Chỉ đạo của Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam Lê Đức Anh đối với công tác bảo đảm kỹ thuật quân sự trên chiến trường Campuchia (1981-1986)
1. Chỉ đạo của Tư lệnh về xây dựng hệ thống tổ chức, lực lượng kỹ thuật quân tình nguyện phù hợp với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ trên chiến trường Campuchia
Trên chiến trường Campuchia, để thống nhất lãnh đạo, chỉ huy các mặt trận đánh địch và giúp cách mạng Campuchia, ngày 06/6/1981, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 185/QĐ-QP thành lập Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (phiên hiệu là Bộ Tư lệnh 719). Ngay sau đó, ngày 29/6/1981, Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm Thượng tướng Lê Đức Anh làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Quân tình nguyện đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất của Bộ Tư lệnh 719. Tư lệnh Lê Đức Anh đồng thời là đại diện của Bộ Quốc phòng Việt Nam bên cạnh Bộ Quốc phòng Campuchia. Về công tác kỹ thuật, Tư lệnh Lê Đức Anh được ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ huy, chỉ đạo Tổng cục Kỹ thuật; Bộ Tư lệnh các quân khu 5, 7, 9 thực hiện công tác bảo đảm kỹ thuật và xây dựng hệ thống tổ chức lực lượng kỹ thuật cho quân tình nguyện và các đơn vị hoạt động trên chiến trường Campuchia.
Cơ quan đại diện của Tổng cục Kỹ thuật tại Campuchia được chuyển thành Cơ quan Kỹ thuật Mặt trận 719. Lực lượng quân tình nguyện ở Campuchia được tổ chức thành các mặt trận: 479 và 779 (thuộc Quân khu 7), 579 (thuộc Quân khu 5) và 979 (thuộc Quân khu 9). Các mặt trận đều thành lập Cục Kỹ thuật trên cơ sở cơ quan đại diện của Tổng cục Kỹ thuật tại Campuchia để quản lý, chỉ đạo bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho quân tình nguyện và lực lượng vũ trang của bạn. Trên cương vị được giao, Tư lệnh Lê Đức Anh chỉ đạo Tổng cục Kỹ thuật, Cục Kỹ thuật các quân khu 5, 7, 9 và cơ quan kỹ thuật các mặt trận tăng cường củng cố xây dựng hệ thống tổ chức biên chế, lực lượng các đơn vị kỹ thuật ở cơ quan và cơ sở, theo đó, tháng 7/1981, thành lập Cục Kỹ thuật Mặt trận 779, biên chế các phòng Tham mưu, Quân khí và Xe - máy; các ban Chính trị và Hậu cần; Kho vũ khí đạn và Tiểu đoàn sửa chữa tổng hợp. Tháng 5/1982, thành lập Cục Kỹ thuật Mặt trận 579, biên chế các phòng Tham mưu, Quân khí, Xe - máy và Tăng thiết giáp; các ban Chính trị và Hậu cần; các kho Q20, Q22, Q25 và Xưởng sửa chữa tổng hợp 381. Giữa năm 1982, thành lập Cục Kỹ thuật Mặt trận 979, biên chế các phòng Tham mưu, Quân khí, Xe - máy và Tăng thiết giáp; các ban Chính trị và Hậu cần; Xưởng 201B, Tiền phương Xưởng 202 và Kho vũ khí đạn.
Trên cơ sở các tổ chức kỹ thuật mới thành lập, Bộ Tư lệnh 719 chỉ đạo Tổng cục Kỹ thuật và ngành Kỹ thuật các quân khu 5, 7, 9 khẩn trương điều động cán bộ, nhân viên kỹ thuật, trang thiết bị và cơ sở vật chất bảo đảm cho các cơ quan quân khí, xe máy, tăng thiết giáp và các phân đội kỹ thuật hoạt động được ngay. Riêng Tổng cục Kỹ thuật đã điều động 489 cán bộ, nhân viên kỹ thuật, 244 lái xe có năng lực, trình độ, kinh nghiệm và 19 xe công trình, 30 tấn vật tư phụ tùng ô tô để sửa chữa cho Cơ quan Kỹ thuật Bộ Tư lệnh 719. Với lực lượng sẵn có và lực lượng bổ sung, Bộ Tư lệnh 719 đã xây dựng được Tiểu đoàn sửa chữa tổng hợp ở Mặt trận 479; các mặt trận 579, 779, 979 và Quân đoàn 4, mỗi đơn vị có một xưởng sửa chữa ở khu vực cơ bản; các sư đoàn, trung đoàn và lữ đoàn binh chủng có các đại đội hoặc trung đội sửa chữa. Chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan Kỹ thuật Bộ Tư lệnh 719 cùng tiền phương cơ quan kỹ thuật các quân khu, cục kỹ thuật các mặt trận và các cơ sở kỹ thuật quân sự ở phía Nam hình thành hệ thống bảo đảm kỹ thuật cho quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên chiến trường Campuchia.
Trong điều kiện tác chiến, chiến đấu trên chiến trường Campuchia hết sức khó khăn về mọi mặt, nhưng nhờ có sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Tư lệnh 719, Tổng cục Kỹ thuật và cơ quan kỹ thuật các quân khu, cục kỹ thuật các mặt trận luôn cố gắng bảo đảm lực lượng kỹ thuật cho quân tình nguyện sát theo biên chế. Chỉ tính đến tháng 12/1983, cán bộ, nhân viên ở cục kỹ thuật các mặt trận, phòng kỹ thuật sư đoàn, ban kỹ thuật trung đoàn có từ 70 đến 85%; thợ sửa chữa của các xưởng thuộc các mặt trận 579, 779, 979 có đến 60%; thợ ở các đại đội và trung đội sửa chữa của cấp sư đoàn, trung đoàn binh chủng có 56%; lái xe ô tô các loại có 67%; lái xe tăng thiết giáp có đến 86% so với biên chế.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn trên chiến trường Campuchia, tháng 7/1981, Bộ Quốc phòng đã chỉ thị các quân khu đổi tên tiền phương bộ chỉ huy quân sự các tỉnh thành các đoàn quân sự. Thực hiện chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Lê Đức Anh đã thay mặt Bộ Tư lệnh 719 chỉ đạo các mặt trận ra quyết định về tổ chức biên chế cơ quan kỹ thuật của các đoàn quân sự ở các tỉnh. Cơ quan kỹ thuật của các đoàn quân sự được biên chế 5 người (4 sĩ quan, 1 hạ sĩ quan) do đồng chí Đoàn phó về công tác hậu cần - kỹ thuật phụ trách. Việc thành lập các đoàn quân sự đã góp phần chỉ đạo kịp thời, cụ thể, sâu sát, thực hiện tốt công tác kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu của quân tình nguyện và tạo tiền đề để xây dựng lực lượng kỹ thuật cho cách mạng Campuchia.
Kể từ năm 1981 đến năm 1984, ngành Kỹ thuật Quân đội ta đã cử nhiều đoàn chuyên gia sang giúp bạn về công tác kỹ thuật, sau đó thành lập Phòng chuyên gia kỹ thuật cho các mặt trận 479, 579, 779, 979. Theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh 719, Phòng chuyên gia kỹ thuật ở các mặt trận đã tuyển được nhiều đồng chí cán bộ kỹ thuật có phẩm chất đạo đức tốt và trình độ chuyên môn giỏi, có nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo nghiệp vụ của các chuyên ngành. Đến năm 1986, Phòng chuyên gia kỹ thuật của các mặt trận đã ổn định về tổ chức, biên chế gồm: Thủ trưởng phòng (2 người), ban kế hoạch (2 người), ban vũ khí (5 người), ban xe máy (3 người)... Việc thành lập các Đoàn quân sự và Phòng chuyên gia kỹ thuật đã góp phần chỉ đạo kịp thời, cụ thể, sâu sát, để bảo đảm thực hiện tốt công tác kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam, đồng thời giúp xây dựng lực lượng kỹ thuật cho quân đội cách mạng Campuchia.
2. Chỉ đạo công tác bảo đảm kỹ thuật cho hoạt động tác chiến của quân tình nguyện Việt Nam vào mùa khô 1984 - 1986
Sau năm 1983, mặc dù bị đánh thiệt hại nặng nề trên các địa bàn chiến lược, nhưng được các thế lực bên ngoài giúp sức, lực lượng phản động Campuchia đẩy mạnh các hoạt động phá hoại. Nắm chắc tình hình địch và yêu cầu nhiệm vụ tác chiến trên chiến trường của quân tình nguyện, Tư lệnh Lê Đức Anh giao nhiệm vụ trực tiếp cho các mặt trận tiếp tục phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tiến công các căn cứ của địch dọc biên giới Campuchia - Thái Lan, kết hợp với truy quét tàn quân địch trong nội địa, giúp nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng của bạn chủ động giành lại thế trận trên các địa bàn chiến lược và toàn bộ đất nước Campuchia vào mùa khô những năm 1984-1986.
Thực hiện quyết tâm của Bộ Quốc phòng, trong mùa khô 1984 - 1985, Tư lệnh Lê Đức Anh trực tiếp chỉ đạo Tổng cục Kỹ thuật và ngành Kỹ thuật tập trung mọi nỗ lực cao nhất để bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị tham gia tác chiến. Thực hiện nhiệm vụ, các nhà máy phía Nam của Tổng cục Kỹ thuật đã cử 23 đội sửa chữa cơ động với 256 cán bộ, thợ sửa chữa, nhân viên kỹ thuật phục vụ chiến dịch; Tổng cục điều động bổ sung 691 thợ kỹ thuật các loại và 145 lái xe cho Bộ Tư lệnh 719; các chuyên ngành cục kỹ thuật của các mặt trận và Quân đoàn 4 tăng cường lực lượng kỹ thuật bảo đảm kịp thời cho các đơn vị tham gia chiến dịch. Mặt trận 779 bảo đảm được 267 khẩu súng pháo và 31,2 tấn đạn súng cối; 22,2 tấn đạn chống tăng; 71 khẩu và 49,4 tấn đạn súng máy phòng không 12,7mm; 11.555 khẩu súng pháo và 269,6 tấn đạn súng bộ binh, 32 tấn lựu đạn…
Trên cơ sở lực lượng kỹ thuật của mặt trận và lực lượng tăng cường của Tổng cục Kỹ thuật, trước khi bước vào chiến dịch, các mặt trận, các sư đoàn, trung đoàn binh chủng đều tổ chức các tổ, đội sửa chữa trong biên chế. Các đội sửa chữa của Mặt trận 479 đã bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ và vừa 7.569 khẩu súng bộ binh; 187 khẩu cối và ĐKZ; 94 khẩu súng máy phòng không và 278 khẩu pháo cao xạ; bảo dưỡng đồng bộ 25 tấn đạn; bảo dưỡng 330 xe và sửa chữa 65 lượt xe tăng thiết giáp; kiểm tra sửa chữa toàn bộ máy thông tin trên xe tăng thiết giáp hệ 2; bảo dưỡng lần một và lần hai được 1.139 xe ôtô và sửa chữa 360 lượt xe ôtô. Mặt trận 479 còn được bố trí hai đội sửa chữa tổng hợp ở khu vực tiền phương: Đội 1, biên chế 54 người, được trang bị 2 xe công trình, 2 cần cẩu, 5 xe ôtô vận tải, máy hàn điện, máy hàn gió đá, máy nạp điện...; Đội 2, biên chế 17 người, được trang bị 2 cần cẩu, 2 đầu máy kéo... Trong chiến dịch, các đội đã sửa chữa được 709 lượt xe ôtô, 75 lượt xe tăng, 2.270 lượt súng pháo các loại; cứu kéo được 35 xe ôtô, 10 xe tăng thiết giáp và 1 khẩu pháo 122mm của bạn.
Ở Mặt trận 579, Đội cứu kéo đã cứu kéo được 92 lượt xe hư hỏng, trục vớt được 1 khẩu pháo 155mm, 1 xe M54, 1 xe ủi. Đặc biệt, trong chiến dịch này, ngành Kỹ thuật cùng ngành Hậu cần của Mặt trận 579 đã huy động được nhiều phương tiện cất chứa, cơ động, để bảo đảm đủ nước cho bộ đội ăn uống, sinh hoạt và chiến đấu trên địa hình vùng cao giữa mùa khô hạn. Tại Mặt trận 979, ngoài các đội, trạm sửa chữa của đơn vị, còn tổ chức
3 đội sửa chữa cơ động đến sửa chữa trực tiếp cho 3 sư đoàn ở tuyến 1. Tổng cục Kỹ thuật tăng cường Đội sửa chữa cơ động của Nhà máy Z751 cùng với Xưởng sửa chữa của Mặt trận 979 tập trung sửa chữa các loại vũ khí trang bị kỹ thuật từ phía trước đưa về và sẵn sàng cơ động lúc cần thiết. Ngành Kỹ thuật của Mặt trận đã bảo đảm phương tiện kỹ thuật cơ động bộ đội liên tục trên các hướng, chia cắt địch. Kết thúc chiến dịch, một phần lực lượng kỹ thuật của quân tình nguyện được lệnh rút về nước. Bộ Tư lệnh 719 chỉ đạo các đơn vị bàn giao các cơ sở bảo đảm kỹ thuật cùng vũ khí, vật tư, phụ tùng thu được của địch và tăng cường một số thợ sửa chữa kỹ thuật cho các đơn vị tiếp tục tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia.
Sau thắng lợi của chiến dịch tiến công chiến lược mùa khô 1984 - 1985, Đại tướng Tư lệnh Lê Đức Anh chỉ thị ngành Kỹ thuật điều chỉnh, ổn định tổ chức lực lượng, tăng cường bảo đảm cho các đơn vị làm nhiệm vụ phòng thủ và chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô 1985 - 1986 với nhiệm vụ truy quét và tiêu diệt các căn cứ lõm, đánh cắt hành lang, đánh địch bu bám, hỗ trợ cho quần chúng phá thế kìm kẹp của địch. Chiến dịch chủ yếu là tác chiến truy quét địch, nhu cầu sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật không nhiều nên Bộ Tư lệnh chỉ đạo cơ quan Kỹ thuật Bộ Tư lệnh 719 và ngành kỹ thuật các đơn vị tham gia chiến đấu tự thực hiện công tác bảo đảm kỹ thuật.
3. Chỉ đạo giúp Quân đội cách mạng Campuchia xây dựng và phát triển lực lượng kỹ thuật quân sự
Căn cứ tình hình thực tế công tác đối ngoại giúp Campuchia, tháng 02/1980, Bộ Chính trị quyết định thành lập Tổng đoàn chuyên gia do đồng chí Lê Đức Anh phụ trách. Tiếp đó, tháng 6/1982, Bộ Chính trị thành lập Ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia và chỉ định đồng chí Lê Đức Anh làm Trưởng ban. Tại Hội nghị hợp tác giúp đỡ về kinh tế, văn hóa, kỹ thuật giữa Việt Nam và Campuchia, thay mặt Ban Lãnh đạo Đoàn chuyên gia, Đại tướng Tư lệnh Lê Đức Anh nêu rõ: “Nguyện vọng của cán bộ bạn là tha thiết muốn làm chủ lấy đất nước của mình. Một chuyên gia khi về nước mà bạn chưa trưởng thành, chưa đảm đương được nhiệm vụ là chuyên gia đó không hoàn thành nhiệm vụ”.
Thực hiện chỉ đạo của Trưởng ban Lãnh đạo Đoàn chuyên gia và Tư lệnh 719 Lê Đức Anh, từ năm 1981 đến năm 1984, Phòng chuyên gia kỹ thuật ở tất cả các mặt trận được thành lập. Sau khi được bổ sung đủ biên chế, ổn định, Phòng chuyên gia kỹ thuật các mặt trận đã chủ động, tích cực giúp bạn chỉ đạo thực hiện công tác kỹ thuật và huấn luyện cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn của bạn. Với phương châm nói đi đôi với làm, coi trọng thực hành, thực tế nên bạn tiếp thu nhanh và vận dụng vào công tác tốt. Cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật của bạn ngày càng trưởng thành, đảm đương được nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện công tác kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang của bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu. Đồng thời, Cơ quan Kỹ thuật Bộ Tư lệnh 719 cũng đã giúp bạn tiếp nhận 376 tấn, thu hồi 1.254 tấn, điều chuyển 6.606 tấn, phân loại sắp xếp 8.000 tấn, xử lý 1.874 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật; khảo sát và sửa chữa 162 khẩu pháo các loại; sửa chữa và hiệu chỉnh 23.170 khẩu súng bộ binh; bảo quản và sửa chữa 300 tấn đạn dược. Tổ chức các đội sửa chữa cơ động sang sửa chữa tại chỗ cho bạn được 60 xe tăng, thiết giáp, 34 bộ đài thông tin trên xe, 17 xe ôtô vận tải, 100 khẩu pháo các loại, kiểm tra kỹ thuật 5.000 khẩu súng bộ binh, sửa chữa 1.760 khẩu súng pháo, 24 máy công cụ, 9 tàu; xây dựng một triền tàu ở Cô Công và trục vớt 50 chiếc tàu các loại. Với những yêu cầu về vật tư phụ tùng, những mặt hàng nào ta có thì cấp hoặc chuyển nhượng, nếu không có thì mua giúp; đặc biệt nhiều mặt hàng ta phải lấy trong số mua ở nước ngoài để viện trợ, cũng có những mặt hàng ta chịu thiếu để giúp bạn.
Từ năm 1981 đến năm 1986, được sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh 719, đứng đầu là đồng chí Lê Đức Anh, Tổng cục Kỹ thuật tiến hành giúp Campuchia xây dựng và phát triển lực lượng kỹ thuật: tháng 4/1981, khởi công xây dựng hoàn chỉnh một kho đạn có trữ lượng 2.000 tấn, một xưởng vũ khí có công suất sửa chữa 15.000 khẩu súng và 30 khẩu pháo mỗi năm. Tháng 9/1982, triển khai xây dựng Kho đạn (K82) có tổng diện tích xây dựng 1.355m2, được lắp đặt 36 tấn thiết bị. Năm 1983, xây dựng Trường Sĩ quan kỹ thuật, Trường Đào tạo lái xe - nhân viên kỹ thuật và cải tạo Trường Hạ sĩ quan kỹ thuật giúp bạn. Đồng thời, xử lý giúp bạn 500 tấn đạn cấp 5; nhận sửa chữa tại Việt Nam 30 xe ôtô, 10 xe tăng và cải tiến 300 khẩu ĐKZ82. Năm 1985, bàn giao kho chất nổ 2.000 tấn; lập phương án xây dựng xưởng sửa chữa cơ khí tổng hợp, sản xuất lựu đạn, mìn,... Tổng cục Kỹ thuật còn trang bị 75 xe thiết giáp M113 và 83 khẩu pháo, 71.559 khẩu súng; các loại đạn, lựu đạn, mìn với khối lượng 11.153,952 tấn; nhiều loại trang cụ phục vụ cho chiến đấu và tổ chức các đội sửa chữa cơ động sang sửa chữa tại chỗ giúp bạn. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật của ta đã kiểm tra xác định tình trạng kỹ thuật vũ khí, trang bị ở các sư đoàn 179, 286, 19 và 6 của bạn. Đặc biệt, tháng 5/1985, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tiên, Phó Tư lệnh, Chủ nhiệm Kỹ thuật Mặt trận 719 chỉ đạo tổ chức huấn luyện cho ngành Kỹ thuật Quân đội cách mạng Campuchia với các nội dung: công tác tham mưu kỹ thuật; tham mưu chiến dịch và chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu; công tác bảo đảm của các chuyên ngành kỹ thuật.
Từ năm 1985, quân tình nguyện Việt Nam đã cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tiêu diệt tất cả các căn cứ lớn của địch ở biên giới và bước đầu xây dựng tuyến phòng thủ biên giới (K5). Ngày 06/01/1986, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 02/QĐ-QP giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh 719 lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị quân tình nguyện và chuyên gia quân sự tiếp tục giúp bạn xây dựng Công trình K5. Công trình dài hơn 600km, trải dọc tuyến biên giới giữa Campuchia và Thái Lan gồm hệ thống tổ chức phòng thủ tập trung bộ đội chủ lực trên các trọng điểm và công sự chiến hào. Trong khi công trình K5 sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật, Tư lệnh Lê Đức Anh nhấn mạnh: “phải chuẩn bị ngay từ nay kế hoạch thật tỉ mỉ..., chuẩn bị lực lượng, vật tư công cụ chu đáo... các phương tiện bảo đảm phải đến tận tay người lao động để đạt được chất lượng theo yêu cầu và không lãng phí”. Dưới sự chỉ đạo của Tư lệnh, các bộ phận giúp bạn làm kế hoạch, cung ứng vật tư và quản lý thi công bảo đảm thời gian và đáp ứng về kỹ thuật. Mặt trận 479 bố trí chông sắt trên một khu vực rộng với diện tích 530.000m2, trải dài 82km. Sư đoàn 315 bố trí bãi mìn xung quanh các điểm cao, với chính diện rộng 14km và chiều sâu 4,5km. Sư đoàn 307 lập hệ thống vật cản gồm lưới dây thép gai bùng nhùng, rải chông chân chim dưới đáy hào; bố trí 32.788 quả mìn chống bộ binh, 288 quả mìn chống tăng.
Để bảm đảm vũ khí, trang bị cho Công trình K5, Tư lệnh Lê Đức Anh chỉ đạo Tổng cục Kỹ thuật giao cho các cơ sở phía Nam sản xuất một khối lượng lớn mìn M82, cải tiến súng bộ binh và sản xuất nhiều quân cụ, phụ tùng kỹ thuật theo yêu cầu trang bị cho từng chốt. Đặc biệt, theo yêu cầu của bạn, ta đã chi viện một số lượng lớn pháo, súng bộ binh, đạn, mìn... Số lượng vũ khí đạn này được bàn giao cho bạn tại cụm cứ điểm K5 an toàn, đầy đủ. Ngoài ra, còn giao cho hai nhà máy Z133 và Z153 tổ chức đào tạo, bồi dưỡng 30 cán bộ kỹ thuật và cử 5 chuyên gia sang giúp bạn về bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật cho tuyến phòng thủ Công trình K5.
Đến giữa năm 1986, quân tình nguyện Việt Nam cùng các lực lượng cách mạng Campuchia hoàn thành cơ bản nhiệm vụ xây dựng các hạng mục công trình đúng thời gian quy định, hình thành tuyến phòng thủ dọc vùng biên giới phía Tây Campuchia. Giá trị của công trình K5 đúng như kết luận của Tư lệnh Lê Đức Anh tại Hội nghị sơ kết Đợt 1 mùa khô (1985 - 1986) là “Hình mẫu để khai thác các công trình chiến đấu cơ bản, lâu dài, sẵn sàng đối phó với chiến tranh”; đồng thời, thể hiện tinh thần quốc tế cao đẹp, tình đoàn kết, chiến đấu vì độc lập, tự do của hai dân tộc hai nước.
Những kinh nghiệm chỉ đạo về công tác bảo đảm kỹ thuật của Đại tướng Lê Đức Anh, Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Campuchia trong những năm 1981 - 1986 đã để lại những bài học quý, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với Tổng cục Kỹ thuật và ngành Kỹ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam; bảo đảm kịp thời, đồng bộ số lượng và chất lượng vũ khí trang bị kỹ thuật cho quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia chiến đấu, đánh bại tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari, giúp nhân dân và quân đội cách mạng Campuchia xây dựng và bảo vệ đất nước. Đảng ủy, chỉ huy, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công nhân viên chức quốc phòng trong Tổng cục Kỹ thuật, những “người lính thợ kỹ thuật” luôn nêu cao tinh thần cách mạng, ý chí quyết tâm, tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, khắc phục khó khăn, gian khổ, phát huy truyền thống “Chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường” giữ vững và tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, gắn bó giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Thiếu tướng TRẦN MINH ĐỨC