Quay lại

Đại tướng - nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh: Tôi luôn nhớ một Sài Gòn bình yên sau cuộc chiến…

Mùa xuân này, Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Chủ tịch nước đã 95 tuổi. Ông cũng là người trong Bộ Chỉ huy của Chiến dịch Hồ Chí Minh duy nhất hiện còn sống. Dù tuổi cao, ông vẫn dành cho số báo Xuân An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng một cuộc trò chuyện dài để hồi tưởng về mùa xuân lịch sử 1975 và chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở của ông về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của Đảng và nhân dân ta.

LỜI TÒA SOẠN: 40 năm trước, khi mùa xuân 1975 mở ra một trang sử mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đã làm thay đổi biết bao số phận của hai miền Nam - Bắc. Cho dù mỗi người mang danh mỗi miền quê khác nhau, người sinh ra từ miền quê yêu dấu lên đường xông pha chiến trường, người về từ chốn địa ngục lao tù, người gắn bó với giảng đường hàn lâm kinh viện, người còn hồn nhiên con trẻ,… nhưng họ đều may mắn được chứng kiến sự thay đổi của số phận gắn liền với sự đổi thay của non sông.

40 năm đi qua, dù đời sống có bao nhiêu trải nghiệm thăng trầm, mùa xuân 1975 vẫn là một ký ức sống động trong trái tim những nhân chứng lịch sử dân tộc.

- Thưa Đại tướng Lê Đức Anh, mùa xuân này, chúng ta kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam. Là Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam tiến vào Sài Gòn, ông nhớ gì về mùa xuân đặc biệt của 40 năm trước?

- Đó là mùa xuân không thể quên được với tất cả mọi người Việt Nam chứ không chỉ riêng tôi. Khắp chiến trường là một bầu không khí mà trước đây chưa từng có… Từ nhiều nguồn tin khác nhau, đồng bào từ nông thôn đến thành thị ai cũng háo hức chờ đợi quân giải phóng. Sáng ngày 30/4, khắp Sài Gòn rộn rã cờ hoa. Từ những cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn đến những người dân trong nội thành đều có chung một niềm vui khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cuối cùng đã thắng lợi, đất nước cuối cùng đã đi đến ngày thống nhất và Sài Gòn giờ đây sẽ không còn tiếng súng.

Có một điều mà tôi nhớ nhất về Sài Gòn những ngày đó, là ngay cả trong lúc giao thời, chính quyền cũ đã tan rã, quân giải phóng và cách mạng chưa kịp thiết lập sự quản lý và tổ chức điều hành các hoạt động của xã hội, nhưng mọi hoạt động của xã hội vẫn được diễn ra rất trật tự, với sự tự giác cao của người dân. Ngay hôm sau, ngày 1/5, chợ Bến Thành đã bắt đầu họp lại, tôi ra chợ vừa để xem vừa để nắm tình hình, thấy cuộc sống thường nhật lại diễn ra như chưa từng có bất cứ biến cố gì, cứ như là chiến tranh chưa từng xảy ra ở nơi này.

Trong những ngày chính quyền cũ đã tan rã, chính quyền mới chưa được tổ chức đầy đủ, nhưng Sài Gòn và những nơi mới giải phóng hoàn toàn không có chuyện cướp bóc, giành giật, hôi của. Bao trùm khắp thành phố là bầu không khí hạnh phúc và bình yên. Đó là cảnh tượng sau chiến tranh hiếm có của tất cả các cuộc chiến tranh trên thế giới.

Chính quyền cũ vẫn tuyên truyền một khi Việt Cộng vào thì những cuộc tắm máu trả thù sẽ xảy ra, nhất là với những gia đình theo chế độ cũ. Nhưng chỉ sau 30-4 hai ngày, những người của chính quyền cũ còn ở lại đã có thể thở phào nhẹ nhõm, vì họ đã hiểu rằng, “Việt Cộng” không trả thù ai hết, mà ngược lại hiền lành, trung thực, đối xử bình đẳng với tất cả. Có một anh trung tá quân đội Sài Gòn đến gặp tôi sau ngày giải phóng đã gọi tôi là bác, chứ không phải là ông chỉ huy hay ông cách mạng. Tôi đã rất xúc động vì cuối cùng, họ đã vượt qua sự khác biệt về hệ tư tưởng, mặc cảm quá khứ, chúng tôi đã xưng hô với nhau đúng là những người dân một nước.

- 40 năm qua, ông thường làm gì vào dịp kỷ niệm đặc biệt này?

- Bộ Chỉ huy chiến dịch năm đó có ông Văn Tiến Dũng, ông Phạm Hùng, ông Võ Văn Kiệt, ông Lê Trọng Tấn, ông Trần Văn Trà v.v… Giờ chỉ mình tôi còn sống. Sau Giải phóng, chúng tôi vẫn cùng nhau làm nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Cũng có không ít những lúc ngồi lại, hỏi thăm nhau chuyện gia đình, cùng nhau nhắc lại chuyện cũ, chiến dịch cũ, nhưng cuối cùng, mọi câu chuyện đều quay về chuyện đất nước, dân tộc. Đất nước ta anh hùng, nhưng đau thương vô cùng. Làm sao cho dân bớt khổ rồi hết khổ, đó luôn là nỗi niềm suốt đời của chúng tôi.

- Có rất nhiều ý kiến cho rằng trước năm 1975, dưới thời Việt Nam Cộng hòa, Sài Gòn là hòn ngọc Viễn Đông. Ở thời điểm này, Sài Gòn đang trở nên tụt hậu so với nhiều thành phố khác trong khu vực. Ông có cảm thấy chúng ta phải chịu trách nhiệm về điều đó như đánh giá của một số người?

- Xưa Sài Gòn tiếng là hòn ngọc Viễn Đông, nhưng thực chất chỉ là thành phố ăn chơi, tiêu thụ, chứ hầu như chưa có hoạt động sản xuất. Hàng tỷ USD Mỹ đổ vào Sài Gòn mỗi năm chỉ để xây dựng những công trình phục vụ cho cuộc chiến tranh và nuôi bộ máy tay sai.

Khi chúng tôi vào tiếp quản, Sài Gòn chỉ có Nhà máy đóng tàu Ba Son và một vài cơ sở dệt, không có gì thực chất để có thể xứng đáng là hòn ngọc Viễn Đông? Còn ngày nay, có thể ta chưa làm Sài Gòn trở thành một thành phố phát triển đúng như tiềm năng của nó. Nhưng  phải công bằng mà nói rằng hiện nay, nó đã trở thành một trung tâm kinh tế văn hóa đứng đầu cả nước, cả thương mại, sản xuất và giáo dục đào tạo.

Chúng ta phải chịu hậu quả tàn phá của 30 năm chiến tranh, 19 năm nằm trong vòng bao vây, cấm vận và chống phá toàn diện kể cả tiến công quân sự của liên minh giữa hai nước lớn. Với hoàn cảnh như thế, xuất phát điểm một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, hầu như cán bộ lãnh đạo các cấp trước đây do không được trang bị kiến thức nên trình độ điều hành phát triển kinh tế và xã hội kém hiệu quả và mắc phải không ít sai lầm nên nước ta chậm phát triển hơn là điều dễ hiểu.

Nếu có điều gì khiến tôi thấy đáng tiếc nhất thì đó là giai đoạn từ 1975 đến 1985, tuy quan điểm và mục tiêu là tốt, nhưng do vừa chủ quan nóng vội duy ý chí, chưa hiểu đúng quy luật khách quan, nên chúng ta cứ loay hoay mãi chưa tìm được lối ra mà còn phạm sai lầm để lún sâu vào khủng hoảng kinh tế xã hội, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn, cùng với sự kích động từ bên ngoài, nhiều người đã vượt biên trái phép, để rồi phải chịu những mất mát thương tâm, nhất là vượt biên theo đường biển.

- Thưa Đại tướng, mỗi năm vào dịp này, câu chuyện hòa hợp dân tộc thường được nhiều người nhắc đến. Nhưng 40 năm đã qua, dường như giấc mơ hòa hợp vẫn là nỗi niềm đau đáu của người Việt Nam…

- Không phải chỉ sau ngày thống nhất đất nước, mà mục tiêu của Đảng ta từ ngày đầu thành lập, nhất là từ khi lãnh đạo toàn dân giành lại được độc lập dân tộc, từ đường lối của Đảng, đến pháp luật và chính sách của Nhà nước, chúng ta không phân biệt đối xử với bất kỳ ai, không cho phép trả thù những người đã từng phục vụ cho chế độ cũ, thậm chí còn trọng dụng nếu ai có đức độ, tài năng và muốn phục vụ nhân dân.

Tôi nhớ, sau ngày 30/4/1975, có một đồng chí cán bộ của ta vì làm sai chủ trương đó nên đã bị cấp trên xử lý rất nghiêm khắc, khiến mọi người càng vững tin hơn. Nói vậy để khẳng định rằng, đoàn kết toàn dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước ta đề cao, không chỉ trong nước mà còn cả đồng bào ta định cư ở nước ngoài từ bất cứ lý do gì, nhằm tạo nên sức mạnh để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Khi còn đương chức, tôi tới Mỹ, Pháp và nhiều nước, tiếp xúc với bà con Việt kiều, thì hầu hết mọi người đều đã vượt qua sự khác biệt một thời, muốn chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Còn cứ đòi hỏi sự hòa hợp tuyệt đối là điều không tưởng. Xin hỏi ngay trong một gia đình, có bao giờ giữa vợ với chồng, anh (chị) với các em, cha mẹ với các con có được sự hòa hợp tuyệt đối?

Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Đại tướng Lê Đức Anh gặp gỡ và trò chuyện với phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng. Ảnh: Đình Nguyễn

- Ngày xưa, khi có việc gì không làm được, chúng ta đều hẹn đến ngày thống nhất. Chúng ta tin rằng, đất nước thống nhất thì việc gì cũng giải quyết được hết. Nhưng giờ vẫn còn rất nhiều việc khiến chúng ta loay hoay: Chúng ta vẫn là nước nghèo của thế giới, vấn nạn tham nhũng - như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói - đang đe dọa sự tồn vong của Đảng... vẫn có những người Việt Nam còn chưa đủ cơm ăn, áo mặc. Với những việc bộn bề như thế, giữa mùa xuân này, Đại tướng nghĩ gì và cầu mong điều gì ở những mùa xuân sau của đất nước? 

- Mong muốn thì nhiều, nhưng chúng ta sẽ phải xét các điều kiện và khả năng thực tế của ta đang có một cách tỉnh táo. Từ Đại hội VII đến nay, Đảng và Nhà nước vẫn thẳng thắn thừa nhận: Nước ta đang tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực và thế giới, nhưng chúng ta không để tụt hậu xa hơn mà phải từng bước rút ngắn khoảng cách đó. Nhưng cái cần nhất và tiên quyết phải làm trước mắt là giữ vững độc lập, tự chủ của dân tộc, xây dựng cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, rồi từng bước bắt kịp với các nước trên thế giới. Tương lai của dân tộc giờ không còn phụ thuộc ở chúng tôi nữa mà nằm trong tay thế hệ trẻ. Rất mong các cháu làm được những điều mà chúng tôi còn đang dang dở!

- Xin cảm ơn Đại tướng về cuộc trò chuyện này!

 

Lan Hương