Quay lại

Chặng đường đầu tiên hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Đức Anh

Ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế có một người trai trẻ sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng; năm 1937, khi mới 17 tuổi. Đến tháng 5/1938, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Người đó là Lê Văn Giác tức Lê Đức Anh.
 

Đồng chí Lê Đức Anh sinh năm 1920, tuổi Canh Thân. Đồng chí được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương lúc phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ đang phát triển mạnh mẽ, nhưng chỉ 2 năm liền sau đó, sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp điên cuồng đàn áp đẫm máu phong trào cách mạng.  Lúc đó, hầu như đa số đảng viên cộng sản đều phải tìm mọi cách tồn tại, rút vào hoạt động bí mật để bảo toàn lực lượng và dần gây dựng lại cơ sở và phong trào cách mạng. Trong bối cảnh đó, đảng viên trẻ Lê Đức Anh đã lặng lẽ rời Huế, vào Đà Nẵng rồi lên Đà Lạt để tính phương án hoạt động mới. Đồng chí Lê Đức Anh làm thuê cho chủ một biệt thự người Pháp, hằng ngày quét dọn biệt thự, quét lá thông của cả quả đồi xung quanh biệt thự với lương 15 đồng một tháng. Tiền ăn đã hết 12 đồng, làm thuê được hai tháng, nhận thấy phải học lấy một nghề kiếm tiền đủ sinh sống, để tiếp tục hoạt động cách mạng, ông sang ngôi biệt thự kề bên, xin làm thêm việc ngoài giờ là đứng xay thịt làm patê, xúc xích, dăm bông và học đánh máy chữ... Từ việc làm thêm này, ông có thu nhập thêm 3 đồng/tháng. Rồi thật may mắn, thấy patê xúc xích ông làm ăn rất ngon nên một ông chủ người Tây khác đã thuê và đưa ông xuống đồn điền cao su Lộc Ninh, giao cho hai việc: vừa làm patê, xúc xích để chủ dùng, vừa đi phát thực phẩm cho các “làng cu ly cao su” của đồn điền, với mức lương 45 đồng/tháng.

Xin được nói rõ thêm rằng, trong quãng thời gian làm thuê tại đồn điền cao su Lộc Ninh, đồng chí Lê Đức Anh không hề phải làm các việc cuốc, cày và cạo mủ, mà hằng ngày ông làm trong xưởng thịt nguội, rồi ngồi trên xe cam nhông đi phát thực phẩm cho các “làng cu ly”. Vì thế nên về sau này, một vài người đố kỵ với ông, ác ý nói rằng “Lúc đó ông là cai, quản lý và đã đánh đập công nhân”. Thực chất, người chủ đồn điền gọi ông là “cạprằng”, chức vụ tương đương như người đội trưởng một đội cu ly cao su. Đồng chí Lê Đức Thọ (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương) lúc sinh thời đã từng nói: Chính ông Thọ cũng đã từng là một cạprằng; tiếng Pháp là Capôran Đề Capôrô, cũng chỉ là người làm thuê. Ngay cả Đờ Lalan, Trưởng đồn điền và Manđôn, Phó đồn điền Lộc Ninh cũng là người làm thuê cho vị chủ Tây ở Pháp. Với đồng chí Lê Đức Anh, đây là một công việc mới, ông vừa có thu nhập khá, lại vừa được đi lại gần như tự do, cả hai đều là điều kiện tốt cho việc bắt mối và gây dựng cơ sở phong trào cách mạng.

Điều đầu tiên ông nhận thấy, ngoài giờ lao động, công nhân chỉ biết uống rượu và đánh bạc, ăn ở thì bẩn thỉu và nhếch nhác. Mà khi công nhân làm thuê đã bị tha hóa thì chủ Tây càng coi khinh và thẳng tay đánh đập, cúp lương... Ông trao đổi với tổ trưởng các tổ công nhân (lúc đó gọi là Thầy Xu) tiến hành sắp xếp lại chỗ ăn ở, tổ chức trồng rau xanh cải thiện bữa ăn, bỏ dần nạn đánh bạc, tối ngủ mắc màn và thực hành khoán trong lao động để nâng cao năng suất. Từ những thay đổi này, công nhân đã ý thức được và nâng cao lòng tự trọng, thay đổi nếp sống của mình. Năng suất lao động tăng, thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, chủ Tây thêm hài lòng vì sản phẩm thu được nhiều hơn. Vì thế, khi các cu ly tụ tập ngoài giờ làm, chủ Tây cũng làm ngơ. Đây cũng là điều kiện tốt để đồng chí Lê Đức Anh lựa chọn các nhân tố tích cực gây dựng tổ chức cách mạng đầu tiên tại đồn điền.

Đọc báo chí, thấy bên “chính quốc” (nước Pháp) có tổ chức nghiệp đoàn, đồng chí Lê Đức Anh bèn xin chủ Tây cho công nhân cao su tổ chức ra nghiệp đoàn của mình, chủ Tây buộc phải đồng ý. Thế là, dưới con mắt của chủ Tây, “nghiệp đoàn phu cao su” chỉ là tổ chức nghề nghiệp ái hữu, chẳng có hại gì, nhưng thực chất là tổ chức của phong trào công nhân do những đảng viên cộng sản lãnh đạo. Khi phong trào phát triển nhanh và vững ở đồn điền Lộc Ninh, đồng chí Lê Đức Anh cùng chi bộ cộng sản đưa phong trào phát triển rộng ra các đồn điền lân cận: Quản Lợi, Xa Cam, Xa Cát, Xa Trạch... Ngày đồng chí Lê Đức Anh tìm về Sài Gòn để bắt liên lạc với tổ chức đảng ở đây thì ở vùng đồn điền cao su Lộc Ninh đã có một phong trào công nhân phát triển và những “Nghiệp đoàn phu cao su” khá vững mạnh. Khi các đảng viên cộng sản: Nguyễn Văn Trấn, Văn Công Khai, Nguyễn Văn Trung, Lê Đức Anh... gặp nhau tại nhà in Phú Hữu ở đường Galylê, Sài Gòn, tất cả đều vui mừng, vì phong trào cách mạng của những người cộng sản không những không bị dập tắt vì cuộc khủng bố tàn bạo của thực dân Pháp sau khởi nghĩa Nam Kỳ, mà nó vẫn tồn tại và đang ngày càng phát triển.

Sang năm 1943, ba đảng viên cộng sản hoạt động ở địa bàn Thủ Dầu Một là đồng chí Văn Công Khai, đồng chí Nguyễn Văn Trung và đồng chí Lê Đức Anh đã tổ chức cuộc họp đầu tiên tại nhà ông Sáu Trạng ở thị trấn Bến Cát. Họ bàn bạc và phân công nhau: đồng chí Văn Công Khai vẫn trong vỏ bọc “thợ hớt tóc dạo” trên tuyến đường bộ Sài Gòn - Thủ Dầu Một - Dầu Tiếng; đồng chí Nguyễn Văn Trung hoạt động trên tuyến đường sắt Sài Gòn - Chơn Thành - Lộc Ninh; đồng chí Lê Đức Anh tiếp tục nhân rộng phong trào công nhân ở vùng đồn điền cao su để sẵn sàng đón thời cơ của cách mạng.

Tháng 2/1944, Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở đồn điền Cao su Lộc Ninh được thành lập với 5 đảng viên gồm: đồng chí Lê Đức Anh là Bí thư Chi bộ và các đồng chí đảng viên là: đồng chí Lộc - nhân viên bưu điện, đồng chí Ba Đèn - thợ điện, đồng chí Hai Lực - thợ nguội và đồng chí Cứng - lái xe. Đồng chí Nguyễn Văn Gián, người gốc Chợ Lớn, vì ông là người phụ trách nhà đèn và hệ thống điện của khu đồn điền, nên mọi người quen gọi “ông là Ba Đèn”. Ông Ba Đèn có con trai là Nguyễn Văn Định (tức Bửu Định) làm ở xưởng cơ khí. Thông qua con trai, đồng chí Nguyễn Văn Gián đã tổ chức được nghiệp đoàn cơ khí. Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp giành quyền cai trị Đông Dương. Ở các đồn điền cao su, bọn chủ Tây bị bắt giam, bọn Nhật chỉ dùng lại một vài người Pháp có kỹ thuật để cai quản đồn điền. Vì thế, sự quản lý với công nhân có phần lỏng lẻo hơn trước. Đây chính là thời cơ để chi bộ đồn điền cao su Lộc Ninh phát triển cơ sở và phong trào cách mạng. Cùng với Hội cứu quốc người Kinh”, đồng chí Lê Đức Anh đã thành lập “Hội người Việt Nam mới” cũng là đội bán vũ trang để chuẩn bị khởi nghĩa tại hai quận là Hớn Quản và Bù Đốp, trong đó có hơn 40 người dân tộc Stiêng.

Tháng 8/1945, khi phát xít Nhật buộc phải đầu hàng đồng minh, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một triệu tập cuộc họp ở xã Phú Cường, huyện Châu Thành, có đại diện Xứ ủy là đồng chí Tư Chùa, để bàn chủ trương phát động quần chúng nhân dân trong tỉnh đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị phân công Bí thư Tỉnh ủy Văn Công Khai làm Trưởng ban Khởi nghĩa, Phó Bí thư Nguyễn Văn Tiết, phụ trách Mặt trận Việt Minh tỉnh, đồng chí Lê Đức Anh là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách tổ chức và quân sự. Đồng chí Lê Đức Anh được giao nhiệm vụ phụ trách khởi nghĩa giành chính quyền ở Hớn Quản và Bù Đốp.

Với cơ sở và phong trào cách mạng mạnh mẽ đã xây dựng được từ trước, ngày 23/8/1945, đồng chí Lê Đức Anh cùng những người cộng sản ở đây đã phát động công nhân các đồn điền cao su và đồng bào dân tộc ở Hớn Quản và Bù Đốp đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Quần chúng cách mạng khí thế dâng cao kéo quân về giành chính quyền ở tỉnh lỵ Thủ Dầu Một vào đêm 24 rạng ngày 25/8/1945.

Quận Hớn Quản nơi đồng chí Lê Đức Anh được giao phụ trách là một vùng rộng lớn, bao gồm cả vùng Lộc Ninh và Quản Lợi. Giành chính quyền xong, đồng chí Lê Đức Anh đề xuất bác sĩ Hồ Văn Huê làm Chủ tịch Công ty cao su Quản Lợi đồng thời là Chủ tịch Ủy ban hành chính quận Hớn Quản. Đề xuất này ban đầu khiến một số người băn khoăn, nghi ngại, nhưng thực tiễn hoạt động về sau đã chứng minh đề xuất đó là đúng đắn. Bác sĩ Hồ Văn Huê đã đảm đương tốt nhiệm vụ được giao, tham gia kháng chiến chống Pháp tích cực, trở thành đảng viên cộng sản và đã hy sinh anh dũng trong kháng chiến. Đội vũ trang của quận Hớn Quản do đồng chí Lê Đức Anh thành lập và chỉ huy, tuy gọi là trung đội, nhưng quân số lên đến hơn 100 người, trong đó có hơn 40 anh em là người dân tộc Stiêng, trang bị chủ yếu là vũ khí thô sơ với cung nỏ vác vai, bao tên tẩm độc đeo ngang hông. Vì thế, nhân dân trong vùng quen gọi là “Đội quân áo nâu”, “Đội quân Lê Đức Anh”...

Trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng  Tám năm 1945, hầu hết các địa phương ở miền Đông Nam Bộ đều tổ chức ra đội vũ trang của mình, trong đó “Đội quân áo nâu” của Hớn Quản là đơn vị mạnh, quy củ và được trang bị nhiều súng đạn nhất. Sau này, đồng chí Lê Đức Anh có kể lại: “Hồi đó, súng đạn của chúng tôi có từ ba nguồn: Một số thu được của lính Patigiăng, một số lấy trong kho của quân Nhật, Pháp ở đồn điền, và một nguồn chúng tôi tự mua sắm. Lúc đó Nam Vang với Nam Bộ thông thương, tôi trực tiếp sang tỉnh Carachiê của Campuchia để mua súng đạn. Lúc đầu, tay Tỉnh trưởng cho người chặn đường thu súng. Chúng tôi đấu tranh, bà con Việt kiều biếu quà, nên tay Tỉnh trưởng cũng nhất trí cho chúng tôi mang vũ khí về. Việt kiều yêu nước ở Campuchia cũng tổ chức mua súng gửi về cho chúng tôi. Số súng đạn tôi sang mua, anh chị em Việt kiều cũng trả tiền, khoảng trên dưới 100 khẩu. Tôi còn nhớ người trực tiếp giúp có tên là Vượng, sau này anh về nước công tác ở ngành bưu điện”.

Cuối tháng 9/1945, thực dân Pháp gây hấn, nổ súng xâm lược Nam Kỳ lần thứ hai. Lúc này, mọi người càng nhận thấy sự “lo xa”, tầm nhìn của đồng chí Lê Đức Anh trong việc xây dựng lực lượng vũ trang của quận, tích cực mua sắm vũ khí là quý giá biết bao. Và ngay lúc đó, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu, đồng chí Lê Đức Anh đã tổ chức cho hai xe cam nhông của Sở Cao su, chọn trong “Đội quân áo nâu” 1 tiểu đội có súng đạn và 3 tiểu đội mang cung nỏ từ Lộc Ninh - Hớn Quản về phối hợp chiến đấu chống quân Pháp xâm lược cùng quân và dân Sài Gòn - Gia Định. “Tại Mặt trận số 2 (còn gọi là Mặt trận tiền tuyến phía Bắc hay Mặt trận Tham Lương), bộ đội của ta chiến đấu rất dũng cảm. Tại mặt trận này, đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy một đoàn xe tải chở những “Đội quân áo nâu”, súng đạn và tên ná từ các đồn điền Lộc Ninh, Hớn Quản chi viện, tiến về Sài Gòn, bao vây, kìm chân quân địch để các nơi khác của Nam Bộ có thêm thời gian chuẩn bị kháng chiến chống quân Pháp xâm lược”...

Từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1947, ở các tỉnh Nam Bộ, tuy nơi trước nơi sau, nhưng đều lần lượt tổ chức các chi đội võ trang mà nòng cốt là các đội vũ trang tập trung của chính quyền cách mạng phát triển lên. Lúc đó, trên toàn Nam Bộ có khoảng 25 chi đội, trong đó Chi đội 1 của tỉnh Thủ Dầu Một ra đời sớm nhất và cũng là chi đội mạnh nhất vì lực lượng đông đảo, tổ chức quy củ, được trang bị nhiều súng đạn nhất. Tổ chức chi đội có bốn cấp: Tiểu đội, phân đội, đại đội, chi đội, trong đó đại đội tương đương tiểu đoàn, chi đội tương đương trung đoàn sau này. Trước khi Chi đội 1 ra đời, đội vũ trang do đồng chí Lê Đức Anh tổ chức đã phát triển tương đương 3 đại đội. Ngày 25/11/1945, Chi đội 1 Vệ quốc đoàn của tỉnh Thủ Dầu Một chính thức thành lập, gồm 3 đại đội vũ trang Hớn Quản hợp nhất cùng các lực lượng như: Đội Tự vệ xung kích do Nguyễn Văn Thi (Năm Thi) chỉ huy, lực lượng thanh niên chiến đấu của 4 xã do Đoàn Hữu Hòa chỉ huy, lực lượng Bảo an binh theo cách mạng do Bùi Khánh Ngươn và Nguyễn Sơn Xuyên chỉ huy, lực lượng công chức và Cảnh sát cũ yêu nước do Kiều Đắc Thắng và Huỳnh Kim Trương chỉ huy, cùng một số đơn vị vũ trang của công nhân và trí thức từ Sài Gòn lên. Ngày đầu thành lập, Huỳnh Kim Trương làm Chi đội trưởng, Nguyễn Khắc Cần làm Chính trị viên, Nguyễn Văn Thi làm Chi đội phó. Chi đội có 3 đại đội, trong đó Đại đội 3 do Nguyễn Văn Ngọ (tức Quỳ) làm Đại đội trưởng, Lê Đức Anh làm Chính trị viên. Chi đội vẫn đảm nhiệm vùng Lộc Ninh - Hớn Quản - Bến Cát. Sau đó, theo yêu cầu của Xứ ủy Nam Bộ tăng cường người cho Đài Phát thanh Nam Bộ và xuất phát từ chủ trương của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, đồng chí Lê Đức Anh lên làm Chính trị viên Chi đội 1 thay cho Nguyễn Khắc Cần chuyển về công tác ở Đài Phát thanh Nam Bộ.

Việc thành lập các chi đội Vệ quốc đoàn đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Xứ ủy Nam Bộ. Kể từ đây, đồng chí Lê Đức Anh chính thức bước vào cuộc đời binh nghiệp gian khổ nhưng đầy vẻ vang của mình, cũng là lĩnh vực mà ông đã thể hiện được những phẩm chất của mình - phẩm chất của một người chỉ huy xuất sắc, có tầm nhìn chiến lược, có chiến thuật tài tình và linh hoạt xử lý các tình huống phức tạp, một nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, quân đội và Nhân dân ta.

Đại tá Khuất Biên Hòa