Quay lại

Chỉ đạo của Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam Lê Đức Anh với Bộ Tư lệnh 779 (1981 - 1986)

Sau ngày đất nước Campuchia được giải phóng, Chính phủ hai nước Việt Nam - Campuchia ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị, hợp tác toàn diện, cam kết ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt, bằng mọi hình thức cần thiết nhằm tăng cường khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và công cuộc lao động hòa bình của nhân dân mỗi nước.
 

Trên tinh thần “giúp nhân dân nước bạn là tự mình giúp mình”, Đảng và Nhà nước ta đã điều động một lực lượng lớn cán bộ các cấp sang làm chuyên gia giúp bạn. Đến cuối năm 1980, ta đã có 22 đoàn chuyên gia trung ương, 20 đoàn chuyên gia tỉnh, thành phố sang giúp bạn. Để thống nhất lãnh đạo, chỉ huy, nâng cao hiệu suất chiến đấu và công tác của các lực lượng Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, ngày 18/5/1981, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết số 36/QUTW về tổ chức quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia và thành lập Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia (phiên hiệu Bộ Tư lệnh 719) do đồng chí Lê Đức Anh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện và đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam giúp bạn.

Để giúp bạn truy quét tàn quân địch, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam - Lê Đức Anh chỉ đạo các lực lượng: Ta giúp bạn phát động phong trào toàn dân đánh địch, địch vận, tiêu diệt và làm tan rã, suy yếu địch, đánh bại âm mưu giành dân, mở rộng chiến tranh du kích của chúng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân cùng chính quyền và các tổ chức cách mạng, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Ta sử dụng phương thức tổng hợp vừa đánh địch ngoài rừng, vừa phát động quần chúng bóc ngầm, kêu gọi người lầm đường về với cách mạng; vừa giáo dục quần chúng thực hiện “3 không, 1 báo”, vừa giúp dân sản xuất, ổn định đời sống.

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Anh, những năm 1981 - 1983, Bộ Tư lệnh Mặt trận 779 lãnh đạo chỉ huy đơn vị tổ chức đánh địch ở các trọng điểm như: căn cứ quân khu trung tâm, căn cứ Sư đoàn 920, Sư đoàn 616 ở Môn Đôn Ky Ri, núi Chi, phía đông tây sông Sen, sông Sa Tông, sông Chi Nít, ven Biển Hồ... Mặt trận còn tổ chức các lực lượng chuyên trách đánh đường dây hành lang vận chuyển, hành quân của địch với lực lượng vừa và nhỏ, trang bị gọn nhẹ bằng nhiều hình thức chiến thuật: tập kích, phục kích tiêu diệt... khi có điều kiện thì tập trung lực lượng cấp trung đoàn tiến công tiêu diệt địch. Hoạt động của lực lượng tập trung đánh địch ngoài địa hình thường xuyên gắn liền với những hoạt động tổng hợp của quần chúng, phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân đánh giặc: phát quang địa hình, xây dựng làng, xã chiến đấu, gắn chiến đấu bên ngoài với bên trong, tác chiến với xây dựng. Từ đó, ta tiêu diệt các toán địch bu bám ven các phum, căn cứ lõm gần dân, bóc gỡ địch ngầm, đẩy mạnh 3 phong trào cách mạng ở cơ sở gắn liền với kèm cặp giúp bạn trưởng thành. Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn 5 tỉnh Kam Pong Thom, Kam Pong Cham, Svay Rieng, Prey Veng, Cro Che ngày càng được củng cố. Ở Prey Veng và Svay Rieng, hoạt động vũ trang của địch hầu như không xuất hiện. Tình hình phía đông sông Mê Kông ngày càng ổn định, phía tây sông Mê Kông tuy còn phức tạp nhưng có chiều hướng phát triển tốt.

Ngày 08/6/1982, Bộ Chính trị ra Quyết định số 132-QĐ/TW về việc thành lập Ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia tại Campuchia thay cho Ban Phụ trách công tác Campuchia. Đồng chí Lê Đức Anh đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban. Nhằm giúp bạn xây dựng thực lực cách mạng mạnh lên, đủ sức đứng vững, tự đảm nhiệm toàn diện được một số địa bàn, đồng chí Lê Đức Anh đã họp bàn với Ban Cán sự 719 và ra Nghị quyết số 15A, ngày 08/2/1981. Nghị quyết nêu rõ: Công tác giúp bạn phải “xây dựng lực lượng cách mạng Campuchia ngày càng vững mạnh về mọi mặt và mạnh hơn hẳn địch, trở thành lực lượng quyết định cuối cùng thắng lợi cách mạng Campuchia” mà trọng tâm là “giúp bạn xây dựng các lực lượng vũ trang cách mạng mau chóng trưởng thành về mọi mặt, gắn bó với nhân dân, thực sự trở thành lực lượng nòng cốt của nhân dân Campuchia trong sự nghiệp bảo vệ thành quả cách mạng và bảo vệ Tổ quốc”.

Chấp hành Nghị quyết số 15A của Ban Cán sự 719, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 chỉ đạo hai Mặt trận 779, 479 phối hợp cùng bạn tăng cường kiện toàn, củng cố, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang của bạn trong địa bàn Quân khu phụ trách. Tại Mặt trận 779, ngoài các tiểu đoàn, trung đoàn thuộc Binh đoàn 4 và các đơn vị binh chủng khác mà Mặt trận có trách nhiệm xây dựng và bàn giao giúp Bộ Quốc phòng Campuchia, tính đến năm 1983, Mặt trận đã giúp 5 tỉnh của Campuchia xây dựng được 2 trung đoàn, 15 tiểu đoàn và 78 đại đội. Các đơn vị vũ trang Campuchia được trang bị đầy đủ vũ khí. Lực lượng chuyên gia của Mặt trận tổ chức giúp bạn từ cấp tiểu đoàn, trung đoàn và cử phái viên đến cấp đại đội. Đoàn Quân sự tỉnh (thuộc Mặt trận) cử chuyên gia sang giúp tỉnh đội, huyện đội của bạn. Về lực lượng dân quân, năm 1980, toàn Mặt trận phát triển được gần 35.000 người, trang bị 13.915 súng. Đến năm 1983, tăng lên gần 50.000 người, trang bị 16.724 súng. Lực lượng dân quân có chất lượng, tinh thần chiến đấu tốt, tạo được niềm tin trong nhân dân. Nhiều đơn vị dân quân của bạn đã tác chiến độc lập hoặc phối hợp tham gia tác chiến cùng ta, đánh địch, thu vũ khí, bảo vệ ấp, xã (như dân quân một số xã thuộc tỉnh Kam Pong Thom).

Trong công tác xây dựng Đảng, đoàn, tổ nòng cốt, đồng chí Lê Đức Anh chỉ đạo các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam: “Các tổ chức cơ sở bạn có mạnh thì bạn mới điều hành được công việc và cùng dân thực sự làm chủ ở xã, huyện. Trong đó công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và tổ nòng cốt ở cấp xã, huyện là then chốt nhất”. Quán triệt chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Anh, Bộ Tư lệnh Mặt trận 779 lãnh đạo chỉ huy các lực lượng phát triển được 5 ban cán sự tỉnh, 1 Đảng ủy binh đoàn, 26 chi bộ Đảng, 68 chi đoàn thanh niên, 614 tổ nòng cốt (tính đến tháng 10/1983).

Để phát động phong trào toàn dân tham gia xây dựng thực lực cách mạng, củng cố chính quyền, xây dựng ấp, xã vững mạnh, dưới sự chỉ đạo của Tư lệnh Lê Đức Anh, Bộ Tư lệnh Mặt trận 719 đã phổ biến Đề án 153, vận động xây dựng 3 phong trào (đánh địch và địch vận, xây dựng lực lượng, sản xuất) vững mạnh ở cơ sở. Tháng 7/1983, tại Hội nghị tổng kết việc hợp tác giúp đỡ về kinh tế, văn hóa, kỹ thuật giữa Việt Nam và Campuchia, đồng chí Lê Đức Anh đã nhấn mạnh: “Chúng ta phải giúp bạn mạnh lên, tự mình đảm đương cuộc đấu tranh trong thế liên minh chiến lược, chiến đấu ba nước Đông Dương... Nguyện vọng của cán bộ bạn là tha thiết muốn làm chủ lấy đất nước của mình. Một chuyên gia khi về nước mà bạn chưa trưởng thành, chưa đảm đương được nhiệm vụ là chuyên gia đó không hoàn thành nhiệm vụ, dù đồng chí đó làm việc ngày đêm... Vì thế, cần giúp bạn “nâng ba phong trào cách mạng” (đánh địch và địch vận, xây dựng lực lượng, sản xuất) lên một bước mới, với chất lượng mới”.

Thực hiện Đề án 153 của Bộ Tư lệnh 719 và chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Anh, Mặt trận 779 đã tham mưu cho bạn lựa chọn nhân sự theo quy định. Chính quyền các cấp cơ bản đảm đương được nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục hồi sản xuất, phát triển văn hoá, y tế, đánh giá được tình hình trong ấp, xã thuộc địa phương mình quản lý. Tính đến cuối năm 1983, trên địa bàn 5 tỉnh đã có sự biến đổi to lớn về nhiều mặt (so với đầu năm 1979), lực lượng bạn đã lớn mạnh, cán bộ bạn đã trưởng thành. Nhiều huyện có khả năng đảm đương được nhiệm vụ đánh địch bảo vệ địa phương, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.

Những năm 1984 - 1986, cách mạng Campuchia bước sang một giai đoạn mới. Đất nước được hồi sinh sau những nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh. Nhưng quân Pôn Pốt và lực lượng phản động được sự giúp đỡ của các thế lực bên ngoài dựa vào căn cứ ở vùng biên giới Campuchia - Thái Lan cố đẩy mạnh các hoạt động phá hoại, hòng tạo ra thế 2 vùng, 2 chính phủ có lợi cho chúng. Trước tình hình đó, đồng chí Lê Đức Anh giao nhiệm vụ trực tiếp cho các mặt trận (trong đó có Mặt trận 779) tiếp tục phối hợp với các lực lượng vũ trang Campuchia chiến đấu và bộ đội công binh làm nòng cốt giúp bạn xây dựng công trình phòng thủ biên giới (K5) nhằm tạo thế trận đánh địch, bảo vệ biên giới, hạn chế địch tiến công từ biên giới và nội địa.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh 719, những năm 1984 - 1985, Mặt trận 779 phối hợp với các lực lượng bạn mở các đợt hoạt động tổng hợp thường xuyên và cao điểm đánh vào khu vực trọng điểm có căn cứ địch ở các tỉnh phía Bắc, khu vực Biển Hồ và ở những tỉnh đã bàn giao. Kết quả, đã làm tan rã một số tiểu đoàn của Sư đoàn 920 địch, đánh thiệt hại một bộ phận Sư đoàn 612, Sư đoàn 801, Sư đoàn 417 và SRK. Qua chiến đấu, bạn bước đầu thấy trách nhiệm vai trò làm chủ trong tổ chức điều hành các hoạt động tổng hợp của Ban chỉ huy thống nhất các cấp, vai trò tham mưu của chỉ huy tỉnh, huyện đội. Nhiều trận đánh, bạn đã tác chiến độc lập và phối hợp có hiệu quả; một số tiểu đoàn, đại đội đánh địch tiến bộ, bóc gỡ được nhiều địch ngầm. Năm 1986, trước tình hình địch tập trung lực lượng lớn liên tiếp đánh vào Sithôkandal, KangMia, đồng chí Lê Đức Anh ra chỉ thị cho Mặt trận 779 tổ chức lực lượng, phối hợp với bạn triển khai xuống các phum, xã yếu, vùng ven rừng, vùng giáp ranh, vận động quần chúng đánh địch, bóc ngầm, củng cố cơ sở. Thực hiện chỉ thị của Tư lệnh Lê Đức Anh, Mặt trận đã tiến hành các đợt hoạt động lớn, kết hợp với lực lượng bạn và cấp trên đánh vào hành lang, lực lượng thâm nhập, các lõm căn cứ, các sư đoàn địch ở Môn Đôn Kiri, núi Chi, tuyến sông Sen Chi Ních, Ôsala và Biển Hồ.

Quá trình xây dựng tuyến phòng thủ biên giới, nhiều đồng chí thắc mắc, cho rằng làm công trình phòng thủ (K5) tốn kém, không cần thiết. Đồng chí Lê Đức Anh đã giải thích cho bộ đội hiểu hết ý nghĩa và giá trị thiết thực của công trình: Một là, có tuyến tuần tra biên giới thì các đơn vị vũ trang của bạn vững tâm hơn, dám đảm nhận bảo vệ tuyến đường biên thì quân tình nguyện Việt Nam mới rảnh tay thực hiện nhiệm vụ của đơn vị chủ lực, cơ động chiến lược đúng như mục tiêu mà ta và bạn đề ra. Hai là, nếu lúc đó để bạn đứng ra tổ chức những trận đánh lớn hoặc một cuộc vận động cách mạng lớn thì bạn chưa làm được; nhưng để bạn đứng ra tổ chức cho dân đào hào, trồng tre phòng thủ biên giới thì bạn làm được và làm tốt. Như vậy, công trình K5 là nơi tập dượt cho bạn biết làm công tác vận động, tổ chức quần chúng. Được sự động viên, khích lệ của Bộ Tư lệnh 719, mùa khô năm 1986 - 1987, các mặt trận (trong đó có Mặt trận 779) đã hoàn thành công trình tuyến phòng thủ biên giới (K5) và bàn giao cho bạn để bạn tiếp tục củng cố. Công trình K5 thực sự là công trình của toàn dân, toàn quân Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam. Thể hiện được tình đoàn kết, liên minh chiến đấu Việt Nam - Campuchia.

Để công tác vận động quần chúng, xây dựng thực lực cách mạng, củng cố chính quyền đạt hiệu quả cao, đồng chí Lê Đức Anh chỉ đạo tăng cường các tổ công tác của Trung ương, tỉnh cùng lực lượng các mặt trận xuống cơ sở xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và tổ chức quần chúng, củng cố tổ sản xuất. Mặt trận 779 đưa đại đội vũ trang tuyên truyền, các đội công tác cùng chuyên gia của Trung ương, tỉnh đi sâu xuống cơ sở, phum, xã phổ biến hướng dẫn các chủ trương, chính sách của cách mạng; vận động quần chúng rào làng xã chiến đấu đánh địch, binh vận, tích cực sản xuất. Qua đó, những năm 1984 - 1986, phong trào toàn dân đánh giặc, rào làng, xã chiến đấu, phát quang địa hình... phát triển mạnh mẽ, sản xuất thu mua nông sản đạt và vượt chỉ tiêu. Đời sống vật chất tinh thần nhân dân nhiều nơi được nâng lên rõ rệt. Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh, số lượng và chất lượng đảng viên tăng nhanh. Cấp ủy và chính quyền Campuchia có bước trưởng thành, cơ cấu tổ chức đảng chặt chẽ từ quân khu xuống đơn vị địa phương. Các hoạt động đánh địch tại địa phương, rào làng xã, thị trấn, thị xã, bảo vệ giao thông đều do bạn tự làm, có sự giúp đỡ của chuyên gia quân sự.

Trong công tác giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang, Mặt trận 779 giúp bạn xây dựng lực lượng cho cấp trên, đưa đi tăng cường các địa bàn trọng điểm và xây dựng lực lượng trên địa bàn Quân khu 2 vững mạnh. Đến cuối năm 1986, lực lượng vũ trang bạn cơ bản đủ 3 thứ quân, chủ lực Quân khu 2 ngày càng trưởng thành nhanh chóng về số lượng, chất lượng được nâng lên, từng bước tự làm chủ từng khu vực trọng điểm và sẵn sàng tự đảm đương toàn bộ địa bàn khi quân tình nguyện Việt Nam rút về nước.

Mười năm làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia (1979 - 1989), ta và bạn đã cùng làm nên cuộc cách mạng hồi sinh một đất nước từ tiêu điều, hoang tàn thành một quốc gia có hệ thống chính trị mới được xây dựng từ trung ương đến địa phương, kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân dần ổn định và từng bước cải thiện. Tổ chức đảng, chính quyền và lực lượng vũ trang Campuchia phát triển nhanh chóng, tự đảm đương lãnh đạo, điều hành được công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước một cách vững vàng. Để hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế là công lao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhưng chúng ta không thể không khẳng định vai trò quan trọng của Đại tướng Lê Đức Anh. Với nhãn quan của nhà quân sự chiến lược, với kinh nghiệm của vị Tư lệnh nhiều mặt trận, chiến dịch quan trọng, đồng chí đã lãnh đạo, chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (trong đó có tập thể cán bộ, chiến sĩ Mặt trận 779) bằng mồ hôi, trí tuệ và xương máu của mình hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, góp phần tô thắm thêm tình đoàn kết giữa hai quốc gia, hai dân tộc Việt Nam - Campuchia.

Đại tá, TS. LÊ HỒNG ĐIỆP