Quay lại

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh chỉ đạo nâng cao chất lượng thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Đại tướng Lê Đức Anh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo đức độ, giản dị, người chỉ huy tài ba. Trong thời gian giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (từ tháng 02/1987 đến tháng 8/1992), với tầm nhìn chiến lược sắc sảo, Đại tướng Lê Đức Anh đã cùng tập thể Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, trong đó chú trọng chỉ đạo nâng cao chất lượng thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 

Khi đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới, ngày 02/01/1987, Đảng ủy Quân sự Trung ương đã ra Nghị quyết số 06/NQ-ĐUQSTW về nhiệm vụ quân sự năm 1987. Nghị quyết nêu rõ: “Trong năm 1987, chấn chỉnh một bước tổ chức quân đội theo Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị. Có kế hoạch phòng thủ đất nước dài hạn, xây dựng kế hoạch tổ chức lực lượng vũ trang dài hạn đến năm 1990. Trong quá trình thực hiện phải nắm vững yêu cầu chấn chỉnh một bước tổ chức quân đội, không chỉ giảm bớt quân số mà còn làm cho tổ chức quân đội hợp lý, gọn, mạnh, đủ sức chiến đấu cao. Đi đôi với điều chỉnh quân số, tạo bước chuyển biến lớn về chất lượng tổng hợp và kỷ luật quân đội”.

Đối với Binh chủng Thông tin liên lạc, thời điểm này điều kiện bảo đảm cho thông tin liên lạc còn hạn hẹp, gặp nhiều khó khăn. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương, sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đại tướng Lê Đức Anh, Binh chủng Thông tin liên lạc đã khắc phục mọi khó khăn, tập trung hoàn thiện mạng lưới, củng cố các công trình thông tin cấp chiến lược, chiến dịch, nâng cao chất lượng liên lạc trên toàn mạng bằng nhiều loại phương tiện, bảo đảm thông tin kịp thời, chính xác giữa Bộ Quốc phòng với các quân khu, quân đoàn và bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, các sư đoàn tác chiến phía trước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Binh chủng đã thực hiện quy hoạch điều chỉnh hệ thống thông tin hữu tuyến điện, vô tuyến điện tiếp sức; củng cố và nâng cao chất lượng thông tin đối với mạng phía nam, phía bắc, tiếp tục xây dựng công trình ICS (đoạn Huế - Đà Nẵng và Huế - Vinh); tập trung đầu tư cho các đơn vị tuyến 1, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt giữa Bộ Quốc phòng và các đơn vị trong toàn quân. Nâng cao chất lượng liên lạc của Trung tâm Thông tin T5-79 ở Hà Nội; mở rộng dung lượng Tổng đài A40 thay thế hai tổng đài 200 của A10 và hai tổng đài tự động 400A, 400B bằng tổng đài tự động 3000 số. Đây là bước phát triển mới về liên lạc điện thoại tự động của Binh chủng Thông tin liên lạc. Để bảo đảm liên lạc với các đơn vị trên hướng Quân khu 2, Binh chủng xây dựng Trạm A29 thuộc Lữ đoàn 134 tại Sơn Tây.

Về điều hành khai thác thông tin, Binh chủng chỉ đạo Lữ đoàn 205 duy trì tốt các chế độ quản lý, xây dựng nền nếp bảo dưỡng khí tài, bảo đảm liên lạc thông suốt, ổn định trên toàn mạng. Lữ đoàn 596 và Trung đoàn 136 hiệp đồng chặt chẽ trong việc chỉ huy, điều hành, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt giữa Thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia với Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội bằng vô tuyến điện tiếp sức và hữu tuyến điện. Trung đoàn 130 củng cố tổng trạm 700, xây dựng Đại đội 1 ở Thành phố Hồ Chí Minh phục vụ cho công tác chỉ huy, điều hành thông tin. Trung đoàn 138 luôn sẵn sàng cơ động thay thế khi hữu tuyến điện gián đoạn, duy trì chế độ đài canh đi vào nền nếp, bảo đảm liên lạc bằng vô tuyến điện tiếp sức. Lữ đoàn 134 tập trung nâng cao chất lượng các tuyến dây trần, góp phần nâng cao chất lượng liên lạc giữa Bộ và các đơn vị tuyến 1, phục vụ kịp thời cho chỉ huy sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Trung đoàn 132 tập trung kiểm tra, bảo quản và nâng cao chất lượng các tuyến cáp.

Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương, sự chỉ đạo của đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thực hiện kế hoạch điều chỉnh thế bố trí chiến lược và giảm quân số thường trực toàn quân, đầu năm 1988, Binh chủng Thông tin liên lạc kiện toàn mạng lưới thông tin bảo đảm khoa học, hợp lý, đáp ứng nhiệm vụ thường xuyên cũng như lâu dài. Tổ chức hợp lý hệ thống mạng thông báo, báo động từ Bộ Quốc phòng đến các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng kịp thời, chính xác. Về tổ chức biên chế, cũng trong năm 1988, Binh chủng tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Quyết định của Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hợp nhất Trung đoàn 138 và Trung đoàn 612 thành Lữ đoàn 614 thông tin tiếp sức đối lưu; duy trì Lữ đoàn 134 làm hai nhiệm vụ bảo vệ, khai thác và xây dựng đường dây thông tin; giải thể Trung đoàn 132; Trung đoàn 136 sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về nước được giải thể chuyển giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn 596; thành lập Tiểu đoàn 87 tác chiến khí tài mới ở phía bắc Hà Nội, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng giao. Cùng với việc chấn chỉnh tổ chức biên chế, Binh chủng thu gọn mạng thông tin hữu tuyến điện do Lữ đoàn 134 phụ trách, bàn giao hai trạm A38, A39 và tuyến dây A38 - A39 cho Quân khu 3, thu hồi tuyến A40 - A41. Lữ đoàn 614 chuyển giao trạm vô tuyến điện tiếp sức X33 cho Quân khu 2. Tiểu đoàn 6, thuộc Trung đoàn 134 được giao nhiệm vụ xây dựng mới hai công trình cáp trung kế từ trạm vô tuyến điện VT42 đến bưu điện Nam Định và từ trạm vô tuyến điện VT47 đến bưu điện Vinh để liên lạc qua viễn thông với phía nam. Sau khi tuyến viễn thông Hà Nội - Vinh đi vào hoạt động, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhất trí cho thu hồi tuyến dây trần từ A67 đến A90 dài 379km đường cột, 1.425km đôi dây từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế. Các thiết bị thông tin thu hồi được sử dụng củng cố mạng thông tin phía bắc.

Trước tình hình ở biên giới phía Bắc và quần đảo Trường Sa có những diễn biến phức tạp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương, mà trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh về bố trí lực lượng và hoàn chỉnh phương án phòng thủ trên quần đảo Trường Sa, đầu tháng 3/1988, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc đã phối hợp, hiệp đồng cùng Quân chủng Hải quân nắm tình hình, lập kế hoạch bảo đảm thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ở Vùng 4 Hải quân, Trung tâm Thông tin Sở Chỉ huy được xây dựng, lắp đặt thiết bị đưa vào sử dụng khai thác; tăng cường hệ thống thông tin giữa đất liền với quần đảo Trường Sa; dự trữ hàng trăm máy thu phát, máy sóng cực ngắn, máy phát điện, điện thoại sẵn sàng tăng cường để bảo đảm chỉ huy chiến đấu. Tại các đơn vị tuyến trước như Hà Tuyên, Lạng Sơn, Bộ Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc đã cử các đoàn cán bộ kỹ thuật đến sửa chữa, đổi mới và cấp bổ sung các máy vô tuyến điện và hữu tuyến điện. Đồng thời, tổ chức diễn tập thử nghiệm ở khu vực biên giới phía Bắc theo cơ chế mới: Đảng lãnh đạo, chính quyền địa phương điều hành, cơ quan quân sự tỉnh làm tham mưu, nhằm kiểm tra hệ thống thông tin, thực hành điều chỉnh liên lạc theo một số tình huống.

Bước sang năm 1989, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo Binh chủng Thông tin liên lạc tiến hành bàn giao đường dây hữu tuyến điện cho đoàn tiếp nhận thông tin của Bạn ở Niếc Lương, từ cửa khẩu Mộc Bài qua Niếc Lương đến Phnôm Pênh dài 125km đường cột; đồng thời bàn giao cho bạn các trạm, các tổ bảo vệ đường dây, các thiết bị, tổng đài, máy điện thoại, máy nổ. Riêng tuyến Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh được giao cho Quân khu 7 và Quân đoàn 4 quản lý. Binh chủng tổ chức triển khai chặt chẽ vô tuyến điện sóng ngắn, máy sóng cực ngắn bảo đảm cho quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về nước bằng cả đường bộ, đường thủy và đường không.

Năm 1990, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lâm vào khủng hoảng toàn diện, nghiêm trọng. Tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn khó khăn. Nhiều khí tài, thiết bị của quân đội cũng như của Binh chủng Thông tin liên lạc xuống cấp do sử dụng đã lâu; viện trợ của các nước cho ta bị hạn chế. Toàn quân, trong đó Binh chủng Thông tin liên lạc tiếp tục thực hiện tinh giảm về tổ chức biên chế.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương, sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh và các cơ quan cấp trên, Binh chủng Thông tin liên lạc đã tập trung nâng cao chất lượng các phương tiện thông tin, quy hoạch mạng hữu tuyến điện, vô tuyến điện, tiếp sức, quân bưu và khai thác hợp lýLập kế hoạch triển khai bảo đảm luyện tập thông tin liên lạc; giúp các quân khu, quân đoàn thiết bị thông tin; điều chỉnh phân cấp mạng lưới thông tin. Tăng cường khả năng thông tin trên những hướng quan trọng, những địa bàn trọng điểm, củng cố kênh tiếp sức và khai thác thông tin M86; đại tu mạng cáp Hà Nội - Hải Phòng; triển khai nhiều biện pháp bảo vệ các tuyến dây. Thống nhất với Ngành bưu điện nâng cao chất lượng và quy chế khai thác các kênh quân sự, đồng thời hợp tác với các đơn vị quân đội, cơ quan nhà nước triển khai chương trình truyền số liệu máy vi tính trên các phương tiện thông tin. Kết quả: Bảo đảm vô tuyến điện sóng ngắn thường xuyên từ Bộ Quốc phòng tới toàn quân trong đó có các trường hợp vượt cấp là bộ chỉ huy quân sự các tỉnh vùng biên giới, vùng hải quân, mặt trận và khu vực trọng yếu; duy trì hệ thống thông báo, báo động thông tin sở chỉ huy của Bộ chuyển và nhận hàng chục nghìn công điện kịp thời, chính xác, an toàn. Hệ thống vô tuyến điện nội bộ các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng luôn giữ vững liên lạc, đáp ứng yêu cầu chỉ huy thường xuyên cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Hệ thống tiếp sức gồm sáu tuyến liên lạc với các đơn vị toàn quân trong đó một số tuyến đã đạt chất lượng liên lạc 99%. Các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng có mạng vô tuyến điện tiếp sức riêng để chỉ huy các đơn vị thuộc quyền và đến những nơi không có đường dây.

Hệ thống viễn thông có tuyến viba Hà Nội - Đà Nẵng với hàng chục kênh quân sự và tuyến ICS Đà Nẵng - Thành phố Hồ Chí Minh đã bảo đảm tốt việc liên lạc đường dài Bắc - Nam và giữa các khu vực ở phía nam. Hệ thống quân bưu được chấn chỉnh, rút gọn tổ chức, hợp lý hóa các tuyến vận hành, bảo đảm tuyến đường trục và các trạm chính. Ngoài hai trung tâm lớn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, quân bưu rút gọn còn 16 trạm, bảo đảm vận chuyển công văn, tài liệu đến hơn sáu trăm đầu mối đơn vị trong toàn quân. Các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng tổ chức 35 trạm thu phát hiệp đồng với trục vận hành giao nhiều tài liệu kịp thời, an toàn tới hơn 300 đầu mối đơn vị quân đội. Đối với thông tin hữu tuyến điện, tiếp tục rút gọn mạng đường trục theo quy hoạch. Trong quá trình các đơn vị củng cố đường dây, trạm máy, việc liên lạc vẫn được duy trì thường xuyên, nhất là với hướng chủ yếu. Binh chủng tiến hành nâng cao chất lượng các tuyến cũ, đồng thời tổ chức xây dựng thêm nhiều tuyến mới.

Các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng đều triển khai mạng hữu tuyến điện xuống các đơn vị và tận dụng khai thác đường dây thông tin bưu điện. Bên cạnh hệ thống thông tin quân sự, Binh chủng Thông tin liên lạc còn kết hợp chặt chẽ thông tin với Ngành bưu điện tạo thành mạng thông tin rộng khắp, bảo đảm liên lạc thường xuyên từ Bộ Quốc phòng đến các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng từ 3 đến 4 phương tiện; trên mỗi hướng có thể liên lạc từ 2 đến 6 kênh thoại, 1 đến 2 kênh báo và thông tin vận động; ở cấp chiến dịch có thể liên lạc từ Bộ Quốc phòng đến các sư đoàn và bộ chỉ huy quân sự các tỉnh bằng 2 đến 3 loại phương tiện, từ 1 đến 2 kênh thoại, 1 kênh báo và thông tin vận động. Đồng thời với nhiệm vụ bảo đảm thông tin phục vụ các lực lượng vũ trang xây dựng và sẵn sàng chiến đấu, trong năm 1990, Binh chủng đã đầu tư xây dựng 49 công trình, trong đó có 40 công trình theo kế hoạch và 9 công trình đột xuất.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (từ ngày 24 đến ngày 27/6/1991) xác định: “Xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân với số quân thường trực thích hợp theo hướng cách mạng chính quy, từng bước hiện đại...”[308]. Để thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ Binh chủng Thông tin liên lạc lần thứ XI, xác định: “Tổ chức lực lượng gọn, mạnh, có cơ cấu hợp lý; huấn luyện bộ đội, đào tạo đội ngũ cán bộ với chất lượng ngày càng cao, trang bị kỹ thuật đồng bộ, sử dụng tốt trang bị khí tài hiện có, đồng thời đổi mới từng bước trang bị kỹ thuật trọng điểm. Tổ chức mạng thông tin liên lạc hợp lý, chất lượng ổn định, kết hợp chặt chẽ giữa thông tin quân sự với thông tin bưu điện, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy trong mọi tình huống”. Đến cuối năm 1991, Binh chủng đã hoàn thành thêm một bước mạng lưới thông tin, tiếp tục chấn chỉnh tổ chức biên chế, huấn luyện bộ đội, đồng thời đầu tư và tăng cường lực lượng thông tin cơ động, thông tin phục vụ kế hoạch sẵn sàng chiến đấu, nâng cao khả năng sẵn sàng bảo đảm thông tin liên lạc, phục vụ Bộ Quốc phòng chỉ đạo, chỉ huy toàn quân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên cơ sở quán triệt Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh, Binh chủng Thông tin liên lạc tổ chức quy hoạch mạng lưới thông tin quân sự giai đoạn 1991 - 1995, tập trung quy hoạch mạng lưới thông tin cấp chiến lược, xây dựng ba trung tâm điện thoại ở Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, bảo đảm thông tin bằng các kênh thoại thường và thoại mật, duy trì thông tin liên lạc từ Sở Chỉ huy của Bộ đến các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng. Nghiên cứu lực lượng thông tin cơ động và tổ chức biên chế một số đơn vị phù hợp với yêu cầu bảo đảm thông tin liên lạc. Kết hợp với thông tin bưu điện nâng cao chất lượng mạng vô tuyến điện tiếp sức, viễn thông bằng cách tận dụng viba số, triển khai thông tin truyền số liệu đến cấp tỉnh và sư đoàn. Để bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, Binh chủng đã khắc phục khó khăn, củng cố, nâng cao chất lượng trang thiết bị, mua sắm thêm một số khí tài mới, chấn chỉnh chế độ quản lý, khai thác hiệu quả mạng lưới thông tin. Về thông tin vô tuyến điện, lắp đặt xong tuyến trục thông tin truyền số liệu Hà Nội - Đà Nẵng - Thành phố Hồ Chí Minh (sử dụng máy vi tính và IC751). Tổ chức liên lạc giữa Sở Chỉ huy Bộ với các quân khu, quân đoàn và Sở Chỉ huy tiền phương Bộ đạt tỷ lệ liên lạc là 92,3%, trong đó mạng chỉ huy đạt 98,3%, mạng vượt cấp đạt 73,3%.

Về vô tuyến điện tiếp sức, đối lưu đã phát triển thêm một số tuyến mới bảo đảm liên lạc giữa Bộ Quốc phòng và các quân khu, quân đoàn. Phối hợp với Tổng công ty Bưu chính viễn thông, Binh chủng xây dựng chương trình “Phối hợp mạng viễn thông quốc gia với hệ thống thông tin quân sự”, khai thác có hiệu quả ở các khu vực Đà Nẵng, Cần Thơ và Vũng Tàu. Thông tin quân bưu thuộc Bộ và các đơn vị thường xuyên đảm bảo vận chuyển công văn, tài liệu an toàn, đúng thời gian quy định. Đối với thông tin hữu tuyến điện, hệ thống đường trục dây trần và cáp cơ bản ổn định, tỷ lệ liên lạc đạt 98,03%. Binh chủng quy hoạch lại mạng tổng đài tự động quân sự khu vực Hà Nội, tổ chức các tổng đài khu vực, giảm hệ thống đường cáp nội thành, hoàn thiện tổng đài Nha Trang, sửa chữa các tổng đài tuyến Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với vùng biển, hải đảo, Binh chủng Thông tin liên lạc hướng dẫn cho ngành thông tin Hải quân tham mưu cho Bộ Tư lệnh Hải quân xây dựng Trung tâm Thông tin Sở Chỉ huy Vùng 5 và tăng cường mạng liên lạc trên đảo Thổ Chu, góp phần quan trọng bảo đảm liên lạc thường xuyên, vững chắc phục vụ việc thăm dò, khai thác dầu khí Vũng Tàu. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Binh chủng Thông tin liên lạc phối hợp với thông tin bưu điện đặt máy liên lạc với Lữ đoàn 171 và Vùng 4 Hải quân, góp phần phục vụ xây dựng kinh tế và bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo ở phía nam của Tổ quốc.

Cùng với việc nâng cao chất lượng hệ thống thông tin liên lạc, Binh chủng thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng các trang bị, khí tài thông tin, tạo dự trữ cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo trong công tác bảo đảm kỹ thuật. Binh chủng đã tiến hành sửa chữa có trọng điểm và sản xuất các phụ tùng thay thế đồng bộ, nâng cao hệ số kỹ thuật các trang bị khí tài thông tin, thiết kế chế tạo những khí tài, vật tư cần thiết làm dự trữ cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu khi chiến tranh xảy ra. Xây dựng các mối liên ngành giữa thông tin quân đội với thông tin bưu điện và công ty nước ngoài để liên doanh lắp ráp, chế tạo trang thiết bị thông tin hiện đại.

Quán triệt đường lối kết hợp nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ kinh tế trong tình hình mới, Binh chủng Thông tin liên lạc thành lập Công ty Điện tử và Dịch vụ tổng hợp phía Nam thuộc Tổng Công ty Thiết bị điện tử thông tin. Nhiệm vụ của công ty là khai thác khả năng, năng lực quốc phòng của các đơn vị thông tin phía nam; liên doanh, liên kết với các đơn vị kinh tế trong và ngoài nước làm dịch vụ kỹ thuật điện tử và xây dựng các công trình thông tin dân dụng, tổ chức xử lý các trang thiết bị thông tin, vật tư phế liệu theo quy định của Bộ. Các lữ đoàn thông tin và một số cơ quan Bộ Tư lệnh cũng được điều chỉnh, rút gọn cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới.

Thấu suốt đường lối, quan điểm của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đại tướng Lê Đức Anh, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, từ năm 1987 đến năm 1991, Binh chủng Thông tin liên lạc đã hoàn thành tốt nhiệm vụ điều chỉnh tổ chức biên chế; nâng cao chất lượng hệ thống thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Binh chủng Thông tin liên lạc đã thực hiện hoàn thành Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2011 - 2020, tiếp tục xây dựng Chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bày tỏ lòng tri ân và nhớ ơn Đại tướng Lê Đức Anh nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng, bộ đội thông tin liên lạc quyết tâm bảo đảm thông tin liên lạc, sẵn sàng chiến đấu, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình ổn định cho xây dựng đất nước Việt Nam, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đây cũng là tâm nguyện mà cả cuộc đời Đại tướng Lê Đức Anh đã phấn đấu, hy sinh, cống hiến.

Thiếu tướng KHÚC ĐĂNG TUẤN