Quay lại

Anh Sáu là một cán bộ: Hành động thì sâu sát, thực tế, nhưng tư duy thì ở tầm chiến lược

Tổng khởi nghĩa tháng Tám, tôi còn nhỏ nhưng đã nghe: bên này (Sài Gòn - Gia Định) có Hoàng Tế Thế, Tô Ký, bên Thủ Dầu Một có anh Năm Thi, anh Lê Đức Anh tức Sáu Nam. Anh Sáu hoạt động từ các đồn điền cao su Xa Cam, Xa Cát. Tìm mọi cách đấu tranh cả hợp pháp và bất hợp pháp. Nhiều cách chèo lái để vượt qua được những ngày tháng khó khăn nhất sau cuộc khủng bố đẫm máu của giặc Pháp ở những năm "hậu khởi nghĩa Nam Kỳ" không thành công.
 

Anh là một người có công xây dựng lực lượng vũ trang miền Đông. Tôi cũng biết được mối quan hệ rất chặt giữa lãnh đạo hai tỉnh cách nhau con sông Sài Gòn. Bên kia Thủ Dầu Một, bên này Sài Gòn - Gia Định, nên đã giúp nhau xây dựng lực lượng ngay từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp.

Khi thành lập khu Sài Gòn - Gia Định, anh được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Khu. Tôi càng biết anh thêm. Anh quan hệ, đối xử với các anh Phan Trọng Tuệ, Tô Ký, Trần Văn Trà ... rất đúng mực. Góp sức nhau xây dựng lực lượng vũ trang. Khi tập kết, anh ở cục Tác chiến, rồi Quân lực, tôi ở bên Tác chiến. Anh cũng góp nhiều công sức trong xây dựng đường lối quân sự của Đảng ta. Trong những chuyến đi nước ngoài, nhất là đi Trung Quốc, anh có nhiều luận điểm rất độc lập, bởi cách tiến hành chiến tranh cách mạng của Trung Quốc khác với ta.

Khi anh đang đảm nhiệm chức Tham mưu trưởng Miền, sau chiến dịch Bình Giã, lần đầu tiên tôi được anh gọi lên giao nhiệm vụ. Lúc đầu chủ lực của B2 chỉ có hai trung đoàn (1 và 2), sau đó đưa từ miền Tây Nam Bộ lên miền Đông hai trung đoàn là Trung đoàn 3 và Trung đoàn 5, tôi làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 5. Tôi thấy anh Sáu Nam là cán bộ cấp cao nhưng giao nhiệm vụ cho cấp dưới rất sâu sát. Bộ đội của Trung đoàn miền Tây vốn quen sống ở vùng đồng bằng sông nước nên họ không hiểu miền Đông, nhất là cách chăm lo xây dựng về chính trị. Những câu nói ban đầu của anh làm cho tôi nhận thức rõ: phải chăm lo cho bộ đội, đặc biệt về chính trị tư tưởng. Điểm thứ hai là, một trung đoàn sinh ra, cuộc sống và chiến đấu của bộ đội đều do dân nuôi dưỡng.

Dấu ấn đầu tiên về anh tại căn cứ Dương Minh Châu, bắc Tây Ninh tháng 5-1965 trong tôi là như vậy.

Trong Tổng tiến công Mậu Thân 1968, có hai vấn đề tôi không thể quên được:

Một là, sát ngày giờ nổ súng, anh Sáu thay mặt Bộ chỉ huy Miền đi giao nhiệm vụ cho các đơn vị ở Biên Hoà. Lúc đó, tôi làm Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9. Tôi cùng anh đi xuống vùng An Phú Xã, nay là Trung An thuộc huyện Củ Chi, là vùng ven thành phố Sài Gòn. Địch càn, trực thăng bay rầm trời, chúng tôi phải nhanh chóng thoát ra khỏi vùng trắng này. Anh đã rất bình tĩnh cùng anh em thoát ra được. Sau đó, anh cùng chúng tôi bám trụ cho tới khi diễn ra cuộc tổng tiến công Mậu Thân. Nói đến kỷ niệm này để nhớ đến nhiều lần sau này, nhất là khi chiến trường Campuchia ác liệt, tôi càng quý mến, kính trọng anh.

Qua đợt hai Mậu Thân, tôi theo sát hại trung đoàn 1 và 3 tiến công vào trung tâm thành phố. Một đợt chiến đấu rất căng ở khu vực Cầu Tre, đường Sư Vạn Hạnh, Vườn Lài. Cuộc tiến công từ Vườn Thơm - Bà Vụ (thuộc huyện Đức Hoà - Bình Chánh bây giờ) ở phía tây thành phố rất ác liệt. Giữa lúc đợt hai đang nhùng nhằng thì chúng tôi nhận được bức điện của anh Sáu. Tôi tự hiểu là ta đang gặp khó khăn. Từ linh cảm gì đó, anh ra lệnh đưa tôi ra khi đồng chí cần vụ của tôi hy sinh. Anh Hai Tưởng nói lại với tôi là anh Sáu đã bàn với anh Hai Tưởng đưa tôi ra để giữ cán bộ. Tôi có suy nghĩ - ta quyết tâm rất cao để giành thắng lợi thì phải biết hy sinh, nhưng không vì thế mà không giữ cán bộ nòng cốt cho quân đội. Hẳn đây là ý định của anh. Lúc đó anh ở bên sông Vàm Cỏ Đông, trực thăng bay dạt cây cỏ, ta lộ ra là chết liền, nên anh ở vành đai cũng rất ác liệt . Anh thường nói với anh em: "Bom đạn đầy trời thế này, chết là chuyện bình thường, sống thì mới kỳ!". Lúc đó anh làm Tư lệnh cánh quân Tây Nam, thấy cần thì anh có cách bảo vệ cán bộ cấp dưới của mình.

Trong chiến tranh biên giới Tây Nam (1977) khi Pôn Pốt đánh sang biên giới ta rồi, anh Sáu là Tư lệnh kiêm Chính uỷ Quân khu 7. Anh được phân công phụ trách Tiền phương của Bộ ở phía Tây Ninh, giáp hai tỉnh Svâyriêng và Côngpông Chàm - Campuchia. Anh lên tận nơi để động viên bộ đội đánh bại quân địch lấn chiếm phía bắc Tây Ninh. Khi đơn vị chúng tôi vừa đánh bật địch qua khỏi biên giới, trực thăng của anh đã đáp xuống trận địa Mimốt của chúng tôi. Lúc đó tôi làm Phó Tư lệnh Quân khu 7, khi nổ ra chiến tranh biên giới, tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy tiền phương của quân khu.

Về nhiệm vụ quốc tế, sau năm 1979 khi Pôn Pốt đã sụp đổ hoàn toàn; năm đầu tiên tiến hành công tác "Hồi sinh dân tộc" thì cứu đói cho nhân dân bạn là nhiệm vụ trọng tâm, Lực lượng Pôn Pốt tan rã nhưng tàn quân còn nhiều, tản ra biên giới, ra dân và tản ra rừng. Sau khi anh Lê Đức Thọ về nước, mann vụ giúp bạn Campuchia. Quân đội ta chưa quen làm nhiệm vụ quốc tế, nhất là bộ đội Nam Bộ. Đối với tôi cũng rất mới mẻ. Tàn quân Pôn Pốt chống quyết liệt vì phía sau có người đỡ đầu. Nên ta chống lực lượng này là phải chống từ phía xa

Trong nước có nhiều người nói là "cuộc chiến tranh", nhưng anh không bao giờ cho đây là cuộc chiến tranh mà là cuộc "hồi sinh dân tộc" - cuộc xây dựng mới, để tiêu diệt tận gốc chế độ cũ thì ý nghĩa nhiệm vụ còn to lớn và nặng nề hơn một cuộc chiến tranh. Nên ta phải giúp bạn xây dựng Campuchia từ con số không. Tôi thấy đây là suy nghĩ rất sâu. Nó đặt ra cho quân tình nguyện một trách nhiệm rất to lớn và cũng rất vẻ vang. Tôi nhận thức được sâu sắc tư tưởng "Xây dựng cho bạn là cho chính mình"; ta và bạn hy sinh không nhỏ nhưng không phải là cuộc chiến tranh, mà là công cuộc xây dựng lại cho đất nước hồi sinh. Ý tưởng sâu sắc này làm cho quân tình nguyện nhận rõ mình sang đây để làm gì. Từ đó mới hình thành ba mục tiêu:

- Quét sạch tàn quân Pôn Pốt.

- Đẩy mạnh sản xuất xây dựng đời sống mới.

- Xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng chế độ mới ở Campuchia.

Tôi nghĩ anh đặt vấn đề ban đầu rất sâu. Tư tưởng này là cơ sở để xây dựng quan điểm chính trị đúng đắn "Giúp bạn là cho chính mình", không phải là "không công". Do đó từ đầu đến cuối phải tránh cho được tư tưởng nước lớn, cứu độ, ban ơn, để toàn quân tình nguyện học tập, quán triệt sâu sắc quan điểm này thì mới hoàn thành nhiệm vụ.
 

Một vài kỷ niệm về anh

Một là, giai đoạn 1979 - 1980, tôi làm Tư lệnh 979, anh Mười Thi, sau là anh Phiêu làm Phó Tư lệnh phụ trách chính trị. Tôi chưa quen việc quốc tế, rất mới mẻ. Đơn vị chúng tôi phụ trách vùng Tây Nam (CôngĐông Xom, Takeo, Campột, CôngĐông Xpư ... ) là nơi sản sinh ra quân chủ lực của Pôn Pốt, cũng chính là nơi xuất phát các mũi đột kích xâm lược biên giới nước ta. Ở đây, lực lượng Pôn Pốt tan rã hàng ngàn quân trong núi. Anh Sáu giao nhiệm vụ rõ: muốn hoàn thành phải tiến hành cứu đói cho dân, làm binh vận và xây dựng cơ sở chính trị ban đầu rồi truy quét địch trong núi. Anh dặn muốn đánh được phải kết hợp chặt chẽ giữa binh vận và vũ trang, nhưng phải nhận rõ đây là vùng có 97%, gia đình có người làm lính Pôn Pốt. Tôi ý thức được rằng hoàn thành nhiệm vụ ở đây không đơn giản chút nào, nhưng thấy rõ tầm nhìn của anh vừa rất chiến lược, rất khách quan mà vừa rất cụ thể, không bao giờ chung chung. Chẳng lẽ ta dàn quân đi càn, đi đánh, trong khi nhiệm vụ chính trị là giúp cho bạn hồi sinh đất nước là chính. Bởi vậy, thành công đầu tiên ở mũi tiến công này là đã đánh bại Pôn Pốt tại vùng sào huyệt của nó - bốn tỉnh vùng chủ lực, trong bốn năm. Tới đầu năm 1982 đã căn bản hoàn thành.

Làm công tác vận động quần chúng mà quân đội tình nguyện không biết tiếng Campuchia. Rừng rậm, núi non hiểm trở. Nhưng cũng may ta biết cách vận động và tổ chức người Campuchia nói với người Campuchia, cụ thể là dùng gia đình vào rừng vận động, dụ con em họ đi ra. Đồng thời có mức động viên khen thưởng (dùng kho vải chiến lợi phẩm hàng triệu mét để làm phần thưởng). Rồi cứu đói, cứu trách cho dân (mỗi suất từ 5 đến 10 mét vải, sẻ gạo cho đồng bào). Đồng thời kết hợp với lực lượng vũ trang của bạn tiến sâu vào trong rừng truy quét, chứ chỉ vận động không thôi thì không thành công. Ta tổ chức lực lượng tạo thành những mũi sắc bén đánh vào sào huyệt địch, để nó không còn chỗ đứng chân. Trong hai năm chúng tôi đã thu về hàng ngàn quân Pôn Pốt, hàng ngàn vũ khí. Sau đó, hàng ngàn người từ chỗ thù hận nhau đã trở về cùng đội ngũ một cách rất chân thành. Năm 1980 người dân tham gia bầu chọn anh hùng rất sôi nổi, trong khi chỉ một năm trước đó, năm 1979, cả đất nước là một màu đen thảm khốc.

Những năm tháng đó, Đảng và Nhà nước ta đã cử lực lượng chuyên gia sang bố trí tại các tỉnh của bạn, kết hợp với quân tình nguyện, ráo riết làm cuộc vận động cách mạng, đã thật sự làm cho người dân hiểu, đồng tình và hưởng ứng đường lối thiện chí của ta với ba phương châm:

- Cứu đói, xây dựng cuộc sống.

- Truy quét làm tan rã, vô hiệu hoá quân Pôn Pốt.

- Xây dựng lực lượng chính trị, hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng vũ trang cách mạng ngày càng vững mạnh.

Cách làm của ta rất đơn giản, không cầu kỳ. Từ chỗ làm giúp, làm thay, dần dần bồi dưỡng cho bạn để bạn tự làm. Mà phải rõ ràng quan điểm này, chứ nếu không, khi ta rút về thì bạn hẫng hụt.

Tôi sang Campuchia buổi ban đầu dù rất bỡ ngỡ nhưng đã tiến hành ngay cuộc vận động chính trị. Tôi hiểu sâu sắc và càng thấy chúng ta nên đánh giá cho đúng vai trò của anh Sáu Nam ở những năm đầu tiên này.

Hai là, mùa khô 1985, ta mở ra đến 16 điểm làm căn cứ sát biên giới Campuchia - Thái Lan. Ngày 4-3-1985 (lúc đó tôi làm Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu 9, không ở tiền phương nữa), tôi dẫn đầu đoàn cán bộ các phòng ban sang Campuchia để chỉ đạo bộ đội xây dựng, triển khai mùa huấn luyện. Lên tới nơi, tôi nghe anh em nói là anh định mở chiến dịch, chờ ý kiến Bộ để chỉ định tôi làm Tư lệnh chiến dịch (cụm từ "chiến dịch" từ đây về sau được gọi là "đợt hoạt động" theo ý của anh Sáu). Ngày 5 tháng 3, anh trực tiếp giao nhiệm vụ nhưng quy định 25 tháng 3 phải nổ súng. Tôi hiểu anh có cách giao nhiệm vụ mà cấp dưới sẽ làm được. Tôi thấy rất vinh dự nhưng cũng rất hồi hộp vì chưa được nghiên cứu kỹ chiến trường. Ta đã đánh Tà Sanh, Xăm Lốt, thủ phủ của Pôn Pốt, bây giờ là Pây Lin. Đánh Tà Sanh, Xăm Lốt hai, ba lần không thành công. Đây là vùng trù phú, có mỏ kim cương, cần phải giữ cho bạn, không để quân địch tàn phá. Khi tôi nhận nhiệm vụ, các trung đoàn đang phân tán để cùng lực lượng bạn giữ địa bàn, xây dựng cơ sở. Giờ tổ chức đánh thì lấy lực lượng ở đâu, ai bảo đảm? Vấn đề thật hóc búa. Anh giao nhiệm vụ, tin và hiểu cấp dưới của mình. Tôi đề xuất xin một sự đoàn. Cuối cùng tôi được một sư đoàn thiếu và thêm một trung đoàn nữa. Tôi đi tiếp xúc với tù binh ta bắt được để hỏi. Có cái đúng có cái sai, nhưng cuối cùng thấy được địch tổ chức tác chiến theo kiểu du kích, trận địa phòng thủ không có lô cốt, chiến hào kiên cố. Quân địch không đông nhưng tổ chức thành từng nhóm ẩn hiện bất thần để đối phó với ta. Tôi cho một đại đội đánh mở màn vào một điểm. Thấy có khoảng một ngàn quân. Tôi huy động sao đây? Tư tưởng anh em bắt đầu thấy lo. Rút quân hay đánh? Lúc đó người thì ủng hộ, người không ủng hộ. Nhưng tôi ra lệnh và anh em chấp hành. Đồng thời lệnh cho xe kéo pháo lên. Ngày 26 tháng 3, thành công trận đầu. Tôi đề nghị cho thêm lực lượng để đánh vào sào huyệt. Anh Sáu cho một sự đoàn nữa. Vậy là trong tay tôi có gần ba sư đoàn bộ binh cùng với lực lượng pháp tăng cường. Trong mười ngày, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, chúng tôi tiến công và dứt điểm. Vào đó mới thấy căn cứ này được xây dựng như thành phố, mỗi chiều 40 km, đường ngang dọc, có cây cầu được đặt tên là "Chiến thắng". Đây là căn cứ của phái Xêđêca; tuy đường là đường đất nhưng rộng và thẳng như là xa lộ, hai bên có mương thoát nước rất quy củ. Qua chiến dịch này nói lên một điều, khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới, anh đã tin và lường được công việc. Hồi đó anh Đoàn Khuê nói: "Chỉ có những người đã đánh Mỹ rồi thì mới đánh được cái này". Hai là khi anh Sáu nhận thấy cần thì anh cho lực lượng đủ sức để giải quyết mục tiêu. Ở đây, người chấp hành và thủ trưởng cấp trên trùng nhau một điểm nhận thức. Đây là kết quả của quá trình chiến đấu lâu dài đã cho chúng tôi sự hiểu biết lẫn nhau.

Cũng kể từ đó, chủ lực ta tập trung lại, không còn dàn trải phân tán các nơi nữa; phối hợp với các mặt trận khác xoá diệt được 16 cứ điểm cuối cùng của Pôn Pốt. Sau đó ta rút để bạn tự lực, phát huy được tinh thần chủ động của bạn ở các địa phương. Về sau lực lượng 979 còn giải quyết thành công ở Kê Kông. Từ chuyện này thấy được anh Sáu Nam rất táo bạo và sáng suốt trong sử dụng cán bộ. Điểm nữa, anh không thích dùng từ "chiến dịch" mà là "đợt hoạt động"; từ này cũng như chiến dịch nhưng còn hơn chiến dịch, vì "đợt hoạt động" bao hàm cả tiến công quân sự, trong đó làm binh vận để quân Pôn Pốt rã ngũ là chính, cả tổ chức xây dựng lực lượng cho bạn, gồm lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, các tổ chức quần chúng cách mạng và phát triển kinh tế xã hội, xây dựng đời sống mới. Ý nghĩa của cụm từ đó sâu sắc như vậy nên đã định hướng cho cán bộ, chiến sĩ rất đúng.

Đến năm 1986-1987, một việc lớn là anh chủ trương rút lực lượng quân sự và chuyên gia về nước. Nhiều người không nhất trí vì sợ bạn không đứng được. Anh gọi tôi lên, giao trước hết là sẽ thực hiện rút quân trên địa bàn mà Quân khu 9 đang đảm nhiệm: Takeo, Cam Pốt, Công Đông Xpa, Buocsát, Battambăng, CôngKông Chơnăng, Kô Kông. Tôi bảo, anh cho tôi hai tháng đi khảo sát. Sau đó ba tháng tôi làm kế hoạch rút quân năm tỉnh liền, và nói rõ sự tai hại nếu ta không rút khi lực lượng và cơ sở chính trị của bạn đã có đủ. Lúc đó, anh Lượng (Bí thư) nói: "Báo cáo của thủ trưởng rất trúng ý của ông Sáu". Để nói rằng, đến lúc ta nên rút thì rút. Và thấy tư duy của anh Sáu là rất chính xác.

Đi bằng trực thăng từ Phnôm Pênh lên biên giới giáp Thái Lan không phải dễ. Có những vùng phải bay ở độ cao trên 1,5 km trên rừng và núi non, bay thấp địch bắn rơi rất dễ dàng vậy mà anh Sáu đi hết. Chỗ nào khó khăn anh tới. Tác phong sâu sát thực tế của anh rất có sức hút với cấp dưới.

Một điều nữa không thể không nói trong sự nghiệp của anh là: Anh đã đề nghị với Bộ Chính trị cho bộ đội tình nguyện ở Campuchia vẫn duy trì cơ chế Đảng uỷ. Hồi đó tôi ở bên Campuchia thì thấy Đảng uỷ vẫn phát huy tính ưu việt và sức mạnh vốn có của nó; nhưng mỗi khi tôi về nước lại họp "Hội đồng chính trị" thấy rất cực. Từ xưa anh từng phản đối Bí thư kiêm Chủ tịch. Anh bảo: Đảng là Đảng, chính quyền là chính quyền. Tôi rất quý ý thức và đồng tình với tư duy xây dựng Đảng của anh.
 

Trung tướng Nguyễn Thới Bưng
Sách Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước