Quay lại

Đôi điều cảm nghĩ về đồng chí Lê Đức Anh – Tư lệnh Quân khu 9

Anh Sáu Nam! Đó là cách gọi thường ngày của tôi đối với đồng chí Lê Đức Anh, Tư lệnh Quân khu 9 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (từ năm 1969 đến tháng 11-1973).

Đây là giai đoạn khó khăn nhất đối với Quân khu 9. Nhưng chính tại thời điểm khó khăn đó, Trung ương Cục miền Nam đã sáng suốt và kịp thời có quyết định điều đồng chí Võ Văn Kiệt xuống Khu 9 thay đồng chí Nguyễn Thành Thơ làm Bí thư Khu uỷ và đồng chí Lê Đức Anh thay đồng chí Đồng Văn Cống làm Tư lệnh Quân khu.

Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh

Những ngày đầu đồng chí Lê Đức Anh mới xuống, tôi chưa quen biết, chẳng hiểu tính tình. Nhưng qua các cuộc họp quân chính toàn Quân khu, tôi cảm nhận đồng chí là một con người đầy nghị lực, ý chí cách mạng kiên cường, tư tưởng cách mạng tiến công không ngừng, mưu trí sáng tạo, tính quyết đoán rất cao, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm cá nhân trước dân, trước Đảng.

Một điều rất bình thường nhưng rất có ý nghĩa: khi xuống Khu 9 làm Bí thư Khu uỷ, đồng chí Võ Văn Kiệt lấy bí danh là Tám Thuận, còn đồng chí Lê Đức Anh đặt bí danh là Chín Hoà. Cặp song trùng này đã tạo bầu không khí đoàn kết, phấn khởi, gây được niềm tin tưởng của quần chúng vào sự lãnh đạo, chỉ huy của hai đồng chí - Hạt nhân đoàn kết đã nhanh chóng trở thành nòng cốt cho sự đoàn kết thống nhất giữa Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu, giữa Đảng - lực lượng vũ trang - Mặt trận Giải phóng và đoàn thể cách mạng cùng nhân dân toàn Khu 9 thành một khối vững chắc, tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai.

Điều quan trọng nhất là từ khi hai đồng chí xuống Khu 9 đã tháo gỡ được khó khăn vướng mắc về cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo giữa Khu uỷ với Bộ Tư lệnh Quân khu vốn đã có từ nhiều năm trước đó. Việc xác lập rõ ràng cơ chế lãnh đạo - chỉ huy, đổi mới phong cách lãnh đạo - chỉ huy từ cấp Khu xuống cơ sở đã thật sự tạo một sinh khí mới, năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng được nâng cao; sức chiến đấu của khối đoàn kết Đảng - quân - dân Khu 9 không ngừng được củng cố và phát triển...

Điều mà đến bây giờ tôi còn nhớ như in là: năm 1970, tình hình Khu 9 hết sức khó khăn, ác liệt, địch tập trung binh hoả lực, tập trung các phương tiện chiến tranh như xe lội nước, tàu chiến và cả máy bay ném bom chiến lược B52 đánh phá dồn dập và tiến công vào căn cứ U Minh, khu rừng tràm 390, nơi Sở chỉ huy của Quân khu đứng chân. Trước tình hình đó, trong Khu uỷ đã có ý kiến khuyên Quân khu nên chuyển cơ quan về nam Cà Mau để bảo đảm an toàn. Sau khi phân tích tình hình, cân nhắc mọi mặt, Tư lệnh Quân khu đã quyết định bám trụ ở U Minh Thượng, đồng thời triển khai Sở chỉ huy tiền phương của Quân khu tại Long Mỹ (Cần Thơ), sát đồn Tô Ma của địch, và đồng chí Lê Đức Anh đã thường xuyên có mặt ở đó. Sự việc và hình ảnh này đã có sức mạnh cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường đối với các lực lượng vũ trang và các đảng bộ, nhân dân địa phương.

Thời điểm giữa năm 1971, về cơ bản địch đã lấn chiếm U Minh Thượng, sau đó chúng nhăm nhe mở rộng lấn chiếm nam Cà Mau... Nắm được ý đồ của địch, quyết tâm bẻ gãy ý đồ đó, Tư lệnh Quân khu Sáu Nam đã quyết định mở đợt phản công lớn vào mùa mưa 1971 ở U Minh, tập trung trong vùng bình định trọng điểm của địch; đồng thời phát động phong trào đánh địch rộng khắp trên các chiến trường bằng lực lượng tại chỗ ...

Cuộc phản công mùa mưa kết thúc thắng lợi, buộc địch phải huỷ bỏ kế hoạch "Tô dày lấp kín U Minh" và phải rút bỏ một số đồn bốt ở U Minh. Phát huy thắng lợi, Tư lệnh Quân khu ra lệnh tiếp tục tiến công bẻ gãy kế hoạch bình định của địch. Đến cuối năm 1971, chúng không thực hiện được kế hoạch vì hầu hết lực lượng quân chủ lực địch bị ta đánh thiệt hại nặng, nhất là Sư đoàn 21 nguỵ. Từ đó tình hình Quân khu 9 được cải thiện rõ rệt, đã có tác động cổ vũ quân và dân Khu 9, củng cố niềm tin vào thắng lợi của cách mạng miền Nam.

Năm 1972, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền, Quân khu 9 tích cực chuẩn bị lực lượng và mở nhiều đợt tiến công địch. Sau sáu đợt cao điểm tiến công, đến tháng 9-1972, Quân khu 9 đã giành được thắng lợi lớn, làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho ta, góp phần đánh bại chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của Mỹ...

Hiệp định Paris được ký kết. Theo các điều khoản của Hiệp định, đúng 7 giờ ngày 28-1-1973, hai bên tham chiến sẽ ngừng bắn tại chỗ. Thế nhưng, trên vùng đất đồng bằng sông Cửu Long vẫn không có ngừng bắn, chiến tranh vẫn tiếp diễn, quân nguỵ Sài Gòn vẫn tiếp tục tiến công lấn chiếm, nhiều nơi chiến tranh còn ác liệt hơn trước...

Sau khi phân tích tình hình, Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu thống nhất đề nghị lên Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền giữ thế tiến công, kiên quyết đánh trả địch lấn chiếm bình định; đồng thời đẩy mạnh đấu tranh chính trị và bình vận phù hợp với nội dung Hiệp định.

Ngày 6-2-1973, Hội nghị Quân chính toàn Quân khu phổ biến nghị quyết của Thường vụ Khu uỷ, xác định nhiệm vụ của lực lượng vũ trang "Kiên quyết trừng trị địch vị phạm Hiệp định, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, hỗ trợ nhân dân đấu tranh đòi hoà bình dân chủ, đòi thi hành Hiệp định...". Tư lệnh Quân khu quy định cho các trung đoàn chủ lực vẫn giữ vững đội hình đã bố trí, đánh địch vi phạm lấn chiếm vùng kiểm soát của ta, làm nòng cốt cho các lực lượng khác bám giữ địa bàn, bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng.

Lúc đó, Bộ chỉ huy Miền ra lệnh cho Quân khu 9 rút hai trong bốn trung đoàn chủ lực về phía sau để thay phiên nhau huấn luyện và củng cố lực lượng. Sau khi cân nhắc kỹ, Bộ Tư lệnh Quân khu đã gửi kiến nghị về Miền xin cho tiếp tục duy trì thế bố trí hiện tại, vì thấy rằng nếu rút lực lượng thì lập tức quân địch sẽ lấn chiếm. Đây là một quyết đoán hết sức đúng đắn của Bộ Tư lệnh Quân khu, mà người đề xuất là Tư lệnh Lê Đức Anh.

 Tháng 2-1973, hầu hết cán bộ trung cao cấp trong quân khu đều được học tập quán triệt Nghị quyết của Trung ương Cục, Nghị quyết của Khu uỷ và Quân khu uỷ. Trong đó, Nghị quyết của Trung ương Cục có câu: "Đấu tranh chính trị là chính, lực lượng vũ trang hỗ trợ". Cán bộ chúng tôi đều không thông tinh thần này vì cho rằng bản chất của địch là rất ngoan cố, ra sức đánh phá ta và lấn chiếm bình định, vậy mà lực lượng vũ trang chỉ hỗ trợ thì làm sao giữ vững được vùng giải phóng và phát huy thành quả cách mạng? ... Trong tình hình đó, chúng tôi là những người trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu, vẫn chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Tư lệnh Quân khu "Lực lượng vũ trang các cấp phải kiên cường bám trụ tại địa bàn được phân công, tích cực đánh địch bình định lấn chiếm, phát động phong trào quần chúng đấu tranh chính trị, buộc địch phải thi hành Hiệp định và đẩy mạnh công tác binh vận... ". Đây là một mệnh lệnh mang đầy đủ tinh thần cảnh giác cách mạng, không mơ hồ ảo tưởng, thể hiện tinh thần cách mạng tiến công không khoan nhượng đối với kẻ thù...

Đúng như nhận định đánh giá của Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu là "Địch không thi hành Hiệp định, vẫn thực hiện kế hoạch bình định lấn chiếm... ". Đầu năm 1973, Bộ Tư lệnh Quân khu xác định nhiệm vụ trọng tâm của Quân khu là "Phá kế hoạch bình định, lấn chiếm của địch; buộc chúng thi hành Hiệp định bằng cách thực hiện tiến công liên tục trên phạm vi toàn quân khu, có thời gian cao điểm, nhưng phương thức tiến công không gây tiếng vang lớn". Lại một lần nữa, Bộ Tư lệnh Quân khu xác định nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Quân khu rất sát đúng, mang ý nghĩa chiến lược, thắng địch trong điều kiện có Hiệp định ràng buộc cả hai phía tham chiến. Các bạn: Tháng 9-1973, Tư lệnh Quân khu có một báo cáo quan trọng gửi Trung ương Cục, Bộ chỉ huy Miền và Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tình hình Khu 9 trong tám tháng kể từ sau khi có Hiệp định. Báo cáo nêu rõ: "Ở Quân khu 9 hay đồng bằng sông Cửu Long nói chung và có thể ở cả miền Nam hoàn toàn không phải là xung đột vũ trang từng vụ, từng nơi, mà địch đã thực sự duy trì chiến tranh, thực hiện chương trình bình định trong điều kiện có hiệp định hoà bình". Từ đó, Tư lệnh Quân khu có những đề nghị và đề xuất lên trên nhiều vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết sách chiến lược như: Đánh giá tình hình, phương châm hành động hàng ngày, phương hướng tiến công, phương thức tiến công, đối tượng tiến công, công tác binh vận, về lực lượng chính trị - đấu tranh chính trị phối hợp với lực lượng vũ trang đấu tranh để giành và giữ quyền làm chủ, chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang và tiến hành vũ trang khởi nghĩa...

Những đề nghị, đề xuất trên đây cũng là nội dung chỉ đạo của Quân khu 9 trên phạm vi địa phương mình từ sau ngày 28-1-1973. Nhờ chủ trương đúng đắn của Khu uỷ, sự chỉ huy nhạy bén và sáng tạo của Bộ Tư lệnh Quân khu, mà trực tiếp là đồng chí Tư lệnh Lê Đức Anh, nên Quân khu 9 đã liên tục tiến công bẻ gẫy nhiều cuộc hành quân bình định lấn chiếm của địch; đồng thời chuẩn bị tích cực để chuyển sang kế hoạch tiến công mùa khô tới.

Sang năm 1973, tình hình Quân khu 9 sáng sủa hẳn lên, nhất là cuối năm. Đến ngày 14-11-1973, hai đồng chí Võ Văn Kiệt và Lê Đức Anh được cấp trên gọi ra Bắc báo cáo và ngay sau đó được rút về Miền để chuẩn bị cho nhiệm vụ mới - Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn và giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Hơn bốn năm trên cương vị lãnh đạo và chỉ huy Quân khu 9, hai anh Võ Văn Kiệt và Lê Đức Anh cùng với tập thể Đảng uỷ Quân khu đã đưa Quân khu 9 vượt qua những ngày tháng hiểm nghèo, từng bước đưa phong trào cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Khu 9 vươn lên mạnh mẽ, đánh bại âm mưu, kế hoạch bình định lấn chiếm của địch; khơi dậy tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, tư tưởng cách mạng tiến công, quyết đánh và quyết thắng địch; vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh cách mạng của Đảng vào thực tiễn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Nhớ đến anh Sáu Nam - đồng chí Lê Đức Anh là tôi nhớ đến một người anh thân thương, người đồng chí mẫu mực và người chỉ huy mưu lược tài giỏi. Trong những năm gần gũi với đồng chí Lê Đức Anh, tôi đã học tập được rất nhiều điều và tôi được trưởng thành cũng là nhờ tấm gương sáng của đồng chí.
 

Thiếu tướng Trần Văn Niên
Sách Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước