Quay lại

Đại tướng Lê Đức Anh với công tác quân lực những năm 1989 - 1993

Đại tướng Lê Đức Anh là người lãnh đạo quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và quân đội. Trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Lê Đức Anh để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung và xây dựng lực lượng vũ trang nói riêng, đặc biệt là với ngành Quân lực, Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu những năm 1989 - 1993.
 

Đầu năm 1989, tình hình lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam đã và đang ở quy mô lớn. Tổ chức lực lượng bị mất cân đối giữa quy mô và tổ chức quá lớn so với tổng quân số và khả năng trang bị với các mặt bảo đảm của Nhà nước. Chính vì vậy, đồng chí Lê Đức Anh chỉ đạo gấp rút điều chỉnh tổ chức lực lượng quân đội một cách thận trọng, sớm đưa quy mô và cơ cấu tổ chức lực lượng phù hợp với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; phù hợp với khả năng bảo đảm các mặt của Nhà nước. Trên cơ sở đó, điều chỉnh thế bố trí chiến lược, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân. Lúc này, cả nước ta có hơn 1 triệu thương binh và gia đình liệt sĩ, 1 triệu cán bộ nghỉ hưu, hơn 3 triệu người mắc bệnh do di chứng chiến tranh và 4 triệu người không có việc làm, ngân sách nhà nước chi cho quốc phòng chỉ đạt dưới 19% so với yêu cầu. Thực trạng quân đội ta khi đó đang bị mất cân đối giữa quy mô tổ chức quá lớn với khả năng tổng quân số và khả năng trang bị xuống cấp nhanh, nhiều loại thiếu đồng bộ, lượng dự trữ rất mỏng. Đất nước ta vẫn bị phương Tây bao vây, cấm vận. Công cuộc đổi mới, mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ lạm phát vẫn còn lớn. Siêu lạm phát xuất hiện liên tục từ năm 1985 đến năm 1988 ở Việt Nam với tỷ lệ từ 300% đến 800% mỗi năm, riêng năm 1988 là 392%, năm 1989 giảm xuống 100%. Trên thế giới, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lâm vào khủng hoảng trầm trọng, thoái trào, đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Giữa tháng 7/1989, trong cuộc họp đánh giá về thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng về đổi mới quốc phòng, Bộ trưởng Lê Đức Anh nhấn mạnh: Đổi mới là tất yếu và cấp thiết song bước đi phải thận trọng và phù hợp. Đổi mới về quân sự, quốc phòng với nội dung cốt lõi “cái gì đúng nay tiếp tục làm, cái gì trước đây sai thì nay sửa lại, cái gì trước đây chưa làm nay thấy cần thì bổ sung, cái gì trước đây làm theo tinh thần lúc đó nay đã khác, thấy cần thay đổi thì thay đổi cho phù hợp với tình hình mới”.

Đồng chí Lê Đức Anh nhấn mạnh hơn về phương hướng chung xây dựng lực lượng vũ trang, các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch tổ chức lực lượng. Ông nhắc đi nhắc lại là phải tiến hành khẩn trương, chặt chẽ công tác biên chế gắn liền với công tác quy hoạch tổ chức lực lượng. Đồng thời, nhận xét cụ thể về hoạt động của các Tổ Trung tâm nghiên cứu chức danh, biên chế các tổng cục, quân chủng, binh chủng, quân khu, quân đoàn thực hành chậm chưa đạt được yêu cầu đề ra, đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giảm quân số và chấn chỉnh biên chế tổ chức trong toàn quân. Ông so sánh với tổ chức cơ quan nhà nước; các cục, vụ được biên chế vài chục người, nhưng do phân công, phân nhiệm hợp lý nên mọi việc đều trôi chảy; như thời kỳ đồng chí giữ chức vụ Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu (1961 - 1963), quân số chỉ 34 người, nhưng công việc vẫn đâu vào đấy.

Cuối tháng 8/1989, quán triệt mệnh lệnh, chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh, Nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng về chấn chỉnh tổ chức biên chế giảm quân số, bỏ cấp phòng, lấy Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu làm thí điểm cho Bộ Quốc phòng. Đảng ủy - Chỉ huy Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu triệu tập Hội nghị cán bộ, đảng viên, công nhân viên toàn Cục thảo luận xây dựng biểu biên chế, tổ chức Cục Quân lực theo cơ chế bỏ cấp phòng, giảm quân số, nâng cao hiệu suất công tác.

Qua 7 tháng nghiên cứu thực nghiệm với 8 cuộc họp thiết lập nhiều đề án, trong đó có 5 đề án khả thi, tiến hành thực nghiệm lần lượt các đề án biên chế 32 người, 36 người, 92 người, 90 người và 79 người.

Đến giữa tháng 3/1989, toàn Cục thống nhất lấy đề án giảm 5 phòng gồm: Tổ chức biên chế, Trang bị, Quân số chính sách, Động viên - tuyển quân, Khoa học quân sự. Điều chỉnh, sắp xếp biên chế, tổ chức cục thành các bộ phận: Bộ phận Kế hoạch tổng hợp thực hiện chức trách tổ chức, biên chế, trang bị, quân số, tuyển quân, động viên; Bộ phận Quản lý đầu mối đơn vị; Bộ phận Thông tin tư liệu; Bộ phận Chính sách; Bộ phận Tổng kết. Chuyển Phòng Hành chính, vật tư xuống Ban, riêng Phòng Hợp tác quốc tế về lao động vẫn duy trì theo quy chế lâm thời; thống nhất lề lối tác phong công tác theo cơ chế bỏ cấp phòng. Thủ trưởng Cục giảm còn 4 đồng chí. Quân số toàn Cục còn 79 người. Điều chỉnh, tổ chức biên chế Cục vận hành theo cơ chế mới. Tiếp tục hoàn thành kế hoạch 1986-1990 và bước sang kế hoạch 1991-1995.

Thông qua thực hiện chủ trương giảm quân số, chấn chỉnh tổ chức biên chế, Bộ phận Chính sách kết hợp với nhóm Thông tin tư liệu của Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu bước đầu khai thác tập hợp từ năm 1945 đến năm 1991 được 660.000 liệt sĩ đăng ký qua mạng máy tính, phân cấp quản lý qua các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho khâu giải quyết chính sách hậu phương quân đội.

Trước mỗi đề án, nội dung lớn mang tính chiến lược - chiến dịch, dài hạn, ngắn hạn đều được thảo luận thống nhất trong nội bộ Cục Quân lực; sau đó Thủ trưởng Cục chỉ đạo lấy ý kiến các cơ quan Bộ Quốc phòng, ngành, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng. Thông qua trao đổi, hội thảo chắt lọc nghiêm túc, làm thí điểm trước khi báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh. Kết quả, qua 2 năm (1990-1992), vận hành theo cơ chế mới, Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu đã lần lượt hoàn thành các nội dung của kế hoạch giảm quân số, điều chỉnh biên chế, tổ chức lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới.

Tiếp tục thực hiện chủ trương giảm quân số, chấn chỉnh tổ chức theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh, trong năm 1989, Quân đội nhân dân Việt Nam đã giải thể 12 sư đoàn bộ binh, 1 lữ đoàn, 3 trung đoàn, 1 tiểu đoàn thuộc các quân khu, quân đoàn, tổng cục. Tổ chức mới và giao thêm nhiệm vụ cho các trung tâm, nhà máy sản xuất quốc phòng gắn với kinh tế; thành lập các công ty, tổng công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Toàn quân thống nhất thực hiện kế hoạch bảo đảm trang bị của Bộ Quốc phòng theo phương hướng: phát huy tinh thần tự lực, tận dụng mọi tiềm năng trang bị kỹ thuật hiện có và khả năng bảo đảm của Nhà nước; từng bước cân đối đồng bộ tổ chức biên chế và trang bị kỹ thuật trước hết cho các đơn vị chủ lực và trang bị kỹ thuật chủ yếu.

Căn cứ vào chủ trương của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo tập trung ưu tiên kiện toàn biên chế trang bị cho các đơn vị đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo, bảo đảm một bước cho các đơn vị dự bị động viên, kết hợp chỉ đạo tập trung các loại vũ khí, trang bị thu hồi từ các đơn vị giải thể đưa vào kho những loại còn sử dụng tốt, tổ chức niêm cất, thanh lý các loại không còn sử dụng.

Đồng thời, đồng chí Lê Đức Anh cũng chỉ đạo sửa chữa và sản xuất quốc phòng, tập trung mũi nhọn vào những chủng loại vũ khí, trang bị quân đội ta đang cần mà ta có thể đảm đương được. Do đó, công tác trang bị của quân đội ta từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng động viên trong những tình huống cấn thiết.

Thực hiện Nghị quyết Đảng ủy Quân sự Trung ương về tiếp tục điều chỉnh lực lượng và thế bố trí chiến lược, kế hoạch tổ chức lực lượng giai đoạn 1991 - 1995, từ đó, toàn quân xác định rõ phương hướng xây dựng lực lượng vũ trang là: Tiếp tục giảm quân số thường trực, tăng cường xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, thực hiện một sự cân đối mới giữa ba thứ quân, kết hợp xây dựng quân đội về chính trị, quân sự và chính quy; sắp xếp lại hệ thống nhà trường theo hướng đại học hóa đội ngũ sĩ quan và nhân viên kỹ thuật, nâng cao một bước chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội. Bảo đảm trang bị kỹ thuật theo hướng bảo quản và sử dụng những cái đã có; đồng thời cải tiến, mua sắm, hiện đại hóa một số phương tiện vũ khí thật cần thiết. Đổi mới một số chính sách đối với quân đội cho phù hợp với thời bình và kinh tế thị trường, nâng cao một bước đời sống tinh thần và vật chất của bộ đội.

Căn cứ vào phương hướng và đặc điểm tình hình cụ thể các cơ quan, đơn vị toàn quân, Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu triển khai có hiệu quả từng mặt công tác lớn. Trong thời gian từ năm 1991 đến năm 1994, trên cơ sở chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Cục Quân lực và các cơ quan liên quan, Bộ Quốc phòng đã ban hành chức danh khối chiến đấu.

Do tổng quân số thời điểm này đã giảm tới mức tương đối ổn định, Nhà nước ta ban hành chính sách mới đối với quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên quốc phòng; đồng thời, thực hiện cải cách chế độ tiền lương, nên số lượng, chất lượng hạ sĩ quan chỉ huy và nhân viên chuyên môn kỹ thuật ngày một tốt hơn. Để bảo đảm chất lượng đào tạo, Bộ Quốc phòng đã bổ sung một số tiêu chuẩn về chiêu sinh, tuyển sinh, xác định bậc học, cấp học theo quy chế đào tạo của Nhà nước; cải tiến nội dung chương trình và thời gian đào tạo đối với từng cấp học, ngành học. Từ tháng 8 đến tháng 11/1991, theo chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Anh mà trực tiếp là Bộ Tổng Tham mưu, Cục Quân lực chủ trì phối hợp với Cục Huấn luyện chiến đấu tổ chức nghiên cứu thực nghiệm sư đoàn bộ binh mang vác các loại vũ khí, trang bị, vật chất trong biên chế của từng loại phân đội, từng cá nhân hành quân từ vị trí tập kết đến tuyến triển khai chiến đấu; điều chỉnh hợp lý số quân theo biên chế, bảo đảm đủ sức mang vác hết cơ số đạn dược và lượng vật chất quy định.

Qua thời gian thực nghiệm tại Sư đoàn 325 Quân đoàn 2 đạt kết quả tốt. Trong Hội nghị tổng kết, Trung tướng Đỗ Văn Đức - Phó Tổng Tham mưu trưởng kết luận: “Cuộc thực nghiệm đạt kết quả rất tốt, dựa vào thực nghiệm đã xác định được quân số, trang bị cho từng loại phân đội của sư đoàn bộ binh mang vác phù hợp với các loại trang bị hiện có với tầm vóc người Việt Nam”. Sau đó, Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu đã hoàn thiện biểu biên chế “sư đoàn bộ binh mang vác” trình Tổng Tham mưu trưởng ban hành gồm: sư đoàn bộ binh mang vác thời bình và sư đoàn bộ binh mang vác thời chiến.

Ngày 3/12/1991, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh ra Quyết định số 495/QĐ-QP ban hành “Chế độ quản lý trang bị kỹ thuật”. Đây là văn bản do Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu cùng các cơ quan chức năng của Tổng cục Kỹ thuật soạn thảo gồm 11 chương, 63 điều; bổ sung hoàn thiện nhiều nội dung từ nghiên cứu, cải tiến, thiết kế chế tạo, mua sắm, sản xuất chuyển ra khỏi biên chế và dự trữ, là văn bản thiết yếu giúp người chỉ huy, cơ quan và đơn vị thực hiện quản lý vũ khí, trang bị kỹ thuật ngày càng chặt chẽ hơn. Lập kế hoạch động viên là một trong những nội dung thiết yếu của công tác động viên quân đội. Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện kế hoạch động viên, năm 1990, được sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, quân lực đã chuyển đổi phương thức từ các địa phương giao nguồn cho đơn vị thường trực tiếp nhận tự sắp xếp biên chế sang phương thức các địa phương, bộ, ngành tổ chức xây dựng sắp xếp đơn vị theo biểu biên chế (tròn khâu), chuyển giao cho đơn vị thường trực khi có lệnh. Phương thức này được áp dụng từ năm 1992, qua thực tế cho thấy đã rút ngắn được thời gian bàn giao và hoàn thiện biên chế đơn vị nhanh, sát thực tế, giúp cho đơn vị thường trực nhận quân và điều chỉnh đơn vị nhanh, thuận lợi (làm cơ sở để xây dựng pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên năm 1996).

Thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng Tham mưu, Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi, bổ sung và Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, là cơ sở pháp lý, căn cứ cơ bản để thực hiện nhiệm vụ, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và nền quốc phòng toàn dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Từ cuối năm 1991 đến cuối năm 1993, Cục Quân lực thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu đã chủ trì cùng các cục Cán bộ, Tổ chức, Tài chính và cơ quan, các đơn vị liên quan xây dựng thống nhất ban hành chức danh, trần quân hàm, nhóm chức vụ toàn quân từ khối cơ quan Bộ, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng đến các khối nghiên cứu khoa học, học viện, nhà trường, xí nghiệp, kho, trạm làm căn cứ cho công tác lãnh đạo, quản lý sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ vào nền nếp chặt chẽ.

Trên cơ sở đó, toàn quân chấn chỉnh tổ chức, sáp nhập điều chuyển, kiện toàn 62 đầu mối đơn vị, giải thể các đơn vị dư thừa do nhu cầu nhiệm vụ; chuyển đổi cơ cấu tổ chức 34 đầu mối từ cấp tiểu đoàn, trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn và tương đương, thành lập 100 đầu mối đơn vị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tình hình chuyển đổi chung của Nhà nước và Chính phủ.

Sau ba năm, toàn quân thực hiện kế hoạch điều chỉnh tổ chức lực lượng dần hình thành rõ nét trong thực tế cơ cấu về quy mô lực lượng, cơ cấu tổ chức biên chế trang bị kỹ thuật giữa các khối (chiến đấu, bảo đảm, phục vụ, cơ quan và nhà trường); giữa lực lượng chủ lực và địa phương; giữa bộ đội thường trực và dự bị động viên... đáp ứng 5 tình huống chiến lược, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân. Bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện, nâng cao chất lượng sẵn sàng chiến đấu theo hướng: xây dựng quân đội thường trực cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp, có chất lượng chính trị cao, có tổ chức phù hợp và chặt chẽ.

Như vậy, chấn chỉnh tổ chức biên chế, giảm tổng quân số; hoàn thiện một số văn bản pháp lý quan trọng về quân sự, quốc phòng là những dấu ấn sâu sắc, thành tựu của công tác quân lực thời kỳ này đồng thời, thể hiện vai trò, tư duy về quân sự hiện đại phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trung tướng Khuất Duy Tiến