Quay lại

Anh Sáu Nam là người quyết đoán và có nhiều đề xuất quan trọng

Hoà bình lập lại sau 1975, Quân khu 8 và Quân khu 9 sát nhập thành Quân khu 9. Anh Sáu Nam làm Tư lệnh, anh Hai Tưởng làm Chính uỷ, tôi làm Phó Chính uỷ, Chủ nhiệm Chính trị.
 

Sau đó anh Lê Khả Phiêu vô làm Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm; anh Hồ Bá Phúc làm Phó Chính uỷ, anh Nguyễn Văn Sỹ làm Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng, anh Phạm Ngọc Hưng làm Phó Tư lệnh, anh Lê Quốc Sản, Tư lệnh Khu 8 cũ làm Phó Tư lệnh, anh Nguyễn Hữu Xuyến làm Phó Tư lệnh, là người trụ lại B, chỉ huy sắc sảo.

Tháng 10-1975, bắt đầu làm việc. Trong Bộ Tư lệnh thì tôi là người trẻ nhất (sinh năm 1929, anh Sỹ hơn tôi 5 tuổi).

Điểm tôi nhớ nhất ở anh Sáu là rất sáng về quân sự, giao ban hàng tuần, anh phân tích tình hình nghe rất thích. Tôi thường bảo anh em cơ quan Chính trị đến nghe. Nghe anh nói, các vấn đề đều sáng ra.

Lúc đó, có vấn đề là không để thực binh cấp sư đoàn mà chỉ để khung theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. Anh Sáu nêu ý kiến để thực binh một sư đoàn, không phải xa xôi, mà phải đối phó với Pôn Pốt. Khi Bộ Quốc phòng còn đang lưỡng lự thì Pôn Pốt đã đánh sang rồi.

Người ta hỏi tôi về anh Lê Đức Anh. Tôi nghĩ có những cái anh Sáu rất nổi như: Một là trong trận Gianxơn Xity, anh tổ chức cơ quan thực hiện chiến tranh nhân dân đánh thắng. Chỉ đạo là Bộ chỉ huy Miền, nhưng người đề xuất và tổ chức thực hiện là Tham mưu trưởng Sáu Nam. Bộ đội và cán bộ, nhân viên cơ quan Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền lúc đó là những con người đã qua thử thách, khi được giao vũ khí đều đánh rất tốt. Xe tăng và bọc thép của quân địch đi đâu cũng bị đạn B40 của quân ta.

Hai là chuyện ở Quân khu 9 sông rạch chằng chịt, địa bàn trống trơn, vậy mà anh tổ chức đi đầu đánh bại kế hoạch "Tràn ngập lãnh thổ" của Nguyễn Văn Thiệu sau Hiệp định Paris.

Ba là trận Phước Long. Lúc đó anh Trần Văn Trà đang họp ở ngoài Bắc. Ở nhà chủ trì là anh Lê Đức Anh. Khi đánh, Bộ Tổng tư lệnh rất lo: Liệu quân đội Mỹ có trở lại? Đồng Xoài - Đường 14 - Phước Long là đòn trinh sát chiến lược có giá trị. Sau đó Trung ương gọi ra báo cáo tình hình. Có chiến thắng Đường 14 - Phước Long và núi Bà Đen rồi thì Trung ương mới có quyết định đánh Buôn Mê Thuột. Lúc đó tôi là Chính uỷ Mặt trận Núi Bà Đen nên nhớ rất rõ việc này. Sau năm 1975, Quân khu 9 để lại Sư đoàn 330, Sư đoàn 8 cũng chưa giải quyết ra quân nên Quân khu 9 còn hai sư đoàn: Sư đoàn 8 ở Mộc Hoá, Sư đoàn 330 ở Châu Đốc nên mới đánh được trận Bảy Núi, Pôn Pốt đưa quân sang, ta đánh tan tác chúng; bắt 17 tù binh trong đó có năm đồng bào Khơme là người Tri Tôn. Chúng tôi hỏi sao người Tri Tôn lại đi theo Pôn Pốt, thì họ trả lời: "Pôn Pốt nó nói ưng cái bụng hơn" (tức là phù hợp người dân tộc). Anh Sáu chỉ thị tôi đi tìm hiểu xem tại sao có năm người Tri Tôn đi theo Pôn Pốt? Khi tìm hiểu mới thấy ở đó người dân vẫn đi làm thuê, chưa được giải phóng, chưa được giác ngộ. Rồi anh chỉ đạo làm việc với tỉnh để giải quyết ... Giao ban, Quân khu 9 kết luận Pôn Pốt là phản động, phản bội. Chính tôi được giao làm truyền đơn. Anh Thường, Cục phó Cục Địch vận, là phái viên của Tổng cục Chính trị nói khoan hãy phát truyền đơn, để xin ý kiến Tổng cục đã. Một tháng sau Trung ương và Tổng cục Chính trị cũng kết luận như Quân khu 9.
 

Đại tá Nguyễn Văn Tòng
Sách Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước