Bản lĩnh và những quyết sách nhạy bén, đúng đắn, sáng tạo trong sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh
Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng tài ba, có bản lĩnh quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và quân đội. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Đức Anh để lại những ấn tượng sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng vũ trang nhân dân.
Quyết tâm bám trụ, khôi phục thế và lực, đánh địch bình định từ năm 1969 đến trước Hiệp định Pari tháng 01/1973
Giữa năm 1969, đồng chí Lê Đức Anh về Quân khu 9 công tác trong bối cảnh lực lượng vũ trang Quân khu 9 tổn thất lớn sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, gần như mất sức chiến đấu. Riêng Trung đoàn 1 của tôi có 3.000 người mà tổn thất chỉ còn 600 người, không còn sức đánh nữa, dạt xuống tận U Minh. Lúc đó, Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu và Tư lệnh Quân khu cũng băn khoăn. Do quân số quá thiếu không bổ sung kịp, Quân khu 9 buộc phải giải tán Trung đoàn 2 để lấy quân số bổ sung cho Trung đoàn 1, nhưng Trung đoàn 1 cũng chỉ có quân số trên dưới 600 quân. Khi đó, quân địch càn quét, đánh phá dữ dội, mở rộng diện bình định lấn chiếm, hình thành hệ thống đồn bốt dày đặc khắp xã, ấp. Cuối năm 1969, địch bình định lấn chiếm gần hết các vùng giải phóng trước đây, chỉ còn căn cứ U Minh và khu giải phóng Rừng Đước phía Nam tỉnh Cà Mau. Địch tác động đến đâu, tình hình xáo trộn đến đó. Lực lượng chính trị sa sút nghiêm trọng. Có nơi buông trôi sự lãnh đạo, quần chúng tự động né tránh bom đạn chạy ra vùng địch kiểm soát. Khu 9 có 50/250 xã có một số đảng viên rời khỏi địa bàn; 40 xã, mỗi xã có từ 1 đến 2 đảng viên; lực lượng du kích xã, ấp toàn Khu từ 45.000 người đầu năm 1968 chỉ còn lại dưới 6.000 người vào cuối năm 1969.
Đang trong giai đoạn khó khăn nhất, Trung ương Cục cử hai đồng chí về tăng cường cho Quân khu 9 là đồng chí Tám Thuận (tức đồng chí Võ Văn Kiệt) về làm Bí thư Khu ủy Khu 9 thay đồng chí Nguyễn Thành Thơ và đồng chí Chín Hòa (tức đồng chí Lê Đức Anh), Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Miền về làm Tư lệnh Quân khu 9 thay đồng chí Đồng Văn Cống (giữa năm 1969, đầu năm 1970); đồng thời, Bộ Tư lệnh Miền tăng cường cho Khu 9 Trung đoàn 3, Sư đoàn 9. Trước tình hình địch càn quét dữ dội, đóng đồn bốt khắp nơi, Khu ủy rời về Năm Căn, tỉnh Cà Mau, nhưng đồng chí Lê Đức Anh và đồng chí Võ Văn Kiệt kiên quyết không đi, cho cơ quan giãn cách ra các vùng đầm nước, địch khó có thể đánh được. Bộ Tư lệnh Quân khu 9 quyết định bám trụ ở U Minh Thượng, đồng thời triển khai Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu ở Long Mỹ (Cần Thơ) sát đồn địch. Khu ủy có hỏi tại sao không di chuyển theo Khu ủy, các đồng chí trả lời sẽ không nắm được chiến trường, không nắm được tình hình sẽ không chỉ đạo, xử trí được kịp thời tình huống, ảnh hưởng tới phong trào chung. Lúc đầu hai đồng chí Võ Văn Kiệt và Lê Đức Anh ở cùng một chỗ. Chúng tôi thấy ở như vậy sẽ bất lợi nên tách hai ông ra. Đồng chí Võ Văn Kiệt ở cách đồn 13, xã Vĩnh Viễn 400 m. Đồng chí Lê Đức Anh ở đồn Hai Tụi, xã Vĩnh Viễn cách đồn đồng chí Võ Văn Kiệt ở khoảng 200 đến 300 m. Vì tinh thần quyết tâm bám trụ như vậy, nên sự chỉ đạo chiến trường của lãnh đạo, chỉ huy Khu 9 rất sát thực tế, rất sát thực tiễn chiến trường. Hai đồng chí Võ Văn Kiệt và Lê Đức Anh luôn sát cánh cùng nhau trong suốt những tháng, năm gian khổ ấy. Và sau này, như các đồng chí biết, đồng chí Lê Đức Anh giữ cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng Chính phủ.
Hạ quyết tâm đánh địch nống, lấn góp phần khẳng định con đường giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau ngày Hiệp định Pari có hiệu lực
Sau Hiệp định Pari, đúng vào ngày 27/01/1973, theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, các quân khu ở miền Nam ngừng bắn, kể cả Quân khu 8, bây giờ thuộc về Quân khu 9 cũng triệt để thực hiện ngừng bắn, nhưng riêng lực lượng vũ trang Quân khu 9 không ngừng bắn. Đồng chí Lê Đức Anh, Tư lệnh Quân khu 9 khẳng định sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc không ngừng bắn. Đồng chí Lê Đức Anh chỉ đạo, chỉ huy tất cả các trung đoàn (khi đó tôi đã là cán bộ trung đoàn) không nghe đài, không được ngừng bắn; Chỉ huy Quân khu cho ngừng bắn mới được ngừng bắn. Thời điểm đó, quân đội Sài Gòn nống, lấn, phản kích quyết liệt, cắm cờ khắp nơi. Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền điện hỏi tại sao Quân khu 9 không thực hiện mệnh lệnh ngừng bắn. Đồng chí Lê Đức Anh trả lời: Quân địch đánh chúng tôi thì chúng tôi đánh lại. Nếu chúng tôi không đánh lại quân địch thì chúng tôi biết đi đâu. Các đồng chí còn rút sang vùng biên giới gần Campuchia, rút lên rừng chứ chúng tôi có rừng đâu mà chạy. Đồng chí Lê Đức Anh tổ chức đánh lại quân địch đúng theo chủ trương đó và đã thu được những thắng lợi quan trọng, giữ được căn cứ, mở rộng vùng giải phóng nên địch phản ứng quyết liệt, sử dụng 75 tiểu đoàn đánh Quân khu 9.
Tháng 10/1973, cấp trên triệu tập đồng chí Lê Đức Anh lên gặp để phê bình Quân khu 9 về đánh địch nống, lấn, nhưng đồng chí Lê Đức Anh cử đồng chí Phó Tư lệnh Quân khu lên báo cáo. Cấp trên đã phê bình Quân khu 9 không thực hiện mệnh lệnh ngừng bắn của Trung ương. Trên thực tế, do thực hiện quyết tâm đánh địch nống, lấn, bảo vệ thực lực, tính mạng và tài sản của nhân dân mà Quân khu 9 không chỉ giữ vững được vùng giải phóng mà còn mở rộng vùng giải phóng. Cuối năm 1973, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các quân khu được giáng trả các hoạt động nống, lấn của quân đội Sài Gòn. Đây cũng là một hoạt động thăm dò, khẳng định xem chính quyền Mỹ có quay trở lại can thiệp vào miền Nam nữa hay không? Sau đó, Bộ Quốc phòng chỉ đạo miền Đông giải phóng tỉnh Phước Long nhưng Mỹ đã không quay trở lại. Trung ương Đảng ta có thêm cơ sở vững chắc ban hành Nghị quyết Trung ương 21 để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Như vậy, đồng chí Lê Đức Anh là người dám chịu trách nhiệm về quyết định của mình, khẳng định bản lĩnh, tư duy tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm qua nhiều trận mạc, đánh giá đúng tình hình, hiểu rõ âm mưu của địch và đã được thực tiễn chiến trường khẳng định là làm đúng.
Năm 1974, quay lại chiến trường miền Đông Nam Bộ trên cương vị là Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng tổ chức 5 mũi đánh vào Sài Gòn: Quân đoàn 4 từ Xuân Lộc, Đồng Nai đánh thẳng vào Sài Gòn với ý định Quân đoàn 4 xây dựng từ Nam Bộ đánh chiếm Dinh Độc lập bắt chính quyền Sài Gòn đầu hàng, nhưng do Quân đoàn 4 phát triển khó khăn ở Xuân Lộc, Đồng Nai nên phát triển đến độ thì dừng lại; Quân đoàn 2 từ Vũng Tàu vượt sông Đồng Nai đánh thẳng vào chiếm được Dinh Độc lập; Quân đoàn 1 đánh từ Tây Ninh vào mấy sư đoàn địch ở Bình Dương, Sóng Thần; Quân đoàn 3 từ Bình Dương đánh xuống chiếm được sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn; Đoàn 232 do đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy cùng Sư đoàn bộ binh 9 từ Long An đánh ngược lên chiếm được Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn. Thực tế, năm mũi Quân giải phóng miền Nam đánh vào Sài Gòn thì chỉ có ba mũi vào được. Tổ chức một mũi đánh có cả lực lượng tăng - thiết giáp từ vùng miền Đông sông nước thu được thắng lợi cũng là một quyết sách tác chiến mạnh dạn, táo bạo của đồng chí Lê Đức Anh.
Nỗ lực chuẩn bị lực lượng cho chiến tranh từ thời bình
Sau ngày đất nước giành được độc lập, hòa bình năm 1975, đồng chí Lê Đức Anh được Trung ương Đảng điều động trở lại làm Tư lệnh Quân khu 9. Khi về làm Tư lệnh Quân khu 9,
dự cảm sẽ xảy ra chiến sự với quân Pôn Pốt, nên ông cho thành lập Sư đoàn bộ binh 330, chọn 3 trung đoàn mạnh nhất của Quân khu 9 lúc đó đưa vào đội hình Sư đoàn 330. Trung đoàn 1 bộ binh U Minh là Trung đoàn ba lần anh hùng. Trung đoàn 1 của Quân khu 8, lúc này về Quân khu 9 gọi là Trung đoàn 2 và Trung đoàn 3 của Quân khu 9 hầu hết là người Nam Bộ. Riêng đối với Sư đoàn này, đồng chí Lê Đức Anh chỉ đạo cho chiến sĩ ra quân, còn giữ lại toàn bộ đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm trận mạc để làm “vốn” ứng phó với tình huống nếu xảy ra chiến tranh. Chính vì thế, khi quân Pôn Pốt gây hấn trên địa bàn Quân khu 9, thì Quân khu 9 có lực lượng đánh lại, vừa giữ được biên giới, khiến cho quân địch không thể tiến vào sâu được, thậm chí còn tiêu diệt được một sư đoàn quân Pôn Pốt ở núi Phú Cường. Thế và lực của Quân khu 9 mạnh lên, bộ đội và nhân dân thương vong, tổn thất ít. Trong bối cảnh đó, Quân khu 7 và Quân đoàn 4 tác chiến gặp nhiều khó khăn. Quân Pôn Pốt tiến sâu vào đất liền (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng phải điều Trung tướng Lê Đức Anh lên làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7; rút Thượng tướng Trần Văn Trà đang làm Tư lệnh Quân khu 7 về làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đưa Quân đoàn 3 vào thay thế Quân đoàn 4 giữ biên giới Quân khu 7. Bộ Quốc phòng tiếp tục điều động, bổ sung lực lượng cho Quân đoàn 4 và các đơn vị Quân khu 7.
Bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, quyết đoán trước những khó khăn
Ngày 15/12/1982, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 07-NQ/TWvề việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, sự nghiệp quốc phòng và thực hiện chế độ một người chỉ huy trong Quân đội, thành lập Hội đồng quân sự, Hội đồng chính trị các cấp theo mô hình của Quân đội Liên Xô. Hai đồng chí Bộ trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị không tham mưu được cho Bộ Chính trị. Khi Bộ Quốc phòng cử đồng chí Trung tướng Đặng Vũ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị sang phổ biến Nghị quyết 07 cho chúng tôi, đồng chí Đặng Vũ Hiệp vừa sang báo cáo, đồng chí Lê Đức Anh nói: Anh phải về ngay, không được ở lại đây một đêm, anh về báo cáo với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị rằng: Chúng tôi chưa thể chấp hành Nghị quyết này, vì hoàn cảnh chúng tôi đang làm nhiệm vụ chiến đấu, còn chiến đấu thì còn sự lãnh đạo của Đảng, nếu không có Đảng lãnh đạo thì bộ đội không chiến đấu được. Khi nào rút quân về nước, chúng tôi sẽ thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng sau. Cuối cùng, đồng chí Lê Đức Anh đã đúng. Trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Đảng ta đã nhận thấy những hạn chế của Nghị quyết 07 nên hai đồng chí Bộ trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về việc này. Chỉ đạo tác chiến của đồng chí Lê Đức Anh ở chiến trường Campuchia rất sát. Quân tình nguyện Việt Nam tổ chức đánh vào hầu hết các vị trí chủ chốt của tàn quân Pôn Pốt, khiến cho chúng không thể phục hồi.
Chỉ đạo, chỉ huy luôn luôn sâu sát, nhạy bén
Tháng 12/1986, đồng chí Lê Đức Anh từ chiến trường Campuchia về Bộ Tổng Tham mưu làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông trực tiếp lên Hà Giang, Vị Xuyên “nằm” trên đó 15 ngày. Ông rút ra nhận xét thấy cách đánh của quân ta như thế không ổn, cần có sự thay đổi trong chỉ đạo điều hành tác chiến cho phù hợp hơn. Sau ngày nhận chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tháng 02/1987, ông triệu tập tư lệnh các quân khu về Bộ Quốc phòng nói rằng: Cách đánh một nước lớn như vậy là “chọc tức họ” và giao nhiệm vụ cho Tổng cục Chính trị do đồng chí Thượng tướng Nguyễn Quyết phụ trách in một số truyền đơn nói lên công lao của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô, Trung Quốc đã giúp đỡ to lớn cho nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến. Ta bắn truyền đơn về phía họ, thấy mấy ngày họ không nổ súng bắn về phía quân ta. Ông quyết định rút bộ phận tiếp xúc trước rồi đến bộ phận bắn tỉa, quân họ cũng không bắn đuổi theo. Tiếp theo, đồng chí Lê Đức Anh chỉ đạo điều chỉnh thế bố trí chiến lược toàn quân, trong đó đưa Quân đoàn 3 từ phía Bắc vào Tây Nguyên - địa bàn chiến lược trọng yếu của đất nước.
Nắm bắt, quán triệt và xử lý tình hình trước khi Liên Xô sụp đổ
Tháng 6/1990, đồng chí Lê Đức Anh triệu tập tất cả tư lệnh các quân khu về Bộ Quốc phòng quán triệt với nhận định hết sức kịp thời: Đề phòng Liên Xô sụp đổ. Liên Xô sụp đổ là cú sốc rất lớn, có thể một số nước xã hội chủ nghĩa cũng tan rã, có thể Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, các đồng chí nắm chắc quân đội, không cho cán bộ, chiến sĩ đi phép, ở lại chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu (lệnh cấm trại). Ông chỉ đạo dứt khoát, trong lúc này quân đội chỉ được chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, không chấp hành mệnh lệnh của bất cứ ai cả, sợ nhiều người ra lệnh sẽ lúng túng. Ngày 19/8/1991, Liên Xô sụp đổ, Sài Gòn xảy ra lộn xộn, nhiều người đã từng là sĩ quan quân đội Sài Gòn đeo quân hàm, cầm cờ ba que chạy ngoài đường. Chính đồng chí Út Liêm đang làm Tư lệnh Quân khu 7 đã nói với một bộ phận sĩ quan quân đội Sài Gòn đó rằng, bộ đội Quân khu 7 là “Bộ đội Cụ Hồ” chỉ đi theo Cụ Hồ, nếu các ông gây rối, chúng tôi sẽ xử lý các ông. Ông ra lệnh cho Trung đoàn vệ binh bắt tất cả những tên ngụy quân đeo quân hàm nhốt ở doanh trại Quân khu 7. Một thời gian sau khi tuyên truyền, giáo dục, ta đã thả hết số này, đất nước ta hoàn toàn ổn định.
Luôn tỉnh táo, nhạy bén, quyết đoán, kịp thời
Năm 1988, khi tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, Quân tình nguyện Việt Nam vẫn còn đang chiến đấu trên chiến trường Campuchia, chưa rút hết về nước thì hải quân Trung Quốc đột nhiên đánh chiếm 7 điểm đảo thuộc khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó có 6 bãi đá ngầm không đóng giữ. Tại đảo Gạc Ma, lực lượng quân đội của hai phía Việt Nam và Trung Quốc cùng đến, nhưng phía Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đảo vào ngày 14/3/1988. Sau khi hải quân Trung Quốc chiếm 7 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đối phương nhận thấy đây là thời cơ tốt nhất để đánh chiếm 9 điểm đảo còn lại nên cho tàu chiến chạy xung quanh với mục đích tạo cớ hòng âm mưu chiếm 9 đảo nổi của ta. Trước tình hình khẩn cấp đó, Tư lệnh Quân chủng Hải quân đề nghị Bộ Quốc phòng cho nổ súng, đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra mệnh lệnh: Tuyệt đối không được nổ súng, chỉ khi nào đối phương đánh vào đảo thì kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ đảo. Không tạo được cớ, hải quân đối phương không dám mạo hiểm đánh chiếm các đảo. Việt Nam giữ được an toàn toàn bộ số đảo còn lại. Quyết định của đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược, nhãn quan chính trị sắc sảo, nhận định âm mưu của đối phương, tình hình, tiên lượng, dự báo chính xác để có quyết định đúng đắn.
Cuối cùng, có thể khẳng định, đồng chí Lê Đức Anh là một vị tướng tài ba, bản lĩnh, quyết đoán sáng tạo; dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đại tướng Phạm Văn Trà
Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Nguồn: Sách Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế