Quay lại

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị trong quân đội nhân dân Việt Nam

Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng trận mạc, một nhà chỉ huy xuất sắc, có tầm nhìn chiến lược, có chiến thuật tài tình và xử lý linh hoạt các tình huống phức tạp, trọn đời phấn đấu, công hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta.
 

Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng gắn với nhiều chiến trường Nam, Bắc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả trên chiến trường nước bạn. Đại tướng đã dành phần nhiều công sức, thời gian để chăm lo xây dựng và góp phần vào sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Ông từng chỉ huy bộ đội tham gia những trận đánh, chiến dịch quan trọng, những sự kiện mang tính bước ngoặt của chiến tranh như: Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, cuộc chiến đấu chống lấn chiếm vùng giải phóng năm 1973, chiến dịch Đường 14 - Phước Long cuối năm 1974 - đầu năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh dân tộc.

Là một vị tướng tài ba, một nhân cách đức độ, giản dị, gần gũi, từng trải và trưởng thành từ trận mạc, Đại tướng là một trong số ít những cán bộ quân đội đã trải qua cả bốn chiến trường trong suốt 40 năm: Tham gia 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp; tham gia chỉ huy tại chiến trường miền Nam chống đế quốc Mỹ trong 11 năm (1964 - 1975); chỉ huy chiến trường Campuchia trong 7 năm (1979 - 1986); tham gia chỉ huy chiến trường biên giới phía Bắc trong 3 năm (1986 - 1989). Chính vì thế, Đại tướng rất thấu hiểu tầm quan trọng đặc biệt của việc xây dựng sức mạnh chiến đấu của quân đội.

Từ tháng 02/1987 đến tháng 8/1991, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, trước những biến động phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, đồng chí đã cùng Đảng ủy Quân sự Trung ương tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều quyết sách về quân sự, quốc phòng phù hợp với diễn biến tình hình mới. Trong đó có những quyết định táo bạo, đúng đắn như việc giảm quân số từ 1,5 triệu người xuống còn 45 vạn, điều chỉnh thế bố trí chiến lược về quân sự trên phạm vi cả nước, nhất là ở biên giới phía Bắc, triển khai xây dựng khu vực phòng thủ và thế trận quốc phòng toàn dân...; đồng thời, vận dụng đúng đắn đường lối chính trị, quân sự của Đảng, từng bước xây dựng kế sách giữ nước một cách toàn diện, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân; chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và biển, đảo của Tổ quốc, làm tốt nhiệm vụ quốc tế, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống. Đặc biệt, Đại tướng luôn luôn quan tâm chăm lo xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện, có sức mạnh to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình ấy, Đại tướng rất chú trọng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Đại tướng từng khẳng định: “Trong nhiệm vụ xây dựng quân đội, chúng ta phải kiên trì nguyên tắc xây dựng quân đội lấy chính trị làm cơ sở. Phải từng bước đổi mới các mặt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, nâng cao chất lượng và hiệu quả xây dựng quân đội về chính trị, lấy việc củng cố nguyên tắc và kiện toàn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng làm trọng tâm, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là khâu then chốt, phát huy bản chất và truyền thống cách mạng tốt đẹp của Đảng, của quân đội, bảo đảm cho quân đội vững vàng về chính trị trong mọi tình huống diễn biến phức tạp, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp của quân đội, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”.

Vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, trước yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân “theo hướng chính quy, ngày càng hiện đại, có chất lượng tổng hợp ngày càng cao, lấy chất lượng chính trị làm cơ sở”, Đại tướng đã đưa ra quan điểm: “Phải nắm vấn đề cấp bách quan trọng bậc nhất hiện nay là triển khai thực hiện quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp..., đồng thời giải quyết vững chắc nhu cầu về cán bộ cơ sở, khắc phục tình hình mất cân đối để từng bước đi vào ổn định số lượng, tỷ lệ và cơ cấu cán bộ, giữ gìn và từng bước nâng cao chất lượng”2. Theo đó, Đại tướng rất quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp trong quân đội nói chung và đội ngũ cán bộ chính trị nói riêng.

Không chỉ chỉ đạo chung về nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong các học viện, nhà trường quân đội, Đại tướng còn có những chỉ đạo rất cụ thể về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị các cấp. Tháng 01/1990, trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng đã đến thăm và làm việc với Học viện Chính trị quân sự (nay là Học viện Chính trị) - trung tâm giáo dục, đào tạo cán bộ chính trị và nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn hàng đầu của quân đội. Tại đây, Đại tướng biểu dương Học viện đã quán triệt đường lối đổi mới của Đảng, đổi mới toàn diện công tác giáo dục, đào tạo, đưa cải cách giáo dục đi vào chiều sâu, bên cạnh đó Đại tướng còn chỉ rõ tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục cho đội ngũ cán bộ chính trị, đặc biệt là cán bộ cao cấp để họ nắm vững những quan điểm, nguyên tắc đổi mới của Đảng. Đại tướng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc giáo dục truyền thống yêu nước và quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, học viên nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, Đại tướng đã chỉ thị cho Học viện phải tổ chức tốt việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chính trị trong toàn quân, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị cho cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược (gọi tắt là lớp Bổ túc A). Đồng thời, Đại tướng yêu cầu Học viện phải quan tâm công tác tổng kết, rút kinh nghiệm các khoá đào tạo, các lớp bồi dưỡng cán bộ chính trị để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Theo Đại tướng, trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị phải thực hiện đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, tiếp tục đưa cải cách giáo dục đi vào chiều sâu. Đẩy mạnh đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy - học, hướng vào thực hiện mục tiêu nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa, kiên trì con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị của quân đội có năng lực chuyên môn tốt, có kỷ luật cao, phẩm chất lối sống trong sạch, lành mạnh, bảo đảm cho cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quyết định vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Đại tướng yêu cầu phải chú trọng trang bị kiến thức toàn diện, nhất là kiến thức, kỹ năng tiến hành công tác đảng, công tác chính trị để từng bước đổi mới các mặt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, nâng cao chất lượng và hiệu quả xây dựng quân đội về chính trị. Theo đó, để đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội có đủ phẩm chất, năng lực, phát huy được vai trò, vị trí, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ chính trị và biết chỉ đạo, tổ chức thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, trực tiếp tạo sự vững mạnh về chính trị của quân đội thì điều mấu chốt là phải đào tạo, bồi dưỡng họ một cách toàn diện, trong đó chú trọng trang bị những kiến thức, kỹ năng chuyên môn công tác đảng, công tác chính trị. Do đó, trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị phải trang bị đầy đủ hệ thống kiến thức cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, pháp luật, quản lý nhà nước,... nhất là tập trung bồi dưỡng, trang bị kiến thức chuyên sâu, kỹ năng, kinh nghiệm chỉ đạo, tiến hành hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, có khả năng giải quyết các vấn đề nảy sinh trong hoạt động thực tiễn tại đơn vị.

Quá trình đào tạo, bồi dưỡng phải thường xuyên bồi dưỡng rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống cho đội ngũ cán bộ chính trị và đòi hỏi mỗi học viên phải kết hợp giữa học tập với rèn luyện không ngừng nâng cao năng lực và phẩm chất của người cán bộ chính trị trong quân đội đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ cơ bản lâu dài cho yêu cầu xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, đồng thời là những tấm gương cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị noi theo. Theo Đại tướng, trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân đội nói chung, cán bộ chính trị nói riêng phải phát huy sự nỗ lực, tích cực, tự giác học tập, rèn luyện hoàn thiện phẩm chất, năng lực, phong cách và tác phong công tác của người cán bộ quân đội.

Năng lực chuyên môn và phẩm chất của người cán bộ có được là phải nhờ quá trình học tập, rèn luyện. Những kiến thức nhà trường trang bị chỉ là những vấn đề cơ bản có tính định hướng, hướng dẫn về phương pháp. Điều quan trọng nhất để tự hoàn thiện nhân cách, xây dựng phong cách và tác phong công tác của mình đòi hỏi mỗi cán bộ phải thực sự nỗ lực, không ngừng tự học tập, tự rèn luyện. Vì thế, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị phải thực hiện phương châm biến quá trình đào tạo, bồi dưỡng thành tự đào tạo, tự bồi dưỡng; chú trọng cả đào tạo và giáo dục hướng vào nâng cao năng lực và xây dựng, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức lối sống cho đội ngũ cán bộ chính trị. Chỉ khi nào phát huy được sự nỗ lực, tích cực, tự giác học tập, rèn luyện hoàn thiện phẩm chất, năng lực, phong cách và tác phong công tác của người học mới tạo chuyển biến trong nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.

Là một vị tướng có nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn ở chiến trường vào những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Đại tướng Lê Đức Anh rất quan tâm đến công tác tổng kết chiến tranh. Trong hồi ký “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng”, Đại tướng viết đã có hai lần đề nghị với cấp trên xin không nhận chức vụ cao hơn khi được bổ nhiệm để dành thời gian làm công tác tổng kết. Tuy nhiên, nguyện vọng đó không được Trung ương chấp nhận. Vì thế, khi làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trong chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị của quân đội, Đại tướng lưu ý phải chú trọng tổng kết, rút kinh nghiệm để không ngừng nâng cao chất lượng. Trong dịp Đại tướng về thăm Học viện Chính trị (tháng 01/1990), sau khi nghe báo cáo tình hình lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị cho cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược (lớp Bổ túc A khoá I) tại Học viện Chính trị, khai giảng ngày 05/9/1989 gồm 22 đồng chí, trong đó có 7 đồng chí Thiếu tướng, 14 đồng chí Đại tá và 1 đồng chí Trung tá, Bộ trưởng đã lưu ý đây là lớp bồi dưỡng đầu tiên nên phải chú trọng nâng cao chất lượng và kịp thời sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy cho các khoá tiếp theo để không ngừng nâng cao chất lượng.

Là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam, Học viện Chính trị đã quán triệt sâu sắc những quan điểm của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về đổi mới giáo dục, đào tạo và thực hiện nghiêm túc những lời huấn thị của Đại tướng Lê Đức Anh khi về thăm Học viện cách đây hơn 30 năm. Từ đó đến nay, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị của Quân đội, đặc biệt là trong 15 năm tiến hành đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chính ủy cấp trung, sư đoàn, Học viện đã không ngừng hoàn thiện mô hình, mục tiêu, yêu cầu đào tạo và thường xuyên đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy - học, hướng vào đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng với chức trách, nhiệm vụ đảm nhiệm khi ra trường. Những năm gần đây, với chủ trương: tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới toàn diện, đồng bộ giáo dục và đào tạo, tiếp tục đột phá đổi mới nội dung gắn với đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học theo mô hình, mục tiêu đào tạo, Học viện Chính trị đã đào tạo, bồi dưỡng hàng ngàn cán bộ chính trị cấp trung, sư đoàn có đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao khi ra trường, góp phần xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Lê Đức Anh và cũng để tưởng nhớ anh linh Đại tướng sau gần hai năm đi vào cõi vĩnh hằng, nghiên cứu, tìm hiểu, làm rõ hơn những đóng góp của Đại tướng đối với cách mạng, đối với nhân dân, đối với quân đội, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam là điều rất cần thiết. Cuộc đời hoạt động và cống hiến cách mạng của Đại tướng đối với đất nước, nhân dân, nhất là đối với quân đội đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân, quân đội ghi nhận. Trong đó, không thể thiếu, không thể quên sự đóng góp của Đại tướng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Chính sự đóng góp ấy góp phần khẳng định Đại tướng Lê Đức Anh thực sự là “một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta” như đánh giá của cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Đỗ Mười.

Trung tướng, PGS.TS. NGUYỄN VĂN BẠO