Đồng chí Lê Đức Anh với đường lối đổi mới đất nước
Tháng 12/1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng chính thức khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Gắn liền với bước đi của dân tộc trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ đổi mới, đồng chí Lê Đức Anh trên những cương vị quan trọng khác nhau của Đảng, Nhà nước và quân đội đã có nhiều đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đối ngoại, kinh tế - xã hội...
Những quan điểm và quyết định của đồng chí Lê Đức Anh chính là sự cụ thể hóa đường lối đổi mới của Đảng vào hiện thực cuộc sống, góp phần khẳng định sự đúng đắn của đường lối đổi mới do Đảng đề ra và lãnh đạo; tạo cơ sở cho sự phát triển cả về thực tiễn và lý luận đổi mới trong giai đoạn tiếp theo.
1. Đổi mới trong quân đội
Trong giai đoạn đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng sâu sắc. Cơ chế quản lý kinh tế chưa chuyển đổi theo kịp với nền kinh tế hàng hóa, nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, do đó, đã kìm hãm tính năng động, sáng tạo của cơ sở sản xuất - kinh doanh và người lao động. Lạm phát vẫn còn ở con số cao (năm 1986: 774,7%; năm 1988: 393,8%). Đời sống nhân dân nói chung gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hơn nữa, Việt Nam vẫn đang bị Mỹ bao vây cấm vận; quan hệ quốc tế căng thẳng.
Trên lĩnh vực quốc phòng, nhiều vấn đề khó khăn, bất cập nảy sinh. Một trong những vấn đề hàng đầu cần giải quyết là duy trì lực lượng để đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc với khả năng đáp ứng của nền kinh tế. Những năm 80 (thế kỷ XX), để thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trước các âm mưu xâm lược và chống phá của các thế lực thù địch, ở thời điểm cao nhất, lực lượng thường trực của quân đội ta lên đến 1,6 triệu người. Lực lượng đó đã vượt quá khả năng bảo đảm trong bối cảnh kinh tế đất nước đang khó khăn. Ngân sách quốc phòng chiếm tới 25% tổng thu nhập quốc dân nhưng vẫn không đủ trang trải các nhu cầu tối thiểu về ăn ở, trang bị, huấn luyện và chiến đấu của bộ đội.
Trước tình hình đó, trên cương vị là Tổng Tham mưu trưởng (từ tháng 12/1986) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (từ tháng 02/1987), đồng chí Lê Đức Anh đã cùng tập thể Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và các đồng chí trong cơ quan Bộ Quốc phòng tập trung nghiên cứu đổi mới xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân; đổi mới công cuộc xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân; kết hợp chặt chẽ quốc phòng và an ninh; giữa nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Được sự đồng ý của Bộ Chính trị, đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng, tiến hành đổi mới trong quân đội:
Thứ nhất, xây dựng, triển khai kế hoạch điều chỉnh bố trí chiến lược
Nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là điều chỉnh tổ chức biên chế, bố trí chiến lược của quân đội cho phù hợp với kế hoạch phòng thủ cơ bản trong thời kỳ mới; nhằm bảo đảm mục tiêu đánh lâu dài, giảm chi phí quốc phòng, phát huy được sức mạnh toàn dân, toàn diện, tạo nên sức mạnh phòng thủ đất nước chống lại mọi tình huống chiến tranh. Việc điều chỉnh chiến lược quân sự được dựa trên nền tảng tư duy mới, gắn với việc xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, để vừa chống được bạo loạn lật đổ trong nội địa, vừa chống được chiến tranh xâm lược từ bên ngoài.
Theo phương châm đó, quan điểm và sự chỉ đạo về điều chỉnh chiến lược quốc phòng đất nước của đồng chí Lê Đức Anh tập trung vào các vấn đề chính:
- Rút các đơn vị chủ lực lớn về tuyến sau;
- Bố trí lực lượng cơ động và lực lượng vũ trang địa phương ở tuyến trên;
- Tăng cường phòng thủ khu vực Tây Nguyên;
- Xây dựng chiến lược phòng thủ có tính lâu dài về biển, đảo, nhất là khu vực quần đảo Trường Sa và giải quyết vấn đề cảng Cam Ranh.
Đồng chí cùng Tổng Tham mưu trưởng Đoàn Khuê trực tiếp chỉ đạo các cơ quan tác chiến và quân lực triển khai nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc điều chỉnh lực lượng, bố trí chiến lược trên phạm vi toàn quốc; trực tiếp chỉ đạo từng việc cụ thể về bố trí từng đơn vị, điều chuyển từng cơ quan của bộ, của các quân khu, quân chủng, nhất là lực lượng phòng không quốc gia và lực lượng hải quân, phòng thủ bờ biển, hải đảo và thềm lục địa.
Cùng với triển khai trên thực tiễn, đồng chí Lê Đức Anh còn chỉ đạo nghiên cứu, soạn thảo các văn bản, tài liệu, giáo trình để hướng dẫn và triển khai trên toàn quốc về “Thế trận chiến tranh nhân dân” và nhiệm vụ ”Quốc phòng toàn dân”. Việc xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh để đủ sức giữ vững trật tự an ninh chính trị, xã hội và sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống, chống chiến tranh xâm lược. Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy phải đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh, trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy việc xây dựng, phát huy tác dụng khu vực phòng thủ, điều động, chỉ huy các lực lượng vũ trang và lực lượng quần chúng tại chỗ trong tình huống có chiến tranh và cả trong tình huống chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Các khu vực phòng thủ phải liên kết với nhau, có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng; đặc biệt tăng cường phòng thủ bờ biển, hải đảo và thềm lục địa.
Kế hoạch điều chỉnh bố trí chiến lược do đồng chí Lê Đức Anh đề xuất và chỉ đạo thực hiện trong toàn quân là cơ sở thực tiễn để hình thành rõ đường lối đổi mới trong lĩnh vực quốc phòng của Đảng. Ngày 30/7/1987, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 02/NQ-BCT, xác định nhiệm vụ quốc phòng đến năm 1990 và những năm tiếp theo. Đây là nghị quyết rất cơ bản về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và đường lối chiến tranh nhân dân trong tình hình mới. Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VII (tháng 6/1992) đã nêu ra khái niệm mới về thế trận quốc phòng toàn dân; trong đó khẳng định: thế trận quốc phòng phải gắn với thế trận an ninh, thế trận quốc phòng - an ninh phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, thực hiện điều chỉnh, giảm quân số
Theo tư duy xây dựng nền quốc phòng hiện đại, Đại tướng Lê Đức Anh cho rằng, cần thiết phải giảm quân số thường trực nhằm phù hợp với sự điều chỉnh, bố trí chiến lược theo tư duy mới; đảm bảo số quân thường trực ít, nhưng phải thực sự tinh nhuệ, hiện đại, cơ động linh hoạt. Việc giảm quân số sẽ giảm bớt gánh nặng ngân sách quốc phòng; trên cơ sở đó, tập trung ngân sách cho việc xây dựng và huấn luyện chiến đấu của lực lượng vũ trang. Đó chính là góp phần trực tiếp vào giải quyết khó khăn của nền kinh tế, góp sức vào công cuộc đổi mới đất nước.
Sau khi nghiên cứu và đề xuất quan điểm về giảm quân số được Bộ Chính trị đồng ý, đồng chí Lê Đức Anh chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu xây dựng kế hoạch giảm trên 60% quân số thường trực, xác định các đối tượng giảm và lộ trình giảm trong 3 năm. Các đơn vị được cắt giảm gồm trung đoàn, tiểu đoàn thứ tư của các sư đoàn; rút gọn biên chế đối với tất cả các sư đoàn bộ binh, trung đoàn binh chủng, khung huấn luyện, trường lớp của các quân khu, quân đoàn, các quân chủng, binh chủng và cơ quan, cơ sở phía sau. Chuyển một số cơ sở xây dựng kinh tế cho Nhà nước quản lý; kiện toàn cơ quan quân sự cấp tỉnh, huyện. Một bộ phận lớn quân nhân đang ở độ tuổi sung sức được chuyển sang tham gia vào hoạt động sản xuất, trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Theo lộ trình giảm quân thường trực từ năm 1988 đến năm 1990, Bộ Quốc phòng đã giảm từ 9 quân đoàn giảm xuống còn 4 quân đoàn; từ 1,6 triệu quân xuống còn 45 vạn quân và bước đầu để 5 vạn quân dự bị. Việc giảm quân trong giai đoạn đầu đổi mới đất nước có thể coi là cuộc cải tổ chưa từng có trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên, việc giảm quân số kéo theo phải giải quyết những vấn đề về chính sách, chế độ và tư tưởng. Với tầm nhìn và sự quan tâm của người đứng đầu lực lượng quân đội, đồng chí Lê Đức Anh đã giải quyết ổn thỏa ba vấn đề liên quan của điều chỉnh giảm quân.
Vấn đề đầu tiên cần giải quyết là chính sách, chế độ cho cán bộ, sĩ quan được ra quân. Đồng chí Lê Đức Anh đã đề nghị và được Bộ Chính trị cho phép trích một phần quỹ đất quốc phòng ở các doanh trại còn bỏ hoang để chia nhỏ và cấp cho bộ đội tự xây nhà ở, đơn vị lo phần cơ sở hạ tầng như đường sá, điện, nước... tạo ra khu hộ gia đình quân nhân. Đối với diện cán bộ, sĩ quan tuổi cao được giải quyết về hưu, nghỉ mất sức theo diện giảm quân, được ưu tiên cấp đất tạo chỗ ở ổn định. Số cán bộ không có gia đình ở đô thị, trở về sinh sống ở nông thôn thì được cấp một khoản tiền cùng với doanh cụ, vật liệu xây dựng để họ có thể xây dựng được căn nhà cấp 4.
Đối với số cán bộ, chiến sĩ thuộc diện giảm quân số nhưng tuổi còn trẻ, có sức khỏe tốt, đồng chí Lê Đức Anh đề nghị các bộ, ban ngành có liên quan ưu tiên tạo việc làm, được tham gia đi hợp tác lao động ở nước ngoài. Đề nghị đó được Trung ương nhất trí, các bộ, ban, ngành ủng hộ. Lần đầu tiên trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, bộ đội ra quân được tổ chức thành các đoàn có tổ chức chặt chẽ đi xuất khẩu lao động. Từ năm 1987 đến 1990, đã có 37.338 quân nhân xuất ngũ được cử đi lao động ở nước ngoài. Trừ một số rất ít ở lại nước sở tại, còn hầu hết đều về nước sau khi hết hạn lao động. Họ trở thành lực lượng có trình độ, tay nghề vững; đặc biệt là có một khoản thu nhập làm vốn đầu tư sản xuất ổn định kinh tế gia đình, góp phần giải quyết khó khăn chung cho đất nước. Có thể thấy, việc quyết định đưa cán bộ, sĩ quan quân đội đi xuất khẩu lao động đã thể hiện sự đổi mới tư duy của một nhà lãnh đạo quân sự; đồng thời cũng phù hợp với chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Do quân số được giảm mạnh nên ngân sách quốc phòng có điều kiện tập trung cho hoạt động mua sắm trang bị, huấn luyện, chiến đấu; đồng thời, được dành một phần đáng kể để nâng cao đời sống vật chất cho quân nhân. Tiền lương của sĩ quan và những người hưởng lương trong quân đội được nâng lên gấp 1,5 lần so với trước năm 1986; người đã lập gia đình riêng thì có nhà ở. Do đó, cán bộ, chiến sĩ đã toàn tâm, toàn ý huấn luyện, chiến đấu và công tác. Chất lượng xây dựng đơn vị và hoạt động huấn luyện, chiến đấu và công tác được nâng cao.
Sự đổi mới trong lĩnh vực quốc phòng trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ đổi mới đất nước đánh dấu một bước phát triển quan trọng về nhận thức của Đảng đối với nhiệm vụ lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong đó, có dấu ấn và đóng góp quan trọng của đồng chí Lê Đức Anh.
2. Góp phần tạo bước đột phá trong đổi mới đối ngoại
Bước vào thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trên lĩnh vực ngoại giao, Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn. Các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô ngày càng lún sâu vào khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội. Các thế lực thù địch tiếp tục tiến hành chính sách bao vây, cấm vận đối với Việt Nam. Vấn đề Campuchia vẫn là nguyên nhân để các thế lực thù địch mượn các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là thông qua Liên hợp quốc để lên án chống Việt Nam. Nhiệm vụ đặt ra cho đổi mới đối ngoại là thực hiện đa phương hóa, đa dạng quan hệ; thoát khỏi bao vây, cấm vận; tạo được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Điểm khai mở đầu tiên là tiến hành bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Đây là những vấn đề hết sức mới, đầy thử thách, gian nan, đặt ra cho Đảng và cơ quan đối ngoại nhưng nhất định phải thực hiện thành công.
Việc tiến hành bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Bộ Chính trị giao cho lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm phối hợp thực hiện. Quan điểm của đồng chí Lê Đức Anh về đổi mới đối ngoại là cần suy nghĩ rất kỹ và phải đứng trên lập trường vì lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là tối thượng. Tháng 7/1991, đồng chí Lê Đức Anh với tư cách là phái viên của Bộ Chính trị sang thăm Trung Quốc để bàn những vấn đề cụ thể cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Sau kết quả của chuyến thăm đó, tháng 11/1991, nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ Viện Trung Quốc Lý Bằng, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc. Hai bên đã ra Thông cáo chung và ký Hiệp định chính thức bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Đối với Hoa Kỳ, đồng chí Lê Đức Anh đã tìm ra chìa khóa để mở cánh cổng bình thường hóa quan hệ hai nước bắt đầu bằng lĩnh vực khoa học y khoa. Được sự nhất trí của Bộ Chính trị về chủ trương, đồng chí Lê Đức Anh đã chọn Thiếu tướng, bác sĩ Nguyễn Huy Phan (Viện Quân y 108), khi đó là giáo sư đầu ngành về y học phẫu thuật chỉnh hình làm khâu đột phá nối lại quan hệ với Mỹ. Thông qua uy tín khoa học của bác sĩ Nguyễn Huy Phan về phẫu thuật chỉnh hình, Việt Nam đã có sáng kiến hợp tác với các nhà khoa học phẫu thuật Hoa Kỳ trong chương trình nhân đạo mang tên “Phẫu thuật nụ cười” thực hiện tại Việt Nam; mục đích là phẫu thuật nhân đạo, chữa trị cho trẻ em Việt Nam bị khuyết môi, hở hàm ếch. Năm 1991, Hội Hữu nghị Việt - Mỹ được thành lập, do bác sĩ Nguyễn Huy Phan làm Chủ tịch, trở thành cầu nối quan hệ giữa các nhà khoa học hai nước. Đó được coi là bước mở đầu cho tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ.
Từ tháng 9/1992, trên cương vị là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng Bộ Chính trị chỉ đạo sát sao việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Sau lĩnh vực y khoa, việc giải quyết vấn đề POW/MIA được Việt Nam lựa chọn để thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngày 18/11/1992, khi tiếp đoàn do Thượng nghị sĩ John Kerry dẫn đầu, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi việc tìm kiếm người Mỹ mất tích là vấn đề thuần túy nhân đạo, không hề gắn với chính trị và khẳng định việc sớm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ là phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Ngày 03/02/1994, Tổng thống Hoa Kỳ B.Clinton tuyên bố chấm dứt lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam. Đến ngày 12/7/1995, Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và mở Văn phòng liên lạc tại Wasington và Hà Nội.
Trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng Bộ Chính trị thực hiện hiệu quả đường lối ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa theo phương châm chủ động, tích cực. Đồng chí đã thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam tham dự nhiều sự kiện quốc tế quan trọng như: Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng chủ nghĩa phát xít tổ chức tại thủ đô Pari của Cộng hòa Pháp; Hội nghị cấp cao các nước Không liên kết lần thứ 11 tổ chức tại Côlômbô; Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên hợp quốc ở thành phố New York, Hoa Kỳ...; thăm hữu nghị chính thức và làm việc tại 13 nước trên thế giới; đồng thời, đón tiếp 26 nguyên thủ quốc gia thăm hữu nghị chính thức và nhiều đoàn khách quốc tế tới thăm Việt Nam; tiếp nhận 90 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài tại Việt Nam và cử 57 Đại sứ của Việt Nam tại các nước có quan hệ ngoại giao; ký quyết định phê chuẩn 1 Hiến chương, 26 Công ước, 5 Hiệp ước, 35 Hiệp định, 3 Nghị định thư giữa Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế; đã trình Quốc hội phê chuẩn 1 Công ước theo quy định của Hiến pháp (Công ước quốc tế về Luật biển) và đã ủy quyền đàm phán và ký kết một số điều ước quốc tế khác...
Như vậy, những đóng góp của cá nhân đồng chí Lê Đức Anh trong lĩnh vực đối ngoại đã góp phần cụ thể hóa và chứng minh sự đúng đắn chủ trương đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ đổi mới, theo hướng mở rộng quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và các dân tộc trên thế giới; cùng phấn đấu vì hòa bình độc lập, hữu nghị và phát triển, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Đó là cơ sở để phát triển lên thành đường lối đối ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa hiện nay.
3. Góp phần đổi mới chính sách xã hội
Trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng trong công tác đối nội, đối ngoại, góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện đời sống nhân dân. Một trong những vấn đề được đồng chí quan tâm đó là chính sách đối với người có công với đất nước.
Vốn là một nhà hoạt động cách mạng, một người lính, người chỉ huy quân đội từng vào sinh ra tử trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; hơn ai hết, đồng chí Lê Đức Anh rất hiểu giá trị của sự hy sinh, cống hiến cho đất nước của các liệt sĩ, thương binh, gia đình có công; đặc biệt là những người mẹ của liệt sĩ. Từ thực tế nắm bắt tình hình điều kiện đời sống còn rất khó khăn của những người có công; nhất là các bà mẹ liệt sĩ sống cô đơn, nghèo khổ; ngày 10/9/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Pháp lệnh số 36L/CTN Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994.
Sau gần hai tháng triển khai thực hiện Pháp lệnh trên phạm vi cả nước, ngày 01/12/1994, Đảng và Nhà nước đã long trọng tổ chức lễ phong tặng Danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đợt đầu tiên cho 70 Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại Hội trường Ba Đình lịch sử.
Cũng kể từ khi công bố hai pháp lệnh nói trên, cả nước xuất hiện các phong trào ý nghĩa như: “Đền ơn đáp nghĩa”, xây tặng “Nhà tình nghĩa”, nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với đất nước”... trong các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân. Đã có nhiều tổ chức xã hội, các cơ quan đoàn thể nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng suốt đời. Điều đó thể hiện rõ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trở thành truyền thống mang đậm tính nhân văn của dân tộc Việt Nam.
Việc công nhận danh hiệu Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người có công trong thời kỳ đổi mới đất nước; đồng thời, khẳng định sự đúng đắn trong chính sách an sinh xã hội của Nhà nước đang thực hiện, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội.
Những vấn đề về lý luận và thực tiễn đổi mới hình thành trong chặng đường đầu tiên có vị trí và ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cả thời kỳ đổi mới đất nước. Ở đó, rất cần có những con người dám nghĩ, dám làm, sáng tạo; đưa ra những quan điểm mang tính đột phá để hiện thực hóa đường lối đổi mới của Đảng vào từng lĩnh vực cụ thể của đất nước. Trong bối cảnh đó, được Đảng và Nhà nước tin tưởng, giao phó, đồng chí Lê Đức Anh đã đảm nhiệm những trọng trách trên lĩnh vực mang tính trọng yếu và cương vị chủ chốt của đất nước. Đồng chí luôn thấm nhuần sâu sắc chủ trương đổi mới của Đảng, để từ đó sáng tạo đưa ra những quan điểm và hành động quyết liệt, đóng góp vào thành công bước đầu của công cuộc đổi mới đất nước trên lĩnh vực quốc phòng, đối ngoại và kinh tế - xã hội. Như nhận xét của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười: “Đồng chí Lê Đức Anh là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”.
PGS.TS. NGUYỄN DANH TIÊN - TS. TRẦN THỊ NHẪN