến đấu hy sinh vì lý tưởng cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Đức Anh thật phong phú và oanh liệt. 99 năm tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, hoạt động ở nhiều vùng, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, trải rộng trên cả ba miền đất nước và được Đảng tin cậy giao phó nhiều trọng trách, dù ở đâu, làm công việc gì, ở cương vị nào, đồng chí Lê Đức Anh cũng luôn hết lòng vì Đảng, vì dân, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và đã có những đóng góp to lớn cho Đảng, cho cách mạng. Trên bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, giữ vững khí tiết, phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản, bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”; không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện. Trong công tác, đồng chí luôn đổi mới, quyết đoán, nhanh nhạy, bám sát thực tiễn, gần dân, chăm lo cho dân, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và cũng rất giản dị, sâu sắc, nhân văn trong cuộc sống, được đồng chí, đồng đội và nhân dân yêu mến, bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tín nhiệm, giao giữ nhiều trọng trách quan trọng:
Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa V, VI, VII, VIII; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001; Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII và IX.
Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
4. Thừa Thiên Huế tự hào về đồng chí Lê Đức Anh - nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân, với nhiều dấu ấn nổi bật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, với cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Lê Đức Anh đã có những đề xuất xác đáng với Bộ Chính trị về giải quyết vấn đề biên giới, và từ vấn đề biên giới để định ra chiến lược và sách lược của công tác đối ngoại.
Với thành công của chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 7/1991, mở đầu cho chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu, theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Bằng, đồng chí Lê Đức Anh đã có công trong việc xúc tiến bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Đồng chí đã đề xuất với Đảng, Nhà nước và trực tiếp chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề lớn, quan trọng về quân sự, quốc phòng, như: Thực hiện giảm quân số, giảm ngân sách quốc phòng trong tình hình nền kinh tế bị khủng hoảng; tiến hành các chính sách cụ thể để cải thiện đời sống bộ đội, giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ, thực hiện chính sách hậu phương quân đội; chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trong tình hình mới... Đồng chí đặc biệt quan tâm và có tầm nhìn chiến lược về phòng thủ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đưa lực lượng ra đóng giữ các đảo Đá Tây, Chữ Thập, Đá Lớn, Tiên Nữ để khai thác và sẵn sàng bảo vệ quần đảo Trường Sa; đóng giữ, bảo vệ khu vực biển thềm lục địa, các bãi đá ngầm (khu DK1) của Việt Nam.
Trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều công lao, cống hiến to lớn với nhiều dấu ấn nổi bật cả về đối nội và đối ngoại. Về đối nội, đồng chí đã cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị dồn hết tâm lực cho công việc với quyết tâm và cố gắng cao nhất, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy mọi động lực mới, khai thác mọi tiềm năng để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Đồng chí thường tận dụng quỹ thời gian của mình đến các địa phương để nắm bắt tình hình thực tế ở cơ sở, nhìn rõ những thuận lợi cần khai thác, những khó khăn cần tháo gỡ; trên cơ sở đó, đã hoàn thành tốt các công việc về công tác xây dựng pháp luật, công tác cán bộ, công tác tiếp dân, công tác thi đua - khen thưởng...
Về đối ngoại, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ và thúc đẩy Việt Nam gia nhập ASEAN; cùng Bộ Chính trị chỉ đạo sát sao các bộ, ngành để mở rộng quan hệ với các nước. Đồng chí đã đi dự một số hội nghị quốc tế quan trọng; thăm chính thức và làm việc với 13 nước trên thế giới; đón tiếp 26 nguyên thủ quốc gia thăm hữu nghị chính thức và nhiều đoàn khách quốc tế tới thăm Việt Nam; tiếp nhận 90 đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài tại Việt Nam và cử 57 đại sứ của nước ta tại các nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; ký quyết định phê chuẩn 1 Hiến chương, 26 công ước, 5 hiệp ước, 35 hiệp định, 3 nghị định thư giữa Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế; trình Quốc hội phê chuẩn 1 Công ước theo quy định của Hiến pháp (Công ước quốc tế về Luật Biển); ủy quyền đàm phán và ký kết một số điều ước quốc tế khác.
5. Thừa Thiên Huế mãi tự hào về đồng chí Lê Đức Anh - một nhân cách đức độ, giản dị, gần gũi, thẳng thắn, chân thành, giàu tình yêu thương con người
Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, là cán bộ lão thành cách mạng, được tôi luyện, vào sinh ra tử, trưởng thành qua các cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Lê Đức Anh luôn giữ vững ý chí, phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; không ngừng rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao tri thức, sáng tạo, sắc sảo, quyết đoán và hành động quyết liệt trong mọi công việc. Đồng chí không ngừng phấn đấu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; luôn thể hiện rõ phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc và nhân dân lên trên hết. Khi ốm nặng và trong quá trình điều trị, mỗi lần đồng chí, đồng đội, đồng bào đến thăm, đồng chí Lê Đức Anh đều quan tâm hỏi về tình hình đất nước, về cuộc sống của người dân với tình cảm ân cần, cảm động.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều cống hiến cho Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân, đồng chí sống giản dị và vô cùng thanh bạch, là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ cả nước yêu quý, kính trọng, học tập và noi theo. Đối với đồng chí, đồng đội, không phân biệt cấp bậc, chức vụ, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, luôn quan tâm, chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ và thực hiện chế độ, chính sách hậu phương quân đội. Mặc dù là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy ở tầm chiến lược, nhưng đồng chí Lê Đức Anh luôn xông xáo, không ngại hiểm nguy, luôn có mặt ở những nơi khó khăn để chỉ đạo cách giải quyết. Trong chiến đấu và trong công việc, đồng chí rất quyết đoán, thẳng thắn và nghiêm khắc, nhưng trong sinh hoạt đời thường, đồng chí lại thương yêu, quan tâm, chăm lo và sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi với cán bộ, chiến sĩ. Dù là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhưng khi đến thăm đơn vị quân đội, đồng chí nói chuyện rất thân mật, gần gũi với các chiến sĩ trẻ. Để nắm bắt tình hình thực tế, nhìn rõ những thuận lợi, khó khăn, đồng chí luôn lắng nghe để nắm bắt tâm tư, tình cảm của nhân dân, bởi thế khi làm việc với lãnh đạo các địa phương, đơn vị, những ý kiến chỉ đạo của đồng chí rất sát đáng và phù hợp với thực tiễn. Đồng chí thường xuyên nhắc nhở lãnh đạo địa phương: “Chúng ta làm cách mạng để giành chính quyền cho nhân dân, chính quyền của dân, do dân, vì dân”. Đồng chí luôn động viên, giúp đỡ các cựu chiến binh khắc phục khó khăn; luôn quan tâm chỉ đạo giải quyết tốt các chế độ chính sách và đặc biệt đối với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã sinh ra rất nhiều thế hệ anh hùng Việt Nam. Đồng chí đã ký công bố Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người tham gia hoạt động kháng chiến, người có công với cách mạng. Cũng kể từ đó, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa và nhận phụng dưỡng suốt đời các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng được hưởng ứng sôi nổi, rộng khắp trong cả nước, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Trên cương vị Chủ tịch nước, là nguyên thủ quốc gia, đồng chí Lê Đức Anh nhiều lần dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của nước ta đến thăm các nước, các tổ chức quốc tế và ký kết nhiều hiệp định, điều ước quốc tế. Đồng chí đã để lại những dấu ấn quan trọng và tình cảm tốt đẹp với các quốc gia, cộng đồng quốc tế.
Đồng chí luôn gần gũi, chân tình, sâu sắc và nặng tình nghĩa với quê hương. Mỗi lần về quê, đồng chí thường đi thăm bà con lối xóm, ân cần thăm hỏi cuộc sống, tình hình lao động sản xuất; động viên bà con, họ hàng, con cháu quê nhà chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy tinh thần thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất để phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.
Noi gương đồng chí Lê Đức Anh và các thế hệ lãnh đạo tiền bối của Đảng, trong những năm qua, dù đứng trước muôn vàn khó khăn, phức tạp, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Kinh tế duy trì ổn định và có sự tăng trưởng khá, bình quân ước đạt 6,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước và một số tỉnh trong khu vực miền Trung; so với năm 2015, quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,6 lần; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 2.169 USD, đứng thứ 3 của vùng duyên hải miền Trung. Phát huy vị thế 4 trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao và nâng cao công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm gắn với bảo vệ môi trường. Thực hiện có hiệu quả đường lối và chính sách đối ngoại; góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Thừa Thiên Huế trong thời kỳ hội nhập. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, Đảng bộ tỉnh trong sạch, ngày càng vững mạnh và đoàn kết; quan tâm chăm lo, xây dựng đào tạo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; các biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Phú Lộc nói chung và xã Lộc An nói riêng, đã xác định nhiệm vụ cốt lõi là phải xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tăng cường sự lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng, trách nhiệm và đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vì nhân dân phục vụ; không ngừng nỗ lực thi đua lao động sản xuất, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được quan tâm và triển khai thực hiện tốt, nhiều năm liền Đảng bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh.
Kỷ niệm 100 Ngày sinh của đồng chí Lê Đức Anh (01/12/1920 - 01/12/2020) cũng là thời điểm Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang trong tỉnh đang ra sức thi đua chào mừng thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Càng vinh dự và tự hào với những truyền thống tốt đẹp của quê hương, của các thế hệ lãnh đạo tiền bối, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế càng nhận thức rõ trọng trách của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Noi gương đồng chí Lê Đức Anh, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế nguyện nỗ lực phấn đấu, ra sức hành động, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
PHAN NGỌC THỌ