Quay lại

Đồng chí Lê Đức Anh - Một tướng lĩnh kiên cường, một đồng chí lãnh đạo khiêm tốn và nghiêm minh

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi chủ yếu hoạt động ở vùng tạm chiếm, ở Thành phố Hồ Chí Minh (lúc đó là Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn). Ông cụ thân sinh của tôi thì ở Chiến khu miền Đông Nam Bộ. Do chuyên môn của ông cụ, nên từ đầu kháng chiến, cụ được phân công vào ngành Công binh - lúc đầu là Trưởng ban Công binh miền Đông, sau là Trưởng ban Công binh Nam Bộ.

Ông cụ, một trí thức yêu nước, tính tình điềm đạm, hiền hậu, được đồng sự và anh em cùng công tác quý mến. Nhưng cụ không nghĩ mình có thể phấn đấu vào Đảng, lúc đó tôi đã vào Đảng Cộng sản rồi. Mấy năm sau, cụ vui mừng báo cho tôi là cụ đã được kết nạp vào Đảng. Hỏi anh em cùng công tác với cụ, tôi được biết việc này là do đồng chí Lê Đức Anh, lúc đó là Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Nam Bộ, người trực tiếp phụ trách ông cụ tôi, đánh giá được phẩm chất và sự cống hiến của cụ và đã thuyết phục được cụ gia nhập Đảng Cộng sản. Đồng chí Lê Đức Anh là một trong hai người giới thiệu cụ Nguyễn Đồng Hội (tức Bính, cha tôi) vào Đảng Cộng sản. Qua việc này, tôi có suy nghĩ tốt về đồng chí Lê Đức Anh. Tôi cho rằng, một đồng chí lãnh đạo Đảng phải có cách nhìn người thực chất như vậy thì mới có thể thu hút vào Đảng những người tốt, có năng lực, làm cho Đảng vững mạnh được.

Đến năm 1974, tôi mới gặp và trực tiếp nói chuyện với đồng chí Lê Đức Anh lần đầu tiên. Sau khi ký Hiệp định Pari, trở về nước, tôi vượt Trường Sơn về căn cứ Trung ương Cục miền Nam để chào và báo cáo công tác với các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam. Thời điểm đó chúng ta đang ráo riết chuẩn bị cho Chiến dịch mùa Xuân năm 1975. Sau khi gặp, làm việc với một số đồng chí lãnh đạo, tôi đến chào đồng chí Lê Đức Anh từ Khu 9 được điều về phụ trách Mặt trận miền Đông áp sát với Sài Gòn, là mặt trận nóng bỏng nhất lúc bấy giờ.

Để đi lại trong vùng chiến khu, phương tiện tốt nhất là xe Honda. Tôi được một đồng chí thanh niên “đèo” ngồi sau, một xe thứ hai đi sau bảo vệ.

Anh em cho biết đồng chí Lê Đức Anh đang ở một điểm chỉ huy gần núi Bà Đen. Tôi yêu cầu đến tận nơi, dù lúc đó quân địch từ núi Bà Đen bắn đạn ra không ngớt. Và tất nhiên lực lượng của ta đang bao vây núi Bà Đen cũng từng lúc nã pháo dữ dội.

Tôi rất xúc động khi đồng chí bảo vệ đưa tôi ra một ruộng trồng sắn trên triền đồi thoai thoải, nhìn thấy đồng chí Lê Đức Anh đang ngồi trên chiếc ghế đẩu thấp, ống nhòm ngắm về nơi chiến sự. Khi biết tôi đến, đồng chí Lê Đức Anh đứng lên niềm nở bắt tay tôi, thái độ bình thản và tươi cười như một nông dân đang làm vườn ra đón khách.

Cuộc nói chuyện không lâu vì mục đích khi đó của tôi là đến chào xã giao đồng chí và chúc mừng thành tích chiến đấu của quân dân ta trong những tháng trước. Cuộc gặp đó để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp về đồng chí Lê Đức Anh. Đồng chí là hình ảnh của một tướng lĩnh vững vàng, quả cảm, tạo cho người ta lòng tin vào chiến thắng.

Được nghe về thành tích của đồng chí Lê Đức Anh ở Nam Bộ, rồi ở Khu 9 và sau này ở Campuchia, tôi nghĩ cả cuộc đời của đồng chí là trên trận mạc, đồng chí đã từng ở những điểm nóng nhất của cuộc chiến đấu. Đồng chí được tôi rèn trong môi trường đó và đã có những cống hiến xứng đáng cho đất nước.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi không có dịp gặp lại đồng chí. Đến năm 1992, khi tôi được bầu làm Phó Chủ tịch nước, mà Chủ tịch nước lại là đồng chí Lê Đức Anh, tôi mới có dịp hiểu thêm về đồng chí. Năm năm công tác bên cạnh đồng chí đã để lại cho tôi những kỷ niệm tốt đẹp và những bài học quý báu.

Đồng chí Lê Đức Anh, một con người điềm đạm, ít nói nhưng suy nghĩ nhiều, sâu và có tính quyết đoán. Trong công việc, đồng chí luôn luôn giữ vững nguyên tắc. Khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch nước, đồng chí nói với chúng tôi: “Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối. Vì vậy, mọi việc hệ trọng của Đảng và Nhà nước, tôi sẽ bàn bạc và đề xuất với Bộ chính trị và tôi sẽ thực hiện các quyết định do tập thể Bộ Chính trị thông qua”. Trên thực tế đồng chí đã làm như vậy.

Khi đi xuống địa phương, đồng chí chịu khó lắng nghe, góp ý để các đồng chí lãnh đạo địa phương suy nghĩ, nghiên cứu. Đồng chí chỉ phát biểu chỉ đạo những vấn đề thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.

Tôi nhớ một số mẩu chuyện anh em cùng đi công tác ở Tây Nguyên với đồng chí nói lại. Đồng chí Lê Đức Anh đã lưu ý các đồng chí lãnh đạo địa phương về tình hình đất đai với bà con các dân tộc thiểu số: Không nên để xảy ra tình trạng vì khó khăn hay vì không biết làm ăn mà bán đất đi, vì như vậy cuộc sống của họ lại càng khó khăn hơn, không đúng với chính sách của Đảng. Từ những vấn đề về kinh tế có thể dẫn đến vấn đề chính trị - xã hội. Từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trở về, đồng chí cũng tỏ ra băn khoăn về việc một số nông dân không còn đất, nơi làm ra nhiều lúa gạo cho đất nước mà cuộc sống của bà con lại nghèo, trình độ dân trí thấp. Cần phải sớm giải quyết vấn đề đất đai, hỗ trợ cho nông dân nghèo.

Lúc đó, đồng chí phụ trách công tác quốc phòng, an ninh. Ở nhiều nơi, đồng chí có sự chỉ đạo rõ ràng, dứt khoát, không thể chỉ nghĩ đến kinh tế mà xem nhẹ an ninh đất nước. Trong suốt thời gian làm Chủ tịch nước, rồi làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vấn đề đồng chí quan tâm, day dứt là tệ tham nhũng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Trước một số sự việc tiêu cực mà đồng chí nắm được thông tin khá đầy đủ, đồng chí không những có ý kiến trực tiếp đến cơ quan đơn vị liên quan mà đôi khi còn công khai phê phán trên báo. Kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch nước, trong bài phát biểu trước Quốc hội, đồng chí nhấn mạnh đến chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân của các tiêu cực, tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa rời quần chúng. Về cán bộ, đồng chí thường nói với chúng tôi là phải đánh giá trên hành động thực tế của từng người.

Trong những năm công tác với đồng chí Lê Đức Anh, tôi cảm thấy gần gũi, đồng chí đã quan tâm đến những ý kiến đề xuất của tôi như là một cộng sự, do đó, tôi nghĩ tôi đã phát huy được phần nào sở trường và trách nhiệm của mình. Tôi được giao một số công tác về đối ngoại, đại diện cho Nhà nước, theo dõi đóng góp ý kiến cho công tác giáo dục và tham gia một số hoạt động xã hội.

Đến năm 1996, đồng chí Lê Đức Anh ốm nặng trong một thời gian tương đối dài, mọi người đều lo lắng. Nhưng rất may, đồng chí hồi phục lại được. Người thì cho là nhờ thuốc, nhờ thầy... Theo tôi, chị Lê, vợ đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều công chữa chạy và chăm sóc, nhưng còn một nguyên nhân rất quan trọng nữa là ý chí kiên cường đấu tranh chống lại bệnh tật của đồng chí. Tinh thần đó đã giúp đồng chí vượt qua thử thách. Sau này, có lúc nói chuyện với chúng tôi, đồng chí cũng nói ý đó: đấu tranh chống lại bệnh tật, cũng như đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược.

Trong nội bộ, thái độ của đồng chí Lê Đức Anh luôn rõ ràng, dứt khoát. Đồng chí vẫn giữ tác phong của người tướng lĩnh trên chiến trường, việc này không đơn giản vì có đụng chạm, nhưng khi cần thiết đồng chí vẫn kiên quyết làm.

Trong cuộc sống riêng tư, đồng chí vô cùng giản dị. Đồng chí và gia đình luôn sống “cuộc đời người lính”.

Đồng chí Lê Đức Anh xứng đáng với sự kính trọng của chúng ta, một tấm gương cần phải học tập.
 

Nguyễn Thị Bình
Nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam