Quay lại

Đại tướng Lê Đức Anh với công tác nhà trường quân đội giai đoạn 1987 - 1991

Giai đoạn 1987 - 1991 là giai đoạn công cuộc đổi mới của nước ta đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Tháng 02/1987, Đại tướng Lê Đức Anh được bổ nhiệm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) trong bối cảnh công tác quân sự và quốc phòng có những đổi mới quan trọng.

Chúng ta đã thực hiện một cuộc điều chỉnh chiến lược lớn, bố trí lại lực lượng trên phạm vi cả nước, tạo ra thế phòng thủ hợp lý, tăng cường khả năng phòng thủ ở các khu vực trọng điểm; từng bước xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Đã chấn chỉnh một bước cơ bản tổ chức biên chế lực lượng vũ trang, chú trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên và nâng cao chất lượng dân quân tự vệ, nâng cao chất lượng tổng hợp của quân đội, trước hết là về mặt chính trị. Trong giai đoạn này trước những yêu cầu mới của tính hình đất nước, của quân đội, nhiệm vụ giáo dục đào tạo và công tác nhà trường quân đội đòi hỏi có những bước chuyển mình, đi vào chiều sâu bảo đảm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, sĩ quan quân đội. Để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng đó, Đại tướng Lê Đức Anh, với tư duy sắc sảo và tầm nhìn chiến lược của mình, đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với công tác nhà trường quân đội, tập trung ở những nội dung cơ bản, nổi bật đó là:
 

1. Đổi mới công tác nhà trường quân đội phải chủ động sớm để góp phần xây dựng quân đội vững mạnh

Nhận thức sâu sắc về vai trò của đội ngũ cán bộ, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quân đội đối với công cuộc đổi mới của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng và đổi mới xây dựng quân đội đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 17/9/1987, Đại tướng Lê Đức Anh đã chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu ban hành biểu biên chế Cục Nhà trường (Quyết định số 182/QĐ-TM) tạo điều kiện quan trọng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu cho Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng chỉ đạo, quản lý, điều hành công tác đào tạo và xây dựng nhà trường quân đội. Đại tướng trực tiếp cùng các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương chỉ đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị soạn thảo Nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương về đổi mới công tác nhà trường quân đội. Ngày 24/5/1988, Nghị quyết số 115/NQ-ĐU về công tác nhà trường trong thời gian 1988 - 1990 và những năm tiếp theo ra đời. Đây là Nghị quyết về đổi mới công tác nhà trường quân đội nhằm tập trung nâng cao chất lượng toàn diện và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu “Xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng trong quân đội có phẩm chất đạo đức tốt, vững vàng về chính trị, có trình độ năng lực lãnh đạo chỉ huy, quản lý và phong cách lãnh đạo ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ” theo tinh thần đổi mới công tác tổ chức cán bộ do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra. Ngày 31/8/1988, Đại tướng Lê Đức Anh đã trực tiếp chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 115/NQ-ĐU cho cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan các học viện, nhà trường toàn quân.

Trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng đã chỉ đạo quy hoạch, kiện toàn hệ thống nhà trường quân đội, từng bước hội nhập với hệ thống giáo dục quốc dân như: Trường Sĩ quan pháo phòng không và Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật Tên lửa - Ra đa sáp nhập thành Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật phòng không (11/1987); sáp nhập ba trường: Trường Đại học Ngoại ngữ quân sự, Trường T.500 và Trường Sĩ quan chỉ huy trinh sát vô tuyến điện thành Trường Đại học Ngoại ngữ quân sự (6/1988)... Đồng thời, để hệ thống nhà trường quân đội có đủ điều kiện, vị thế tham gia hội nhập với hệ thống giáo dục quốc dân, Đại tướng Lê Đức Anh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất những biện pháp phối hợp với các bộ, ngành ra các văn bản đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành quyết định về hệ thống nhà trường Quân đội nhân dân Việt Nam trong hệ thống các trường đại học và chuyên nghiệp của Nhà nước. Ngày 18/3/1987 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Quyết định số 86/CT về giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học thuộc lĩnh vực khoa học quân sự cho 4 học viện: Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng), Lục quân, Chính trị, Hậu cần. Tiếp đó, ngày 03/02/1991 Bộ Giáo dục và Đào tạo có Quyết định số 57/QQD cho phép quân đội tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa theo quy định chung của Nhà nước; Cục Nhà trường được Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao trách nhiệm về toàn bộ công tác chỉ đạo, quản lý các kỳ thi văn hóa trong quân đội như một Sở Giáo dục và Đào tạo.
 

2. Lấy mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làm cơ sở để đổi mới mục tiêu, chương trình, phân cấp đào tạo của các nhà trường quân đội

Giai đoạn 1987 - 1991 là giai đoạn Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Đại tướng Lê Đức Anh đề xuất với Bộ Chính trị nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước; nhất là về lĩnh vực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, về tổ chức xây dựng quân đội vững mạnh, giảm biên chế quân số thường trực gắn liền với điều chỉnh bố trí lực lượng, tạo thế chiến lược trên phạm vi toàn quốc, phù hợp với sự nghiệp đổi mới của Đảng, khắc phục được những khó khăn của đất nước, nâng cao khả năng tác chiến của các lực lượng vũ trang, giữ vững và tăng cường khả năng phòng thủ đất nước. Theo Đại tướng, “Đó là con đường đổi mới trong xây dựng quân đội nhân dân, đổi mới công cuộc xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ quốc phòng và an ninh, kết hợp chặt chẽ công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Trước yêu cầu đổi mới xây dựng Quân đội nhân dân, củng cố nền quốc phòng toàn dân, việc tăng cường xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ các cấp là vấn đề mang tính chiến lược, có ý nghĩa quyết định sự phát triển của quân đội cả trước mắt và lâu dài. Từ đánh giá thực tiễn, nguyên nhân của hiện tượng một bộ phận sĩ quan còn hạn chế về “cả ba mặt: quản lý bộ đội, huấn luyện và chỉ huy chiến đấu”, “lý thuyết thì giỏi, nhưng thực hành lại hạn chế”; thấy rõ yêu cầu cần thiết phải xác định chủ trương mới về mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo. Bám sát tinh thần của Nghị quyết số 115/NQ-ĐU của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Đại tướng Lê Đức Anh đã chỉ đạo hệ thống nhà trường toàn quân phải chuyển hướng mục tiêu đào tạo cán bộ theo học vấn sang “đào tạo theo chức vụ, chủ yếu là chức vụ ban đầu và chức vụ trọng điểm”, để sĩ quan khi ra trường có đủ khả năng điều hành, quản lý đơn vị, huấn luyện tốt và chỉ huy chiến đấu tốt. Việc phân cấp đào tạo có sự thay đổi rõ rệt nhất ở Học viện Cấp cao, Học viện Lục quân và các trường đào tạo sĩ quan cấp phân đội. Tiếp đó, theo chỉ đạo của Đại tướng Lê Đức Anh, các cơ quan Bộ Quốc phòng ban hành Chương trình đào tạo sĩ quan chỉ huy - tham mưu binh chủng hợp thành 3 cấp: chiến thuật; chiến thuật - chiến dịch; chiến dịch - chiến lược.
 

3. Kết hợp chặt chẽ nghiên cứu khoa học quân sự với đào tạo cán bộ

Giai đoạn này, tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp. Không để tác động xấu đến nhận thức, tư tưởng của bộ đội mà trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đại tướng Lê Đức Anh chỉ đạo Tổng cục Chính trị chuẩn bị chu đáo và tổ chức hội thảo khoa học để “Thống nhất một số quan điểm cơ bản và nội dung chủ yếu trong giảng dạy các bộ môn khoa học xã hội ở nhà trường quân sự và các đơn vị quân đội”. Cuộc hội thảo đã được tổ chức ở Hà Nội, từ ngày 15 đến ngày 18/5/1989, có gần 80 cán bộ đầu ngành nghiên cứu giảng dạy về khoa học xã hội - nhân văn ở cơ quan chiến lược, các học viện và trường đại học trong quân đội (có cố vấn Liên Xô tham dự). Nội dung tập trung vào ba vấn đề lớn là: Thời đại ngày nay; đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội và nhận thức cho đúng về chủ nghĩa tư bản hiện đại. Sau hội nghị này, những nội dung trên tiếp tục được nghiên cứu để bổ sung, cập nhật vào nội dung giảng dạy tại các trường và học tập tại đơn vị.

Trước đó, để nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo trong quân đội, Đại tướng Lê Đức Anh đã chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu, các cơ quan Bộ Quốc phòng tổ chức hội thảo về công tác nghiên cứu khoa học giáo dục quân sự, trong đó tập trung làm rõ các nội dung về công tác nghiên cứu khoa học giáo dục quân sự và sư phạm quân sự và đưa ra kết luận: phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận dạy học làm cơ sở đổi mới phương pháp dạy học trong các nhà trường quân đội.

Triển khai thực hiện “đổi mới tư duy” ở lĩnh vực quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh cùng với các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương đã chỉ đạo sát sao các cơ quan Bộ Quốc phòng tiến hành song song hai công việc lớn, đó là: xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch điều chỉnh thế bố trí chiến lược và giảm quân số; soạn thảo các văn bản, tài liệu, giáo trình và triển khai trên toàn quốc “Thế trận chiến tranh nhân dân” và nhiệm vụ “Quốc phòng toàn dân” làm cơ sở lý luận và thực tiễn để Bộ Chính trị ra Nghị quyết 02/NQ-TW ngày 30/7/1987. Đây là nghị quyết rất quan trọng về cơ chế, nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước cũng như đường lối chiến tranh nhân dân và xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc trong tình mới.

Đặc biệt, Đại tướng Lê Đức Anh rất tâm huyết với công việc tổng kết kinh nghiệm chiến tranh. Đại tướng cho rằng, làm được điều này một cách đầy đủ, thấu đáo, khoa học và nghiêm túc thì mang lại ý nghĩa rất to lớn, rất có ích cho công cuộc giữ nước hôm nay và mai sau. Đại tướng lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng, nhất là chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu và các học viện, nhà trường đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, biên soạn tài liệu, giáo trình đào tạo cán bộ. Tập huấn cán bộ về những quan điểm, chủ trương, Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng về quân sự, quốc phòng, về phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, lâu dài, tự lực, tự chủ và đoàn kết quốc tế đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tướng Lê Đức Anh rất chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học quân sự, tổng kết thực tiễn. Ngày 01/9/1987, Đại tướng quyết định thành lập Hội đồng chỉ đạo biên soạn công trình nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng và chỉ đạo Học viện Quân sự cấp cao tổ chức bộ phận biên tập lịch sử quân sự và nghệ thuật chiến dịch trong 30 năm chiến tranh giải phóng. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu vào nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ; nâng cao năng lực vận dụng linh hoạt vào thực tiễn chỉ huy, chỉ đạo huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ngày 23/02/1990, Đại tướng đã giao nhiệm vụ cho Học viện Quân sự cấp cao cử cán bộ Học viện và 5 đồng chí giáo viên theo dõi diễn tập, cùng cơ quan Bộ tổng kết rút kinh nghiệm biên soạn tài liệu chiến dịch phòng ngự quân khu.
 

4. Quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục quân sự

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là nhiệm vụ quan trọng, quyết định đến chất lượng đào tạo cán bộ trong các học viện, nhà trường quân đội. Đại tướng Lê Đức Anh luôn dành thời gian, quan tâm sâu sát đến công tác nhà trường, quan tâm đến chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Từ ngày 01 đến ngày 22/9/1988, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh đã chỉ đạo cơ quan Bộ Quốc phòng tổ chức tập huấn chiến thuật cấp sư đoàn cho hơn 300 cán bộ, giáo viên từ cấp thiếu tá trở lên cho các học viện, nhà trường (Học viện Quân sự cấp cao, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Quân y, Học viện Chính trị - quân sự và Trường trung cấp Biên phòng) và giao cho Học viện Quân sự cấp cao chủ trì.

Đại tướng Lê Đức Anh luôn quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực tư duy, phương pháp và tác phong sư phạm của đội ngũ nhà giáo. Yêu cầu nhà giáo quân đội không chỉ có năng lực tư duy lý luận, giỏi về chuyên môn sư phạm mà thành thạo trong vận dụng vào thực tiễn, trong lãnh đạo, chỉ huy để từ đó thực hiện chương trình, nội dung đào tạo cán bộ có hiệu quả, là tấm gương để học viên học tập noi theo. Đại tướng đặc biệt quan tâm đến chất lượng đội ngũ nhà giáo quân đội, bởi theo ông, muốn có đội ngũ cán bộ được đào tạo tốt, phải có đội ngũ nhà giáo giỏi, có uy tín sư phạm cao, đồng thời chỉ rõ, bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ nhà giáo quân đội có ý nghĩa quyết định. Ngày 11/11/1988, Đại tướng Lê Đức Anh chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Cục Nhà trường tổ chức thẩm định và báo cáo danh sách nhà giáo đề nghị Hội đồng Nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú trong quân đội lần thứ nhất cho 02 Nhà giáo Nhân dân, 06 Nhà giáo Ưu tú của quân đội. Ngày 15/11/1988, Bộ Quốc phòng đã đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 174/HĐBT công nhận đặc cách chức danh khoa học cho nhà giáo thuộc các bộ môn khoa học Mác - Lênin trong quân đội. Theo Quyết định này, quân đội được công nhận đặc cách 02 giáo sư, 10 phó giáo sư các bộ môn khoa học Mác - Lênin.

Với gần 100 năm tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, đảm đương các trọng trách khác nhau, đặc biệt là trong giai đoạn 1987 - 1991, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Đại tướng Lê Đức Anh đã có những đóng góp quan trọng, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng đề ra chủ trương, đường lối, quyết sách đúng đắn đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam giành nhiều thắng lợi to lớn. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đánh giá: Đồng chí Lê Đức Anh “là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”, của nhân dân ta, của cách mạng Việt Nam. Ở bất kỳ cương vị nào, Đại tướng Lê Đức Anh cũng luôn trăn trở, tìm tòi, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng để tái thiết đất nước, khởi xướng công cuộc đổi mới, phá thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước; cùng Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng thế trận “chiến tranh nhân dân” và nền quốc phòng toàn dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và xây dựng hệ thống nhà trường, đội ngũ cán bộ, sĩ quan, nhà khoa học, giảng viên cho quân đội. Những đóng góp to lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, tư tưởng lý luận và hoạt động thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy quân đội nói chung, công tác nhà trường quân đội nói riêng của Đại tướng Lê Đức Anh vẫn mãi là những bài học quý báu để chúng ta trân trọng, kế thừa, phát triển trong sự nghiệp xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
 

Trung tướng, GS.TS TRẦN HỮU PHÚC