Đồng chí Lê Đức Anh với công tác xây dựng Đảng giai đoạn 1992-1996
Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Trải qua hơn 5 năm lãnh đạo tiến hành đổi mới, Đảng đã nắm bắt được yêu cầu phát triển của đất nước, nguyện vọng của nhân dân, quyết tâm sửa chữa những khuyết điểm sai lầm trước đây; kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn được nâng lên. Tuy nhiên, Đảng cũng bộc lộ những khuyết điểm, hạn chế, trong đó có những khuyết điểm đang trở thành nguy cơ cần phải ngăn chặn kịp thời. Từ hoàn cảnh thực tiễn và tình hình trong Đảng, để bảo vệ Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định đổi mới, chỉnh đốn Đảng với việc ban hành Nghị quyết hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII: Về một số nhiệm vụ đổi mới, chỉnh đốn Đảng (ngày 29/6/1992), Nghị quyết chỉ rõ:
“- Tổ chức và kỷ luật của Đảng lỏng lẻo. Hệ thống tổ chức có những khâu trì trệ, ách tắc, chưa bảo đảm được sự lãnh đạo thông suốt trên tất cả các lĩnh vực. Một số tổ chức cơ sở đảng rệu rã, tê liệt, không giữ được vai trò lãnh đạo. Tổ chức và hoạt động của nhiều đoàn thể nhân dân còn nặng về hình thức, kém hiệu quả. Tình trạng mất đoàn kết xảy ra nghiêm trọng ở một số nơi.
- Trong Đảng có một bộ phận giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động, mất lòng tin, trong đó một số chịu ảnh hưởng của khuynh hướng cơ hội, xét lại, muốn đưa đất nước đi con đường khác; thậm chí đã có người phản bội, đầu hàng. Không ít cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân, thực dụng cuốn hút, trở nên thoái hoá, hư hỏng. Tệ tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, ăn chơi vung phí tài sản của nhân dân trở nên hết sức nghiêm trọng và kéo dài. Những hiện tượng đó gây tác hại lớn, làm tổn hại thanh danh, uy tín của Đảng.
- Chậm đổi mới phương thức lãnh đạo, hoạt động của không ít cấp ủy lúng túng trước tình hình mới. Bệnh quan liêu xa thực tế, xa quần chúng rất nặng. Nhiều cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm, sống xa dân, thậm chí cách biệt với cuộc sống của người lao động”.
Với cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí Lê Đức Anh có những đóng góp tích cực cho việc ra đời và thực hiện Nghị quyết này của Đảng.
Về phát huy dân chủ trong Đảng
Ở đồng chí Lê Đức Anh luôn toát lên cách làm việc dân chủ, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tập trung sức mạnh, trí tuệ của tập thể với việc phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm và vai trò, phẩm chất, năng lực của từng cá nhân. Theo đồng chí, cá nhân cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm rất cao với tập thể, với đất nước thì mới có những đóng góp hiệu quả vào công việc của dân, của nước. Bất cứ tập thể nào cũng phải có một người đứng đầu điều hành. Trong đó, nếu ai đó lại xen lợi ích cá nhân vào thì sẽ hỏng cho cả tập thể và hỏng cả việc điều hành. Bởi vậy, tập thể tốt hay xấu trước hết là do cá nhân đứng đầu.
Muốn khắc phục tình trạng đó, phải thực hiện dân chủ. Dân chủ là vấn đề then chốt, là động lực của cách mạng. Thực tế cho thấy, nhiều giải pháp mang tầm vĩ mô đã được nhân dân phát hiện, kiến nghị và được áp dụng có hiệu quả to lớn. Điều quan trọng là phải biết phát huy nội lực, dựa vào dân, phát huy dân chủ, động viên nhân dân bằng lợi ích để tạo ra những tiềm năng mới.
Về tổng kết thực tiễn
Là một cán bộ lãnh đạo và chỉ huy, gần 50 năm gắn bó với quân đội, với các lực lượng vũ trang và nhân dân trên các chiến trường, trải qua cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng đất nước và gần 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, đồng chí Lê Đức Anh rất tâm huyết với công việc “tổng kết kinh nghiệm chiến tranh cách mạng”. Trước hết là, sẽ lý giải một cách thuyết phục tại sao Việt Nam, một nước nhỏ, nghèo, nền sản xuất lạc hậu mà chiến thắng được nhiều kẻ thù lớn. Hai là, việc tổng kết sẽ có ích cho công việc giữ nước hôm nay và mai sau.
Tất cả những nội dung nêu trên giúp chúng ta thấy rõ được tầm nhìn của nhà lãnh đạo lớn của dân tộc, như đồng chí Võ Văn Kiệt đã nói: một trong những người lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới đất nước. Cách đây 30 năm mà đồng chí đã có tư duy về tổng kết thực tiễn mà cụ thể là “tổng kết kinh nghiệm chiến tranh cách mạng” cho thấy điều đó.
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo được bắt đầu từ đổi mới tư duy lý luận trên cơ sở đúc kết bài học sâu sắc về sự gắn bó giữa lý luận với thực tiễn. Chính nhờ xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn mà Đảng đã có những đột phá về lý luận, mở đường đưa sự nghiệp đổi mới phát triển thắng lợi. Văn kiện Đại hội XII đã đặt cụm từ “tổng kết thực tiễn” lên trước cụm từ “nghiên cứu lý luận”. Phải đặt nhiệm vụ tổng kết thực tiễn lên trên hết, trước hết, xem đó là cơ sở quan trọng nhất của nghiên cứu lý luận. Phải đổi mới căn bản phương thức tổng kết thực tiễn theo tinh thần: Phát hiện, lựa chọn một số mô hình, nhân tố mới xuất hiện trong thực tiễn; một số vấn đề quan trọng trong đường lối, chủ trương của Đảng đang được tổ chức thí điểm hoặc đang gặp khó khăn, ách tắc khi triển khai thực hiện; một số vấn đề bức xúc xã hội đang được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm... tập trung khảo sát, phân tích, đánh giá, tổng kết sâu, toàn diện, hệ thống để rút ra những kết luận ở tầm lý luận, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách.
Về chuyên chính của chính quyền cách mạng đối với các thế lực phản động, chống phá
Những năm 1988 - 1991, các thế lực phản động trong và ngoài nước ra sức bôi nhọ, âm mưu lật đổ sự lãnh đạo của Đảng. Trước tình hình đó, đồng chí Lê Đức Anh khẳng định: Thực chất chúng chỉ gây rối thôi. Hơn một triệu quân với bao nhiêu vũ khí, phương tiện hiện đại và đôla mà không làm gì được, nay bọn phản động này quậy thế ăn thua gì. Việc quan trọng bậc nhất là ta cần phải củng cố nâng cao bản chất giai cấp vô sản. Bằng mọi cách Đảng phải giữ vững quyền lãnh đạo và củng cố quyền lãnh đạo cao nhất đối với đất nước; củng cố không phải một lúc mà phải làm từng bước.
Đến khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, ở nước ta, các phe nhóm phản động càng chống phá quyết liệt. Trước tình hình đó, đồng chí đề nghị phải thực hiện đúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần làm hai việc: Thứ nhất, củng cố lại Đảng để xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp công nhân. Thứ hai, chăm sóc lợi ích và đời sống của nhân dân cả nước.
Về nhận diện các nguy cơ
Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa IX, tháng 9/1997, đồng chí báo cáo: Chúng ta đã tự khẳng định mình bằng những thành tựu đạt được trong 5 năm qua - những năm đầy sóng gió. Song, chúng ta còn những khuyết điểm nội tại có chiều hướng gia tăng, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ trở thành nguy cơ. Bốn nguy cơ của cách mạng nước ta đã được Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng chỉ rõ: 1. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, 2. Nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; 3. Nạn tham nhũng và các tệ quan liêu; 4. Âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Bao trùm lên tận bốn nguy cơ đó là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân đang có chiều hướng phát triển, biểu hiện muôn hình muôn vẻ trong các doanh nghiệp, cơ quan của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, chúng ta phải có biện pháp để đẩy lùi và loại trừ chủ nghĩa cá nhân trong Đảng, trong bộ máy nhà nước, trong các doanh nghiệp nhà nước thì mới đẩy lùi được mọi nguy cơ, mới hoàn thành được sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nếu chúng ta không loại trừ được chủ nghĩa cá nhân và không khắc phục được bốn nguy cơ mà để chúng biến thành hiện thực trong Đảng, trong bộ máy nhà nước thì hậu quả thật khó lường.
Về chăm lo lợi ích của dân
Trong một lần vào thị sát hai tỉnh miền Tây Nam Bộ là Kiên Giang và Cần Thơ, đồng chí Lê Đức Anh phát hiện ở đây có nhiều người dân mất hết ruộng đất canh tác. Nguyên nhân là do một số cán bộ có tiền, lợi dụng lúc nông dân gặp khó khăn đã mua ruộng của họ, thế là nông dân mất ruộng. Mà nông dân cả đời gắn bó với ruộng đất canh tác nhằm duy trì cuộc sống, nay ruộng không còn thì lập tức rơi vào khốn khó. Đồng chí nói: Chúng ta làm cách mạng để giành chính quyền cho nhân dân, chính quyền của dân, do dân, vì dân. Nay có chính quyền rồi, đã nắm quyền rồi, một số cán bộ lại xuất hiện tư tưởng phú nông, địa chủ. Anh là cán bộ, đảng viên không chịu tu dưỡng theo bản chất giai cấp công nhân, thì khi có quyền trong tay, hoặc anh sẽ trở thành điền chủ mới, người làm thuê cho anh lại chính là những nông dân mà anh vừa tham gia cuộc cách mạng giải phóng họ, nay vì khốn khó phải bán ruộng rồi trở thành người làm thuê như đã từng phải làm thuê cho địa chủ trước đây; hoặc anh sẽ là người ích kỷ, vô cảm, coi việc người dân mất ruộng là chuyện bình thường. Trong buổi làm việc hôm đó, đồng chí Tám Quýt, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, một người đã từng chiến đấu rất dũng cảm trong kháng chiến, nói: “Tôi sống sát dân mà không hiểu dân!”.
Về vận dụng, phát huy các nguồn lực
Về đường lối đối ngoại, Đảng ta đề ra chủ trương Việt Nam muốn là bạn của tất cả các quốc gia, các dân tộc trên thế giới cùng phấn đấu vì hòa bình độc lập, hữu nghị và phát triển, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Ta và Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ (tháng 11/1991), đồng thời xúc tiến việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Chính đồng chí Lê Đức Anh đã chọn cách tiếp cận từ khoa học bằng cách cử Nguyễn Huy Phan (Thiếu tướng, bác sĩ Viện Quân y 108, giáo sư đầu ngành y học phẫu thuật chỉnh hình) làm “người mở đầu”. Khi đi dự hội nghị khoa học quốc tế ở Pari, đồng chí Phan đã trình bày công trình “phẫu thuật chỉnh hình” của mình, được các nhà khoa học đánh giá cao. Tại hội nghị, các nhà khoa học Mỹ đã có lời mời Giáo sư Nguyễn Huy Phan sang thăm Mỹ. Khi trao đổi về nghiệp vụ, các nhà khoa học phẫu thuật của Mỹ hỏi ta về việc họ muốn làm một điều gì đó cho Việt Nam. Ta mời họ sang tham gia phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em bị khuyết tật môi, hở hàm ếch. Họ đồng ý và cử đoàn bác sĩ “Phẫu thuật nụ cười” sang ta. Sau này, công việc thành công, nhưng ít người biết được thời điểm đó cũng rất căng thẳng. Đồng chí Phan được cử đi thực thi nhiệm vụ mở quan hệ với một nước đế quốc vừa gây chiến tranh xâm lược nước ta bị hiểu nhầm là “thỏa hiệp, đầu hàng địch”. Nhưng “sự hiểu nhầm” đáng tiếc đó đã được đồng chí Lê Đức Anh giải quyết môt cách thỏa đáng. Đồng chí Nguyễn Huy Phan đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Vận dụng các nguồn lực thông qua cách tiếp cận khoa học chính là tư tưởng về ngoại giao nhân dân mà chúng ta cần thấm nhuần sâu sắc. Nói một cách ví von là phá băng quan hệ Mỹ - Trung bằng “ngoại giao bóng bàn” thì Việt Nam thực hiện đối ngoại bình thường hóa quan hệ với Mỹ thông qua con đường khoa học, thông qua ngoại giao nhân dân.
PGS.TS. LÊ VĂN CƯỜNG